Khu du lịch rừng tràm Trà Sư – Ảnh internet
1. Tiềm năng phát triển du lịch xanh
An Giang có 4 khu du lịch trọng điểm là Châu Đốc, Long Xuyên, núi Cấm, Óc Eo, trong đó Châu Đốc ở vị trí ưu tiên số một. Từ lâu, người dân Tây Nam Bộ có câu nói “Đến An Giang mà không lên Châu Đốc, không đến viếng núi Sam là coi như chưa đến tỉnh này”. Vì vậy, trong việc phát triển du lịch ở An Giang, trước tiên, phải quan tâm chú ý đến phát triển du lịch Châu Đốc.
Châu Đốc có nhiều tiềm năng (tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, lịch sử, tâm linh) để phát triển du lịch, trong đó trọng điểm chính là khu du lịch núi Sam.
Trước hết, khu di tích núi Sam là một thắng cảnh tham quan nổi tiếng bởi vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình, thơ mộng. Ngọn núi Sam là một trong 7 ngọn núi lớn của An Giang, của vùng thất sơn – điểm nhấn hấp dẫn du khách trong và ngoài vùng. Về tự nhiên, danh thắng núi Sam cao 237m, chiếm diện tích 4000m2. Xung quanh núi có sông, trên núi có nhiều cây phượng và huỳnh mai, đến mùa lá trổ bông, cả núi Sam như được khoác lên mình bộ áo đỏ thắm rực rỡ giữa màu xanh bát ngát của ruộng đồng. Đây thực sự là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng cho nghỉ dưỡng và tham quan.
Khu di tích núi Sam còn là địa điểm du lịch văn hóa, lịch sử độc đáo với một quần thể các di tích. Ngoài những di chỉ khảo cổ và nền văn hóa Óc Eo rải rác dày đặc xung quanh, núi Sam còn có một quần thể kiến trúc mang tính văn hóa, lịch sử với các công trình kiến trúc nhân tạo, như vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, khu lăng ông Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, pháo đài, An dưỡng viện, đường nấc thang dành cho người đi bộ. Trong đó, 4 di tích nổi tiếng nhất là miếu Bà Chúa Xứ, lăng ông Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và chùa Tây An.
Miếu Bà Chúa Xứ là một kiến trúc nghệ thuật bề thế, uy nghiêm, kết hợp truyền thống và hiện đại, được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và xác lập nhiều kỷ lục, như ngôi miếu lớn nhất, tượng đá sa thạch xưa nhất và lớn nhất, có áo phụng cúng nhiều nhất… Nơi đây thờ pho tượng Bà Chúa Xứ bằng đá sa thạch, có kích thước to hơn người thật, tư thế ngồi cao 1,25m, nặng 2 tấn, được tạc vào TK XVI – XVII. Tùy theo cách nghĩ riêng của từng cộng đồng mà pho tượng được hiểu là vị thần của đạo Bà Là Môn (đối với nhà khảo cổ học), là Chúa Xứ Thánh Mẫu hoặc Phật Bà Quan Âm (đối với người Việt), Thiên Hậu Thánh Mẫu (đối với người Hoa)…
Chùa Tây An, một danh lam có đường nét kiến trúc tổng hợp, hài hòa tư tưởng tín ngưỡng đặc trưng nhiều tôn giáo và các dân tộc cộng cư trong vùng. Chùa do Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn cho xây cất vào năm 1847, trong chùa có gần 150 pho tượng cổ, được thực hiện trên các nguyên liệu khác nhau, phần lớn là bằng gỗ, đều còn nguyên vẹn. Chùa Tây An gắn liền với cuộc đời tu tập, độ thế của Đức Phật Thày Doãn Văn Huyên, giáo tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Chùa Tây An được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được xác lập kỷ lục Việt Nam, bởi là ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam.
Khu lăng ông Thoại Ngọc Hầu, vị quan đại thần trong việc giữ cõi ở biên thùy thời quân chủ, khâm sai Thống chế triều Nguyễn, Án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ. Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp cổ kính với một tổng thể hài hòa, từ cổng vào đến bình phong, khu mộ, đền thờ, cây cảnh… mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn.
Chùa Hang ở độ cao 30m kể từ chân núi, được xây dựng khoảng năm 1840, gắn liền với truyền thuyết Bà Thợ. Chùa Hang là một quần thể di tích có kiến trúc đẹp, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đậm nét. Bản thân chùa Hang đã toát lên vẻ trang nghiêm, cổ kính, hoành tráng với bao huyền thoại truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo nên sức hấp dẫn khách thập phương có tính hiếu kỳ.
Bốn di tích trên đã được Bộ VHTTDL công nhận xếp hạng di tích Văn hóa – lịch sử cấp quốc gia, bởi những đóng góp, giá trị về mặt nghệ thuật, văn hóa gắn liền với các nhân vật, anh hùng có nhiều công trạng với vùng đất An Giang nói riêng, Tây Nam Bộ nói chung.
Ngoài ra, khu du lịch núi Sam còn có nhiều lễ hội lớn nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ, trong đó, nổi bật nhất là lễ hội Vía Bà, hay còn gọi là lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ, được tổ chức từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch. Đặc biệt, từ năm 2001, khi Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ được công nhận là lễ hội cấp quốc gia và từ năm 2015 là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lượng khách hành hương về Châu Đốc ước tính đạt 4 triệu lượt một năm. Số lượng du khách đến dự lễ hội Bà Chúa Xứ tăng lên liên tục và có số lượng người tham dự đông nhất ở An Giang.
Ngoài khu di tích núi Sam, ở trung tâm thành phố Châu Đốc còn có một số di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh nổi tiếng khác, trong đó nổi bật là đình Châu Phú, Bồ Đề Đạo Tràng.
Đình Châu Phú thuộc phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, được xây dựng cách đây gần 170 năm. Đình Châu Phú là kiến trúc nghệ thuật sắc sảo, một trong những ngôi đình lớn và đẹp ở miền Tây, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình có kiến trúc mang hình chữ “Tam” bề thế, cổ kính, thể hiện được những tinh hoa trong phong cách kiến trúc cung đình, mang đậm dấu ấn nghệ thuật truyền thống dân tộc thời Nguyễn.
Bồ Đề Đạo Tràng là ngôi chùa nổi tiếng ở Ấn Độ với cây bồ đề cổ thụ, nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Năm 1951, một nhánh bồ đề chiết từ gốc cây được Đại đức Jinara Jadasa trao tặng Phật tử Châu Đốc. Nhánh bồ đề được trồng tại quảng trường trung tâm thành phố. Chính từ nguồn gốc đó, một ngôi chùa ở Châu Đốc được xây dựng và mang tên Bồ Đề Đạo Tràng. Ngày nay, Bồ Đề Đạo Tràng luôn thu hút phật tử từ khắp nơi đến chiêm bái, cúng viếng.
Châu Đốc được xem là nơi có văn hóa ẩm thực độc đáo ở miền Tây, có sự hòa trộn khẩu vị, hương vị từ ẩm thực của dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm trong các món ăn đặc sản như: cá ba sa, bò vò viên, bún nước kèn, khô, mắm, khô cá sặc, các lóc,… Với những đặc sản này, Châu Đốc có thể phát triển du lịch hội chợ, thương mại với tour mua sắm đặc sản Châu Đốc.
2. Giải pháp phát triển du lịch xanh ở Châu Đốc
Với nhiều tiềm năng, tài nguyên, An Giang trở thành một trong những tỉnh có lợi thế phát triển về du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2010, khách đến An Giang là 4,5 triệu lượt, năm 2016 là 6,5 triệu lượt, năm 2018 tăng đột biến lên 8,5 triệu lượt và tiếp tục duy trì mật độ trong năm 2019. Theo Sở VHTTDL An Giang, ước tính 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đón khoảng 7 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 7,69% so cùng kỳ năm 2018, đạt 76% kế hoạch năm 2019) (1). Nếu so sánh với các tỉnh khác trong vùng thì An Giang là tỉnh đứng vị trí hàng đầu trong việc thu hút khách du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, “năm 2018, Đồng bằng sông Cửu Long đã đón 40.745.296 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó, có 3.420.109 lượt khách quốc tế, tăng 19,8 % so với cùng kỳ. Đạt doanh thu 23.782,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các địa phương trong vùng, An Giang là địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất” (2). Những thành công trong phát triển du lịch của tỉnh An Giang có sự đóng góp rất lớn của du lịch Châu Đốc.
Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch An Giang trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Ví như, trước đây vẻ đẹp của lăng Thoại Ngọc Hầu một phần nhờ yếu tố cổ kính, rêu phong, huyền ảo, tráng lệ. Nhưng năm 2010, di tích được trùng tu lại theo kiểu “làm mới”, màu nước sơn hiện đại đã khiến lăng mộ trở nên sặc sỡ, không còn giữ được màu sắc rêu phong cũ; mùa lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ khách thập phương về dự đông, quá tải so với kết cấu hạ tầng du lịch, hay việc bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn… Vì vậy, để phát triển du lịch xanh một cách bền vững, Châu Đốc cần chú ý thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa du lịch cho cộng đồng, về trách nhiệm và quyền lợi của người dân trong hoạt động du lịch, ứng xử của người dân bản địa đối với du khách, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan di tích văn hóa, lịch sử trong hoạt động du lịch; ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình tiến hành lễ hội, trùng tu di tích…
Thứ hai, các ngành các cấp cần triển khai nghiên cứu hệ thống, bài bản, sâu sắc về tài nguyên du lịch của thành phố Châu Đốc, tiến hành quảng bá tài nguyên du lịch của vùng trên trang web của chính quyền thành phố…
Thứ ba, chính quyền cần có những chính sách thông thoáng, kêu gọi, thu hút vốn đầu tư xã hội vào phát triển du lịch ở Châu Đốc, huy động mọi nguồn lực của nhân dân cho phát triển du lịch.
Thứ tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch ở Châu Đốc, đặc biệt là kết cấu hạ tầng du lịch khu di tích núi Sam.
Thứ năm, trên cơ sở tài nguyên du lịch, thành phố Châu Đốc cần xây dựng thành các tour du lịch da dạng với các loại hình bao gồm: du lịch tâm linh kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử, danh thắng và du lịch thương mại. Đồng thời, thành phố cũng cần kết nối với các khu du lịch khác trong tỉnh An Giang để tăng thời gian lưu trú của du khách.
Hoạt động du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào việc nâng cao đời sống của người dân, tăng cường bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giao lưu văn hóa, tăng nguồn thu ngân sách…Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững trong tương lai, Châu Đốc cần hướng tới phát triển du lịch xanh, đồng thời cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch một cách bền vững.
_______________
1, 2. vietnamtourism.gov.vn.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?