Khơ mú là một tộc người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Họ tự gọi mình bằng cái tên Khmụ, Kmhmụ hay Kừmmụ. Người Khơ mú còn có tên gọi khác là Xả hay Xá (1). Về nguồn gốc và lịch sử cư trú của người Khơ mú ở Việt Nam, có hai quan điểm chính: một, cho rằng người Khơ mú là một trong những cư dân bản địa vùng bán đảo Đông Dương, tập trung ở vùng Bắc Lào, đến Việt Nam vào TK XIX; hai cho rằng người Khơ mú là những cư dân bản địa cư trú lâu đời ở vùng Tây Bắc (2). Với khoảng thời gian dài sống và làm việc với cộng đồng các tộc người khác nhau, trong đó có người Khơ mú, chúng tôi nhận thấy, người Khơ mú Điện Biên còn giữ được nhiều truyền thống trong sinh hoạt văn hóa tộc người, từ kiến trúc nhà ở đến ẩm thực, từ đời sống tín ngưỡng đến phong tục. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung vào địa bàn nghiên cứu là bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (3), huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi có ba tộc người chủ yếu cộng cư gồm Cống, Khơ mú và Lào.
Người Khơ mú là tộc người thuộc ngôn ngữ Môn- Khơme. Trên thế giới, người Khơ mú phân bố chủ yếu ở Lào, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, trong đó, ở Trung Quốc, Khơ mú không được coi là một tộc người, họ được xếp vào một nhóm các tộc người không phân loại. Ở Việt Nam, người Khơ mú là một trong những tộc người có trình độ kinh tế kém phát triển, sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Qua tổng quan tư liệu có thể thấy, nghiên cứu về văn hóa người Khơ mú hiện nay chưa đạt được nhiều thành tựu, chủ yếu tập trung ở những nghiên cứu về ngôn ngữ, về các mã văn hóa, các ký hiệu… Có thể kể đến nghiên cứu của Suwilai Premsrirat (4), Frank Prochan (5), Harkan Lundstrom (6)… Nhìn chung, lĩnh vực quan tâm chủ yếu của các bài viết này nằm ở việc tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về người Khơ mú có thể kể đến các công trình của các tác giả Khổng Diễn, Trần Tất Chủng, Vi Văn An, Đặng Thị Oanh, Tòng Văn Hân… Các công trình này đã mô tả một cách tổng quan về người Khơ mú ở Việt Nam, về các sinh hoạt văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức đời sống ở một địa bàn cụ thể như Nghệ An, Điện Biên, Sơn La. 1. Tổng quan về đối tượng nghiên cứu Về xã Pa Thơm Xã Pa Thơm nằm ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, vùng biên giới Việt Lào. Xã có diện tích 87,9 km², dân số năm 1999 là 884 người, mật độ dân số đạt 10 người/km². Xã có ba tộc người sinh sống chủ yếu gồm: người Khơ mú, người Cống và người Lào. Trong đó, mỗi tộc người cư trú thành những bản riêng biệt. Khoảng cách địa bàn cư trú của các tộc người tương đối xa, các tộc người không có thế mạnh về sản xuất hàng hóa, vì thế, mức độ giao lưu văn hóa giữa các tộc người nơi đây diễn ra không thường xuyên. Xã Pa Thơm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km về phía Tây Nam. Từ trung tâm thành phố, chúng ta theo quốc lộ 279, qua trung tâm huyện Điện Biên, đi về phía Tây Nam về biên giới Việt Lào. Cung đường này đưa chúng ta qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Điện Biên là tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, khu hận thù Noong Nhai ghi dấu ấn đau thương trong thời kháng chiến chống Pháp, khu di tích thành Bản Phủ, nơi có đền Hoàng Công Chất, ghi dấu ấn lịch sử oai hùng của tinh thần đoàn kết dân tộc người trước nạn giặc giã… Xã Pa Thơm là xã biên giới, giàu có về tài nguyên văn hóa tộc người với những bản của người Lào, người Cống và người Xá. Xã còn có động Pa Thơm nổi tiếng với một hệ thống truyện cổ dân gian về nguồn gốc của tộc người, của những vùng đất… Nhân dân địa phương gọi động là Thẩm Nang Lai với ý nghĩa đây là nơi ở của nhiều nàng tiên hoa, gắn với truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa. Nằm ở lưng chừng núi, động Pa Thơm có 9 vòm lớn nhỏ, nhiều nhũ đá mang những hình hài hết sức sống động, màu sắc huyền ảo như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc. Với cự ly không xa trung tâm thành phố, cùng với sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa tộc người, xã Pa Thơm huyện Điện Biên là một địa danh hấp dẫn khi nhắc đến Điện Biên. Khái quát về người Khơ mú ở xã Pa Thơm Người Khơ mú, còn có tên gọi khác là Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Măng Cẩu, Tày Hạy, Mứn Xen, Pu Thềnh, Tềnh với tổng số dân 56.542 người (7), là một trong những tộc người cư trú lâu đời ở Tây Bắc Việt Nam. Người Khơ mú sống chủ yếu bằng hình thức canh tác nương rẫy nên còn được gọi là Xá ăn lửa. Ở Điện Biên, người Khơ mú có khoảng 16.200 người, chiếm khoảng 3,3% dân số toàn tỉnh (8), cư trú ở hầu hết các triền núi cao hoặc vùng lưng chừng núi các huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện tại, ngoài ruộng rẫy, người Khơ mú còn trồng lúa nước với những thửa ruộng ngay sát bên bản. Công cụ sản xuất của họ gồm rìu, dao, cuốc, trong đó, gậy chọc lỗ là một dụng cụ đáng chú ý nhất. Cho đến hiện tại, việc trao đổi mua bán bằng hình thức hàng đổi hàng hóa vẫn còn phổ biến. Người Khơ mú có chăn nuôi trâu bò, lợn, gà nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, tín ngưỡng và sức kéo. Mục đích bán lấy tiền đã được đồng bào chú ý hơn trước. Người Khơ mú ở xã Pa Thơm hiện không còn tập quán du cư, du canh thì vẫn còn khá phổ biến. Ở xã Pa Thơm, người Khơ mú cư trú tập trung ở hai bản: Pa Xa Xá và Xa Cuông, trong đó, bản Pa Xa Xá gần trung tâm hơn. Bản Xa Cuông cách trung tâm xã 3km với điều kiện cư trú khó khăn gấp nhiều lần. Bản Pa Xa Xá có 56 hộ gia đình, bản Xa Cuông có 44 hộ (9). Về giáo dục, bản Xa Cuông chỉ có một điểm trường cho học sinh mầm non, mẫu giáo và tiểu học (đến lớp 3). Tỉ lệ mù chữ của người dân nơi đây thấp nhưng tỉ lệ tái mù lại cao và hiện tại, ở Xa Cuông, nhiều người không sử dụng được tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Kinh tế nông nghiệp chủ yếu là kinh tế nương rẫy, tự cấp tự túc, đồng bào ăn gì trồng nấy, ăn gì nuôi nấy. Người Khơ mú ở bản Pa Xa Xá cũng như người Khơ mú ở những nơi khác, họ có nghề đan lát để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Hiện tại, những vật dụng như rổ, rá, dế, gùi… vẫn là sản phẩm do đồng bào tự đan lát để sử dụng chứ không mua đồ làm sẵn bằng các loại chất liệu như nhựa, inox… Theo quan sát của chúng tôi, người Khơ mú có tư duy kinh tế kém, đồng bào có tập tục chăn thả gia súc, gia cầm, tác động rất lớn đến môi trường sống và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp do sản xuất trồng trọt bị trâu bò phá hoại. Chính địa bàn cư trú biệt lập, lại không có tư duy làm ăn kinh tế, mức sống của người Khơ mú ở Pa Xa Xá ở trình độ tương đối thấp. So với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.400 USD (tương đương 54.600.000đ) (10), thu nhập của người Khơ mú bằng khoảng 1/8 thu nhập trung bình của cả nước. Đương nhiên, so sánh thu nhập của một khu vực miền núi, vùng biên giới với thu nhập bình quân cả nước thì sẽ có nhiều bất cập nhưng rõ ràng, mức thu nhập bình quân như vậy là rất thấp. Thu nhập quá thấp chắc chắn sẽ dẫn đến những khó khăn và hạn chế nhiều cơ hội về nâng cao chất lượng cuộc sống, đơn cử như giáo dục, y tế… và các vấn đề khác trong thời đại hội nhập như hiện nay. Theo quan sát của chúng tôi, tại bản Pa Xa Xá, nhiều hộ gia đình trong một tháng chỉ mất tiền chi phí vào việc mua gia vị như muối, mỳ chính, đường – những vật phẩm thiết yếu, còn lại là tự túc. 2. Thực trạng đời sống của người Khơ mú ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên Văn hóa vật chất Đến với mỗi một vùng đất mới, thường thì ẩm thực là thứ dễ gây ấn tượng đối với du khách và các nhà nghiên cứu, bên cạnh hạ tầng kiến trúc. Đến với bản Pa Xa Xá, chúng ta thấy rằng, qua bao biến thiên của thời gian, ẩm thực của người Khơ mú cho thấy còn bảo lưu được nhiều giá trị của ẩm thực truyền thống. Qua quan sát từ 10 gia đình, có thể đi đến nhận xét: người Khơ mú ăn hai bữa chính trưa và tối, bữa sáng được xem là bữa phụ. Bữa phụ người Khơ mú thường ăn cơm nếp và ăn suông, không kèm các đồ ăn khác. Bữa trưa và tối thường có 3 món, có khi 2 món, hoặc 4 món, theo thứ tự ưu tiên: cơm nếp, canh suông, thịt hoặc cá. Người Khơ mú vẫn ăn xôi là chính, gạo chủ yếu là hai loại gạo nếp: nếp nương và nếp ruộng, trong đó, nếp nương được giá cao hơn nên chủ yếu, họ dành để bán, người dân ăn nếp ruộng là chính. Canh suông cũng là món ăn phổ biến trong bữa cơm của người Khơ mú. Cá, thịt thì thường được chế biến bằng cách xiên vào que, nướng trong lúc nấu cơm, canh. Đồ uống có rượu, đồ hút có thuốc lá. Tuy nhiên, không phải bữa ăn nào của đồng bào cũng có chất đạm (thịt, cá, trứng), hơn một nửa bữa ăn bình thường thiếu món thịt nướng vì không phải lúc nào trong bản cũng có người thịt lợn để bán hoặc đồng bào có tiền để mua. Về đồ uống, nước đun sôi là thức uống chính, bên cạnh đó có thể dùng nước lã. Hiện nay một số gia đình bắt đầu nấu nước lá, được hái từ trên rừng nhưng không phổ biến như chè xanh trong văn hóa người Việt. Nước uống lên men có rượu. Đa số là rượu nếp do đồng bào tự nấu để phục vụ cho các công việc gia đình. Người Khơ mú hiện vẫn hút thuốc lá, tự trồng và cuốn lấy. Về kiến trúc và bố trí nhà cửa: kiến trúc truyền thống của người Khơ mú là nhà sàn. Tuy nhiên hiện nay, ở bản Pa Xa Xá, bên cạnh kiến trúc nhà sàn là chủ yếu, kiến trúc nhà nửa sàn nửa đất đã xuất hiện tương đối nhiều, trong đó, sinh hoạt chính của gia đình là ở tầng một, tầng hai chủ yếu là nơi bày ban thờ, nơi ngủ và chỗ học hành với những gia đình có người đi học. Ở tầng một, quanh nhà bao giờ cũng có giếng nước nhỏ, sân phơi, nơi chứa nông thổ sản và bếp (thường ở bên trái của nhà), tầng một thông thường sẽ có bàn uống nước, chỗ để quần áo (không có tủ mà vắt lên dây phơi), không gian giữa của nhà tầng một là chỗ để ăn cơm. Về kiến trúc nhà cửa, người Khơ mú nơi đây 100% vẫn ở nhà sàn, trong đó, nhiều nhà sàn còn giữ được nét truyền thống (dựng bằng gỗ, tre, nứa), chỉ có một sàn ở tầng một sử dụng gạch để lát nhà. Tuy nhà sàn được dựng hai tầng nhưng tầng một không được sử dụng để chăn nuôi gia súc (giống như người Thái và các tộc người khác) mà tầng một được làm thành phòng ở hẳn hoi và mọi sinh hoạt của người dân chủ yếu được thực hiện ở tầng một. Điều đặc biệt là ở nhà của người Khơ Mú, phía trước thường không có sân vườn. Cửa nhà sát đường nên có cảm giác gần gũi, thân thiện giữa nhà nọ với nhà kia. Mô hình một ngôi nhà người Khơ mú gồm: bước vào cổng là giếng (bể nước); bên cạnh bể nước là một sân nhỏ; bên cạnh bể nước thường có một vài lồng gà, vịt qua sân nhỏ là bếp, bếp nối liền với nhà; tầng một thường là nơi chứa thóc và các sản phẩm nông nghiệp khác, nơi vắt quần áo nơi tổ chức ăn cơm, nơi tiếp khách; tầng hai có một không gian quan trọng, đó là ban thờ tổ tiên (thờ ma nhà, ban thờ rất đơn giản, là một thanh gỗ (hoặc tre) được đóng sát vào vách nhà, bên trên không để bát hương). Trong gia đình, chỉ có chủ nhà (nam giới nhiều tuổi nhất trong nhà) được đến gần khu vực này, nữ và khách không được lại gần. Đây là một điều cấm kỵ của người Khơ mú. Bên cạnh gần nhất là nơi ngủ của ông chủ nhà, kế đến có thể là nơi ngủ của các thành viên khác. Nếu nhà có trẻ em đến tuổi đi học, có thể có thêm một chiếc bàn học. Nhìn chung, kiến trúc nhà của người Khơ mú rất đơn giản, còn bảo tồn được nhiều nét truyền thống. Về trang phục và phục sức: hiện nay, người Khơ mú chủ yếu mặc trang phục giống người Lào và người Thái với áo cánh ngắn và chân váy rộng, dài (hiện nay là áo phông hoặc áo sơ mi) nhưng cho đến nay, phụ nữ về cơ bản vẫn mặc chân váy và áo. Trẻ em nữ đang ở độ tuổi đi học thì mặc quần áo giống người Việt. Trang sức của người Khơ mú rất đơn giản. Phụ nữ có thể đeo một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ. Chúng tôi cho rằng, sở dĩ nữ phục Khơ mú ít biến đổi là vì, gần như 100% phụ nữ Khơ mú trên 45 tuổi (11) chưa từng đi ra khỏi bản. Họ tiếp xúc với người ngoại tộc rất ít, vì thế, sự lựa chọn trong phục sức của họ ít bị ảnh hưởng tác động bởi các tộc người khác. Nam phục thì không có gì đặc sắc, họ mặc hoàn toàn giống người Việt. Về sản xuất kinh tế: hiện nay, kinh tế của người Khơ mú vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trồng trọt là ngành nghề sản xuất chính, trong đó, trồng lúa nương và các loại cây lương thực trên nương như lạc, đỗ, sắn, ngô… là chủ yếu. Chúng ta có thể tìm thấy những mô tả kỹ lưỡng về tập quán sản xuất trong các công trình nghiên cứu của Khổng Diễn, Trần Tất Chủng, Vi Văn An và hiện nay về cơ bản vẫn không có gì biến đổi. Ruộng nước là loại hình trồng trọt phụ trợ cho trồng lúa nương. Chăn nuôi là hình thức sản xuất kinh tế thứ hai của người Khơ Mú, sau trồng trọt. Người Khơ mú nơi đây có tập quán nuôi gia cầm với phương châm tự cấp tự túc, mỗi gia đình thường có một, hai đến ba, bốn lồng gà, lồng ngan, vịt để lấy trứng và lấy thịt. Lồng gà, vịt thường được đặt ở sân trước, cùng chỗ với khu vực phơi phóng và dự trữ gia cầm. Trong chăn nuôi gia súc như trâu, bò, thả rông là một trong những đặc trưng trong tập quán của người Khơ mú. Về phương tiện vận chuyển và đi lại: người Khơ mú tự tạo ra các sản phẩm để vận chuyển, gồm: gùi (12), bung (13), họ còn giữ thói quen đi bộ, do cũng ít di chuyển ra khỏi địa bàn cư trú và đường sá lên nương rẫy không thuận lợi. Tuy nhiên hiện nay, xe máy đã được sử dụng nhiều trong cộng đồng người Khơ Mú, trong đó, nhiều người còn sử dụng nó như một phương tiện sinh nhai trong việc hành nghề xe ôm. Khu vực cư trú của họ là gần biên giới, xe ôm đáp ứng nhu cầu của người Lào và người Việt Nam đi lại giữa hai bên. (Còn nữa) ____________ 1, 2. Khổng Diễn, Dân tộc Khơ mú ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.21, 26. 3. Xã Pa Thơm thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, xã biên giới Việt Lào. 4. Đại học Mahidol Thái Lan, tác giả của các bài viết: Register complex and tonogenesis in Khmu dialects, The Khmu Color System and Its Elaborations, Phonological variation and change in the Khmu dialects of northern Thailand, Tonogenesis in Khmu dialects of SEA, Appropriateness in Khmu Culture… 5. Đại học Indiana University, tác giả bài viết Khmu play languages . 6. Đại học Lund, Thụy Điển, tác giả bài viết Kammu vocal geners and performance. 7. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2010. 8. Đặng Thị Oanh, Lễ cúng bản của người Khơ mú, Văn nghệ Điện Biên số 1+2/2013. 9. Số liệu điều tra tháng 10 – 2017, của tác giả. 10. Phương Dung, Kinh tế tăng trưởng mạnh, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.400 USD, theo dantri.com.vn. 11. Điều tra của tác giả, tháng 12 – 2017. 12. Phương tiện vận chuyển truyền thống của người Khơ mú với nhiều kích cỡ khác nhau, dùng với nhiều chức năng khác nhau: mang cơm lên nương, đựng rau, hoa quả, đựng thóc ngô. 13. Khuôn hình hơi vuông, phía trên có quai, mỗi bung có thể đựng được từ 5 đến 10 kg, khi vận chuyển, người ta dùng đòn gánh để gánh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018
Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%