Đối với một quốc gia, nền hành chính được xây dựng dựa trên bốn cột trụ chính: Thể chế hành chính, tổ chức bộ máy chính phủ từ trung ương đến địa phương, vấn đề nhân sự hành chính, tài chính công. Trong bốn cột trụ này, việc xây dựng một đội ngũ nhân sự hành chính có đạo đức, tài năng là vấn đề tốn nhiều công sức và có tính chất lâu dài nhất.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nhân sự với sự nghiệp phát triển đất nước, ngay từ ngày thành lập, Đảng ta rất chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phẩm chất thực thi nhiệm vụ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã ban hành Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng xác định 06 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) được thành lập năm 2007 trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Thể dục Thể thao, Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa – Thông tin, chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí – xuất bản sang Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp nhận Vụ Gia đình từ Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em. Với đặc trưng là Bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước nên nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công chức hành chính chuyên nghiệp đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày một cấp thiết.
Trên cơ sở quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, Bộ VHTTDL đã luôn quan tâm, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, đội ngũ công chức của Bộ có nhiều chuyển biến tích cực.
Về số lượng công chức
Theo Quyết định số 1818/QĐ-BNV ngày 28-11-2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc giao biên chế công chức năm 2014 trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ VHTTDL được giao 882 biên chế công chức. Tổng số biên chế công chức hiện đang sử dụng là 880 biên chế.
Về chất lượng công chức
Xét theo giới tính và độ tuổi: số lượng công chức có giới tính nam là 425 người (chiếm 53%), giới tính nữ là 386 người (chiếm 47%). Số lượng công chức từ 30 tuổi trở xuống là 114 người (chiếm 13%), từ 31 đến 40 tuổi là 393 người (chiếm 45%), từ 41 đến 50 tuổi là 197 người (chiếm 22%), từ 51 tuổi trở lên là 176 người (chiếm 20%).
Cơ cấu giới tính và độ tuổi
Xét theo cơ cấu ngạch công chức: công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương là 38 người (chiếm 4%), ngạch chuyên viên chính và tương đương là 198 người (chiếm 23%), ngạch chuyên viên và tương đương là 515 người (chiếm 59%), ngạch cán sự và tương đương là 30 người (chiếm 3%), các ngạch còn lại là 99 người (chiếm 11%).
Cơ cấu ngạch công chức
Xét theo trình độ đào tạo: số công chức có trình độ trên tiến sĩ là 35 người (chiếm 4%), thạc sĩ là 239 người (chiếm 27%), đại học là 495 người (chiếm 56%), cao đẳng và trung cấp là 30 người (chiếm 3%), trình độ sơ cấp và còn lại là 81 người (chiếm 9%).
Cơ cấu trình độ đào tạo
Xét theo trình độ lý luận chính trị: số công chức có trình độ cử nhân lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị là 190 người (chiếm 23,4%), trung cấp là 244 người (chiếm 30%), sơ cấp là 159 người (chiếm 19,6%).
Cơ cấu trình độ lý luận chính trị
Về cơ bản, đội ngũ công chức của Bộ VHTTDL có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, hầu hết được đào tạo bài bản với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển của ngành và đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ công chức của Bộ VHTTDL cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở thống kê cho thấy, đây là giai đoạn đội ngũ công chức có học hàm, học vị cao nhất so với các giai đoạn trước song lại không tỷ lệ thuận với năng lực thực tiễn, tính chuyên nghiệp, thạo việc chưa cao, còn thiếu các kỹ năng quản lý đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ của một nền hành chính hiện đại. Công tác phối hợp, làm việc theo nhóm công việc còn hạn chế, vẫn nặng lối làm việc cá nhân, thiếu tính kế hoạch, quy trình giải quyết công việc có lúc còn tùy tiện, cảm tính.
Riêng đối với công chức lãnh đạo, nhiều công chức có trình độ, uy tín chuyên môn cao nhưng còn nhiều hạn chế về kỹ năng, kiến thức trong quản lý. Vai trò quản trị của người đứng đầu trong cơ quan mờ nhạt dẫn đến sự “rối ren” trong nội bộ.
3. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của đội ngũ công chức, Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp. Công việc đầu tiên và xuyên suốt trong các khâu của công tác cán bộ là công tác đánh giá cán bộ. Đây là khâu mở đầu và cũng là khâu mang tính chất quyết định. Thế nhưng lâu nay, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế: các tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng, chưa xác định tiêu chí nào là quan trọng; việc đánh giá còn cả nể, hình thức, chưa thực chất. Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế trên, qua đánh giá mà chọn được đúng người, đúng việc để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và giao nhiệm vụ, hạn chế tình trạng nhầm người, nhầm việc để hệ lụy cho cả tập thể.
Hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính thuộc Bộ VHTTDL, tạo tiền đề chuyển đổi phương pháp quản lý nguồn nhân lực từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm với nhiều tính ưu việt.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25-6-2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, Bộ VHTTDL đã hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị; tổ chức thẩm định và tổng hợp danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức của Bộ. Từ 2015 trở đi, danh mục vị trí việc làm, gắn với biên chế công chức của Bộ VHTTDL được xác định dựa trên những phương pháp như sau:
Đối với biên chế của các vị trí lãnh đạo, quản lý; đối với cấp trưởng: xác định dựa trên số đơn vị, tổ chức.
Đối với cấp phó: xác định dựa trên số đơn vị, tổ chức; quy mô của từng đơn vị hoặc lĩnh vực, mảng công việc cần giao phụ trách; đối với biên chế của các vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn, nghề nghiệp: xác định dựa trên số vị trí việc làm đã xác định, tính chất đặc thù của lĩnh vực hoạt động và khối lượng công việc trung bình hàng năm.
Đối với biên chế của các vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ: xác định dựa trên số vị trí việc làm đã xác định, quy mô của đơn vị, tổ chức; tính chất đặc thù của lĩnh vực hoạt động.
Theo đó, tổng số biên chế công chức dự kiến của Bộ VHTTDL là 975 người, trong đó: biên chế công chức: 870 người; biên chế thực hiện các công việc hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 105 người.
Căn cứ Điều 8, Điều 9 của Thông tư 05/2013/TT-BNV ngày 25-6-2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cơ cấu ngạch công chức của Bộ VHTTDL được xác định như sau:
Công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương 73 người, chiếm 7,48% tổng số; công chức giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: 314 người, chiếm 32,20% tổng số; công chức giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương: 448 người, chiếm 45,94% tổng số; công chức giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương: 117 người, chiếm 12,00 % tổng số.
Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt, Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, lấy đó làm cơ sở để đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng công chức.
Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới công tác tuyển dụng theo kế hoạch và thực hiện tuyển dụng theo Đề án vị trí việc làm đã được xác định trên tinh thần công khai, minh bạch, cạnh tranh nhằm thu hút, tuyển chọn được những người có năng lực và tâm huyết tham gia vào hoạt động công vụ của Bộ.
Rà soát, hoàn thiện quy hoạch cán bộ, chiến lược cán bộ của Bộ VHTTDL gắn với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tiến hành công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011- 2016, giai đoạn 2016 – 2021 với số lượng cán bộ được giới thiệu vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý khá phong phú. Qua đó, phát hiện được nhiều nhân tố mới, có khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành theo các chiến lược phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là khắc phục cơ bản sự thiếu hụt về đội ngũ lãnh đạo ở 2 lĩnh vực du lịch, thể thao đã tồn tại trong thời kỳ trước.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ theo hướng chuyên môn hóa cho từng chức danh và từng vị trí việc làm đã được xác định, chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực xử lý công việc trong thực tiễn nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng làm việc của đội ngũ công chức; tập trung đào tạo đội ngũ chuyên gia, vững vàng về chuyên môn, tham mưu giỏi để nâng cao hiệu quả công việc.
Trên cơ sở quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị giai đoạn 2011 – 2016, giai đoạn 2016 – 2021 đã được phê duyệt, xây dựng và triển khai kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ. Trước hết, tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tạo điều kiện giúp cán bộ tự rèn luyện, đào tạo trong các môi trường công tác khác nhau. Đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu và triển khai thực tế công tác luân chuyển, điều động cán bộ giữa Bộ VHTTDL và các bộ, ngành trung ương, các địa phương.
Cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình làm việc nhằm rút ngắn thời gian giải quyết công việc của công chức, vừa bảo đảm tinh gọn đội ngũ vừa tăng cường hiệu quả công việc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : NGUYỄN VĂN TẤN
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam