Việt Yên là huyện trung du miền núi tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội 40 km, có truyền thống văn hóa lâu đời. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo Chương trình Mục tiêu quốc gia, vấn đề xây dựng văn hóa NTM, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở huyện về xây dựng văn hóa NTM là việc làm cần thiết nhằm kịp thời đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống nhân dân (1).
1. Những thế mạnh trong xây dựng văn hóa NTM ở Việt Yên
Có truyền thống văn hóa lâu đời và đẩy mạnh phát triển văn hóa, du lịch tâm linh, tín ngưỡng
Việt Yên có 5 làng quan họ cổ và 331 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc đặc sắc, trong đó có 91 di tích được xếp hạng: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh. Nổi bật trong đó là Khu di tích lịch sử văn hóa Ao Miếu – chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), Khu di tích Yên Viên, chùa Thổ Hà (xã Vân Hà), Khu di tích Đình Đông (thị trấn Bích Động).
Huyện còn bảo tồn và lưu giữ một số hoạt động lễ hội truyền thống độc đáo, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: lễ hội Thổ Hà, lễ hội chùa Bổ Đà… với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đa dạng như: đám rước, tế lễ, hát quan họ trên thuyền dưới bến, diễn các tích tuồng cổ nổi tiếng và tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.
Huyện có nhiều vùng thắng tích, cảnh quan đẹp như đền Mỏ Thổ (xã Minh Đức), khu Khe Bàn (xã Vân Trung)… cùng với sản phẩm các làng nghề đã được đăng ký thương hiệu, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước như sản phẩm rượu Vân Hương, bánh đa nem, mỳ Thổ Hà (xã Vân Hà), sản phẩm mây tre đan (xã Tăng Tiến)…
Ngoài ra, huyện còn bảo tồn và phát huy được giá trị của di sản dân ca quan họ, thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Những giá trị văn hóa, lịch sử này là cơ sở để huyện phát triển ngành dịch vụ, du lịch.
Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm xây dựng
Hiện nay, 17/17 xã trên địa bàn huyện có hội trường văn hóa đa năng, diện tích 400 – 500m2, 17/17 xã có khu thể thao diện tích trên 2.000m2 đảm bảo phục vụ các sự kiện lớn, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của toàn xã. 154/154 thôn có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Hằng năm, UBND các xã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống đuối nước cho học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn xã; 100% xã đã thành lập tổ dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho thanh thiếu niên trên địa bàn. 154/154 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo phục vụ nhu cầu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trên địa bàn. Các thôn đều có khu thể thao, sân tập thể thao đơn giản, diện tích từ 500 m2 trở lên. Toàn huyện có 158 sân bóng đá, 245 sân cầu lông, bóng chuyền, 43 bàn bóng bàn, 9 bể bơi. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiêu chí số 6 trong Bộ tiêu chí xã NTM (2).
Phong trào xây dựng văn hóa phát huy hiệu quả
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng văn sống văn hóa gắn với xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện được phát huy hiệu quả, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được chăm lo. UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền các nội dung về xây dựng NTM cho đoàn viên, hội viên, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giao ước thi đua Việt Yên chung tay xây dựng NTM.
Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cộng đồng được chú trọng, chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa từng bước được nâng lên, đời sống tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. 100% thôn, khu phố đã hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với thực tế của từng địa phương. Các phong trào lao động sáng tạo, nêu gương người tốt, việc tốt, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được quan tâm.
Cùng với việc xây dựng nếp sống văn minh, các xã đã từng bước xây dựng, bổ sung các thiết chế văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, khu thể thao. Năm 2017, toàn huyện có 125/154 làng, khu phố văn hóa, đạt 81,2%; 39.752/44.989 gia đình văn hóa, đạt 88,4%.
Huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, các cuộc thi về xây dựng nếp sống văn hóa, thiết chế văn hóa; kiện toàn, thành lập đoàn kiểm tra thực hiện toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn huyện; tham dự các hoạt động thể thao do tỉnh tổ chức. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn tiêu chí số 16 trong Bộ tiêu chí xã NTM (3).
Trung tâm VHTT huyện có đủ các phòng làm việc, phòng chức năng và các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo phục vụ tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch văn hóa được quan tâm
Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020. Để quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa, tín ngưỡng, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch trên hệ thống truyền thông từ Trung ương đến địa phương.
Hiện nay, hạ tầng các tuyến du lịch đã được huyện quan tâm đầu tư, đảm bảo thuận lợi cho du khách thăm quan, kết nối di tích chùa Bổ Đà và một số điểm tham quan khác trên địa bàn với các tour du lịch trong tỉnh như:
Tuyến khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử – Yên Dũng – Việt Yên: khai thác du lịch trong dịp lễ hội đầu xuân, nhằm giới thiệu quảng bá các khu di tích lịch sử văn hóa, tâm linh trên địa bàn là khu di tích chùa Bổ Đà, làng cổ làng nghề xã Vân Hà, đền thờ danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung và một số điểm di tích khác.
Tuyến Bắc Giang – Tiên Sơn – Vân Hà: thực hiện khai thác du lịch nội địa trong dịp tổ chức lễ hội chùa Bổ Đà, bắt đầu từ đền Bà Chúa Kho – chùa Bổ Đà – Ao Miều, làng nghề rượu Vân, gốm Thổ Hà, thăm nhà cổ và tham quan di tích lịch sử đình chùa Thổ Hà kết hợp với nghe hát, giao lưu quan họ.
Tuyến Nếnh – Hồng Thái – Tăng Tiến – Vân Trung: thực hiện tuyến du lịch giới thiệu danh nhân văn hóa gắn với tâm linh tín ngưỡng, thăm đền thờ Thân Nhân Trung – đền thời lăng mộ Hán Quận Công Thân Công Tài – thăm làng nghề Tăng Tiến – về khu du lịch sinh thái Khe Bàn.
Năm 2017, lễ hội chùa Bổ Đà đã thu hút trên 300.000 lượt du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái. Thông qua lễ hội, nhiều sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương được du khách đón nhận và đánh giá cao.
2. Những tồn tại cần khắc phục
Hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn huyện Việt Yên tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng kém hiệu quả, nhiều công trình văn hóa, thể thao thiếu người tham gia, hoạt động cầm chừng, chỉ diễn ra xuân thu nhị kỳ vào những dịp lễ, Tết. Nhiều nhà văn hóa ít khi hoạt động và thường khóa cửa.
Có sự yếu kém trong khai thác, sử dụng các nhà văn hóa ở nông thôn huyện Việt Yên. Nguyên nhân chính là huyện mới chủ yếu quan tâm đến việc xây dựng quy mô to đẹp mà chưa thật sự chú ý nội dung hoạt động bên trong.
Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao thôn, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích.
Nguồn kinh phí cho hoạt động văn hóa còn eo hẹp, ở cấp huyện đều dựa vào kinh phí nhà nước, còn cấp xã lại càng hạn hẹp hơn, tùy vào điều kiện khả năng thu ngân sách của địa phương. Nguồn tài chính hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao thôn, xóm chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Hiện nay, không ít di sản bị xâm hại do tác động của thiên nhiên và do các công trình xây dựng mới. Nhiều làng cổ đang mất dần vẻ đẹp cổ kính hiếm có bởi sự lấn át của bê tông hóa và xây dựng mới.
3. Giải pháp xây dựng văn hóa NTM ở Việt Yên
Một là, tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện về xây dựng văn hóa NTM. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh Bắc Giang, của huyện Việt Yên về NTM. Chú trọng phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, tính chất dài hạn, phức tạp của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cần thống nhất nhận thức: xây dựng NTM không thể thiếu việc xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, thể thao nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ xây “vỏ” tức là nhà, trụ sở mà phải đồng thời quan tâm cả “ruột” tức là bộ máy khỏe, hoạt động phong phú, đa dạng, lôi cuốn đông người tham gia. Như vậy phải giải quyết hàng loạt vấn đề như tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đầu tư trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động…
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, các tuyến giao thông liên kết địa điểm du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hỗ trợ phát triển văn hóa truyền thống; tăng cường xã hội hóa xây dựng hạ tầng văn hóa – thể thao: sân chơi, bãi tập, các thiết chế văn hóa; nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân về xây dựng văn hóa NTM. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức pháp luật về văn hóa, năng lực thực hành dân chủ về văn hóa cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng văn hóa NTM ở huyện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tin trên mạng trong phạm vi toàn huyện, tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên về thực hiện xây dựng văn hóa NTM; xây dựng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu về các mô hình, điển hình trong hoạt động văn hóa NTM ở cộng đồng dân cư. Quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của tủ sách, nhà văn hóa tại tất cả 17 xã trong huyện, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, nghiên cứu, trang bị kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật về văn hóa trong xây dựng NTM nói riêng. Đưa nội dung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó nhấn mạnh tới nội dung văn hóa vào chương trình tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa ở các địa phương trong huyện.
Ba là, phát huy vai trò của của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, giáo dục xây dựng văn hóa NTM. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần tích cực làm tốt công tác tuyên truyền các nội dung về xây dựng văn hóa NTM cho đoàn viên, hội viên, đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giao ước thi đua đã đề ra.
_______________
1. Trang Trần, Giữ gìn văn hóa trong xây dựng NTM, Tạp chí Kinh tế và dự báo điện tử, ngày 22-11-2017.
2, 3. UBND huyện Việt Yên, Báo cáo Kết quả xây dựng nông thôn mới đến năm 2018 của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, số 250/BC-UBND, ngày 29-6-2018.
Tác giả: Ngô Thị Hoàng Anh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%