Ý thức bản sắc Việt – Tết ta và đạo nhà

Tết cổ truyền và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã được nói đến nhiều trong các nghiên cứu về bản sắc văn hóa ở nước ta. Trong lịch sử nghiên cứu văn hóa nói chung và nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc nói riêng, Tết cổ truyền và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt chủ yếu được nhìn dưới góc độ giá trị, đặc trưng, đặc điểm và ý nghĩa. Trong bài viết này, chúng tôi muốn góp phần nhìn nhận Tết cổ truyền và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt từ một bình diện khác, đó là bình diện ý thức về bản sắc, qua cách người Việt gọi Tết cổ truyền, Tết lớn nhất trong năm là Tết ta và gọi phong tục thờ cúng tổ tiên là đạo nhà. Liệu có mối liên hệ nào hay có quy chiếu chung nào cho hai cách gọi này không?

Gói bánh chưng ngày Tết – Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam xem bản sắc/ bản sắc văn hóa là thuật ngữ tương đương với identity/ cultural identity trong học thuật phương Tây (1). Tuy nhiên, về quan niệm và cách tiếp cận của các học giả về vấn đề này lại có sự khác biệt. Khi tìm hiểu về bản sắc văn hóa, hầu hết học giả ở Việt Nam đều tìm hiểu các giá trị cốt lõi, các đặc trưng, tính cách nổi bật có tính khu biệt (2) của đối tượng nghiên cứu. Còn các học giả phương Tây và trên thế giới nói chung, khi nghiên cứu về identity/ cultural identity lại đi tìm cái cảm thức sở thuộc hay tự ý thức về mình của một chủ thể văn hóa, xét trong quy chiếu so sánh giữa cộng đồng của mình với cộng đồng khác. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu trên thế giới khi nghiên cứu về bản sắc văn hóa là đi tìm câu trả lời của một chủ thể văn hóa rằng mình là ai trong tương quan với người khác, như Zdzislaw Mach xác định: “Ở cấp độ cá nhân, identity là câu trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai trong quan hệ với những người khác? Ở cấp độ xã hội, đó là câu trả lời cho câu hỏi: Chúng tôi là ai trong quan hệ với những nhóm người khác?” (3). Từ góc độ này, Stuart Hall cũng khẳng định cultural identity là một dạng của tính đồng nhất tập thể, ở đó, các thành viên của một cộng đồng tự nhận thức về mình và sẻ chia các ký ức lịch sử và các mã văn hóa chung với tư cách là một cộng đồng, một dân tộc (4). Như vậy, một cộng đồng đúng nghĩa bao giờ cũng là một cộng đồng gồm các thành viên chia sẻ những giá trị chung và có ý thức hoặc cảm thức sở thuộc đối với cộng đồng của mình với tư cách là một cộng đồng quan hệ (relational community) (5). Có thể thấy rõ hơn quan niệm và cách tiếp cận bản sắc thiên về bình diện chủ quan của chủ thể văn hóa qua quan điểm nghiên cứu của Benedict Anderson. Trong công trình Cộng đồng trong tâm tưởng: những ánh xạ của cội nguồn và sự truyền bá của chủ nghĩa dân tộc (Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism) in năm 1983, Benedict Anderson đề xuất một hướng tiếp cận quan trọng trong nghiên cứu cultural identity là tiếp cận cộng đồng trong tâm tưởng của một cá nhân, một cộng đồng, tức ý thức và cảm nhận của họ về cội nguồn, về quốc gia dân tộc của mình (6).

Thực tế, từ góc nhìn về cộng đồng và cộng đồng văn hóa, có thể thấy, bản sắc theo hướng tiếp cận thiên về tìm hiểu những bình diện khách quan của chủ thể văn hóa của các học giả Việt Nam và identity theo hướng tiếp cận của các học giả nước ngoài thiên về bình diện chủ quan của chủ thể văn hóa không có gì mâu thuẫn nhau, ngược lại, còn bổ sung cho nhau. Một cộng đồng đúng nghĩa bao giờ cũng là một cộng đồng văn hóa với những đặc trưng có tính khu biệt với cộng đồng khác và ý thức về sự khác biệt sẽ đem lại cho các thành viên của cộng đồng một cảm thức sở thuộc (sense of belonging) (7) – một biểu hiện đặc thù của ý thức về bản sắc. Theo đó, bản sắc của một cộng đồng có thể được nhìn nhận từ các đặc trưng nổi bật có tính khu biệt với cộng đồng khác hoặc có thể được nhận diện từ ý thức, nhận thức, cảm thức sở thuộc của các thành viên cộng đồng, hoặc có thể nghiên cứu cả hai bình diện của một chủ thể để làm nổi bật hơn bản sắc (characteristics, traits) và ý thức về bản sắc (identity) của một cộng đồng.

Nhìn từ góc độ ý thức về bản sắc, có thể thấy cách người Việt gọi cái Tết lớn nhất trong năm của mình là Tết ta và gọi phong tục thờ cúng tổ tiên của mình là đạo nhà là một trong những biểu hiện sâu sắc của ý thức về bản sắc của mình trong tương quan với kẻ khác, cộng đồng khác. Quả vậy, con người chỉ thực sự nhận ra mình, ý thức rõ hơn về mình trong quan hệ quy chiếu. Từ rất sớm, tổ tiên người Việt đã nhận ra mình, ý thức về mình trong quan hệ với Trung Hoa, và muộn hơn sau đó, trong quan hệ với phương Tây. Tết ta được đặt trong quy chiếu Tết taTết Trung Hoa, Tết taTết Tây để phân biệt Tết cổ truyền theo âm lịch với Tết của Trung Hoa và Tết theo dương lịch của phương Tây. Dù đặt trong quan hệ đối sánh nào thì ý niệm về cái ta ở tầm cấp dân tộc cũng hàm chứa một sự khẳng định về mình với niềm tự hào to lớn, từ đó có ý thức sâu sắc về sự giữ gìn cái riêng, cái truyền thống, tức cái cội nguồn và bản sắc của dân tộc mình. Không phải ngẫu nhiên Tết (Nguyên đán) và Võ (cổ truyền) ở Việt Nam được thêm vào chữ ta một cách đầy khẳng định và tự hào, bởi đó là những sản phẩm văn hóa gắn liền với tâm thức dân tộc, thể hiện rõ cái riêng, cái đặc sắc và cái bản lĩnh của một dân tộc trong trường kỳ phát triển đầy gian nan nhưng cũng đầy tự hào của mình.

Chợ hoa ngày Tết – Ảnh: Minh Sơn

Tết ở Việt Nam – Tết ta, không chỉ là chuyện của lễ và hội đón mừng năm mới, của sự gửi gắm mơ ước mới vào một chu kỳ thời gian mới của vũ trụ, mà còn là Tết của đoàn viên, của ý thức về tổ tiên, dòng họ, cội nguồn và sâu xa hơn là ý thức về dân tộc, về bản sắc. Có thể nói, Tết là dịp để người Việt kiến tạo và tái kiến tạo bản sắc, hiểu theo nghĩa là ý thức sâu sắc về cội nguồn và trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc của gia đình, dân tộc. Tết ta, do đó, luôn gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nói đúng hơn, thờ cúng tổ tiên chính là một trong những nội dung bề sâu của Tết ta. Cùng với Tết ta, phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt từ lâu đã trở thành giá trị cốt lõi, là sợi dây liên kết cộng đồng và là nền tảng của ý thức về cội nguồn, về bản sắc dân tộc, để đến một lúc nào đó, trong một quy chiếu mới, giúp nhận thức rõ hơn về mình và để khẳng định mình, người Việt đã gọi phong tục thờ cúng tổ tiên của mình là đạo nhà – một nền tảng đạo đức và cũng là một tín ngưỡng có sức đối trọng với các tín ngưỡng và đạo đức ngoại lai. Cách gọi đạo nhà đánh dấu một tầm ý thức mới của người Việt về bản sắc của mình trong một quy chiếu mới.

Xin chữ đầu năm – Ảnh minh họa

Từ đạo nhà gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên, qua hai câu thơ của ông trong tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp, viết khi cả Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp, mà hẳn người Việt ai cũng biết: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” (8). Đạo nhà ở đây chính là đạo thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt – một phong tục, cũng là một tín ngưỡng, vốn có nguồn gốc lâu đời, từ tín ngưỡng hồn linh (vạn vật hữu linh) và lòng biết ơn đấng sinh thành, được bồi đắp thêm từ những quan niệm triết lý có tính hệ thống của Nho giáo, đã trở thành một trong những nền tảng tinh thần đậm đà bản sắc của người Việt. Trong bối cảnh Nam Kỳ từng bước rơi vào tay giặc Pháp (từ 1862), nhiều phong tục truyền thống của dân tộc đứng trước nguy cơ bị lấn át bởi văn hóa ngoại lai, chính quan hệ đối kháng và đối trọng rạch ròi giữa tangười đã góp phần khẳng định và bảo vệ bản sắc văn hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Không phải ngẫu nhiên Tết tađạo nhà luôn hòa quyện trong tâm thức văn hóa của người Việt mỗi khi xuân về. Thờ cúng tổ tiên làm nên chiều sâu của tâm thức Tết và góp phần tạo nên sắc thái đặc trưng của Tết Việt với tư cách là những biểu trưng, những dấu hiệu nhận diện. Về phần mình, chính Tết cổ truyền là dịp đặc biệt để người Việt thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất tâm thức của mình đối với tổ tiên, nguồn cội và Tết cũng góp phần làm làm nên các sắc thái đặc trưng, đặc thù trong thờ cúng tổ tiên của người Việt trong so sánh với các phong tục thờ cúng tổ tiên trên thế giới. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến cũng là dịp người Việt ý thức sâu sắc hơn nữa về Tết tađạo nhà, đó chính là nền tảng củng cố và kiến tạo bản sắc văn hóa Việt ngày càng có bề sâu tâm thức và càng có những sắc thái điển hình mang tính biểu trưng.

_______________

1. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, TP.HCM, trang bìa trong; Trần Quốc Vượng, Một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam: Khả năng ứng biến, trong Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, 2003, Hà Nội, tr.33.

2. Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), Văn hóa Việt Nam: Đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.

3. Mach, Zdzislaw, Symbols, Conflict, and Identity, Essays in Political Anthropology, (Biểu tượng, Xung đột và Bản sắc – Các tiểu luận về Nhân học chính trị), Nxb State University of New York Press, 1993, tr.4.

4. Hall, Stuart, Cultural identity and diaspora (Bản sắc văn hóa và cộng đồng di cư), trong Williams Patrick & Laura Chrisman, Colonial discourse and post-colonial theory: a reader (Tập văn tuyển về Diễn ngôn thuộc địa và Lý thuyết hậu thuộc địa), Nxb Harvester Wheat Sheaf, London, 1994, tr.223.

5. Ivanovic, Milena, Cultural Tourism (Du lịch văn hóa), Nxb Juta & Company Ltd, 2008, tr.14.

6. Anderson, Benedict, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (Cộng đồng trong tâm tưởng: Suy ngẫm về nguồn gốc và sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc), Nxb Verso, 1983, tr.37.

7. Barnard, Alan – Spencer, Jonathan (Biên tập), Community (Cộng đồng), trong Encyclopedia of social and cultural anthropology (Bách khoa thư về nhân học văn hóa và xã hội), Nxb Routledge, 2002, tr.173 -174.

8. Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1 & 2, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1982, tr.248.

Tác giả: Nguyễn Văn Hiệu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *