Tính đến hết TK XX, thể loại đạt tới đỉnh cao của khu vực Đông Nam Á, xét trên cả bình diện số lượng, thời gian tồn tại và tỷ lệ xuất hiện ở vị trí tác phẩm đỉnh cao của mỗi dân tộc, vẫn là truyện thơ. Nếu tính mỗi phiên bản bằng ngôn ngữ khác nhau của cùng một cốt truyện là một tác phẩm riêng biệt thì hơn 70 dân tộc sinh sống tại khu vực Đông Nam Á hiện nay có hơn 2000 tác phẩm thuộc thể loại này. Còn xét về chất lượng, đỉnh cao của văn học Việt Nam là Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều); văn học Thái Lan là Phra Aphamani, Ramakiên; văn học Malaysia và Indonesia là Iagan về Rama, Truyện Huang Tuak; văn học Campuchia là Riêm kê, Tum Tiêu; văn học Lào là Xỉn Xay; văn học Myanmar là Jataka… những vị trí ấy đến nay vẫn là bất khả thi trong việc soán đoạt, cho dù tiểu thuyết đã có một chặng đường dài phát triển và không ít cơ hội khẳng định mình với những tác phẩm được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau trên thế giới.
Còn về thời gian tồn tại hay có thể nói là tuổi thọ của thể loại này ở khu vực Đông Nam Á, đến hết hai thập niên đầu của TK XXI, con số đã lên tới hơn 500 năm. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn học Đông Nam Á, sự xuất hiện của truyện thơ ở các quốc gia trong khu vực khá chênh lệch. Truyện thơ Lào ra đời vào khoảng TK XVII, dưới triều vua Xuh Nhavông xả, vương quốc Lào Lạn – xạng. Còn ở Việt Nam, truyện thơ (truyện Nôm) xuất hiện khoảng thời gian TK XV – XVI vào đời Lê – Trịnh.
Không thể dựa vào những phỏng đoán để chắc chắn về thời điểm truyện thơ xuất hiện ở Đông Nam Á nói riêng hay Việt Nam và Lào nói chung. Chỉ có thể nhận xét rằng: có lẽ truyện thơ Đông Nam Á ra đời vào khoảng nửa sau của thiên niên kỷ thứ hai (từ TK XV – XIX), tức là giai đoạn các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái (1), ngoại trừ trường hợp đặc biệt: “Sự xuất hiện và phát triển của thể loại truyện thơ Lào nói riêng và của nền văn học Lào nói chung, gắn liền một cách khách quan với quá trình hình thành của quốc gia phong kiến dân tộc Lào…” (2). Nhận định này cũng trùng khớp với những cứ liệu lịch sử cho thấy quốc gia phong kiến ở Lào hình thành khá muộn, cho dù người Lào là một trong những chủ nhân đến sớm của khu vực. Điều này hẳn sẽ khiến truyện thơ Lào có những chất liệu đặc biệt, có lẽ là chất lạc quan, tin tưởng mà những truyện thơ đầu tiên của Việt Nam đã có. Song, cũng phải nói ngay rằng, do chưa có một tư liệu lịch sử – văn học nào chắc chắn, nhận định này của chúng tôi cũng hoàn toàn chỉ là một phỏng đoán.
Chỉ có một điều chắc chắn là: truyện thơ Đông Nam Á đã ra đời, hình thành và phát triển trong thời kỳ phong kiến của các quốc gia trong khu vực (từ TK X – XIV). Chính tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của giai đoạn này đã hình thành những tiền đề, cơ sở cho truyện thơ ra đời. Quá trình xác lập và phát triển của các vương quốc dân tộc ở Đông Nam Á là một quá trình lâu dài, phức tạp và đầy biến động. Mọi hoạt động, biến chuyển trong quá trình này đều bị chi phối bởi nhu cầu khẳng định chủ quyền của mỗi vương quốc. Bởi thế, một mặt, các vương quốc luôn nằm trong tình trạng bị đe dọa bởi những cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính lẫn nhau. Thực tế, lịch sử phong kiến Đông Nam Á là lịch sử của các cuộc chiến tranh giành đất đai và quyền lực. Đó không chỉ là những cuộc chiến tranh của thế lực bành trướng phương Bắc thôn tính các quốc gia Đông Nam Á lục địa, kéo xuống từ Trung Hoa hay các nước châu Âu phong kiến và Hồi giáo kéo vào các quốc gia Đông Nam Á hải đảo mà còn là những cuộc chiến tranh nhằm mở rộng lãnh thổ giữa các quốc gia trong khu vực. Có thể kể đến cuộc chiến tranh giữa Ajuthaya và Lạn – xang, Chiềng Mai; giữa Chăm – pa và Đại Việt, cuộc phân rã của tộc Malay và Indos… Xây dựng và bảo vệ chủ quyền các vương quốc dân tộc của mình trước những cuộc chiến tranh là tâm thế thường trực của nhân dân Đông Nam Á. Mặt khác, cũng để bảo vệ chủ quyền khẳng định độc lập, các triều đại phong kiến ở Đông Nam Á kế tiếp nhau xây dựng nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Ở Lào, “…đứng đầu bộ máy hành chính là nhà vua. Vua có quyền lực rất lớn, là người sở hữu tối cao về ruộng đất, người đứng đầu nhà nước và tôn giáo…” (3). Ở Thái Lan, chính quyền trung ương học Khmer, học Trung Quốc, lập ra các bộ: bộ Lại, Tài chính, Canh nông, bộ Hoàng gia, bộ Quản trị… Đây cũng là tình hình chung ở các nước Đông Nam Á. Như vậy, ở đây, hệ thống chính trị đã được xác lập một cách vững chắc và hoàn chỉnh theo đúng mô hình của một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền.
Trong thời kỳ này, kinh tế cũng đã có những bước phát triển đáng kể và toàn diện, đặc biệt trong những giai đoạn của các triều đại hưng thịnh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong chuyên đề Lúa gạo và tôn giáo, Gondon Luce đã khẳng định: “Lúa nước là sản phẩm quan trọng nhất của Đông Nam Á” (4). Điều đó chính xác vì các nước ở Đông Nam Á đều có phương thức sản xuất kinh kế là trồng lúa nước, hay nói một cách khác, Đông Nam Á là khu vực văn minh nông nghiệp lúa nước. Nhận định về phân bố dân cư ở Đông Nam Á cũng chứng tỏ điều đó: “…khoảng 90% các dân tộc Đông Nam Á sống ở các vùng nông thôn, và các phương pháp sản xuất lương thực và nhiều người thủ công truyền thống của họ vẫn còn sót lại…” (5). Những người châu Âu cũng đã mô tả hệ thống thủy lợi của cư dân Đông Nam Á và cho đó là cách sản xuất của những dân tộc tiên tiến hơn: “… Các dân tộc tiên tiến hơn sống định cư ở các lưu vực sông hay các châu thổ, đã phát triển các hệ thống thủy nông để giữ và sử dụng nước mưa. Đất được đắp cao để giữ nước trong các cánh đồng lúa và điều phối từ cánh đồng này sang cánh đồng khác…” (6).
Kinh tế giai đoạn này phát triển khá toàn diện, do đó, không thể không kể đến thủ công nghiệp. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã mô tả tương đối rõ về điều này. Ở Campuchia, các sử gia mô tả: “Họ làm đồ gốm, chế tạo những đồ đựng thường dùng và dệt vải bằng sợi bông… đóng những chiếc xe bò kéo cổ truyền và đóng thuyền gỗ dùng để đi lại trên hồ, để đánh cá hay cho thủy quân… là những đồ dùng và đồ trang sức bằng kim khí quý…” (7). Ở Lào, cư dân cũng có một cách cổ truyền, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống như làm đồ gốm, rèn đúc kim loại, dệt vải… vẫn được tiếp tục phát triển. Đặc biệt, giai đoạn này, ngành thủ công đã được chuyên môn hóa… những sản phẩm thủ công nghiệp đã đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nhân dân và chiếm một vị trí quan trọng trong việc trao đổi với bên ngoài…” (8). Như vậy, ngoại thương ở đây là buôn bán bằng đường biển, ở Đông Nam Á cũng đã có cơ sở để phát triển. Nằm ở ngã tư giao thông hàng hải trên thế giới, Đông Nam Á có vị trí vô cùng thuận lợi. “Các hải cảng chủ yếu như Oc Eo của Phunam, Palem bang của Svinijaya, Malacca và Tuban của Java đã phát triển quan hệ thương mại rộng rãi, bán đảo Mã-lai và Inđônêxia từ thời xa xưa là một khu vực trung chuyển về thương mại, là nơi gặp gỡ của các nhà buôn từ phương Đông đến và từ phương Tây sang…” (9). Bởi thế, việc mô tả sự phồn thịnh của vương triều Aythaya chắc chắn cũng là quang cảnh phổ biến ở các nước Đông Nam Á: “… Nền kinh tế Aythaya đã phát triển nhanh chóng. Sản phẩm nông nghiệp dồi dào đã có thể được xuất cảng cùng với hồ tiêu, gỗ tếch, đàn hương. Vương quốc này nhập nhiều lụa, gấm, đồ sứ, ngọc, hàng sơn và nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc. Họ cũng tiến hành buôn bán đường biển với các nước Đông Nam Á. TK XV, người Thái có tới ba mươi tàu gỗ chuyên buôn bán với Java, Philippin…” (10).
Nền chính trị theo hệ thống của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền và sự phát triển đáng kể của nền kinh tế đã khiến xã hội có sự phân chia giai cấp rõ rệt. Trong xã hội Lạn – xang có ba tầng lớp: một là quý tộc – quan lại; hai là nông dân; ba là nô lệ. Xã hội Ăngco của Campuchia cũng phân chia tương tự như vậy, ngoài ra đáng chú ý là tầng lớp nô lệ đền miếu. Người châu Âu đã nhận xét về tầng lớp trên ở xã hội Đông Nam Á: “Ở Đông Nam Á, trị vì có nghĩa là ăn lộc của vương quốc… Nhà vua ít khi can thiệp vào công việc hành chính; thực tế, chức năng chủ yếu của vua là chủ trì nhiều lễ hội tôn giáo được xem là cần thiết cho phúc lợi của vương quốc mình… Còn công việc hành chính thực sự lại nằm trong tay một bộ máy quý tộc chia theo thứ bậc. Các bộ chính đều do các thành viên hoàng gia và các gia đình đại tăng lữ nắm giữ, họ cũng thực hiện các chức năng tôn giáo và kết hôn với những người có họ hàng gần gũi với vua”… (11). Như vậy, ở vào vị trí của vua: quyền lực tối thượng đi cùng với quyền lợi tối cao; còn ở vị trí của quý tộc – quan lại, “công việc hành chính thực sự nằm trong tay” cũng gắn với việc được hưởng nhiều quyền lợi. Giai cấp chủ yếu trong xã hội là nông dân, lực lượng lao động trong xã hội là nông dân và nô lệ trong khi quyền lợi lại tập trung giành cho giai cấp quý tộc – quan lại. Chính điều này đã khiến cho trong xã hội có những mâu thuẫn, đối kháng giữa các giai cấp, các lực lượng. Càng về sau, những mâu thuẫn này càng rõ rệt, dần dần đi đến chỗ gay gắt.
Những đặc điểm về chính trị, kinh tế, xã hội – những yếu tố phi văn học – chính là những cơ sở đầu tiên để truyện thơ ra đời. Mâu thuẫn và đối kháng trong xã hội đòi hỏi một thể loại tự sự có nhiều vấn đề gay cấn và hấp dẫn, đủ dài hơi để phản ánh những xung đột. Nền văn minh nông nghiệp lúa nước lại khiến nhân dân luôn có nhu cầu thưởng thức một thứ văn học để kể, để nghe, dễ thuộc và dễ truyền miệng trong những lúc làm việc nhà nông. Hai yêu cầu đó kết hợp với nhau tạo nên một thể loại tự sự đậm chất trữ tình – truyện thơ. Không phải ngẫu nhiên mà khi vay mượn cốt truyện các tác phẩm văn xuôi, truyện thơ khai thác truyện cổ tích và truyện lịch sử nhiều hơn là truyền thuyết hay thần thoại. Lý do có lẽ chính vì mảng văn học ấy gần với cuộc sống của con người hơn, giàu tính hiện thực hơn. Truyện thơ đã được sinh ra từ cuộc sống thực tiễn có tính chất lịch sử cụ thể. Thêm vào đó, chính tình hình lịch sử – địa lý thực tế đã tạo nên những nguồn gốc đề tài truyện thơ khác nhau. Sự phát triển của ngoại thương qua đường biển cũng như vị trí thuận lợi của Đông Nam Á đã khiến truyện thơ dễ dàng tiếp thu nguồn đề tài từ văn hóa, văn học nước ngoài, điều này đặc biệt rõ nét ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo. Trong khi đó, nhu cầu khẳng định độc lập chủ quyền của vương quốc dân tộc lại khiến cho truyện thơ đi vào khai thác đề tài từ văn học dân gian, lịch sử dân tộc và dần dần đi đến những sáng tạo hoàn toàn mới… Đó là nét chung của các quốc gia Đông Nam Á trong thể loại truyện thơ. Tất nhiên, tùy theo điều kiện lịch sử mà sự phát triển của truyện thơ ở nước này sẽ có điểm khác nước kia. Chẳng hạn: “truyện thơ Lào chủ yếu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc Lào. Trong khi đó, truyện thơ Nôm của Việt Nam chủ yếu ra đời và nở rộ vào thời kỳ quốc gia phong kiến đi vào suy tàn, vào lúc những khát vọng nhân văn và dân chủ của nhân dân bộc lộ một cách mãnh liệt nhất (TK XVII – XVIII). Chính do những sự quy định của những điều kiện lịch sử khác biệt như vậy mà, nhìn một cách khái quát, trong truyện thơ Lào âm hưởng dân tộc nổi lên mạnh mẽ hơn, còn trong truyện thơ Nôm Việt Nam thì âm hưởng nhân bản và dân chủ nổi lên mạnh mẽ hơn…” (12).
Các nhà nghiên cứu đã chia truyện thơ nói chung và truyện thơ ở khu vực Đông Nam Á nói riêng thành 3 nhóm cơ bản: một là nhóm truyện thơ vay mượn từ cốt truyện nước ngoài (ở đây có cả những truyện thơ được các quốc gia Đông Nam Á vay mượn lẫn nhau, là số ít so với những tác phẩm vay mượn cốt truyện từ Ấn Độ và Trung Quốc); hai là nhóm truyện thơ vay mượn cốt truyện từ văn học dân gian; ba là nhóm truyện thơ vay mượn cốt truyện từ lịch sử dân tộc. Cách phân chia như vậy là kết quả của quá trình quan sát thể loại truyện thơ chủ yếu trong giai đoạn từ TK XIX đổ về trước, nghĩa là gắn với chế độ phong kiến trung ương tập quyền với nhiều hình thái và mức độ khác nhau trong sự chi phối đến văn hóa, văn học. Hiện tượng các nhà thơ hoàng gia được yêu cầu sáng tác các truyện thơ dựa trên cảm hứng từ lịch sử của triều đại đang trị vì không chỉ tồn tại ở triều Lê của Việt Nam hay giai đoạn cuối của các triều đại thời kỳ Angkor mà hiện nay, vẫn xuất hiện trong chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan và Malaysia đã cho thấy một chức năng rõ ràng của truyện thơ: nâng cao ý thức dân tộc. Không có gì khó hiểu khi sự tô vẽ các nhân vật anh hùng vốn có nguyên mẫu từ các nhân vật thực của lịch sử dân tộc lại quan trọng đối với việc xác lập chủ quyền của một quốc gia đang đối đầu hay có địch thủ ngoại giao. Ở những truyện thơ được sáng tác với mục đích khá rõ ràng này, yếu tố hư cấu của văn chương góp phần đắc lực vào chức năng tuyên truyền khi so với yêu cầu chân thực của lịch sử trong một thời đại đã dễ dàng hơn trong kiểm chứng các sự kiện và nhân vật.
Cũng vì thế, dù khó xác định giữa hai nhóm vay mượn cốt truyện từ văn học nước ngoài và từ văn học dân gian, nhóm nào xuất hiện trước thì cũng có thể nhận thấy rằng, số lượng các tác phẩm vay mượn cốt truyện từ văn học dân gian tăng nhanh chóng hơn về số lượng ở giai đoạn sau. Tất nhiên, trong tình hình giao lưu văn hóa thế giới rộng mở hơn, những cốt truyện có nhiều môtíp folklore tương đồng sẽ được ưu ái để xuất hiện phiên bản văn vần trước. Do đó, ranh giới rõ ràng của hai nhóm này để xếp loại một số tác phẩm, không dễ mà phân định, nhất là với những quốc gia đa dân tộc. Như một bước tiến tất yếu của ý thức tự cường dân tộc thành động lực phát triển văn học, nhóm truyện thơ có cốt truyện tự sáng tác xuất hiện và ngày càng hùng mạnh.
Nếu như văn học trung đại của khu vực Đông Nam Á chỉ ghi nhận được Phra Aphamani, Lục Vân Tiên, Sơ kính tân trang như những dấu hiệu đầu tiên của nhóm truyện thơ này thì TK XX chứng kiến sự hiện đại hóa văn học của toàn bộ các nước trong khu vực Đông Nam Á sau giai đoạn tiếp xúc với phương Tây, với thể loại đã có bề dày truyền thống như truyện thơ, là ở sự nở rộ những tác phẩm truyện thơ tự sáng tác cốt truyện. Bất chấp nhiều cốt truyện phảng phất yếu tố của văn học dân gian, đôi khi có cả chất hoang đường kỳ ảo hoặc có những yếu tố dựa trên hiện thực đời sống, tác phẩm của nhóm truyện thơ muộn nhất này ngày càng chứng tỏ vai trò của nó đối với văn học dân tộc ở mỗi quốc gia. Không chỉ gắn cho không gian và thời gian của mỗi câu chuyện, những yếu tố đảm bảo xác tín bởi tính hiện thực, đội ngũ sáng tác ngày càng chuyên nghiệp đã thực sự hoàn thiện ngôn ngữ và chữ viết mỗi dân tộc bằng những truyện thơ có tác giả rõ ràng trong TK XX.
Những phiên bản bằng văn vần của những câu chuyện ngắn xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng nhanh chóng (rút ngắn khoảng cách thời gian giữa hai phiên bản) cho thấy nhu cầu bộc bạch, phản ánh xã hội thôi thúc một lựa chọn dễ phổ quát hơn là thực tế. Văn học, dù dân gian hay bác học, đều thực sự cần đến cái thôi thúc ấy cho tiến trình phát triển của mình. Thêm vào đó, khi những câu chuyện được xây dựng bối cảnh trong sự chuẩn bị kỹ lưỡng của một/ một nhóm tác giả cụ thể thì những vấn đề của cuộc sống hiện tại sẽ hiển hiện ở mức độ nào đó trong tác phẩm. Hư cấu, năng lực cần thiết nhất để hỗ trợ nhà văn hoàn thiện những tác phẩm này, cũng là cơ hội để bộc lộ những suy tư về thời cuộc, dù là những vấn đề trọng đại mang tính sử thi của đất nước hay những vấn đề của thế sự. Và như thế, bức tranh toàn cảnh của một đất nước được hình thành bằng nhiều mảng miếng dễ nhớ, dễ lan tỏa nên cũng bớt xa rời hiện thực.
Tính đến nay, có thể thống kê được hơn 300 truyện thơ hiện đại có cốt truyện tự sáng tác/ hư cấu tồn tại ở các quốc gia Đông Nam Á. Hình như cái thói quen ưa vần vè, luyến láy trong câu chữ nói năng để nhạc tính dễ tràn vào đời sống ngôn từ đã không dễ mà mất đi với người Đông Nam Á hiện đại (kho tàng thành ngữ sử dụng vần lưng liên tục tăng là một ví dụ). Chính vì vậy, ở nhóm truyện thơ xuất hiện muộn nhất này, chúng ta có thể tìm thấy những thủ pháp ngôn từ đạt tới đỉnh cao cùng với trường từ vựng được mở rộng tối đa và liên tục cập nhật. Chúng ta cũng có thể tìm thấy động lực đã thúc đẩy nhóm truyện thơ vay mượn cốt truyện dân gian và vay mượn cốt truyện từ lịch sử tiến triển nhanh, đó chính là: ý thức tự cường dân tộc.
Bởi thế, quan sát sự nối dài của thể loại truyện thơ Đông Nam Á trong TK XXI và thấy rõ sự áp đảo về số lượng của nhóm truyện thơ có cốt truyện tự sáng tác/ hư cấu (trong tương quan của 4 nhóm), đã đến lúc khẳng định đây là nhóm thứ tư của thể loại nếu xét từ nguồn gốc cốt truyện. Bốn nhóm ấy là: truyện thơ vay mượn cốt truyện từ văn học nước ngoài; truyện thơ vay mượn cốt truyện từ văn học dân gian; truyện thơ vay mượn cốt truyện từ lịch sử; truyện thơ có cốt truyện tự sáng tác/hư cấu.
Như vậy, nhu cầu tự thân của văn học ở đội ngũ lực lượng sáng tác cũng như ý thức dân tộc đã tăng thêm lực chảy cho dòng thứ tư muộn mằn và góp thêm sức để dòng chảy ấy sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, chứng minh thể loại truyện thơ ở Đông Nam Á vẫn sinh tồn theo một cách riêng và sẽ còn những đóng góp đáng kể cho văn học.
________________
1. Mai Ngọc Chừ, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.59.
2, 8, 12. Võ Quang Nhơn, Truyện thơ với sự hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc Lào, Tìm hiểu lịch sử văn hóa nước Lào, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981, tr.107, 52, 129.
3, 7, 10. Lương Ninh, phần Phương Đông, Lịch sử trung đại thế giới, quyển II, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr.50, 110, 156.
4. Godon H. Luce, Rice and Religions – School of Oriental andAfrica Studies (Lúa gạo và tôn giáo – Nghiên cứu về phương Đông và châu Phi), University Đại học London, London, 1980, tr.15.
5, 6, 9, 11. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.340, 341, 345, 357.
Tác giả: TS Nguyễn Phương Liên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn