Yếu tố sắp đặt và pop art trong triển lãm gà của đinh công đạt

Từ năm 2000 đến nay, bên cạnh điêu khắc sáng tác theo lối tạo hình truyền thống, đã xuất hiện những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại,từ chất liệu, kỹ thuật đến không gian trưng bày, tạo được hiệu quả thị giác và sự tương tác với người xem. Đó là sự kết hợp của những yếu tố sắp đặt, pop art trong nghệ thuật điêu khắc, tạo tính đa dạng, sinh động, mang màu sắc hài hước dí dỏm cho những câu chuyện đương thời. Một trong những nghệ sĩ tạo được dấu ấn với công chúng trong phong cách nghệ thuật điêu khắc này là Đinh Công Đạt. Vốn nổi tiếng với hình tượng các loài côn trùng và động vật trên chất liệu kim loại nhưng ở triển lãm Gà: chip, chic, chicky, tổ chức tại viện Goethe, Hà Nội, tháng 6 – 2011, anh đã thể nghiệm khá ấn tượng các tác phẩm điêu khắc giấy bìa qua sắp đặt một trang trại gà, gợi nhiều ẩn dụ về cuộc sống.

Yếu tố sắp đặt trong triển lãm

Một trong những yếu tố đầu tiên được Đinh Công Đạt coi trọng trong nghệ thuật sắp đặt của triển lãm là ánh sáng. Trên trần phòng triển lãm, anh bố trí 100 bóng đèn neon, chiếu qua một tấm vải. 150 chú gà giấy trong không gian ánh sáng xanh lạnh, gợi lên cảm giác sống động về một trang trại gà công nghiệp. Thay vì cách trình bày cố định trên những bục bệ như những tác phẩm điêu khắc truyền thống trước đây, Đinh Công Đạt có cách ứng tác riêng với không gian qua cách sắp đặt đa dạng các nhóm gà trong không gian triển lãm. Đây là một đặc điểm của nghệ thuật sắp đặt với tính lắp ghép, chia tách linh hoạt của các thành tố trong một tổng thể tác phẩm hay triển lãm.

Đàn gà được sắp đặt rải khắp phòng, tận dụng mọi vị trí trong không gian để bày đặt. Trên sàn, anh bày thành nhóm ba đàn gà lớn chuyển động theo ba hướng khác nhau. Mỗi nhóm đều đan xen gà trống, gà mái với những bố cục đa dạng, có nội dung, nhân vật chính và những tình huống tiêu biểu. Sát tường cũng có những nhóm gà nhỏ từ hai đến ba con. Sử dụng một số giá sắt kê sát tường hoặc giữa phòng, anh sắp đặt các nhóm gà ở nhiều tầng cao thấp, tạo sự thay đổi về bố cục, hình dáng, cũng như điểm nhìn, không gian, gợi lên những khung cảnh khác nhau của một trang trại. Những cái giá ấy có thể là hàng rào, cành cây, hay chuồng nhiều tầng để lũ gà tinh nghịch leo trèo. Thậm chí trên chiếc hộp quạt thông gió treo trên cao, anh cũng đặt một chú gà trống dáng to khỏe, đầu ngẩng cao như đang gáy.

Yếu tố sắp đặt thể hiện rõ ý tưởng của tác giả khi đàn gà được bố cục theo các nhóm chính phụ. Bản thân mỗi cô cậu gà đã là một tác phẩm độc lập riêng biệt, có vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc về hình khối, màu sắc, chất cảm. Tuy nhiên, khi kết hợp với các anh chị gà khác, chúng lại tạo thành một tác phẩm với nội dung mới. Tổng thể triển lãm hợp thành một câu chuyện hoàn chỉnh về trang trại gà mang nhiều tính hài hước, pha chút giễu nhại. Chỗ này, anh gà trống đang nghếch cổ gáy sáng. Chỗ kia, từng đàn gà mái béo tròn múp míp tụm thành đàn vừa chăm chỉ tìm thức ăn vừa tranh thủ buôn chuyện, đùa nghịch, con nọ mổ vào đuôi con kia, hay chúi đầu vào nhau. Góc này, một anh gà trống bảnh trai đang tán tỉnh hai chị gà mái, một chị ngẩng cao đầu chăm chú, chị kia xấu hổ, e thẹn cúi đầu. Có khi một anh gà trống được bao quanh bởi một đàn gà mái trên chiếc bục dài. Ngược lại, cũng có hoàn cảnh éo le, một anh gà trống đứng cô đơn trước một bầy gà mái. Trên một góc sàn, đàn gà trống bảnh bao chia hai cánh bủa vây quanh một chị gà mái. Hay cảnh hai chú gà trống đấu đầu hùng hổ như đang chuẩn bị lao vào đánh nhau. Có thể nói, cách sắp đặt của Đinh Công Đạt vừa hồn nhiên, dí dỏm, vừa thể hiện nhiều ẩn ý về đời sống con người. Tuy chỉ là những chú gà giấy nhưng qua cách tạo hình tinh tế, chúng trở nên sống động, linh hoạt. Nhìn tổng thể, các chú gà trống và gà mái đều có một loại kích thước thống nhất, hình khối giống nhau nhưng khác nhau về dáng đầu: con ngẩng, con cúi, con nghiêng trái, con nghiêng phải. Mỗi chú gà còn được gợi vẻ mặt và sự biểu cảm khá sinh động.

Yếu tố pop art trong triển lãm

Khác với những triển lãm về động vật, côn trùng trước đây được làm bằng những chất liệu bền vững của kim loại, trong triển lãm này, nghệ sĩ chỉ sử dụng lối thủ công truyền thống là bồi giấy trên khuôn. Điều thú vị là anh tận dụng ngay những thông tin, hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng như diễn viên điện ảnh, người mẫu trên báo làm yếu tố trang trí, xuất hiện trên những vị trí bất ngờ của mình gà, tạo nên sự thú vị, hài hước. Nội dung tác phẩm hướng đến những vấn đề của cuộc sống đương thời qua cách ẩn dụ về thế giới gà. Đây cũng là một đặc điểm của nghệ thuật pop art đã được anh khai thác và sử dụng sáng tạo trong triển lãm gà giấy của mình. Mỗi chú gà không chỉ được đeo biển xác định giới tính, độ tuổi: GM gà mái, GT gà trống, GC gà con mà còn được gắn thêm những câu chuyện trên mảnh giấy ở chân.

150 con gà của Đinh Công Đạt được từ bồi giấy lên những khuôn thạch cao, riêng chân gà được làm bằng thép rồi mới bồi giấy. Anh sử dụng chủ yếu là giấy báo, giấy tạp chí cũ của nước ngoài. Theo anh, loại giấy này có đặc điểm là dai, mịn, dễ bồi và tạo khối, màu sắc tươi mà không nhòe. Đặc biệt, giấy tạp chí có màu sắc đẹp cùng nhiều hình ảnh, kiểu chữ tạo yếu tố trang trí cũng như ý tưởng tạo hình cho tác phẩm. Gà trống và gà mái được bồi bằng các chất giấy khác nhau, tạo tính tương phản nhưng lại tôn nhau trong triển lãm. Gà mái được bồi bằng giấy báo có sắc màu trung tính, giản dị. Những hàng chữ trên báo khi được bồi ngang dọc, hay xiên nghiêng, gợi lên cảm giác về chất lông, khối, độ đậm nhạt trên cơ thể của những cô gà. Chỉ có những đôi chân và những chiếc mỏ được tô điểm màu đỏ tươi tắn.


  Một góc triển lãm Gà, 2011, của Đinh Công Đạt. Ảnh Phong Lan 

Tính pop art thể hiện rõ nét ở cách sử dụng giấy báo với hình ảnh các nhân vật nổi tiếng như diễn viên điện ảnh, ca sĩ, chính trị gia, gắn với các sự kiện xã hội khi tạo hình những chú gà trống. Các tạp chí được sử dụng ở đây rất phong phú, từ tạp chí thời trang, du lịch đến điện ảnh… So với gà mái, những anh gà trống diêm dúa hơn khi được bồi, bọc bằng tạp chí màu sắc rực rỡ. Có chú gà trống được bọc nguyên một trang tạp chí in hình ảnh lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar năm 2003 cho phim Lord of the Ring, những chú khác được bọc bằng cả một khuôn mặt của một minh tinh điện ảnh hay người mẫu nổi tiếng nào đó…

Dưới chân mỗi con gà đều được gắn một miếng bìa, ghi ngày tháng và gạch đầu dòng các sự kiện nổi bật của xã hội trên báo chí. Ví dụ như trong tờ phiếu ở một chân chú gà ghi: Ngày làm: 7h 13.5, cấp bách kiểm soát giá lương thực, động đất ở Tây Ban Nha, tuyển sinh cao đẳng, đại học nhiều ngành có tỉ lệ chọi dưới 1, bầu cử ở Trường Sa là công việc nội bộ của Việt Nam.

Những thông tin này được chọn lọc từ báo in trong nước mà anh dùng để bồi lớp bên trong, còn lớp ngoài cùng mới sử dụng giấy báo, tạp chí nước ngoài. Với Đinh Công Đạt, các thông tin ghi trên mảnh giấy ở chân các con gà thật thú vị và buồn cười khi đọc lại. Hơn nữa với anh, thông tin nằm trong những con gà như một đời người với số phận khác nhau. Cả triển lãm thể hiện một trang trại gà với sự sống động, kịch tính của một xã hội thu nhỏ.

Giá trị nghệ thuật và ý nghĩa xã hội của triển lãm

Dù không nhiều sáng tác điêu khắc đương đại Việt Nam sử dụng chất liệu giấy nói chung và chất liệu giấy bìa nói riêng nhưng rõ ràng tên tuổi của tác giả Đinh Công Đạt đã tạo nên một phong cách, dấu ấn riêng riêng biệt. Các tác phẩm của anh gần gũi, giản dị, là sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại. Khai thác, học tập và phát triển trên những kỹ thuật truyền thống từ chất liệu giấy, cách tạo cốt, cách bồi, cắt, dán để tạo hình những tác phẩm mang hình tượng dân gian nhưng phản ánh được những vấn đề của xã hội hiện tại. Tất cả những vật liệu đều dễ kiếm, cách tạo hình đơn giản, tận dụng màu sắc rực rỡ của báo chí, những đồ dùng hàng ngày, cách bài trí linh hoạt, gần gũi trong không gian triển lãm là những thủ pháp để tạo sự lôi cuốn tự nhiên với người thưởng thức đến gần tác phẩm. Đó là điều mà nghệ thuật đương đại muốn hướng tới bằng những tác phẩm mang tính bình dân, đại chúng, dễ hiểu. Với Đinh Công Đạt, anh còn trực tiếp giao lưu với người thưởng thức thông qua trình diễn cách làm gà cũng như hướng dẫn khán giả cách tự sáng tác tác phẩm điêu khắc bằng những vật dụng đơn giản, dễ kiếm, rẻ tiền mà mang tính nghệ thuật. Triển lãm và cách sáng tác, trưng bày tác phẩm là thể hiện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc những quan điểm của nghệ sĩ trước nhiều vấn đề của cuộc sống.

Mặt khác, việc sử dụng chất liệu giấy trong sáng tác điêu khắc của Đinh Công Đạt cũng đã góp phần đã tạo nên được một xu hướng sáng tác mới mẻ cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam hiện nay. Đó là điêu khắc bột giấy của Thái Nhật Minh, Vũ Bình Minh, điêu khắc giấy dó của Lê Lạng Lương, điêu khắc giấy báo của Nguyễn An… Với ưu thế kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ, chất cảm bề mặt đẹp, có thể bày đặt ở mọi địa hình khác nhau, góp phần tạo sự đa dạng cho thể loại nghệ thuật mang tính trang trí gắn với nội thất. Sự dễ dàng ăn nhập với môi trường kiến trúc, với ánh sáng tự nhiên cũng như nhân tạo của tác phẩm điêu khắc giấy bìa đã góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ cho không gian kiến trúc, làm biến đổi không gian trưng bày. Với chất thô mộc, giản dị trong lối tạo hình mang phong cách dân gian, điêu khắc giấy dễ gần gũi với người thưởng thức. Tác phẩm giấy bìa của Đinh Công Đạt đã góp phần đưa nghệ thuật gần với cộng đồng, xóa bỏ dần ranh giới nghệ thuật hàn lâm, cách trưng bày truyền thống trong các triển lãm hay bảo tàng.

Rõ ràng sự tham gia, ảnh hưởng của nghệ thuật sắp đặt, pop art vào loại hình điêu khắc Việt Nam qua triển lãm của Đinh Công Đạt đã phản ánh xu hướng phát triển chung của nghệ thuật đương đại là sự phá bỏ, là sự thâm nhập dầncủa các loại hình, thể loại với nhau, làm cho nghệ thuật trở nên đa dạng, đa nghĩa, phản ánh sâu sắc hơn mọi mặt của đời sống. Đinh Công Đạt đã thành công khi tìm được sự gặp gỡ giữa truyền thống và đương đại cho sáng tác triển lãm Gà: chip, chic, chicky của mình.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : ĐẶNG THỊ PHONG LAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *