Văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc là một nền văn hóa có bản sắc, giàu truyền thống đang cần được bảo tồn và phát triển để thực sự trở thành biểu trưng cho nét đẹp tinh thần của cộng đồng các dân tộc, đây cũng là cơ sở để phát huy hơn nữa vai trò là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Bắc Việt Nam hiện nay. Việc tìm hiểu về các yếu tố tác động đến sự vận động phát triển văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, trên cơ sở đó đề xuất khuyến nghị để văn hóa vùng này luôn giữ được bản sắc trong dòng chảy của thời đại là công việc có giá trị lý luận và thực tiễn.
1. Đặc điểm văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đại đa số còn 53 dân tộc chiếm 13% tổng dân số cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số sống đan xen tại các tỉnh miền núi, trải đều khắp các vùng miền. Các yếu tố văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, từng vùng kết hợp lại với nhau tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Điều đó nói lên rằng, bên cạnh bản sắc chung còn có bản sắc riêng của từng dân tộc, phát huy thế mạnh của cái riêng sẽ thấy được nét văn hóa đậm đà của nền văn hóa đa dân tộc.
Vùng Đông Bắc là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người khác nhau. Bên cạnh người Kinh chiếm số đông còn rất nhiều dân tộc thiểu số khác sinh sống như người Tày, Nùng, Dao, Hoa, Lô Lô, Mông… Trong những năm gần đây đã có nhiều hoạt động, nhiều chương trình của các tỉnh trong vùng quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Văn hóa truyền thống của các dân tộc ở vùng Đông Bắc được thể hiện ở văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể hiện hữu ngay trong các bản làng nơi đồng bào các dân tộc sinh sống, trong cách xây dựng nhà ở, trang phục truyền thống gắn với quá trình lao động sản xuất, ẩm thực hay phương tiện vận tải. Văn hóa phi vật thể được biểu hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật dân gian, lễ hội, tri thức dân gian, tổ chức gia đình, quan hệ dòng họ, tập quán sinh đẻ và nuôi dạy con cái, tục lệ cưới xin, lễ sinh nhật, tục làm ma chay có sức lôi cuốn cộng đồng. Những nét văn hóa truyền thống đã tạo nên bản sắc riêng của văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Do vậy, vấn đề giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc phải trở thành quốc sách.
2. Yếu tố tác động đến sự biến đổi văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, văn hóa các dân tộc ở vùng Đông Bắc nước ta đã và đang có những biến đổi mạnh mẽ, sự vận động biến đổi này chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau.
Yếu tố kỹ thuật mới – kỹ thuật công nghiệp hiện đại
Hiện nay, yếu tố kỹ thuật mới – kỹ thuật công nghiệp hiện đại được ứng dụng vào sản xuất để tìm ra lương thực, thực phẩm và các thứ hàng tiêu dùng khác. Đâylà sự lựa chọn, tiếp nhận nhân tố văn hóa mới của đồng bào các dân tộc theo tập quán cùng khiếu thẩm mỹ của họ.
Kỹ thuật làm ra các sản phẩm cho tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với mọi thời đại, là một bộ phận của lực lượng sản xuất thời hiện đại, đó cũng là yếu tố năng động nhất trong quy trình sản xuất. Chính vì vậy, kỹ thuật sản xuất luôn in đậm dấu ấn vào thời đại. Văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Đông Bắc được phát triển trên cơ sở của kỹ thuật sản xuất thủ công nghiệp. Những công cụ sản xuất cơ bản như chiếc cày, chiếc bừa, chiếc cuốc, chiếc thuổng, con dao, cái rìu, cái búa, cái bào, cái đục, cái cưa… là các công cụ sản xuất quan trọng của đồng bào đều được làm ra từ phương pháp thủ công. Đồng bào lại dùng các công cụ lao động đó để sản xuất ra của cải vật chất như làm ra lúa, ngô, khoai sắn… làm ra các loại bầu bí, đậu đỗ, thịt cá, làm ra nhà ở, quần áo mặc… Việc sản xuất này hoàn toàn dựa trên cơ sở bàn tay khéo léo và sức cơ bắp của chính con người.
Những nhân tố mới trong văn hóa vùng Đông Bắc được thể hiện bằng những sản phẩm kỹ thuật sản xuất công nghiệp. Từ kỹ thuật sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra vật liệu và vật dụng. Vật liệu công nghiệp đang đi vào cuộc sống của đồng bào và được đồng bào chấp nhận, sử dụng như một văn hóa mới như xi măng, sắt, thép, tôn, nhôm, kính… trong việc xây nhà ở. Những đồ dùng hàng ngày được sản xuất bằng kỹ thuật công nghiệp có thể kể đến như kim chỉ, máy khâu, quần áo may sẵn… đến các đồ ăn thức uống hàng ngày như mì chính, mì ăn liền, các loại nước ngọt… Các đồ dùng gia đình được sản xuất bằng kỹ thuật công nghiệp như điện thắp sáng, phích nước, ti vi, tủ lạnh, bếp điện, máy bơm, xe máy, quạt điện… Trong sinh hoạt văn hóa phi vật thể, chủ yếu là trong các lễ hội cũng phản ánh những nhân tố văn hóa mới: đốt tiền âm phủ, tiền đô la, đốt xe hơi, ti vi, tủ lạnh… cúng bia, nước giải khát. Trong các lễ hội lớn, nhà dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử, mở nhạc Tây, dùng loa và tăng âm.
Những nhân tố văn hóa mới có chiều hướng phát triển mạnh trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong quá trình nhân tố văn hóa mới phát triển, một vấn đề đáng chú ý là quan hệ giữa cặp phạm trù nội dung và hình thức của hiện vật văn hóa. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, trước hết cần thống nhất quan niệm trong một hiện vật văn hóa, đâu là nội dung, đâu là hình thức. Trên thực tế, nội dung là vật liệu làm nên hiện vật văn hóa, còn hình thức là kết cấu và kiểu dáng bề ngoài của hiện vật đó. Thí dụ xi măng, sắt thép xây dựng là nội dung, còn kết cấu, kiểu dáng bề ngoài của ngôi nhà là hình thức.
Ở vùng Đông Bắc, đa số cư dân vùng thấp làm nhà sàn bằng gỗ để ở. Khi xuất hiện xi măng, sắt, thép thì có nhà sàn được xây dựng theo kiểu làm cột bê tông (sắt, thép, xi măng, đá…) thay cho cột gỗ trước kia; sàn và mái vẫn giữ kiểu truyền thống, tức là sàn gỗ, mái nghiêng lợp ngói hoặc thay mái bằng tôn.
Khi phương tiện giao thông vận tải là ô tô được sử dụng rộng rãi ở vùng Đông Bắc thì một bộ phận của chiếc xe bò, xe ngựa trước đây là chiếc bánh xe sắt đã được thay bằng chiếc bánh lốp cao su của ô tô. Như vậy, có thể thấy rằng vật liệu mới xuất hiện đã được đồng bào mua về đã có một số thay đổi, nhưng về cơ bản, hình thức truyền thống vẫn được giữ lại. Nhân tố mới trong văn hóa cổ truyền thường được xuất hiện đầu tiên ở những nơi đô hội, ở các thành thị, sau đó lan dần dọc theo đường giao thông quốc lộ. Những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh thường chậm xuất hiện những nhân tố văn hóa mới. Thực tế này phù hợp với tình hình chung là các thành thị là trung tâm kinh tế – văn hóa của vùng, là đầu mối thường xuyên liên hệ với các vùng khác. Là trung tâm văn hóa, lại vừa là đầu mối giao lưu cho nên ở thành thị luôn xuất hiện những cái mới, trong đó có những nhân tố văn hóa mới. Những nhân tố văn hóa mới du nhập đến thành thị, được thị dân chọn lọc, tiếp nhận rồi chuyển tải vào nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nhân tố văn hóa mới được đồng bào các dân tộc Đông Bắc tiếp nhận không cùng một lúc như nhau, đối với các lứa tuổi và đối với mọi giới. Thông thường, tuổi trẻ, thanh niên thường dễ dàng khám phá và tiếp nhận nhân tố văn hóa mới hơn là những người đã đứng tuổi, cao tuổi; còn nam giới và nữ giới thì đa số nam giới tiếp nhận văn hóa mới sớm hơn nữ giới.
Ảnh Thanh Hà
Tình trạng kinh tế và tính chất nghề nghiệp của đồng bào các dân tộc
Trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, kinh tế tri thức đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì lĩnh vực văn hóa có những thay đổi, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của mỗi con người. Do đó, việc quan tâm đến xu hướng biến đổi văn hóa dưới tác động của thực trạng kinh tế và tính chất nghề nghiệp của đồng bào các dân tộc ở Đông Bắccần được nhìn nhận đúng mức.
Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, người giàu có thường đến với nhân tố văn hóa mới sớm hơn người nghèo khổ, bởi người giàu có sẵn tiền bạc, dễ mua sắm và có nhu cầu hưởng thụ lớn, nhất là đối với những điều mới lạ; còn người nghèo khó thì họ tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới chậm hơn vì họ không có tiền nên phải chịu thiệt thòi.
Với tính chất nghề nghiệp hoạt động khác nhau cũng dẫn đến sự tiếp nhận nhân tố văn hóa mới khác nhau. Những người thường xuyên lao động trong các cơ sở công nghiệp, những nghề cần giao tiếp xã hội nhiều và những người năng động, linh hoạt trong làm ăn cũng sớm tiếp nhận những nhân tố văn hóa mới.
Sự giao thương kinh tế và giao lưu văn hóa
Hiện nay, đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc có một số lượng khá lớn sống ở vùng biên giới giữa nước ta và Trung Quốc. Việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia có con đường chính thức của nhà nước, đồng thời có con đường dân gian, với biên giới dài hàng nghìn km, có hàng trăm cặp chợ đường biên, hàng chục cửa khẩu cấp tỉnh và cấp quốc gia, việc giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các dân tộc sống ở đường biên diễn ra hàng ngày đã tác động đến dân trí của đồng bào các dân tộc, từ đó giúp cho bà con các dân tộc mở rộng được hiểu biết, mở rộng thêm tầm nhìn và nâng cao trình độ dân trí. Mặt khác, đời sống của đồng bào các dân tộc cũng bị tác động bởi các thông tin tuyên truyền phản diện từ các đài phát thanh, từ các băng đĩa lậu và các sách báo với nội dung tha hóa, đồi trụy, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết của các dân tộc và chính sách phát triển kinh tế, văn hóa của nhà nước ta. Do đó, việc nhận diện, tìm hiểu các yếu tố quyết định đến xu hướng phát triển văn hóa các dân tộc ở vùng Đông Bắc là rất quan trọng để phát huy, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống và chống lại biểu hiện phản văn hóa nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc.
3. Một số khuyến nghị
Để tiếp tục làm giàu bản sắc, phát triển văn hóa các dân tộc ở vùng Đông Bắc, trên cơ sở nhận thức một số yếu tố tác động trên đây, chúng ta cần tập trung thực hiện một số khuyến nghị sau:
Một là, cần nhận biết, xác định rõ các yếu tố tác động đến xu hướng phát triển của văn hóa dân tộc ở từng địa phương của vùng Đông Bắc sẽ giúp từng địa phương chủ động, vững bước, tự tin, sáng tạo trong việc hoạch định chiến lược phát triển bao gồm chính sách, chiến lược xây dựng nền văn hóa dân tộc trong từng giai đoạn phát triển.
Hai là, về quan điểm văn hóa tầm vĩ mô, cần xem xét cả những yếu tố quyết định xu hướng chung nằm trong bối cảnh toàn cầu hóa nhưng chú trọng nghiên cứu thêm cả chính sách về truyền thông – văn hóa; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc trong vùng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Đây chính là quá trình truyền thụ và tiếp thu văn hóa, là con đường chủ đạo hình thành nhân cách con người.
Ba là, muốn phát triển văn hóa theo hướng bền vững cần thúc đẩy, nâng cao nội lực các yếu tố văn hóa của vùng, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thông qua cácchương trình cụ thể nhằm tích hợp được các giá trị văn hóa tinh hoa của nhân loại và văn hóa của đồng bào các dân tộc ta; làm sao để trong thời gian tới chúng ta luôn tự tin, có bản lĩnh, nâng cao tính hiệu quả trong việc chứng tỏ những nét độc đáo riêng có của văn hóa mình và vẫn mang được phong cách, tầm vóc văn hóa quốc tế; Từ đó giữ gìn, phát triển hệ giá trị văn hóa của vùng Đông Bắc ngày càng bền vững qua các thời kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang gia tăng mạnh với nhiều biến đổi phức tạp.
Bốn là, thấm nhuần cao độ các giá trị văn hóa, thiết kế – tổ chức các hoạt động văn hóa thật bài bản, chuyên nghiệp, có chiến lược, lộ trình để tạo nên hiệu quả to lớn, lâu dài cho sự phát triển; cần tăng tính chuyên nghiệp đối với việc truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa vùng Đông Bắc ở trong nước và quốc tế.
Năm là, cần giới thiệu về lịch sử, về truyền thống cũng như giới thiệu về những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong vùng. Việc tăng thời lượng và số lượng môn văn hóa học đối với cả khối học tự nhiên và xã hội là rất cần thiết. Điều đó sẽ cho thế hệ mới – những chủ nhân tương lai của đất nước hiểu được bản sắc văn hóa của quê hương mình và vai trò của nó đối với sự phát triển bền vững của vùng. Chỉ có như vậy cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình toàn cầu hóa. Đây là một quá trình không thể nóng vội, nhưng cũng không thể chậm trễ mà cần được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giáo dục và tự giáo dục tại các địa phương trong toàn vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố cấu thành văn hóa biến đổi theo chiều hướng tích cực, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nền văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa, thống nhất của các cộng đồng sắc tộc văn hóa, những giá trị tạo nên bản sắc của dân tộc cần phải được giữa gìn và phát huy trong bối cảnh kinh tế thị trường với sự phát triển văn hóa diễn ra phổ biến. Trong xu hướng chung đó, văn hóa dân tộc vùng Đông Bắc là một nền văn hóa có bản sắc, giàu truyền thống đang cần được bảo tồn và phát triển để thực sự trở thành biểu trưng cho nét đẹp tinh thần của cộng đồng các dân tộc, đây cũng là cơ sở để phát huy hơn nữa vai trò là động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Bắc Việt Nam hiện nay, mặt khác chống lại biểu hiện văn hóa ngoại lai đồng thời phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng phát triển văn hóa các dân tộc ở vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới để thấy được những biến động của nó trước tác động của nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó thấy được những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nền văn hóa ấy trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung, từ đó có thể định hướng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc các dân tộc vùng Đông Bắc trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay là rất cần thiết.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước ta đang tích cực hội nhập với thế giới nên các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, bài bản, phát huy tính độc đáo, sáng tạo của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm với sức mạnh thời đại để góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước phát triển trong hòa bình, hợp tác, bền vững, giao lưu, quảng bá nền văn hóa các vùng, miền của đất nước với bạn bè khắp năm châu.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : LÊ THỊ KIM HƯNG
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai