Phim truyền hình, con đường phía trước


     Sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình vào những thập niên 70-80 của thế kỷ trước đã tạo ra thế vượt trội cho màn ảnh nhỏ không chỉ trên lĩnh vực thông tin truyền thông mà còn cả trong lĩnh vực nghệ thuật công nghệ giải trí. Phim truyền hình đi vào từng nhà, từng phòng và tất nhiên điện ảnh, nghệ thuật thứ bảy – màn ảnh lớn đã phải lùi xa, nhường chỗ cho truyền hình. Nếu chúng ta nhớ lại đã có một thời khán giả Việt Nam náo nức với những bộ phim nhiều tập của Brazin Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria hay Nữ hoàng áo trắng của Venezuela, Trở về Eden của Australia, Oshin của Nhật Bản và từ đó những cái tên Người giàu cũng khóc hoặc Oshin đã trở thành những câu cửa miệng của nhiều người dân Việt Nam.

Phim truyền hình có thế mạnh là ngồi xem tại nhà, có thể vừa làm việc vừa xem (cho những người rỗi việc). Sự tiện lợi đó đã làm cho một bộ phận không nhỏ khán giả của nhiều quốc gia mất thói quen đến rạp chiếu bóng, và kết quả là số lượng rạp chiếu bóng của nhiều quốc gia và cả thế giới đã bị sụt giảm rất lớn. Nhiều rạp mất tên tuổi đã phải chuyển sang kinh doanh hoặc hoạt động ở lĩnh vực khác. Nước Mỹ là kinh đô của điện ảnh thế giới nhưng số lượng rạp cũng giảm đi không còn dày đặc như thời kỳ rạp kền với giá vé rẻ chỉ có dăm đồng xu bằng kim loại kền cho những người lao động có thu nhập thấp, những người đi đào vàng, những người dân da màu nhập cư ồ ạt vào nước Mỹ kiếm sống.

Trở lại Việt Nam, cho đến nay khán giả vẫn rất ít đến rạp, phần vì do chất lượng phim yếu, phần vì trong nhà, trong phòng, trước mặt họ đã có phim truyền hình, có màn ảnh nhỏ kể cả loại siêu mỏng nhưng kích cỡ màn ảnh lại lớn.

Hơn nữa phần đông khán giả Việt Nam không phân biệt, hoặc ít phân biệt phim điện ảnh và phim truyền hình mà chỉ có một khái niệm chung là phim Việt Nam. Vì vậy, việc ngồi ở nhà hay đến rạp không quan trọng cái chính là họ vẫn thường xuyên được xem phim Việt Nam mà phần lớn là phim truyện, đề tài phong phú, nội dung gần gũi với cuộc sống đời thường, nhất là chuyện nông thôn, chuyện đồng quê dân dã. Đối với Việt Nam ta cho đến giờ nông dân, nông thôn vẫn chiếm phần lớn đến 70-80% dân số và diện tích. Lợi thế đó đang thuộc về truyền hình và phim truyện truyền hình cũng đã và đang khai thác có hiệu quả.

Cách đây mấy năm trong một cuộc tiếp xúc với khán giả ở khu vực miền Trung, một khán giả nói rất thật rằng tổ dân phố của ông có 27 hộ gia đình, có 27 cái ti vi, mỗi lần bật lên thấy phim Việt Nam là họ đều tắt máy, đi sang nhà hàng xóm ngồi chơi hoặc là đóng cửa tắt đèn đi ngủ. Đó là chuyện có thật không chỉ ở một tổ dân phố ở miền Trung mà còn phổ biến ở nhiều vùng miền và của nhiều khán giả Việt Nam. Nhưng đó là câu chuyện của ngày hôm qua, hôm kia, còn bây giờ phim truyện truyền hình Việt Nam đã dần dần thu hút khán giả, ngày càng đông khán giả. Nếu phải kể tên những bộ phim được đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ hâm mộ, bàn luận sôi nổi, thì đó là Người vác tù và hàng tổng, Mẹ chồng tôi, Chuyện làng Nhô, Mùa lá rụng trong vườn, Ma làng, Luật đời, Chàng trai đa cảm, Đồng tiền xương máu, Cổ vật, Gió làng Kình và một số bộ phim, tập phim Cảnh sát hình sự.

Có một sự trùng hợp là cả phim điện ảnh và truyền hình, đề tài nông thôn, nông dân vẫn chiếm sự quan tâm, ưu ái của các tác giả và nghệ sĩ, sự thành công phần lớn cũng ở đề tài này. Phim điện ảnh có Bao giờ cho đến tháng mười, Thương nhớ đồng quê, Mùa len trâu và xa hơn có Cánh đồng hoang, dù đó là đề tài chiến tranh nhưng câu chuyện của nó, nhân vật chính của nó vẫn là những người nông dân cầm súng, bối cảnh vẫn là đồng quê-đồng quê đặc trưng của đồng bằng sông nước Nam Bộ.

Trong mỗi chúng ta, ai chả có một làng quê, cho dù bây giờ có thể đã là thành thị hoặc đã đô thị hóa. Chính tình cảm yêu mến những làng quê, yêu mến những người nông dân đã làm nên sức sống và linh hồn cho mỗi tác phẩm của họ. Vấn đề nông thôn và nông dân vẫn được phản ánh nhiều ở trên phim. Đó còn là một chiến lược lớn, một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay trong mục tiêu ổn định và phát triển đất nước bền vững.

Lợi thế của phim truyền hình Việt Nam là có đầu vào và đầu ra ổn định, ngày càng tăng tiến. Trong nền kinh tế thị trường thì đây là một yếu tố quan trọng cho sự tồn tại và phát triển. Nhà nước yêu cầu là phải có 50% phim Việt Nam phát trên sóng truyền hình để cân đối giữa tỷ lệ phim Việt Nam và phim nước ngoài. Nhưng thực tế phim Việt Nam còn thiếu, chưa đạt được tỷ lệ đó. Các tác giả phim phải chạy đua với thời gian, phải làm nhanh, làm vội và tất nhiên điều đó đã dẫn tới chất lượng sản phẩm yếu hoặc chưa được như ý muốn. Nhưng cũng không hoàn toàn là thế, bởi vì làm nên chất lượng phim còn có nhiều yếu tố khác. Đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn luận về chất lượng phim Việt Nam hiện nay, vấn đề quan trọng luôn được đặt lên hàng đầu là kịch bản, và chất lượng kịch bản vừa thiếu lại vừa yếu. “Có bột mới gột nên hồ”, đây là vấn đề vừa có tính lý luận lại vừa có tính thực tiễn.

Bởi vì điện ảnh hướng tới tính chuyên nghiệp đòi hỏi tất cả các khâu trong quy trình sản xuất đều phải được chuyên nghiệp mà đầu tiên là khâu kịch bản. Không có kịch bản thì không thể có phim, không có kịch bản hay thì cũng sẽ rất khó có phim hay (trừ trường hợp ngoại lệ). Muốn có kịch bản hay phải có những tác giả, những nghệ sĩ tài năng và tâm huyết. Tuy nhiên cũng còn những vấn đề quan trọng khác đó là cơ chế quản lý và chính sách kinh tế mà với truyền hình và điện ảnh Việt Nam thì cơ chế quản lý và chính sách tài chính đang là vấn đề phải bàn bạc, phải giải quyết. Bởi tiền làm phim vẫn của nhà nước cấp hoặc đặt hàng. Nghệ sĩ hoặc những thành phần chủ yếu của việc sản xuất phim vẫn hưởng lương nhà nước, làm việc như những công chức nhà nước chứ không phải là những người hoạt động, kinh doanh điện ảnh, không bị chi phối bởi quy luật của thị trường. Trên thế giới, cơ chế này hầu như đã không còn tồn tại. Chính điều đó đã làm hạn chế hoặc thủ tiêu năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo mà với nghệ sĩ điều cần hơn hết là sự sáng tạo. Đó là nguyên nhân chính đã kéo dài tình trạng yếu kém về chất lượng phim của chúng ta hiện nay.

Tính chuyên nghiệp còn ở chỗ người làm nghề phải sống được bằng nghề. Phim phải bán được ra thị trường, có lợi nhuận thu về để tái sản xuất, nhà sản xuất và các nghệ sĩ phải làm phim bằng tiền của mình và sống bằng nguồn thu từ phim mang lại, chứ không phải làm phim bằng tiền nhà nước, sống bằng lương nhà nước. Phải thực thi cơ chế thị trường chứ không phải cơ chế bao cấp, dù dưới dạng nào.

Những người làm phim truyền hình đã cố gắng cải thiện tình hình này, đã có nhiền bộ phim thành công không chỉ ở chất lượng phim có sức hấp dẫn lôi cuốn người xem mà còn có tầm khái quát cao về chủ đề, về nội dung và độ dài của phim. Có những phim dài năm, sáu chục tập đến hàng trăm tập chứng tỏ năng lực của đội ngũ sáng tác và sản xuất đang cố gắng tiếp cận phương thức sản xuất phim truyền hình hiện đại.

Nhắc đến những bộ phim như Chuyện làng Nhô, Ma làng, Luật đời, Gió làng Kình, người xem thấy rõ sự nối tiếp thành công của mảng phim phê phán, chống những thói hư tật xấu đã hoặc đang tồn tại trong nhiều làng quê Việt Nam mà phim truyện truyền hình đang là mũi nhọn dám xông vào trận tuyến đầy chông gai đó. Bài báo Người làng Nhô xem Chuyện làng Nhô viết: “Phải nói rằng tất cả công chúng màn ảnh nhỏ đều háo hức chờ đợi, đón xem. Làng Nhô trước hết đó là tính hấp dẫn của câu chuyện phim, các diễn viên tham gia hợp vai, hợp cảnh. Đã từ lâu màn ảnh nhỏ lại có một phim truyền hình dài tập được công chúng mến mộ như vậy. Đặc biệt tuy là câu chuyện có thật tại một làng trong bối cảnh thời gian và không gian nhất định nhưng ai xem cũng thấy như chuyện kể về quê mình. Cũng người ấy, thói hư tật xấu ấy, đồng đất ấy. Đó là thành công của bộ phim xuất phát từ người thực, việc thực, người làm phim khái quái được cả một vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm. Vậy mà người làng Nhô (Lác Nhuế) lại không muốn xem phim làng Nhô”(1).

Những lời nhận xét trên đây có lẽ cũng còn đúng với các phim như Ma làng, Gió làng Kình về xây dựng cốt truyện, về sự thể hiện của các diễn viên, về tính điển hình và sự khái quát của các bộ phim để tạo nên sức hấp dẫn và ý nghĩa xã hội của tác phẩm. Còn chuyện người làng Nhô không muốn xem phim làng Nhô cũng là điều dễ hiểu. Cách đây nhiều năm khi bộ phim truyện điện ảnh Chuyến xe bão táp ra đời, phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực diễn ra trên các bến xe và chuyến xe khách đường dài, đã có những công ty xe khách làm đơn kiện hãng phim nói xấu họ. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chuyện giao thông, chuyện xe đò, xe khách cho đến bây giờ vẫn còn là những câu chuyện dài dài. Người ta thích nghe những lời khen chứ mấy ai thích nghe những lời chê, “có tật giật mình”, sự đời là vậy.

Trong sự cố gắng và thành công của phim truyện truyền hình vẫn còn những mặt hạn chế mà đến những khán giả bình thường vẫn dễ dàng nhận thấy. ít có được những câu chuyện hay, những cốt truyện hay với những tình tiết, tình huống phức tạp, éo le và bất ngờ mà thường là những câu chuyện đơn giản, xem trước biết sau. Ít có những chuyện lạ, cách nghĩ và cách làm lạ. Tôi còn nhớ bộ phim truyện truyền hình Việt Nam sản xuất đã khá lâu, khi nó được phát sóng, không những khán giả Việt Nam mà cả khán giả nước ngoài cũng đón nhận thích thú, đó là phim Mùa hoa cải bên sông, một câu chuyện hay, một đề tài mới lạ được chuyển thể từ một truyện ngắn của Việt Nam. Chuyện những người dân vạn chài làm nghề trên sông và khi chết cũng về với sông nước thì nhiều người đã biết, nhưng đưa lên phim một câu chuyện như Mùa hoa cải bên sông thì có lẽ đó là lần đầu tiên. Văn hóa nghệ thuật và phim ảnh rất cần sự mới lạ đó, vừa lãng mạn vừa bi thảm, khắc nghiệt và dữ dội.

Có một lần tôi ngồi xem phim với một thầy giáo, anh vừa giảng dạy lại vừa là cán bộ quản lý. Anh nói với tôi rằng, xem phim Mỹ mình biết họ làm giả bằng kỹ xảo điện ảnh nhưng sao vẫn cảm thấy như thật, có khi nó làm mình thót tim nhưng xem phim Việt Nam nhiều cảnh quay người thật việc thật hẳn hoi mà mình vẫn cảm thấy giả. Giả từ khâu kịch bản, giả từ khâu dàn dựng đến khâu thể hiện của diễn viên, phim lại nói nhiều, nhiều lời thoại không thật, đó là lời của tác giả chứ không phải là lời của nhân vật, “nói như là sách”. Bệnh nói nhiều, nói dài và hình như các tác giả sợ khán giả không hiểu hết ý mình nên cứ phải nói dài, giải thích, trình bày cặn kẽ. Tất nhiên là không phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ điện ảnh – nghệ thuật hình ảnh, làm mất tính hàm xúc, tính cô đọng và chắt lọc của ngôn ngữ hội thoại. Người đời thường nói: nói ít hiểu nhiều, “văn hay bất nợ là dài”. Ngoài đời nói dài, nói dai cũng là căn bệnh phổ biến của nhiều người thích nói, hay nói. Nhược điểm này còn được bộc lộ rõ ở loại phim Cảnh sát hình sự, có một vụ việc gì vừa xảy ra hoặc có một nghi can nào đó cần điều tra, các cảnh sát điều tra chỉ cần đến gặp một bà hàng nước cạnh hiện trường hoặc gặp một ông hàng xóm đã kể vanh vách mọi chuyện cho anh cảnh sát nghe, anh cảnh sát chả cần phải mất thời gian và công sức để điều tra, phán đoán và tất nhiên khán giả cũng chả cần phải đợi chờ hồi hộp đoán xem sự việc sẽ diễn ra như thế nào. Hình như đó chỉ là cái cớ để nhân vật nói ra một mạch, nói ra tuồn tuột. Làm phim hình sự như thế quá dễ dàng, quá đơn giản.

Tính hành chính hóa nghệ thuật trong phim hình sự cũng khá rõ, quá lệ thuộc vào nguyên tắc, khuôn phép và điều lệnh của công an. Đồn công an, trụ sở cơ quan điều tra, những nghi thức báo cáo, xin ý kiến của những cán bộ cấp dưới, cấp trên, những cuộc họp lên chương trình, kế hoạch phá án, những ý kiến chỉ đạo của cấp trên hình như không thể thiếu trong phim hình sự Việt Nam. Kể cả sắc phục mũ áo, quân hàm quân hiệu lệ thuộc quá nhiều về tính nghi thức, có cả những trường đoạn dài ngồi trong phòng bên bàn giấy với sổ sách, giấy bút nghiêm chỉnh, lời thoại lại dài, nhận định, phán đoán gần như chính xác trăm phần trăm. Phim truyền hình người ta ít dùng những cảnh tĩnh dài như trong điện ảnh. Người ta có thể quay những cảnh dài nhưng khi đưa lên bàn dựng họ cắt nó ra dựng xen kẽ vào những cảnh khác (dựng đan xen) để làm cho mức độ của phim tăng lên, tính hấp dẫn, thu hút cao hơn, tăng hành động mà giảm đối thoại hoặc lời thoại (độc thoại) dài dòng.

Thực tế của nhiều vụ án tưởng như bế tắc, tưởng như đi vào ngõ cụt lại được hé lộ, được mở ra nhờ vào những chi tiết, tình tiết hoặc vật chứng rất nhỏ, rất bất ngờ. Không đúng như kịch bản hoặc những phán đoán ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra. Cái đó vừa có tính hấp dẫn tạo kịch tính lại vừa giúp điều tra viên mở rộng sự phán đoán, sự tìm tòi và phát hiện từ những chi tiết, tình tiết tưởng như nhỏ, tưởng như vô can.

Nghệ thuật cho phép giản lược những thủ tục hành chính rườm rà, thoát khỏi các vỏ bọc, các mô phỏng hiện thực một cách máy móc, tập trung cho cốt truyện ngắn gọn, chặt chẽ, cho nhân vật, tính cách và số phận chắt lọc, nâng cao, nghệ thuật hóa hiện thực.

Trở lại sự thành công của phim truyền hình ở mảng đề tài nông thôn, nông dân, với chủ đề phê phán những thói hư tật xấu, những cá nhân toan tính, vụ lợi, đã có những bộ phim vượt trội góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội đáng được động viên khích lệ. Tuy nhiên cũng cần có nhiều bộ phim người tốt việc tốt, những tập thể và cá nhân đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước và quê hương. Bộ phim Người vác tù và hàng tổng là một ví dụ. Phim giản dị, rất đời thường, nhân vật bình thường hết lòng vì dân. Phim pha lẫn chút hài hước, đã có sức hấp dẫn, thu hút và thuyết phục khán giả.

Phim Mẹ chồng tôi là câu chuyện giữa mẹ chồng và nàng dâu rất đời thường, rất giản dị và chân quê, rất nhân hậu, rất ấm áp tình người, nó phá vỡ một quan niệm, một mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa mẹ chồng và nàng dâu đã hằn sâu trong xã hội trước đây, thiết lập một quan hệ cảm thông chia sẻ, vị tha nhân ái giữa mẹ chồng và nàng dâu trong xã hội hiện đại… Những bộ phim như thế rất cần có nhiều trên màn ảnh.

Mới đây có thông tin Hãng phim THVN khởi quay bộ phim Bí thư tỉnh ủy, là câu chuyện về ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã từng nổi tiếng với chủ trương “khoán hộ khoán chui” cách đây gần 50 năm. Là một con người với ý nghĩa viết hoa của từ này: “một con người luôn tư duy, luôn luôn muốn thay đổi, luôn luôn muốn vượt lên mọi khuôn khổ chật hẹp của các loại nghị quyết và lễ nghi, khuôn khổ, một con người dũng cảm không biết sợ hãi bất cứ thế lực nào vì tin vào mục tiêu cao cả của mình là cơm áo, ruộng vườn cho nông dân”(2). Bài báo này đã trích lời của nhà văn Thùy Linh – Phó giám đốc Hãng phim THVN: “Làm phim giải trí cũng hay nhưng cuộc đời còn bao điều đáng phải nghĩ, phải làm, phải thay đổi; còn bao nhiêu số phận, con người còn phải được tìm kiếm, nhắc lại, nhớ đến. Và những bộ phim về họ thật ra luôn hấp dẫn nếu ta làm thật sự bằng trái tim”.

Quả thật rằng chúng ta đang rất cần những bộ phim như Bí thư tỉnh ủy và nhiều gương người tốt việc tốt khác, những con người phi thường và những con người bình thường đang ngày đêm làm việc quên mình vì nhân dân và đất nước. Những bộ phim như thế có sức động viên cổ vũ mọi người vượt lên phía trước. Làm những bộ phim như thế có thể chưa ai dám chắc có sức hấp dẫn nhưng giá trị nhân văn, giá trị đạo đức và lẽ sống con người thì chắc chắn có hiệu quả cao. Đó là mục tiêu của những nền nghệ thuật chân chính nhằm hướng tới.

Làm bằng cả trái tim, làm bằng cả những cách nghĩ và cách làm mới, chúng ta tin rằng phim sẽ có sức thu hút, hấp dẫn và thuyết phục.

Con đường phát triển của phim truyền hình đang đợi chờ ở phía trước. Hy vọng rằng phim truyền hình sẽ có nhiều bộ phim tốt, phim hay phục vụ nhu cầu khán giả, thúc đẩy xã hội phát triển.

_______________

1. Báo Văn hóa Chủ nhật 30-10-1998.

            2. Bí thư tỉnh ủy – Phim về một con người đi trước thời đại, Báo Tuổi trẻ, số ra ngày thứ tư 4-2-2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Phan Đình Mậu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *