Xây dựng y đức học viên tại học viện quân y

Y đức là đạo đức nghề nghiệp, có vị trí, vai trò quan trọng, là bộ phận cơ bản cấu thành nên phẩm chất, nhân cách của người thày thuốc. Ngay từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, cách đây hơn 2000 năm, Hyppocrate, người được coi là ông tổ của ngành y đã nêu lên cơ sở đạo lý mà người làm nghề y phải tuân theo, tuyên thệ trước khi bước vào nghề. Ông chỉ rõ: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh, tùy theo khả năng, sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu, bất công, tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư, cần thiết, dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh” (1).

Trong lịch sử y học Việt Nam, các bậc danh y nổi tiếng đều khẳng định y đức có vai trò quan trọng không kém gì so với y thuật. Những ai đã theo nghề chữa bệnh, cứu người thì phải có y đức mới có thể làm tròn bổn phận của mình, bởi công việc của người thày thuốc liên quan trực tiếp đến sức khỏe, vốn quý nhất của con người. Trong số những danh y, phải kể đến Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; họ không chỉ là các bậc danh y nổi tiếng, mà còn là những nhà tư tưởng lớn về y đức. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã viết: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, chuyên bảo vệ sinh mạng con người, vui cái vui của người. Chỉ lấy việc cứu mạng sống cho người bệnh làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể công” (2). Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đã luôn quan tâm tới y tế, sức khỏe con người. Người đã khai thác những tinh hoa truyền thống dân tộc, kết hợp với xây dựng con người mới, tạo nên tính dân tộc, khoa học, đại chúng cho nền y học Việt Nam. Người đã để lại những tư tưởng quý báu, trở thành phương châm hành động cho sự phát triển nền y tế nước nhà, trong đó đặc sắc nhất là tư tưởng về đạo đức của người thày thuốc: lương y như từ mẫu, được đặc biệt quan tâm.

Thấm nhuần tư tưởng về y đức của Hồ Chí Minh, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ, năng lực làm việc; 12 điều về y đức của Bộ Y tế. Học viện Quân y đã rất chú trọng giáo dục, đào tạo học viên phát triển toàn diện cả về đức, tài. Mặc dù đào tạo học viên trở thành bác sĩ quân y có tính trội về chuyên môn, nghiệp vụ, song nhà trường đã luôn chú trọng công tác xây dựng y đức cho học viên, làm cho họ thấm nhuần những chuẩn mực, nguyên tắc y đức của người bác sĩ quân y. Khi đó, học viên sẽ không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, năng lực của bản thân, làm tròn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe bộ đội, nhân dân sau khi tốt nghiệp, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình hiện nay.

Bằng những hành động cụ thể, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Quân y đã thường xuyên đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng y đức cho học viên, chỉ đạo các bộ phận, các lực lượng phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong xây dựng y đức cho học viên. Cán bộ, giảng viên trong toàn học viện đã nghiêm túc quán triệt sự chỉ đạo nhà trường, phối hợp chặt chẽ với nhau trong xây dựng y đức cho học viên. Nhờ đó, đa số học viên đã có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y đức, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện phẩm chất, nhân cách phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Biểu hiện của thành tựu này là kết quả học tập, rèn luyện của học viên ở từng năm học luôn giữ ở mức cao, đa số ở mức khá trở lên, có đồng chí xếp loại giỏi toàn diện, đại đa số học viên có kết quả rèn luyện tốt. Nhiều học viên lập được những thành tích xuất sắc trong các phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, trong các hội thi cấp học viện, cấp Bộ Quốc phòng, được nhà trường khen ngợi, nêu gương. Học viên tích cực, sôi nổi tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện như phong trào hiến máu nhân đạo, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, quyên góp ủng hộ những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Những hoạt động đó góp phần xây dựng y đức cho học viên, giành được sự tin yêu của nhân dân đối với quân đội nói chung, ngành quân y nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự biến đổi của hệ thống chuẩn mực xã hội, các hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội đã, đang len lỏi tác động vào nhà trường khiến một số học viên ở Học viện Quân y bị ảnh hưởng, bộc lộ những hạn chế nhất định. Biểu hiện là một số học viên chưa thật sự tích cực, tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện y đức, cá biệt có học viên quan niệm trong thời gian học tập tại trường chỉ lấy việc học tập chuyên môn làm chính, còn xem nhẹ dung nạp tri thức y đức, dẫn đến không tập trung trong quá trình nghe giảng để lĩnh hội, thẩm thấu, chuyển hóa những tri thức đó vào bản thân mình. Trong tham gia các hoạt động phong trào có gắn với nội dung xây dựng y đức, còn có một số học viên thờ ơ, thiếu trách nhiệm, qua loa, chiếu lệ, chưa thực sự phát huy vai trò trách nhiệm cá nhân trong các hoạt động đó. Một điều đáng quan tâm nữa là những hiện tượng tiêu cực của xã hội, của ngành y đã bước đầu len lỏi vào môi trường y đức ở Học viện Quân y, làm ảnh hưởng tiêu cực đến học viên, khiến một số học viên có dấu hiệu coi trọng giá trị vật chất đơn thuần, chạy theo đồng tiền, không chịu tu dưỡng, rèn luyện y đức, dần xa rời giá trị cao quý, đích thực của người bác sĩ quân y.

Do vậy, cần phải nâng cao chất lượng xây dựng y đức của học viên ở Học viện Quân y hiện nay; đây là đòi hỏi mang tính cấp bách, lâu dài để tạo cơ sở, nền tảng hình thành những phẩm chất, đạo đức cốt lõi của người bác sĩ quân y, làm nên giá trị bền vững cho chính bản thân họ.

Để làm được điều này cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau.

Cần làm tốt hơn nữa công tác quán triệt tư tưởng về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của y đức cho học viên ở Học viện Quân y hiện nay. Thông qua quán triệt tư tưởng về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của y đức sẽ giúp cho học viên xây dựng động cơ phấn đấu, rèn luyện y đức theo mô hình của bác sĩ quân y. Việc làm này cần phải được tiến hành đồng bộ từ Đảng ủy, Ban giám đốc học viện cho đến các đơn vị cơ sở, trong đó lực lượng nòng cốt, trực tiếp nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. Đồng thời, việc quán triệt tư tưởng tới học viên phải được tiến hành thường xuyên, cụ thể hóa vào trong chương trình, kế hoạch huấn luyện đã xác định của nhà trường, có như vậy mới làm cho nội dung quán triệt thực sự đi vào chiều sâu, tránh hiện tượng làm qua loa, đại khái dẫn đến giảm hiệu quả xây dựng y đức cho học viên ở Học viện Quân y hiện nay.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể xây dựng y đức cho học viên ở Học viện Quân y hiện nay. Chủ thể là các cấp ủy Đảng đóng vai trò quyết định nhất để tạo nên sự thống nhất về mục đích, phương châm, đường hướng hoạt động. Các chủ thể này phải bám sát thực tiễn, hiện trạng y đức cũng như tiến trình xây dựng y đức của học viên trong từng giai đoạn cụ thể, để đưa ra nghị quyết lãnh đạo, toàn diện về công tác xây dựng y đức của học viên. Đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý phải có trách nhiệm quán triệt nghiêm túc, tổ chức, triển khai nghị quyết vào lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, tự giác, nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để đưa nghị quyết vào thực tiễn xây dựng y đức của học viên. Bản thân đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý cũng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tự chấn chỉnh để trở thành tấm gương đạo đức.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Học viện Quân y hiện nay. Cá nhân, nhân cách cũng như những phẩm chất cần có của một cá nhân bao giờ cũng được hình thành, phát triển từ một môi trường xã hội cụ thể, ở trong một môi trường văn hóa có tính đặc trưng nhất định. Xây dựng y đức của học viên ở Học viện Quân y hiện nay cũng nằm trong tính quy luật chung ấy. Do vậy, nhà trường phải hướng đến hoàn thiện hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, y đức của học viên theo mô hình đào tạo bác sĩ quân y với những nét đặc thù riêng biệt. Sự hoàn thiện này là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng môi trường văn hóa, các thiết chế văn hóa trong nhà trường, là biện pháp mang tính chất cơ sở cho xây dựng các nội dung khác ở Học viện Quân y hiện nay. Các thiết chế văn hóa có tính thống nhất với thiết chế lãnh đạo, chỉ huy. Mặc dù không tách rời biệt lập, nhưng phải tạo dựng được tinh thần dân chủ, lành mạnh trong các mối quan hệ. Trong đó, đặc biệt chú trọng quán triệt, vận dụng, tổ chức thực hiện tự phê bình, phê bình ở tổ chức đảng, đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, các hiện tượng lệch chuẩn văn hóa, đạo đức, y đức. Nhà trường phải hướng vào phát huy tính tự giác, trách nhiệm chính trị của các chủ thể, nâng cao tính dân chủ ở từng cơ quan, đơn vị học viên.

Thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy trong xây dựng y đức của học viên ở Học viện Quân y hiện nay. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phải hết sức chú trọng tới kết hợp giữa tính kế thừa những nét tinh hoa của truyền thống với những tinh thần mới hiện đại hiện nay. Các chủ thể lãnh đạo phải có chủ trương, định hướng chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy hợp lý. Trên cơ sở các chủ trương, định hướng ấy, các chủ thể cán bộ quản lý, giảng viên có kế hoạch tổ chức thực hiện theo tiến trình phù hợp. Trong đó, về nội dung phải hướng chủ đạo là bám sát tình hình thực tiễn xã hội đang diễn ra, quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ngành quân y. Về chương trình phải đảm bảo tính toàn diện nhưng vừa sức, phù hợp với học viên, tránh chương trình dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm. Về phương pháp giảng dạy phải phát huy, khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của học viên, kết hợp phương pháp giảng dạy truyền thống với sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ truyền tải dung lượng kiến thức lớn nhất trong một khoảng thời gian quy định, tạo sự lôi cuốn cho học viên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người bác sĩ quân y.

Phát huy nỗ lực chủ quan của học viên trong tiếp nhận, tự chuyển hóa thành phẩm chất, năng lực, rèn luyện y đức của học viên ở Học viên Quân y hiện nay. Xây dựng y đức của học viên ở Học viện Quân y bao giờ cũng là quá trình có tính tổng hợp với nhiều chủ thể tham gia trong tính chỉnh thể thống nhất. Mỗi chủ thể có vai trò, vị trí khác nhau, trong đó nhân tố chủ quan, tính tích cực, tự giác của học viên là quyết định nhất. Nếu bản thân chủ thể học viên không tích cực, tự giác thì quá trình xây dựng y đức của học viên sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Để làm được điều này, trước hết học viên phải tích cực, tự giác trong tiếp nhận nội dung xây dựng y đức từ các chủ thể giáo dục, giúp cho học viên hiểu được cái thiện trong y đức là phải học tập chăm chỉ, miệt mài để có tri thức, rèn luyện tay nghề y học vững vàng, chữa bệnh có hiệu quả, mang lại hạnh phúc cho người bệnh, trước hết là thương binh, bệnh binh, người dân. Đồng thời, học viên cũng phải tích cực trong thực hành xây dựng y đức, đây là đích đến của toàn bộ quá trình xây dựng y đức của học viên.

Thông qua việc thực hành y đức, các học viên của Học viện Quân y sẽ khiến giá trị đạo đức được lan tỏa trong giao tiếp với người bệnh, là bước tự đánh giá trình độ y đức của bản thân đang ở mức độ nào. Từ đó, học viên có thể tự kiểm nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp với mô hình đào tạo mà nhà trường đã xác định.

_____________

1. John Rees, Gwyn Wiliams, Ethics, Principles of clinical medicine, London, 1995, tr.7, 8.

2. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh, tập 1, Nxb Y học, Hà Nội, 1995, tr.6.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017

Tác giả : PHẠM BÁ ĐIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *