Di sản văn hóa mường gắn với phát triển du lịch ở hòa bình

Hòa Bình là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo của các tộc người như: Mường, Dao, Thái, Mông… trong đó, đậm đặc và nổi bật là những giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân Mường. Những giá trị ấy qua thời gian đã lắng đọng và biểu hiện trong kho tàng văn hóa của người Mường. Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới, vấn đề đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại là đòi hỏi mang tính cấp thiết.

Di sản văn hóa (DSVH) là nguồn tài nguyên cho hoạt động du lịch. Chính vì vậy, công tác quản lý DSVH cần chú trọng tới việc giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển.

 Với mục tiêu phát triển du lịch Hòa Bình trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ có các sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa, sinh thái, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển du lịch (PTDL) phải gắn với việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Quá trình hiện thực hóa mục tiêu đó cần dựa vào định hướng: PTDL Hòa Bình theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường; PTDL Hòa Bình trong mối liên hệ với các vùng trong cả nước và quốc tế, đồng thời chú trọng tới việc thu hút du khách trong và ngoài nước; phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, trong đó chú trọng PTDL văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng, tiền đề phát triển các loại hình du lịch khác; PTDL Hòa Bình theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư PTDL; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Quá trình PTDL ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy du lịch là phương thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Ở Hòa Bình, du lịch cộng đồng là mô hình phổ biến luôn song hành với mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tộc người. Vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Bình là định hướng phát triển quan trọng từ góc độ hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tộc người.

PTDL cộng đồng cần xác định vai trò chủ thể của hoạt động nhằm hạn chế các tác động tiêu cực cũng như hỗ trợ tốt cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Có thể lấy dẫn chứng từ mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong và xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Sự tham gia của người dân tại xóm Mỗ 2 và xóm Ải trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa diễn ra một cách tự nhiên. Thông qua du lịch, một mặt người dân vừa có cơ hội quảng bá và nuôi dưỡng giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác cũng được hưởng những lợi ích chính đáng từ du lịch.

Những năm trở lại đây, công tác quản lý DSVH trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng được quan tâm. Song, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong hoạt động quản lý, khai thác DSVH cho PTDL. PTDL ở Hòa Bình đã gợi mở nhiều bài học cho việc tăng cường hoạt động quản lý DSVH, đặc biệt là hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong mối quan hệ với PTDL.

Hiện nay, công tác quản lý di sản tại Hòa Bình còn mang tính thụ động. Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn chưa hài hòa. Sự có mặt của cơ quan chuyên môn còn mờ nhạt khiến cho bức tranh du lịch cộng đồng ở Hòa Bình không hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến quá trình khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch.

 Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tại một số điểm còn mang tính chất kinh doanh tự phát, chưa có sự quản lý và hướng dẫn chuyên môn thường xuyên. Ngoài ra, trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế, cộng với nhận thức chưa đúng đắn của người dân chính là nguyên nhân làm cho hoạt động du lịch thiếu tính chuyên nghiệp.

Công tác xã hội hóa đầu tư vào các khu, điểm du lịch sinh thái, di tích gặp nhiều khó khăn; kinh phí cho công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút, phát triển du lịch sinh thái chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Số lượng lao động du lịch còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lao động hiện có của Hòa Bình. Bên cạnh đó thu nhập thực tế của lao động trong ngành du lịch còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cuộc sống.

Từ thực tiễn trong phát triển du lịch ở Hòa Bình, chúng tôi đưa ra một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DSVH của người Mường:

Cơ chế chính sách

Cơ chế chính sách về đầu tư, PTDL: đầu tư cơ sở hạ tầng, điều kiện vật chất, kỹ thuật cho xây dựng các sản phẩm du lịch. Ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có tính đặc thù, sức cạnh tranh, trong đó chú ý tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính biểu tượng cho văn hóa Mường. Khuyến khích đầu tư, phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, các trò chơi mạo hiểm. Ngoài ra, cần khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển du lịch, đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường như đan lát, dệt thổ cẩm…

Chính sách phát triển nguồn nhân lực: nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhân tố quyết định việc đảm bảo hài hòa mục tiêu văn hóa và kinh tế trong quá trình quản lý. Phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng đến chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ trong lĩnh vực quản lý di sản và PTDL; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chuyên nghiệp thông qua các chế độ ưu đãi; có chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt ở những nơi có kinh doanh du lịch; chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có chất lượng trong lĩnh vực quản lý di sản và kinh doanh du lịch để theo kịp mặt bằng chung của khu vực; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch có trình độ về công tác tại địa phương… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nên có chính sách phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên phát triển lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính sách xã hội hóa quản lý DSVH và PTDL: chính sách xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, phục dựng lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống cần được đặc biệt chú trọng; xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích PTDL cộng đồng ở những vùng đồng bào khó khăn, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với nguồn vốn nhằm mục đích PTDL; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho hoạt động du lịch góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch hoàn thiện và chuyên nghiệp.

Nâng cao nhận thức

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước: tổ chức các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết của đội ngũ này về văn hóa và quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và du lịch như: Luật di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị định 92/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật di sản văn hóa, Luật du lịch 2005, nội dung quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, và quản lý di sản dân tộc…

Đối với cộng đồng: tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Nội dung các chương trình giáo dục phải mang tính chất thiết thực, đơn giản, liên quan trực tiếp với những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thông qua hoạt động du lịch; đào tạo những người làm công tác quản lý tại các tuyến điểm và cư dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch; duy trì những lớp tập huấn ngắn ngày về nghệ thuật cồng chiêng, sử dụng nhạc cụ dân tộc…

Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch

Để tạo ra hình ảnh mới về tiềm năng, môi trường kinh doanh, sản phẩm du lịch có chất lượng không chỉ đối với du khách mà còn đối với nhà đầu tư, tỉnh Hòa Bình cần quan tâm đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều cách như: phát hành ấn phẩm có nội dung thông tin phong phú về du lịch Hòa Bình; phát hành các bộ phim, ảnh tư liệu về lịch sử, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những khả năng và cơ hội đầu tư phát triển du lịch; xây dựng một số quầy hoặc trung tâm thông tin tại các địa điểm du lịch cộng đồng…

Quá trình xúc tiến và quảng bá du lịch của Hòa Bình cần có sự kết hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc xây dựng các tour du lịch mang tính chất liên vùng, điều này cho phép khắc phục được một số hạn chế về nguồn đầu tư trong giai đoạn hiện tại.

Phát huy vai trò của cộng đồng

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý DSVH: cần đề cao sự thống nhất trong bảo tồn và phát huy DSVH thông qua du lịch. Do vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy người dân tự giác bảo tồn DSVH cũng như sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch: cần nâng cao nhận thức của cộng đồng người Mường về trách nhiệm trong việc bảo vệ các giá trị DSVH của dân tộc trong quá trình PTDL; xây dựng chính sách hợp lý đảm bảo nguồn kinh phí tái đầu tư cho các dịch vụ du lịch; xây dựng một số mô hình và cơ chế cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Mường tham gia vào hoạt động phát triển mô hình du lịch  cộng đồng như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo kỹ năng dịch vụ du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch…

Phát triển sản phẩm du lịch

Cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các bản du lịch trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống… giới thiệu và phục vụ khách du lịch.

Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa nhà sàn và thưởng thức văn hóa ẩm thực: tìm hiểu về các sinh hoạt văn hóa diễn ra trong không gian nhà sàn tạo cho du khách cơ hội để có được những trải nghiệm lý thú; khi đến tham quan các bản Mường ở Hòa Bình, du khách không chỉ mãn nhãn mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn với hương vị độc đáo, hấp dẫn có tác dụng như những bài thuốc dân gian.

Du lịch cộng đồng gắn tham quan nghề truyền thống: bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi, người Mường ở Hòa Bình còn có nhiều nghề phụ như dệt vải thô, thổ cẩm, nhuộm, đan lát… Việc PTDL gắn với tham quan nghề truyền thống tạo nên sự hấp dẫn, thú vị đối với du khách, đặc biệt là khi du khách được trải nghiệm trực tiếp trong các công đoạn của nghề truyền thống.

Du lịch cộng đồng gắn với việc tìm hiểu các DSVH phi vật thể tiêu biểu của người Mường: trong đời sống văn hóa, người Mường vẫn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mang đậm chất tự nhiên và bản sắc dân tộc. Các loại hình như múa dân gian có nội dung phản ánh sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm của người Mường được nhiều người yêu thích.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, DSVH của người Mường được phát huy giá trị, quảng bá thông qua du lịch. Những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường đã thực sự trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *