Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề được đặt lên hàng đầu là phát triển xã hội dựa trên sự công bằng, dân chủ, văn minh, theo những định hướng chiến lược của từng giai đoạn. Công tác giáo dục được coi như quốc sách hàng đầu trong công cuộc đổi mới đất nước. Nó góp phần vào quá trình đánh giá tình hình, đánh giá chính sách, những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của nền giáo dục và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề. Để tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển, nhằm thực hiện công cuộc xã hội hóa giáo dục, chính sách xã hội chiếm một vị trí vô cùng quan trọng.
1. Vai trò của chính sách xã hội trong việc định hướng phát triển của giáo dục, đào tạo
Chính sách xã hội nói chung trong tất cả các lĩnh vực của đời sống đều có chức năng định hướng. Với tư cách là những giải pháp của Đảng, Nhà nước (chủ thể của chính sách xã hội), ngay từ khi xuất hiện, bản thân các chính sách xã hội đã phải thể hiện được quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Một trong những vấn đề của chính sách xã hội nói chung chính là giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo ổn định trật tự, góp phần giảm xung đột và bất công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, những chính sách xã hội khi ra đời phải đi theo đúng đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự phát triển, vấn đề quan tâm. Hay nói cách khác, các chính sách xã hội giải quyết vấn đề xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối với chính sách xã hội trong phát triển giáo dục và đào tạo cũng vậy. Với chức năng của mình, các chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển giáo dục, đào tạo. Yếu tố định hướng được hiểu như là sự hướng dẫn, dẫn dắt, kiểm soát vấn đề đi theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề trên cơ sở phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chính sách xã hội trong giáo dục, đào tạo đóng vai trò là công cụ của Nhà nước trong việc phản ánh thực tại khách quan của đời sống xã hội, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia trong giai đoạn lịch sử nhất định, góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội nảy sinh, tạo sự phát triển bền vững về giáo dục, đào tạo. Bởi vậy, các chính sách xã hội là cơ sở, tiền đề định hướng sự phát triển tiếp theo của giáo dục, đào tạo trong một thời điểm, giai đoạn phát triển nhất định.
Các chính sách xã hội trong giáo dục, đào tạo, với những đặc trưng cơ bản của nó, giúp cho mọi người (người thực hiện, tham gia, nghiên cứu…) hiểu một cách rõ nét những chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện, tổ chức nhằm phát triển giáo dục, đào tạo. Hay nói cách khác, bản chất chính sách xã hội trong giáo dục, đào tạo chính là sự thể chế hóa các chủ trương, đường lối của giai cấp cầm quyền nhằm phát triển giáo dục, đào tạo ở quốc gia. Do vậy, chính sách xã hội đóng vai trò định hướng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Chính sách xã hội đối với giáo dục, đào tạo đóng vai trò định hướng phát triển. Bất kỳ một chính sách nào cũng đều đánh giá tình hình phát triển của vấn đề trong tình hình phát triển chung và đưa ra những định hướng mang tính giải pháp cho sự phát triển của vấn đề tại thời điểm.
Có thể nói, định hướng cho sự phát triển là một vấn đề trừu tượng, song để tìm hiểu sâu hơn về vai trò định hướng của chính sách xã hội trong sự phát triển của giáo dục, đào tạo tại Việt Nam, tác giả xin đưa ra một số nội dung cơ bản về định hướng giáo dục, đào tạo ở Việt Nam từ các chính sách xã hội:
Trước hết, phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô hợp lý. Trong đó, cần coi trọng cả ba mặt: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề. Đặc biệt chú ý vào giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Đảng. Phát huy quy mô hợp lý cả đối với giáo dục đại trà và mũi nhọn, hướng đến xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể học tập suốt đời. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, kể cả các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Mở rộng mạng lưới dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Triển khai các chương trình đào tạo nghề cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, thực hiện phổ cập trung học cơ sở một cách bền vững. Làm tốt việc phân luồng, giáo dục hướng nghiệp.
Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông, đặc biệt là đại học. Khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các trường trung học phổ thông năng khiếu, các lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng.
Hai là, các chính sách xã hội đóng vai trò định hướng trong việc phát triển, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với giáo dục, đào tạo. Đánh giá được thực trạng bộ máy quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, các chính sách xã hội định hướng đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo. Đổi mới cơ chế sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chú trọng quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng và giám sát các hoạt động giáo dục. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, lĩnh vực không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của sinh viên. Không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và tính chủ động cho các cơ sở giáo dục.
Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường, đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý giáo dục ở các cấp. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.
Ba là, chính sách xã hội đóng vai trò định hướng trong việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo của các trường và khoa sư phạm. Tăng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các trường, các khoa sư phạm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Chuẩn hoá trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Bốn là, các chính sách xã hội định hướng trong việc đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục, đào tạo. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, hợp tác. Giảm thời gian giảng lý thuyết, tăng thời gian tự học, gắn bó chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống.
Năm là, các chính sách xã hội đóng vai trò định hướng trong việc tăng cường nguồn lực cho giáo dục, đào tạo. Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đào tạo. Xã hội hóa giáo dục, đào tạo hướng đến xây dựng xã hội học tập.
Sáu là, các chính sách xã hội đóng vai trò định hướng phát triển công bằng xã hội trong giáo dục, đào tạo. Hướng đến đầu tư cho giáo dục khu vực khó khăn, dân tộc thiểu số, giảm sự chênh lệch về giáo dục, đào tạo giữa các vùng miền.
Bảy là, các chính sách xã hội đóng vai trò định hướng phát triển trong hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo.
Những nội dung trên cho thấy, các chính sách xã hội có vai trò định hướng sự phát triển giáo dục, đào tạo một cách toàn diện, mạnh mẽ, hướng đến hội nhập quốc tế về tất cả các lĩnh vực, trong đó giáo dục, đào tạo đóng vai trò quan trọng.
2. Vai trò của chính sách xã hội trong việc tạo tiền đề và điều kiện cho phát triển giáo dục, đào tạo
Khác với vai trò định hướng, vai trò tiền đề và điều kiện cho phát triển giáo dục, đào tạo của chính sách xã hội được thể hiện ở một số những phương diện sau đây:
Trước hết, các chính sách xã hội đóng vai trò tạo tiền đề và điều kiện môi trường xã hội thuận lợi cho phát triển giáo dục, đào tạo. Hay nói cách khác, các chính sách xã hội hướng vào giải quyết các vấn đề tồn đọng, nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước trên mọi lĩnh vực nhằm tạo một môi trường hoạt động hợp lý cho giáo dục, đào tạo phát triển. Chẳng hạn như các chính sách xã hội giảm nghèo, công bằng xã hội trong khu vực dân tộc thiểu số, người khuyết tật, khu vực khó khăn, người nghèo…, vấn đề dân số, lao động việc làm, kinh tế… đã tạo tiền đề, điều kiện để các hoạt động giáo dục đào tạo phát triển. Giảm tỷ lệ thất học, không biết chữ, tỷ lệ trẻ em đi học không đúng độ tuổi, nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục, giảm sự chênh lệch giáo dục, đào tạo khu vực thành thị, nông thôn… Như vậy, có thể thấy các chính sách xã hội đã tạo tiền đề nền tảng cho giáo dục, đào tạo phát triển bằng cách mở đường, giải quyết vấn đề khó khăn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hai là, các chính sách xã hội tạo tiền đề kinh tế cho phát triển giáo dục, đào tạo. Các chính sách xã hội về kinh tế đã góp phần giải quyết những khó khăn nảy sinh trong hoạt động giáo dục, đào tạo như thiếu thốn cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin, thiếu nguồn vốn đầu tư… Chẳng hạn, trong những năm 1991-1995, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư hơn 300 tỷ để xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú, 5 trường đại học trung ương, 39 trường tỉnh, 164 trường huyện. Đến năm 2000, sự nghiệp giáo dục phát triển cả quy mô và cơ sở vật chất. Theo kế hoạch sử dụng ngân sách Nhà nước cho các hoạt động phát triển sự nghiệp kinh tế, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính năm 2015 thì riêng giáo dục, đào tạo được chi 184.070 tỷ đồng. Trong đó, nguồn chi được lấy từ ngân sách trung ương là 32.070 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 152.000 tỷ đồng (1). Ngoài ra, giáo dục, đào tạo được chi thêm 1 nguồn nữa từ nguồn chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển với tổng chi lên đến 33.756 tỷ đồng. Trong đó, nguồn chi được lấy từ ngân sách trung ương là 14.096 tỷ đồng và từ ngân sách địa phương là 19.660 tỷ đồng.
Đồng thời, với sự phát triển không ngừng của kinh tế thị trường, nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, là điều kiện thúc đẩy sự phát triển trong giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường.
3. Vai trò của chính sách xã hội với tư cách là động lực đối với phát triển giáo dục, đào tạo
Đóng vai trò là động lực phát triển giáo dục, đào tạo, chính sách xã hội cho thấy mức độ quan trọng của mình.
Trước hết, động lực phát triển giáo dục, đào tạo của chính sách xã hội phải đạt được mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo của nhà nước, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Các chính sách xã hội chính là động lực để đạt được sự phát triển giáo dục, đào tạo về vấn đề này. Cụ thể, Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt nam giai đoạn 2011-2020 ngày 22-7-2011 cho thấy có sự gắn kết giữa sự phát triển kinh tế, xã hội với phát triển giáo dục, đào tạo. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội trở thành động lực thúc đẩy giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển. Trong quyết định này, Chính phủ đã chỉ ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Về mục tiêu tổng quát, chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực, đảm bảo yêu cầu nhân lực thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so với quốc tế; đồng thời nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế (2).
Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải thực hiện đồng loạt những mục tiêu cụ thể như tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên 70% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%, ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%, ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88% (3). Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đồng thời tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước.
Hai là, vai trò động lực cho phát triển giáo dục, đào tạo của chính sách xã hội còn được thể hiện thông qua việc giúp đỡ cho giáo dục, đào tạo bảo đảm cân đối về cơ cấu trình độ, ngành nghề, vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng, hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các chính sách xã hội cần đảm bảo việc nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu ngành nghề trở thành nhu cầu thị trường tất yếu định hướng và đòi hỏi giáo dục, đào tạo cần phải có những thay đổi để đáp ứng. Đây cũng là một động lực mà các chính sách xã hội đem lại đối với sự phát triển giáo dục, đào tạo ở Việt Nam.
Chính sách xã hội là một bộ phận không thể thiếu của xã hội. Nó đi vào giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển. Và khi giải quyết được các vấn đề đó, tức là các chính sách xã hội đã góp phần vào quá trình phát triển, giảm khoảng cách chênh lệch, phân hóa giai cấp, tạo sự công bằng xã hội. Điều quan trọng của chính sách xã hội là lấy con người làm đối tượng, giải quyết các vấn đề nhưng trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, đoàn thể. Là công cụ của nhà cầm quyền nên bản thân chính sách xã hội thể hiện cho quan điểm của nhà cầm quyền về phát triển xã hội trong các lĩnh vực nhất định.
Với tư cách là công cụ của Đảng và Nhà nước, các chính sách xã hội có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của giáo dục, đào tạo. Chính sách xã hội đóng vai trò định hướng, là tiền đề, điều kiện và động lực cho sự phát triển giáo dục, đào tạo. Điều này cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo và chính sách xã hội. Các chính sách xã hội trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là công cụ vĩ mô của nhà nước đối với giáo dục, đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu của Nhà nước về lĩnh vực này. Nó là hệ thống các phương hướng trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển đất nước, đồng thời là công cụ để giải quyết các vấn đề giáo dục đào tạo hiện thời, nảy sinh trong quá trình hoạt động, phát triển, giải quyết, rút ngắn sự chênh lệch, phân hóa, tạo công bằng xã hội trong giáo dục, đào tạo và hướng đến mục tiêu xã hội hóa giáo dục, một xã hội học tập.
_______________
1. Trích Quốc hội, Nghị quyết số 78/2014/QH13 về: Dự toán ngân sách nhà nước 2015, 10-11-2014.
2, 3. Trích Chính phủ, Quyết định số 1216/QĐ-TTg: Phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, 22-7-2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : PHAN VĂN THÀNH
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn