Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo là xu thế mang tính toàn cầu. Phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc dừng quá lâu ở một nền giáo dục chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, dạy và học lý luận chính trị chưa gắn chặt với kiến thức khoa học công nghệ, xem xét, đánh giá chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cùng cách học có nhiều bất cập của sinh viên, đòi hỏi phải có sự phản biện của chính đội ngũ giảng dạy.
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phản biện có một ý nghĩa quan trọng. Song, để phản biện có hiệu quả thì cần phải phát triển, nâng cao năng lực tư duy phản biện khoa học. Đối với giảng viên lý luận chính trị, tư duy phản biện khoa học và phát triển tư duy phản biện khoa học càng có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Tư duy phản biện khoa học là phẩm chất cơ bản trong nhân cách của giảng viên lý luận chính trị, có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển năng lực sư phạm và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên – một trong những lực lượng góp phần quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ… nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các trường đại học hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức. Một số vấn đề lý luận chính trị đến nay không còn phù hợp, phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận, nhất là giảng viên trẻ chưa mạnh, ít những chuyên gia lý luận hàng đầu. Nội dung, chương trình, giáo trình lý luận chính trị trùng lặp, chậm đổi mới, chưa thực sự gắn kết với những vấn đề thực tiễn đặt ra, các bài giảng chưa áp dụng các phương tiện kỹ thuật công nghệ, chưa gắn lý luận với công nghệ. Việc đổi mới từ nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị đến xây dựng đội ngũ giảng viên là nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược đang được đặt ra trong đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo ở bậc đai học. Việc phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị giúp người dạy phân tích, đánh giá, mở rộng, đào sâu kiến thức chuyên môn để giảng dạy tốt hơn. Đây là yếu tố đảm bảo cho họ tiếp tục nghiên cứu sâu, nhận thức thấu đáo những nội dung khoa học, cũng như bản chất cách mạng, sáng tạo của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giúp họ phân tích, đánh giá, phản biện chính xác từng nội dung, không đặt niềm tin của mình trước một vấn đề còn chưa rõ ràng, chưa có căn cứ khoa học.
Tư duy phản biện khoa học ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ của của đội ngũ trí thức nói chung, của giảng viên lý luận chính trị nói riêng. Bởi vì, hiểu đúng và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, những ý kiến trái chiều trong chuyên môn là nhiệm vụ cơ bản mà công tác giảng dạy lý luận chính trị phải thực hiện. Do đó, phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị là một yêu cầu cơ bản. Qua phản biện khoa học, ý kiến của người dạy được chủ thể tiếp nhận phản biện lắng nghe, sẽ tạo một vòng phản hồi hiệu quả, chương trình, nội dung môn học ngày càng phù hợp với đặc thù đối tượng sinh viên của mỗi trường đại học, chất lượng giảng dạy, uy tín của các cơ sở đào tạo được nâng lên. Ngược lại, ý kiến phản biện thiếu khoa học không được lắng nghe, phản hồi, khiến cho giảng viên mất niềm tin vào cơ sở đào tạo, tư duy phản biện khoa học không được phát huy, phát triển, thậm chí yếu đi.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giảng dạy lý luận chính trị, Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo, tìm tòi, cải tiến, đổi mới nội dung, phương thức tiến hành nhằm phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị. Tuy nhiên, vấn đề là chủ thể tiếp nhận nhận thức chưa đầy đủ về phát triển tư duy phản biện khoa học, ít quan tâm coi trọng, thậm chí né tránh phản biện khoa học. Tâm lý cho rằng, phản biện khoa học là tìm ra những cái sai, hạn chế, thiếu sót của người này hay người khác và coi đó là đụng chạm, soi mói, nên thường im lặng, không dám bày tỏ ý kiến của mình. Không được phản biện những vấn đề gay cấn về chương trình, nội dung môn học lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, mà các cơ quan chức năng cho là nhạy cảm; tất cả những bất cập đó làm cho tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị mất đi sức sống, không có khả năng phát triển.
Phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị hiện nay trở thành vấn đề mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình đó chịu sự tác động của hệ thống các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Trong đó, sự tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, trình độ chuyên môn, năng lực tư duy… là những yếu tố quan trọng. Sự tác động của các nhân tố đó diễn ra theo hai chiều hướng, tích cực và tiêu cực, đến phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị hiện nay.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại bắt đầu từ giữa TK XX, tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong những năm đầu TK XXI, đã và đang làm rung chuyển thế giới, tạo ra biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó cung cấp những luận cứ khoa học để định hướng phát triển tư duy phản biện khoa học, khắc phục phương pháp tư duy siêu hình, kinh viện, duy tâm ở một bộ phận giảng viên lý luận chính trị. Đây là đòn bẩy quan trọng để đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên lý luận chính trị nghiên cứu, giảng dạy có chọn lọc các yếu tố hiện đại và truyền thống, không dao động về lập trường, không ảo tưởng, mờ nhạt về lý tưởng.
Tính ưu việt của khoa học công nghệ, nhất là toàn cầu hóa truyền thông, tạo động lực, sức mạnh cho hoạt động phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị có thông tin đa dạng, đa chiều với tốc độ và tần suất cao hơn. Họ có thể phân biệt được đúng sai, tat xấu, kiểm soát, làm chủ được tri thức, đặc biệt là tri thức khoa học và đưa ra quan điểm, chính kiến của mình. Hệ thống internet, mạng xã hội trở thành nguồn thông tin sinh động, phong phú, toàn diện, kịp thời, giúp đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đánh giá, phản biện chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, những thông tin lệch lạc, có tính chất tiêu cực, xuyên tạc, nói xấu có thể ảnh hưởng lớn đến phát triển tư duy phản biện khoa học của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị. Hệ quả phức tạp là những thông tin có tính chính trị, nhưng không có định hướng nhận thức rõ ràng, dẫn đến sự nhiễu loạn, làm mất phương hướng của dư luận xã hội, bất lợi cho sự ổn định chính trị xã hội.
Như vậy, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ một mặt tạo khả năng cho tư duy phản biện khoa học của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có điều kiện bổ sung thông tin, kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, giúp người dạy không ngừng phát triển, nâng cao trình độ, nhận thức, nâng cao tính khoa học trong nghiên cứu lý luận, được mở rộng thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, công nghệ, đặc biệt là phát triển tư duy phản biện khoa học, khả năng phân tích, đánh giá, lập luận, biện bác có căn cứ trước sự bùng nổ thông tin hiện nay. Nhưng mặt khác, nó làm xuất hiện khuynh hướng hoài nghi, dao động về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin, tính cách mạng khoa học lý luận chính trị, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nếu không có cách tiếp cận, nhìn nhận mới, không có năng lực khoa học, chuyên môn, năng lực phản biện khoa học để phân tích, đánh giá, thì tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị rất dễ dao động, hoài nghi, lung lay niềm tin, không có khả năng phát triển, dần đánh mất bản lĩnh chính trị, lập trường, lòng yêu nghề, nhiệt huyết giảng dạy.
Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy các môn khoa học cũng là yếu tố cơ bản tác động đến phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Ở các trường đại học, các môn học lý luận chính trị được kết cấu là những môn thuộc khối kiến thức cơ sở cho chương trình khung của tất cả các ngành học. Đây là khối kiến thức nền tảng, hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho sinh viên, góp phần trang bị, định hướng cơ bản về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn mà cuộc sống đã và đang đặt ra. Chính từ mục tiêu tổng quát đó, phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị không chỉ dừng lại ở việc lượng hóa bằng những chỉ số được thể hiện trên giấy tờ như: sự phù hợp hay chưa của nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy các môn học lý luận chính trị ở các ngành học; đánh giá chất lượng chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học này; chỉ số niềm tin của đối tượng tiếp nhận, sự ăn khớp giữa lý luận và thực tiễn… Nó còn căn cứ vào thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị để giảng viên lý luận chính trị có thể biện giải, phản bác, đưa ra nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy các môn học phù hợp với đặc thù của từng ngành học và cơ sở đào tạo.
Hiện nay, chương trình, nội dung các môn lý luận chính trị được rút gọn từ 5 thành 3 môn học: những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lắp ghép một cách cơ học chương trình, nội dung của 3 môn học có đối tượng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận riêng là triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học vào môn học chung là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, với dung lượng nội dung lớn, thời gian dành cho môn học là 5 tín chỉ (75 tiết), khiến rất khó để giảng viên lý luận chính trị có thể đảm nhiệm cả ba khối kiến thức khác nhau với đối tượng nghiên cứu khác nhau. Việc phân tích, đánh giá, phản biện chương trình, nội dung của ba khối kiến thức trên đối với giảng viên lý luận chính trị khó đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi những thông tin về tư tưởng, lý luận mà sinh viên có thể biết được hàng ngày lại hết sức đa dạng, nhiều chiều, phức tạp và trên tất cả là môn học đặc thù, có quan hệ trực tiếp đến nền tảng tư tưởng, thì những tri thức mà nó có nhiệm vụ đem lại cho người học đóng vai trò là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của họ.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cũng là nhân tố tác động đến phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị. Trình độ, năng lực chuyên môn của giảng viên lý luận chính trị thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Am hiểu những kiến thức này, đứng trước người học, giảng viên lý luận chính trị mới bộc lộ chính kiến, quan điểm của mình, từ đó đưa ra những tri thức khoa học chính xác và truyền thụ đến sinh viên. Sự tác động của nghiệp vụ sư phạm đến phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị biểu hiện ở năng lực kiểm tra, đánh giá chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo, phương tiện giảng dạy, lòng yêu nghề. Đặc biệt, năng lực kiểm tra, đánh giá chuyên môn có tác động kép, làm tăng hiệu quả lĩnh hội tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, góp phần phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị hiện nay.
Cùng với sự tác động của các nhân tố trên, năng lực tư duy và rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật của giảng viên lý luận chính trị là yếu tố nội tại, tác động trực tiếp đến phát triển tư duy phản biện khoa học của chính họ. Năng lực tư duy là kết quả tổng hợp của sự tương tác giữa các yếu tố: tư chất, vốn kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, phẩm chất nhân cách… tạo cơ sở vững chắc cho sự hình thành, phát triển tư duy phản biện khoa học. Tư duy phản biện khoa học là năng lực cho phép đi sâu vào bản chất của sự vật để phân định đúng sai, tốt xấu, phát hiện mâu thuẫn, tìm động lực thúc đẩy chính nó phát triển. Rèn luyện, trau dồi phương pháp tư duy biện chứng duy vật giúp giảng viên lý luận chính trị nhận diện và phê phán quan điểm bảo thủ, trì trệ, định kiến trong nhận thức, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Như vậy, phát triển tư duy phản biện khoa học của giảng viên lý luận chính trị chịu tác động của nhiều nhân tố. Trong đó, mỗi nhóm nhân tố có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau. Trên cơ sở nhận diện sự tác động của những nhân tố này, để phát triển tư duy phản biện khoa học, giảng viên lý luận chính trị cần tích cực tự nghiên cứu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, thường xuyên bổ sung, cập nhật tri thức khoa học làm phong phú các nội dung, thành tố cấu thành tư duy phản biện khoa học của mình. Cần xây dựng môi trường dân chủ, công khai, minh bạch, hợp lý, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tích cực tham gia xây dựng các quy định cụ thể về đổi mới bồi dưỡng, giáo dục chính trị, sinh hoạt chuyên môn và tự rèn luyện, phát triển tư duy phản biện khoa học. Thể hiện khả năng tư duy phản biện khoa học trong biện bác, lập luận, chứng minh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy môn học, góp phần làm cho những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin thực sự là một môn học chuẩn, đích thực về nội dung kiến thức, được trình bày một cách có hệ thống, rõ ràng và dễ hiểu.
Tóm lại, tư duy phản biện khoa học là một phẩm chất cơ bản trong nhân cách của giảng viên lý luận chính trị. Phát triển tư duy phản biện khoa học là tất yếu trong quá trình hoàn thiện nhân cách của giảng viên lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học hiện nay, đồng thời cũng góp phần thực hiện giải pháp đột phá, phát triển đội ngũ giảng viên trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : VŨ TRÀ GIANG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn