Không thể phủ nhận ảnh hưởng, vai trò của tư tưởng về dân trong Nho giáo Tiên Tần đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần. Ảnh hưởng của nó được thể hiện rõ nét trong nội dung đường lối cai trị, quản lý xã hội, trong pháp luật, trong tư tưởng của nhà vua, nhà tư tưởng Việt Nam ở thời kỳ này. Đến thời Lý – Trần, tư tưởng về dân được phát triển trên cơ sở những giá trị nhân đạo trong truyền thống của dân tộc, tinh thần từ bi, bác ái, nhân từ của đạo Phật, có ảnh hưởng tư tưởng ái dân, thân dân, kế thừa từ những học thuyết của thời kỳ trước.
Xuất phát từ truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong lịch sử, những nhà tư tưởng Việt Nam đã sớm nhận thức rõ vai trò to lớn của dân trong các diễn biến của lịch sử, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước về mọi mặt, trong việc xây dựng, bảo vệ chế độ phong kiến Việt Nam. Do vậy, dưới thời Lý – Trần (đặc biệt là dưới triều Lý), dù Nho giáo chưa có vị trí, vai trò đáng kể, các vua triều Lý, nhà tư tưởng chưa ảnh hưởng gì nhiều bởi tư tưởng Nho giáo, nhưng trong tư tưởng, hành động của họ, dân đã được coi trọng. Dân không chỉ là cơ sở quan trọng để tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà còn là một điều kiện không thể thiếu được, đảm bảo cho sự trường tồn của dân tộc, của chế độ phong kiến. Việc thiết lập mối quan hệ giữa vua – quan – dân là điều quan tâm hàng đầu trong việc xây dựng, duy trì bộ máy chính quyền phong kiến. Cả 3 yếu tố ấy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, các nhà tư tưởng luôn yêu cầu, đòi hỏi nhà vua coi việc quan tâm đến dân là một khâu rất quan trọng trong việc xây dựng chính quyền, cai trị, quản lý xã hội, trong việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn của giai cấp phong kiến, của dân tộc.
Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn không chỉ đặt lòng dân, ý trời là ngang hàng mà còn lấy đó là cơ sở, căn cứ cho việc dời đô của mình: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, thấy tiện lợi thì đổi đời, cho nên vận nước lâu dài phong tục phồn thịnh” (1). Chính vì chịu ảnh hưởng tư tưởng về dân trong Nho giáo Tiên Tần, nên vua đã nhận thức rằng vương triều được ổn định thì phải đồng cảm, làm theo đúng ý dân, phải yêu thương dân chúng.
Ảnh hưởng của tư tưởng về dân trong Nho giáo Tiên Tần đối với tư tưởng Việt Nam thời Lý còn thể hiện qua quan niệm của các nhà tư tưởng về mô hình xã hội cần có. Theo đó, trong xã hội ấy, nhà vua phải luôn yêu thương dân, phải được lòng dân, phải làm cho dân chúng giàu có; đối với dân, nhà vua phải khoan hòa, giản dị.
Trong bộ Hình thư (1042), cùng nhiều văn bản dưới luật khác, không thể phủ nhận ảnh hưởng của yếu tố truyền thống dân tộc, tinh thần khoan dung độ lượng của Phật giáo, những yếu tố khắc nghiệt của Nho giáo, nhưng vẫn tìm thấy ảnh hưởng của yếu tố tích cực trong tư tưởng ái dân, thân dân.
Sang thời Trần, những tư tưởng về dân, chính sách quan tâm đến đời sống nhân dân được phát triển lên một bước mới, trên cơ sở của thực tiễn xây dựng, bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Trước hết, trong quan niệm của các vua Trần, nhà tư tưởng, nhân dân được coi là một lực lượng quan trọng nhất quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh giữ nước. Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trong chiến tranh, khẳng định chủ trương dựa vào dân để đánh giặc giữ nước, làm cho mỗi người dân trở thành một chiến sĩ tham gia vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Ngoài ra, để thực hiện được những mục tiêu ấy, để hợp lòng dân, ý dân mà từ đó huy động được sức người, sức của phục vụ cho chiến tranh giữ nước, thì điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định mà theo ông, là phải thi hành chính sách khoan thư sức dân. Chính sách này đòi hỏi sự quan tâm của nhà vua, Nhà nước phong kiến đối với sản xuất, đời sống nhân dân, do đó mà tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Chân lý đó còn là quy luật, có tính phổ biến cho mọi cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm chống lại mọi đội quân xâm lược hùng mạnh. Chân lý đó đã được cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông TK XIII, thực tiễn chống ngoại xâm của dân tộc ta qua hàng chục thế kỷ xác nhận là hoàn toàn đúng đắn.
Nhận thức rõ được vai trò to lớn của nhân dân, vua quan nhà Trần luôn coi việc quan tâm đến đời sống, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ cần thiết trong đạo trị nước. Trần Thái Tông cho rằng, mình ở ngôi chí tôn, nên muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc. Sự quan tâm của nhà vua, đội ngũ quan lại trong triều đối với nhân dân được thể hiện thông qua những chính sách, việc làm cụ thể như đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức kéo, bảo vệ đê điều, giảm thuế đối với nông dân. Những năm mất mùa đói kém xảy ra thì nhà nước thực hiện chính sách giảm thuế, miễn thuế, mở kho phát chẩn cứu tế cho dân. Tư tưởng khoan thư sức dân của nhà Trần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoàn cảnh đất nước ta vừa trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Việc làm cần kíp sau chiến tranh là thực hiện những chính sách nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Đó là những việc cần phải làm ngay, không chậm trễ để yên lòng dân. Điều này càng thể hiện rõ tư tưởng khoan thư sức dân, làm kế sâu gốc bền rễ là thượng sách để giữ nước của Trần Quốc Tuấn hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt, nhất quán. Ông đã gắn dân với nước, khẳng định sức mạnh của nhân dân là nguồn lực chủ yếu đảm bảo cho sự trường tồn của đất nước.
Đền Thiên Trường, Nam Định. Ảnh Phạm Lự
Xuất phát từ nhiệm vụ cụ thể của cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước; từ việc nhận thức được vai trò to lớn của nhân dân đối với sự trường tồn của dân tộc; đồng thời chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo Tiên Tần nên sự quan tâm đến đời sống vật chất, quyền lợi của nhân dân là nội dung chủ yếu của đường lối cai trị của nhà vua, triều đình phong kiến. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, yêu cầu, đòi hỏi nhà vua phải có đạo đức, phải thực thi các chủ trương, biện pháp mang nội dung đạo đức. Cũng xuất phát từ quan niệm như vậy, Lê Văn Hưu đã khẳng định: “Trời sinh ra dân, lại đặt ra vua, ấy là để vua chăn dắt dân, chẳng phải để vua tự cung phụng mình” (2).
Ảnh hưởng của tư tưởng về dân trong Nho giáo Tiên Tần, sự quan tâm của các nho sĩ thời Trần đối với nhân dân nhiều khi còn được biểu hiện thành một tình cảm xót thương những nỗi đau khổ, cực nhọc của người dân. Như nhà nho Văn An, do sống gắn bó với dân, thấy trời hạn lâu, dân tình đói khổ, ông không yên lòng. Ông muốn đem vốn kiến thức của mình để phục vụ cho dân, cho nước. Còn Trần Nguyên Đán, nhận thấy việc học hành cũng trở nên vô dụng nếu nó chẳng giúp được ích lợi gì cho dân.
Tư tưởng về dân của các nhà nho, nhà tư tưởng thời Lý – Trần (cũng như là các nhà nho, nhà tư tưởng Việt Nam), dù không bàn nhiều như nhà nho Tiên Tần, nhưng lại thống nhất ở quan điểm rất cơ bản, đậm tính nhân văn, nhân đạo. Theo đó, dân là đồng bào, là những người cùng dòng máu ruột thịt, gắn bó chặt chẽ với chính quyền. Như vua Trần Minh Tông đã nói rằng: “Hết thảy sinh dân đều là người ruột thịt của ta. Nỡ lòng nào để cho bốn bể khốn cùng” (3).
Xem dân là đồng bào trong tư tưởng của Trần Minh Tông là một bước tiến lớn trong tư tưởng về dân của Nho giáo Tiên Tần. Tư tưởng ấy vốn có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Sống trên mảnh đất có điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên, lại phải đối phó với nguy cơ thường trực là nạn ngoại xâm, nên từ rất sớm người Việt Nam đã nhận thức được rằng, muốn tồn tại, bám trụ vững chắc trên mảnh đất này thì mọi người phải dựa vào nhau, phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lao động. Chính những điều kiện khách quan đó đã làm nảy sinh ý thức cộng đồng dân tộc của người Việt. Ý thức này đã làm cơ sở cho việc hình thành thần thoại về nguồn gốc người Việt, một huyền thoại thấm sâu vào tiềm thức của mỗi người. Đó là truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, sau này được ghi lại trong Lĩnh nam chích quái. Chính nhờ sự tiếp thu những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, nên quan niệm về dân của vua quan, nho sĩ thời Trần đã vượt lên, có những tiến bộ hơn so với quan niệm của Nho giáo, cho rằng nhân dân dù có được coi trọng nhưng họ cũng chỉ là những người bị trị, bị sai khiến, họ có trách nhiệm phải lao động để nuôi sống xã hội.
Trong lĩnh vực tư tưởng thời Lý – Trần, phạm trù dân không chỉ bao hàm địa chủ, quý tộc, thương nhân mà còn bao hàm cả những người nông nô, nô tỳ, những người nông dân làng xã, nội dung dân là đồng bào, là những người cùng một nòi giống con Lạc, cháu Hồng. Đặc biệt, họ được nhìn nhận như một lực lượng xã hội cần thiết, chủ yếu, có vai trò to lớn trong những cuộc chiến tranh giữ nước, duy trì trật tự xã hội, đem lại sự ổn định lâu dài cho nhà nước phong kiến, dân tộc. Quan niệm về dân thời kỳ này chứa đựng nhiều nội dung, tính chất tích cực, tiến bộ. Do vậy, nó đã góp phần điều hoà những mâu thuẫn giai cấp vốn vẫn tồn tại trong xã hội phong kiến, tạo nên không khí chính trị lành mạnh, giúp cho chính quyền phong kiến đương thời huy động được sức người, sức của phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, quan điểm về dân, chính sách thân dân của vua quan, nho sĩ thời Trần dù có tiến bộ cũng chưa hoàn toàn vượt ra khỏi khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến, những hạn chế cố hữu của Nho giáo. Vì thế, quan điểm khoan thư sức dân mục đích ở đây chủ yếu vẫn là xuất phát từ lợi ích của giai cấp phong kiến, của dòng họ nhà Trần.
Như vậy có thể nói rằng, quan niệm về dân trong tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần về cơ bản chứa đựng nhiều nội dung tích cực, tiến bộ, đậm tính nhân văn, nhân đạo, vượt ra khỏi khuôn khổ, nội dung của Nho giáo Tiên Tần. Nhưng cũng vì chịu ảnh hưởng nhất định bởi tư tưởng về dân trong Nho giáo Tiên Tần nên trong quan niệm về dân của nhà nho, nhà tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần vẫn còn những hạn chế nhất định. Tuy vậy, những tư tưởng về dân đề cập trên đây đã làm nền tảng cho sự ra đời những điều luật công bằng hơn, đem lại nền tự chủ cho nhân dân trong pháp luật của xã hội hiện đại sau này.
_______________
1. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.229 – 230.
2, 3. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989, tr.28, 381, 787.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : TRƯƠNG THỊ THẢO NGUYÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn