Văn hóa ứng xử trong lễ hội hiện nay


Lễ hội là thành tố của văn hóa, là tổng thể
các giá trị vật chất và tinh thần do con người
tạo ra nhằm mục đích phát triển bản thân con
người và xã hội. Nhiều năm gần đây, hoạt động
của lễ hội đã tạo nhiều chuyển biến tích cực
trong đời sống văn hóa xã hội, nhưng bên cạnh
những tác động tích cực, những biến tướng của
văn hóa ứng xử trong lễ hội khiến việc quản lý,
tổ chức lễ hội giảm hiệu quả. Trong lễ hội đã xảy
ra những hiện tượng phản cảm như: chen lấn,
tranh cướp lộc không phù hợp với truyền thống
lịch sử, văn hóa; một số bộ, ngành, địa phương
còn để xảy ra tình trạng sử dụng xe công, công
chức đi lễ hội trong giờ hành chính, gây bức xúc
trong dư luận xã hội; công tác thanh tra, kiểm
tra hoạt động lễ hội theo thẩm quyền chưa kịp
thời, chưa hiệu quả. Nghiên cứu văn hóa ứng xử
trong lễ hội Việt Nam hiện nay là vấn đề cần
thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

1. Lễ hội và văn hóa ứng xử trong lễ hội

Lễ hội là: 1.“một hình thức diễn xướng dân gian bao gồm nhiều hình thức diễn xướng nhỏ, kết hợp hữu cơ với nhau tạo thành tổng thể diễn xướng lễ hội”; 2.“là một hình thức diễn xướng tâm linh không còn là thế giới hiện thực mà đã vươn lên thế giới biểu tượng linh thiêng. Nó tái hiện lại lịch sử tự nhiên, lich sử xã hội trong “một thời điểm mạnh”, thời điểm có giá trị đặc biệt, thời điểm thiêng, khác với thời gian thường ngày”; 3. Diễn xướng lễ hội cổ truyền đạt tới hiệu quả xã hội nhiều mặt nó tạo nên và biểu trưng cho sức mạnh cố kết cộng đồng (1). Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, không có khái niệm lễ hội mà tác giả tiếp cận lễ hội bằng cách xác định lễ hội là phức hợp gắn kết hai thành tố, đó là lễ và hội. Lễ bao gồm các nghĩa sau: Chữ Lễ thường đi với những từ như sau, lễ hội: Lễ bái, tế thần, lễ bộ, lễ chế, lễ giáo, lễ mạo, lễ nghi, lễ nhạc, lễ phép, lễ phục, lễ sinh, lễ tân, lễ tiết, lễ tục, lễ văn, lễ vật (2); Chữ Hội thường gắn với: hội ẩm, hội binh, hội diện, hội đồng, hội họp, hội ý, hội kiến, hội minh, hội nghị, hội quán, hội tâm, hội thí, hội thực, hội trường, hội trưởng, hội viên, hội xã (3). Trong đó không có từ hội lễ.

Cấu trúc của hoạt động lễ hội bao gồm: hoạt động nghi lễ là hệ thống các hành vi được đặc cách hóa, thẩm mỹ hóa đến cao độ, trở thành một thứ ngôn ngữ tượng trưng nhằm truyền tải những ý niệm của cộng đồng trong giao tiếp với thần linh. Hoạt động nghi lễ trong lễ hội thường biểu hiện dưới các hình thức: lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ Đại tế, lễ túc trực, lễ hèm... Hoạt động bán nghi lễ bao gồm trò diễn, trò chơi, biểu diễn và thưởng thức văn nghệ… với những hoạt động vô cùng náo nhiệt. Hoạt động dịch vụ được hiểu như hoạt động mua bán trong dịp lễ hội, đáp ứng đủ nhu cầu của du khách, thậm chí còn làm cho không gian của lễ hội biến đổi về quy mô, màu sắc.

Theo chúng tôi, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là văn hóa ứng xử của con người mang tính tổng hợp nhằm biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan niệm sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật biểu diễn… của một cộng đồng nhất định.

Lễ hội gò Đống Đa – Ảnh tư liệu: Nguyên Trường

Văn hóa ứng xử của con người trong lễ hội thể hiện qua hệ thống lễ và hội trong cấu trúc lễ hội. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “lễ là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân học chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, sự bình yên cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở của gia súc, sự bội thu của mùa màng, mà từ bao đời nay quy tụ niềm mơ ước chung vào bốn chữ “nhân khang, vật thịnh” (4). Phần lễ là gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phát sinh, tích hợp, trong lễ có hội, trong hội có lễ. Lễ trong lễ hội thể hiện văn hóa ứng xử của con người với thần linh, mang tính thiêng, được hình thành bởi: nhân vật được thờ, hệ thống di tích nghi lễ, nghi thức, thờ cúng như tế, lễ, rước, xách, hèm, huyền tích, cảnh quan mang tính thiêng, lễ cũng phản ánh văn hóa ứng xử với con người, thể hiện những nguyện vọng ước mơ chính đáng của con người. Lễ trong hội không đơn lẻ mà có một hệ thống liên kết, có trật tự và cùng hỗ trợ nhau. Hội được cấu thành bởi: những hình thức sinh hoạt vui chơi, không gian, thời gian, cảnh quan môi trường, tâm lý hội và hành động hội, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng. Đây là cách thể hiện rõ nhất văn hóa ứng xử của con người trong lễ hội, cho nên người ta mới coi lễ hội là một sinh hoạt văn hóa giàu tính nhân văn, tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Đến với lễ hội là đến với cái đẹp của sáng tạo, giao tiếp ứng xử, đến với cuộc sống được thăng hoa.

 Có nhiều cách phân loại lễ hội, tùy theo tiêu chí, góc tiếp cận khác nhau. Có tác giả dựa vào những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong lễ hội dân gian để phân loại thành: lễ hội có nguồn gốc tôn giáo và lễ hội vốn không có nguồn gốc tôn giáo. Căn cứ vào tính chất của lễ hội có thể phân ra thành: lễ hội nông nghiệp, lễ hội phồn thực giao duyên, lễ hội văn nghệ, lễ hội thi tài, lễ hội lịch sử. Cũng có người căn cứ vào trạng thái thể hiện của mỗi lễ hội, đề xuất một số loại hình như: lễ hội tái hiện những sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tái hiện những sinh hoạt nông nghiệp, lễ hội tái diễn những sự kiện lịch sử, lễ hội tái diễn những mặt khác của xã hội. Có tác giả căn cứ vào không gian diễn ra lễ hội để phân loại: lễ hội đền, lễ hội chùa, lễ hội đình. Có cách phân loại khác dựa vào nội dung của lễ hội để phân loại: lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc; lễ hội tín ngưỡng – tôn giáo; lễ hội văn hóa dân gian và lễ hội làng nghề. Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong Nghị định này, lễ hội được chia ra 4 loại hình cơ bản sau: lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc, tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam; lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam.

Việt Nam là nước có rất nhiều lễ hội. Hiện nay, hoạt động lễ hội tôn giáo trong nước diễn ra đảm bảo trang nghiêm, thực hiện nghiêm túc các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Giá trị và biến đổi giá trị của lễ hội hiện nay

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa giá trị là “cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó: loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao; giá trị tinh thần…” (5). Lễ hội hàm chứa những giá trị văn hóa cơ bản, mang ý nghĩa tinh thần thông qua vỏ bọc hình thức, không chỉ là giá trị truyền thống mà còn đáp ứng những nhu cầu của con người trong xã hội hiện nay. Những giá trị đó được thể hiện trên một số mặt cơ bản sau: cố kết cộng đồng; hướng về cội nguồn; tâm linh; sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần; bảo tồn, trao truyền, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kinh tế; nhận thức; dân chủ, nhân bản và giá trị thẩm mỹ… Lễ hội không chỉ là dịp để con người truyền đạt tình cảm, đạo lý và khát vọng cho nhau mà còn là dịp để con người giao hòa với quá khứ và hiện tại, qua đó củng cố thêm sức mạnh cộng đồng và thể hiện sự tôn kính đối với tạo hóa và cội nguồn của mình. Sức mạnh cộng đồng trong lễ hội là giá trị căn cốt nhất, giải thích sức hấp dẫn của loại hình lễ hội đặc biệt này trong cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, trong lễ hội hiện nay có cả yếu tố phi văn hóa, phản văn hóa cần loại bỏ khi kế thừa kho tàng lễ hội nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Xu hướng biến đổi giá trị là tất yếu khách quan vì lễ hội gắn liền với cuộc sống, phản ánh những phương diện khác nhau trong dòng trôi của chính cuộc sống. Môi trường văn hóa xã hội nơi sinh thành và nuôi dưỡng lễ hội cũng không nhất thành bất biến, nhận thức và ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, xã hội và với chính mình đã khác xưa. Thời gian tổ chức lễ hội biến đổi, diễn ra theo hai xu hướng hoặc là rút ngắn so với truyền thống, hoặc kéo dài tới hàng tháng. Không gian lễ hội, đối tượng tham gia lễ hội có xu hướng mở rộng, từ trong phạm vi làng hoặc một số làng trong khu vực nay biến thành lễ hội vùng, miền. Đối tượng đến dự lễ hội không chi là dân làng, không chỉ là một dân tộc mà là nhiều dân tộc, có cả du khách nước ngoài. Chủ thể lễ hội tín ngưỡng cũng có nhiều biến đổi. Từ chỗ cộng đồng người dân địa phương làm chủ thể tổ chức và tham gia thụ hưởng, tới nay, hầu hết lễ hội ở các làng quê đều do chính quyền các cấp chỉ đạo sát sao. Mục đích, chức năng và tâm thức thực hành văn hóa của lễ hội đang có nhiều biến đổi. Từ chỗ là để cầu cho người yên vật thịnh, lễ hội được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong thời điểm nông nhàn, đến nay lễ hội trở thành sự kiện quảng bá kinh tế – xã hội cho các địa phương, là nơi giải quyết thỏa mãn tâm lý cầu may rủi, cầu lợi lộc, cầu thăng quan tiến chức… Cấu trúc của lễ hội cũng biến dạng, thay đổi. Nhiều lễ hội thể hiện ở sự nghèo nàn, đơn điệu trong các hình thức giải trí nhưng lại sinh sôi các hình thức mê tín. Quan hệ giữa ban tổ chức lễ hội và du khách thập phương là quan hệ dịch vụ, tận thu được nhiều nguồn tiền, dẫn đến tình trạng “chặt chém” ở các dịch vụ ăn nghỉ.

 Nhiều giá trị cốt lõi của lễ hội không còn được lưu giữ, tính cộng đồng, tính thiêng trong lễ hội cũng có nguy cơ suy giảm. Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền chưa được khai thác và phát huy đạt hiệu quả tối ưu thông qua tổ chức lễ hội. Không ít người tham gia lễ hội có sự thái quá trong thực hành tín ngưỡng với mong muốn cầu lộc, cầu tài dẫn tới việc dâng đồ tế lễ tốn kém, sai lệch, các hành vi chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, tình trạng tổ chức các trò chơi đánh bạc; hoạt động mê tín dị đoan, xem bói, xem tướng, hiện tượng phản cảm như đi chùa nhưng lại mặc hở hang, ăn đặc sản thú rừng. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra, làm mất giá trị của lễ hội tín ngưỡng. Một số lễ hội do chạy theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu, tiếp thị quảng bá sản phẩm dẫn đến xu hướng tự nâng cấp, mở rộng, làm lớn quy mô lễ hội, tổ chức theo tính chất sự kiện với mật độ dày đặc; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đông của người đến tham dự lễ hội, yếu tố tâm linh suy giảm, giá trị kinh tế lấn át giá trị thực hành văn hóa và việc bảo tồn giá trị lễ hội dân tộc.

3. Biến tướng của văn hóa ứng xử trong lễ hội hiện nay

 Theo Từ điển tiếng Việt, biến tướng có nghĩa là “có hình thức được đổi khác, che giấu nội dung không thay đổi” (6). Hiểu một cách cụ thể hơn, biến tướng bao gồm những sự thay đổi về bề ngoài, cách tiến hành, cách thực hiện của một sự việc, hiện tượng, tuy nhiên nội dung vẫn được giữ nguyên. Biến tướng có thể theo nghĩa tích cực, cũng có thể theo nghĩa thay đổi tiêu cực, theo hướng che đậy mục đích của sự thay đổi, ví dụ: “một tổ chức phản động biến tướng” (7). Khi đó biểu hiện của biến tướng mang chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới nội dung cũng như ý nghĩa tích cực vốn có của sự việc, hiện tượng ấy.

Theo chúng tôi, biến tướng chính là những biến đổi theo khuynh hướng lệch chuẩn, nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Ví dụ như khi người ta nói đến kinh doanh đa cấp và sự biến tướng hãi hùng. Mô hình kinh doanh đa cấp tự bản chất của nó không hề xấu, không hề gian dối. Vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình ứng dụng mô hình này vào việc phân phối sản phẩm, chính người sản xuất đã chi phối đã tính toán ngay từ đầu hòng để trục lợi, ta gọi đó là biến tướng với rất nhiều hình thái khác nhau và thường núp bóng dưới danh nghĩa “bán hàng online”.

Hiện tượng biến tướng của văn hóa ứng xử trong lễ hội được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông và trong giới nghiên cứu gần đây. Tác giả Nguyễn Hữu Thức gọi đó là “lệch chuẩn”, cần được uốn nắn kịp thời. Những biến tướng đó được tác giả gọi tên rất rõ trong nghiên cứu của mình: đó là thương mại hóa; khuynh hướng cúng bái lấn át các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội; “Nhà nước hóa lễ hội”; phô trương, lãng phí trong tổ chức lễ hội; buông lỏng quản lý lễ hội; truyền thông câu khách về các lễ hội (8). Đây cũng chính là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết với công tác quản lý hoạt động lễ hội. Những biến tướng trong các lễ hội ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy các nhà nghiên cứu lo ngại bởi những giá trị văn hóa ứng xử đang bị xô lệch theo chiều hướng gia tăng, nhiều người dân hoang mang bởi một số người đang trượt dài trong những niềm tin mù quáng.

Biến tướng trong lễ hội tín ngưỡng là những biến đổi trong nội dung và phương thức ứng xử của con người đối với các giá trị của lễ hội theo khuynh hướng lệch chuẩn, nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội.

Nhiều lễ hội đang đứng trước nguy cơ “nhất thể hóa”, “đơn điệu hóa”, hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm thui chột đi tính đa dạng của lễ hội, du khách thập phương sau một vài lần dự hội cảm thấy nhàm chán và không còn hứng thú đi chơi hội nữa (9). Đơn điệu hóa lễ hội tín ngưỡng chính là quá trình làm cho lễ hội mất tính đa dạng đặc trưng, mài mòn tính độc đáo của lễ hội, khiến lễ hội tín ngưỡng bị nhất thể hóa về quy trình tổ chức, hình thức biểu đạt. Trần tục hóa lễ hội là biến tướng khác của văn hóa ứng xử trong lễ hội, khiến “lễ hội mang nặng tính hình thức, phô trương, trần tục hóa mà hệ quả là vừa tác động tiêu cực tới chủ thể văn hóa, vừa khiến cho du khách hiểu sai lệch về nền văn hóa dân tộc” (10). Nhiều người trần tục hóa lễ hội khiến lễ hội mất tính thiêng. Quan phương hóa lễ hội chính là hiện tượng sân khấu hóa, là sự đóng vai, diễn xuất, diễn xướng, hát, vũ đạo… trong các lễ hội, chủ yếu là ở phần hội. Biến tướng này được nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thức gọi là khuynh hướng “Nhà nước hóa lễ hội” khi nhận định: “Điều này thể hiện ở chỗ, người dân sở tại, với tư cách là chủ thể của lễ hội đang mất dần vai trò và có thể bị gạt ra ngoài lễ hội, trở thành người thụ động. Việc Nhà nước can thiệp quá sâu làm cho lễ hội bị sân khấu hóa bởi các diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp theo một kịch bản có sẵn do đạo diễn dàn dựng. Một số lễ nghi trong lễ hội tín ngưỡng cũng bị Nhà nước hóa khi có quá nhiều quan chức chính quyền các cấp đến dự lễ và cũng theo một kịch bản mang tính hành chính Nhà nước. Khuynh hướng này đang làm triệt tiêu sự sáng tạo cùa dân chúng, làm cho lễ hội mất dần tính hồn nhiên, sinh động vốn có của một lễ hội dân gian. Sản phẩm của “Nhà nước hóa lễ hội” là “ra lò” hàng loạt chương trình nghệ thuật na ná giống nhau ở những lễ hội hiện đại” (11). “Cùng với xu hướng phục hồi và phát triển lễ hội hiện nay, thì không ít các hoạt động mang tính thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để thu lợi bất chính, ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội, đặc biệt là lợi dụng tín ngưỡng trong lễ hội để buôn thần bán thánh theo kiểu đặt lễ thuê, khấn vái thuê, bói toán, đặt hòm công đức tràn lan, tạo dựng các di tích mới để thu tiền như trong lễ hội Chùa Hương, Bà Chúa Kho… Cũng không phải không có một số tổ chức mệnh danh là quản lý lễ hội, hoạt động du lịch để bán vé thu tiền bất chính khách trẩy hội. Những hoạt động thương mại này đi ngược lại tính linh thiêng, văn hóa của lễ hội, đẩy lễ hội rớt xuống mức thấp nhất của đời sống trần tục” (12). Thương mại hóa làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp trong lễ hội hiện nay. Thủ đô Hà Nội hiện đang là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước với khoảng 1.206 lễ hội diễn ra quanh năm, chủ yếu tập trung vào mùa xuân, trong đó lễ hội tín ngưỡng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Nhiều lễ hội có quy mô vùng miền, thu hút hàng vạn du khách thập phương, khôi phục được phong tục, tín ngưỡng có giá trị văn hóa sâu sắc. Một số lễ hội tiêu biểu như: lễ hội làng Triều Khúc, lễ hội gò Đống Đa, lễ hội làng nghề Bát Tràng, lễ hội Cổ Loa… Lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử khiến nghi lễ cướp lộc trong lễ hội Gióng – Di sản văn hóa thế giới cũng đã trở thành bạo lực. “Nhiều năm trở lại đây, việc tổ chức hội làng, nhất là hội có các trò diễn liên quan đến đua tài, giành lộc ở nhiều nơi diễn ra trong tình trạng lộn xộn, làm mất ý nghĩa tốt đẹp vốn có của hội và trò diễn, ảnh hưởng xấu trật tự an ninh, sự đoàn kết cộng đồng và đạo đức của một bộ phận giới trẻ” (13). Lễ hội làng Bát Tràng của Hà Nội cũng chứng kiến hiện tượng trần tục hóa. Thậm chí, trong nhiều lễ hội, ban tổ chức đã cho người đóng giả thần linh trong hoạt động lễ tế, lễ rước. Lễ hội tín ngưỡng mất tính thiêng nên mới diễn ra cảnh chen cướp lộc tại lễ hội Gióng hay cảnh nhà chùa tổ chức lễ Mông Sơn đại thí thực tại sân chùa Thiên Trù trong lễ hội chùa Hương năm 2018. Trần tục hóa theo chân du khách đến với nhiều lễ hội, biến đền Bà Chúa Kho thành ngân hàng vàng mã cho giới kinh doanh, buôn bán truyền tai nhau đến để nhờ cúng thuê nhằm làm ăn bất chính.

Những biến tướng của lễ hội sẽ tác động xấu đến mọi mặt của đời sống xã hội, khiến nền văn hóa bị tổn thương nặng nề, giá trị văn hóa bị thui chột, mọi người sẽ có những hiểu nhầm đối với những giá trị truyền thống và giá trị cốt lõi của lễ hội. Đơn điệu hóa, trần tục hóa, quan phương hóa, thương mại hóa lễ hội khiến ngày càng có nhiều lễ hội bị lạm dụng quá mức, làm mất giá trị của lễ hội. Đa dạng các dịch vụ phát sinh thêm với ý thức của một bộ phận khách tham gia chưa được tốt đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu di tích, không gian lễ hội, ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội tín ngưỡng. Thương mại hóa lễ hội là biến tướng nguy hiểm, làm cho lễ hội mất đi giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng. Lễ hội làng Lệ Mật có phần lễ trang trọng của con cháu 13 trại phía Tây thành Thăng Long xưa đội 13 mâm lễ vật từ kinh đô về đình, chứng kiến lễ rước nước từ giếng làng, lễ rước cá Chép là biểu tượng tín ngưỡng phồn thực… Nhưng bên cạnh đó, cảnh chèo kéo bán mua, từ đồ lễ đến những bình rượu rắn với những lời cam đoan chữa bách bệnh bởi đã đã được Thành Hoàng phù hộ độ trì. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh tại xã Minh Quang và xã Ba Vì, du khách sẽ khó xử khi bị một số người mời chào mua sản vật vùng quê như bánh sắn, bột sắn dây, rau sắng, thịt thú rừng, cả chim rừng đã bị vặt trụi lông. Lễ hội làng Ném Thượng xuất hiện thực trạng buồn, một số người lợi dụng tục chém lợn tế thần để ép du khách mua thịt lợn với giá cao, ngụy tạo rằng đây là thịt ông Ỉn dự phòng nên rất có giá trị, vì ông Ỉn này đã được chọn lựa làm vật tế Thần. Chợ Viềng ngày nay cũng bị thương mại hóa. Vốn là phiên chợ cầu may, mua bán ở đây không mặc cả, là một hiện tượng khá lạ, giàu ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng, nhưng giờ chợ Viềng bán đủ thứ, món được mua bán nhiều nhất bây giờ là thịt bò, sẽ bán mua đắt đỏ theo kiểu chặt chém, chứ không như trước đây bán lấy may, người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả bởi sợ mất đi ý nghĩa linh thiêng. Đúng là thương mại hóa làm cho “lễ hội đang bị biến tướng, biến dạng ghê gớm” (14). Hoặc cứ mỗi mùa dâng sao giải hạn, hàng nghìn người lại đổ về Tổ đình Phúc Khánh của Hà Nội, ngồi chật kín từ sân tới lối đi, tràn ra cả vỉa hè, lòng đường, sát tới tận Ngã Tư Sở để dự khóa lễ. Những sân chùa lớn hay các chùa làng cũng chật kín người đến đăng ký dâng sao giải hạn. Muốn được giải trừ sao xấu, mỗi phật tử đều phải nộp tiền. Đó cũng là câu chuyện đáng tiếc trong hoạt động lễ hội, làm mất giá trị của lễ hội, mất các chuẩn mực của văn hóa ứng xử.

Lễ hội là di sản quý báu của dân tộc, cần được giữ gìn truyền lại cho các thế hệ sau, đó là sức mạnh tinh thần và tinh hoa văn hóa của dân tộc cùng với sự thay đổi và phát triển của đất nước. Lễ hội sẽ mang ý nghĩa tích cực góp phần vào việc kế thừa truyền thống dân tộc, tiếp thu những yếu tố mới, gạt bỏ hết cái lỗi thời cản trở sự tiến bộ phản khoa học, phản nhân văn để tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa ngưới với người, củng cố niềm tin và hy vọng vươn tới tương lai. Thực trạng biến tướng của văn hóa ứng xử trong lễ hội khiến hoạt động lễ hội bị đơn điệu hóa, trần tục hóa, quan phương hóa, thương mại hóa, nhiều lễ hội tín ngưỡng trùng lặp, giống nhau về hình thức, nội dung, không còn giữ được yếu tố đặc trưng, đặc sắc vốn có, mất đi giá trị truyền thống. Hơn nữa, do thiếu sự sáng tạo, thiếu yếu tố khác biệt, nổi bật nên nội dung của các lễ hội đang dần trở nên nghèo nàn, nhàm chán, biến đổi về giá trị tâm linh, văn hóa, tinh thần. Những biến tướng trong lễ hội rất cần loại bỏ để lễ hội thực sự là bảo tàng văn hóa dân tộc đặc trưng, bảo tàng văn hóa tâm linh của cộng đồng, nơi bảo tồn, lưu giữ và trao truyền tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Chú thích

1. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, 2007, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.7.

2, 3. Hán Việt từ điển, Nxb Minh Tân, Pari-Pháp, 1951, tr.498, 388.

4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tập 2, tr.674.

5, 6, 7. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2009, tr.501, 89, 89.

8. Nguyễn Hữu Thức, Một số lệch chuẩn trong tổ chức và quản lý lễ hội thời gian qua, Tạp chí Di sản văn hóa, 2012, số 1, tr.9-12.

9. Ngô Đức Thịnh, Những cảnh báo về lễ hội cổ truyền hôm nay, nhandan.com.vn, ngày 10-3-2005.

10. Ngô Đức Thịnh, Vì sao nhiều lễ hội đang bị bóp méo, biến tướng, vov.vn, ngày 16-02-2017.

11. Nguyễn Hữu Thức, Một số lệch chuẩn trong tổ chức và quản lý lễ hội thời gian qua, Tạp chí Di sản văn hóa, 2021, số 1, tr.9-12.

12. Ngô Đức Thịnh, Bi kịch tín ngưỡng của người Việt, tuoitre.vn, ngày 28-02-2015.

13. Bùi Xuân Đính, Giữ gìn ý nghĩa trò giành lộc trong các hội làng, nhandan.com.vn, 17-02-2019.

14. Hoài Hương, Lễ hội đang bị biến tướng, biến dạng ghê gớm, vov.vn, ngày 04-03-2018.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb Minh Tân, Pari-Pháp, 1951.

2. Ban Bí thư, Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5-2-2015 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, 2015.

3. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học xã hội, 2013.

4. Bộ VHTTDL – Cục Văn hóa cơ sở, Thống kê lễ hội Việt Nam, tập 1, 2, Hà Nội, 2009.

5. Bộ VHTTDL: Công văn số 943/BVHTTDL-VHCS ngày 19-3-2015 Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

6. Nguyễn Thị Phương Châm, Về phục hồi lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại, tcnn.vn, 21-1-2019.

7. Việt Hà, Văn hóa lễ hội và sự biến tướng, antg.cand.com.vn, 18-2-2019.

8. Quang Hùng, Biến tướng trong hoạt động lễ hội, trách nhiệm không của riêng ai, vov.vn, 23-2-2018.

9. Bảo Khánh, Để Tín ngưỡng thờ Mẫu đi đúng quỹ đạo, hanoimoi.com.vn, 19-3-2020.

10. Hà Tùng Long, Phong tục, lễ hội ngày càng bị xô lệch: Vì đâu ra cớ sự này?, dantri.com.vn, 20-2-2019.

11. Thi Phong, Ngăn chặn tình trạng biến tướng trong tổ chức lễ hội văn hóa, nhandan.com.vn, 12-4-2019.

12. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2009.

13. Bùi Hoài Sơn, Bàn về quản lý lễ hội truyền thống trong bối cảnh hiện nay, Đặc san Di sản văn hóa, số 1 (01), 2020, tr.35-44.

14. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

15. Phương Thúy, Lễ hội biến tướng: Nói dai, nói dài… nói nữa, vov.vn, 28-4-2017.

16. Nguyễn Thị Tuyến, Một số vấn đề đặt ra trong quản lý lễ hội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4 2016, tr.3-6,11.

17. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.

Tác giả: TS Đinh Công Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *