Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế


Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt
để đón đầu xu thế chuyển đổi số quốc gia, các
doanh nghiệp Viễn thông – Công nghệ thông tin
Việt Nam cần phải “chuyển đổi số” chính mình,
không chỉ hiện đại hóa công nghệ, quy trình sản
xuất, đa dạng hóa sản phẩm – dịch vụ, tiêu
chuẩn, chất lượng hóa các giá trị… mà còn cần
xây dựng và kiến tạo nền tảng, giá trị văn hóa
số để thích ứng và cạnh tranh trong môi trường
toàn cầu hóa. Nghiên cứu Văn hóa doanh nghiệp
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam –
doanh nghiệp ICT có vai trò chủ đạo trong việc
đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia
có tốc độ phát triển viễn thông – công nghệ
thông tin nhanh nhất toàn cầu, góp phần xây
dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp ICT Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; hiện
đại, cởi mở, hội nhập quốc tế

Nghiên cứu Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Văn hóa là khái niệm xuất hiện sớm trong lịch sử, mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Ở các nước phương Tây, dù khái niệm VHDN (corporate culture) đã được quan tâm nghiên cứu từ khá sớm nhưng chỉ mới đi vào lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm ở Mỹ bắt đầu vào những năm 70 của TK XX, sau những thành công rực rỡ của các công ty Nhật Bản trên phạm vi toàn thế giới. Dưới góc độ văn hóa học, VHDN có thể hiểu là hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, bao gồm toàn bộ hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần của doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển, có tác động chi phối tới mọi mặt hoạt động của đời sống doanh nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thương trường.

Ở phương Đông, từ nửa cuối TK XX, với sự trỗi dậy thần kỳ của các nước Đông Á, đặc biệt là các quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhu cầu nghiên cứu về VHDN trở thành một nhu cầu tự thân. Nhiều học giả xem VHDN như chìa khóa, lời giải cho sự trỗi dậy thần kỳ của nền kinh tế các nước Đông Á. Ở Việt Nam, nghiên cứu về VHDN bắt đầu khá muộn, gắn với những nghiên cứu bước đầu về văn hóa tổ chức từ cuối những năm 90 của TK XX. Tiếp cận từ góc độ ứng dụng thực hành VHDN, cũng đã có một số nhà nghiên cứu/ học giả/ công trình tiếp cận VHDN với tư cách một hệ giá trị, bộ công cụ hiệu quả đóng góp vào quá trình quản trị, điều hành hoạt động doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu thực hành văn hóa đã vận dụng các lý thuyết trong và ngoài nước để nghiên cứu hoặc đưa ra các phân tích, đánh giá, so sánh về VHDN cũng như cố gắng hệ thống hóa, giới thiệu các công cụ “đo đếm” VHDN tại một số đơn vị. Hướng nghiên cứu ứng dụng thực hành, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, đo lường VHDN cũng như đưa ra các giải pháp, chiến lược xây dựng VHDN phù hợp với bối cảnh và chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngành Thông tin – Truyền thông Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, không ngừng hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ hiện đại, sự hiện diện của hầu hết các tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ thế giới tại Việt Nam, bức tranh thị trường viễn thông – công nghệ thông tin Việt Nam trở nên đa sắc màu và tình hình cạnh tranh trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Cùng với các doanh nghiệp ICT đầu đàn ở Việt Nam như Viettel, FPT, CMC… Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông – Công nghệ thông tin (VT – CNTT), vừa là nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Thông tin – Truyền thông Việt Nam, vừa là tập đoàn có vai trò chủ đạo trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển VT – CNTT nhanh nhất toàn cầu.

Trong định hướng chiến lược của mình, VNPT đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị thương hiệu và khẳng định giá trị, bản sắc VHDN trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, các vấn đề VHDN VNPT chưa được đề cập, xem xét một cách toàn diện, thiếu vắng các chỉ dẫn cụ thể đối với phát triển VHDN trong quá trình hội nhập quốc tế. Chính vì thế, nghiên cứu VHDN VNPT, đánh giá hệ giá trị cốt lõi, đo lường mức độ thấm nhuần, thực hành VHDN, khuyến nghị các giải pháp xây dựng và phát triển VHDN VNPT trong tiến trình hội nhập quốc tế và tái cấu trúc Tập đoàn nhằm tạo ra giá trị, bản sắc riêng và sức mạnh cạnh tranh cho VNPT… chính là điểm nhấn, tạo động lực cho sự phát triển của VNPT nói riêng, các doanh nghiệp ICT ở Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Định vị và kiến tạo giá trị VHDN VNPT

Lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn VNPT gắn liền với tên tuổi ngành Bưu điện và lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, “sinh ra trong cách mạng, lớn lên cùng đất nước”. VHDN VNPT được thể hiện rõ trên 3 cấp độ:

Cấp độ 1: Cấu trúc văn hóa hữu hình

Đây được xem là tầng bề mặt, bao gồm những hiện tượng, sự vật, biểu trưng mà mọi người có thể nhìn thấy, nghe thấy, là những cái thể hiện được ra bên ngoài, dễ nhận biết của VHDN. Đối với Tập đoàn VNPT, các yếu tố hữu hình về VHDN khá đầy đủ, bài bản, chuyên nghiệp. Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu về VT – CNTT ở Việt Nam, VNPT quan tâm, đầu tư cho hệ thống nhận diện thương hiệu khá hoàn chỉnh, ấn tượng, có nét khác biệt so với các doanh nghiệp ICT khác trên thị trường.

Cấu trúc văn hóa hữu hình được thể hiện ở: kiến trúc đặc trưng (qua logo và biển hiệu, bộ cẩm nang thương hiệu, hạ tầng, mạng lưới, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, công nghệ, truyền thống VNPT), biểu trưng truyền thống (biểu tượng, bài hát truyền thống), các quy chế, nghi lễ, lễ hội, hoạt động đoàn thể, đồng phục, hệ thống thông tin, truyền thông nội bộ… tất cả những giá trị văn hóa vật thể, hữu hình này đều được thống nhất, đồng bộ và chuyển tải được giá trị VHDN VNPT.

Cấp độ 2: Những giá trị được chia sẻ

 Triết lý kinh doanh VNPT: Khách hàng là trung tâm; Chất lượng là linh hồn; Hiệu quả là thước đo. Triết lý kinh doanh được thể hiện qua hệ gía trị, đạo đức, chuẩn mực. Chuẩn mực VNPT được thể hiện qua hệ thống chuẩn mực chung, chuẩn mực tập thể và cá nhân con người VNPT, chuẩn mực hình ảnh mà các thế hệ cán bộ, nhân viên Tập đoàn dày công gây dựng.

Cấp độ 3: Những ngầm định cơ bản

VNPT là doanh nghiệp có bề dày truyền thống gắn liền với lịch sử, truyền thống của ngành Bưu điện Việt Nam, một truyền thống hào hùng, vẻ vang được xây đắp bởi mồ hôi và xương máu của lớp lớp các thế hệ người Bưu điện và được đúc kết thành 10 chữ vàng: “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”. Đó là những giá trị ngầm định, sâu sắc, đặc thù trong chiều sâu VHDN VNPT.

Từ quan niệm “Tổ quốc là trên hết”, từ niềm tin tưởng sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và quán triệt tầm quan trọng của công tác thông tin liên lạc trong sự nghiệp cách mạng, các thế hệ cán bộ, công nhân viên VNPT luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, không tiếc sức lực, xương máu, dũng cảm bám tổng đài, bám đường dây, đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Những phẩm chất quý báu đó, trải qua bao bom đạn của chiến tranh và thử thách trong thời kỳ cạnh tranh, hội nhập đã hun đúc nên truyền thống 10 chữ vàng của Tập đoàn. Đây được xem là tài sản tinh thần vô giá, là nền tảng giá trị cốt lõi, bền vững để VNPT hôm nay tiếp tục tiến lên phía trước, hội nhập cùng thế giới.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, với tinh thần “Lãnh đạo tiên phong, trên dưới đồng lòng, vì mái nhà chung VNPT” đã giúp cho VNPT đã làm nên kỳ tích: tái cơ cấu toàn diện, chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng tốc phát triển, hiện đại hóa mạng lưới và các dịch vụ VT – CNTT Việt Nam ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Văn hóa Lãnh đạo tiên phong của VNPT thể hiện ở tài, tâm, tầm của người lãnh đạo. Tuy nhiên, để đi đến thành công, bên cạnh sự sáng suốt, tài tình của người lãnh đạo, còn có sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm và thống nhất ý chí, hành động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Tập đoàn, tạo nên khí thế Lãnh đạo tiên phong – trên dưới đồng lòng – một giá trị ngầm định, sâu sắc, đặc thù trong chiều sâu VHDN VNPT ngày hôm nay.

Bản sắc văn hóa VNPT được tạo nên bởi sự thống nhất trong cơ cấu tổ chức, thống nhất trong ý chí, hành động, xuyên suốt từ người lãnh đạo cao nhất đến người lao động trực tiếp, trên toàn hệ thống. Các thế hệ cán bộ, công nhân viên đều coi VNPT là ngôi nhà chung mà trong đó, mỗi người đều là thành viên trong đại gia đình VNPT. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất là cội nguồn sức mạnh giúp VNPT vượt qua những thử thách, cam go, những giai đoạn khó khăn mang tính bước ngoặt lịch sử.

Tiếp biến VHDN VNPT trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Để đánh giá quá trình tiếp biến cũng như khảo sát mức độ nhận thức, chuyển hóa các giá trị VHDN khác nhau của người lao động VNPT, người viết sử dụng phương pháp DOCS của giáo sư trường Kinh doanh IDM, Thụy Sỹ Daniel Denison (một trong 3 phương pháp khảo sát VHDN hiện đại thế giới, được ứng dụng nghiên cứu trên 15.000 Tập đoàn/công ty đa quốc gia trên phạm vi toàn cầu) để khảo sát đối với 4.168 người/40.0000 cán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT (gồm các đơn vị, thành phần, khu vực, giới tính, lứa tuổi, đối tượng, chức vụ…) để đánh giá thực trạng nhận thức, hệ giá trị cốt lõi VHDN VNPT, xác định các điểm mạnh, điểm yếu cũng như xu hướng vận động hệ giá trị cốt lõi VHDN VNPT từ góc độ cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn Tập đoàn. Kết quả khảo sát VHDN VNPT được thể hiện qua mô hình sau:

Mô hình văn hóa doanh nghiệp VNPT

theo phương pháp Denison

Từ kết quả khảo sát, có thể nhận thấy, tất cả các chỉ số VHDN Tập đoàn VNPT đều có mức điểm khá cao. Nếu lấy mức điểm trung bình là 2,5/5 điểm thì các thành tố VHDN của VNPT đều cao hơn mức trung bình và có những chỉ số vượt lên hơn hẳn. Các chỉ số được đánh giá cao là chỉ số Tổ chức học tập (3,7) của khung đặc điểm Khả năng thích ứng; Hệ thống mục tiêu (3,64) và Tầm nhìn (3,66) của khung đặc điểm Sứ mệnh. Điều đó cho thấy, hệ thống mục tiêu và tầm nhìn về sứ mệnh, giá trị cốt lõi… của VNPT đã được truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa, thấm sâu đến tận người lao động và ý thức về việc không ngừng học tập, nâng cao trình độ, vươn lên làm chủ khoa học, kỹ thuật trong một lĩnh vực mà sự thay đổi về công nghệ diễn ra chóng mặt, hằng ngày, hằng giờ như lĩnh vực VT – CNTT rất được người lao động và lãnh đạo Tập đoàn quan tâm. Trong khi đó, hai chỉ số có điểm số đánh giá thấp nhất là chỉ số Hợp tác và hội nhập (3,13) của khung đặc điểm Tính nhất quán và chỉ số Đổi mới (3,17) của khung đặc điểm Khả năng thích ứng. Đây là 2 chỉ số nói về khả năng thích ứng với sự thay đổi và quá trình phối hợp, hợp tác với nhau trong công việc. Điều đó cho thấy, cán bộ công nhân viên lao động của Tập đoàn VNPT còn thiếu vắng sự đột phá, đổi mới và chưa mạnh dạn thay đổi, chuyển mình trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, của khách hàng ngày càng cao và đa dạng.

Phân tích theo đường kẻ ngang của mô hình trên, so sánh tổng điểm số Tính hướng ngoại (21,08) và Tính hướng nội (20,72), ta nhận thấy văn hóa của VNPT có tính hướng ngoại trội hơn, tức là VNPT đã có sự chuyển mình, xu hướng lắng nghe và cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu từ thị trường và khách hàng nhiều hơn. Theo đường kẻ dọc, xu hướng Linh hoạt có số điểm 20,85 nhỏ hơn điểm xu hướng Ổn định với số điểm 20,95; điểm số cách biệt 0,1 điểm. Điều này chứng tỏ xu hướng ổn định và linh hoạt của VNPT hiện tại là khá cân bằng, tuy có nghiêng về xu hướng ổn định nhưng không đáng kể. Cũng như thế, so sánh mối liên hệ giữa khung đặc điểm Sứ mệnh (10,70) và Sự tham gia (10,55), chứng tỏ nhân viên VNPT đã nhận thức được mục đích và chiến lược mà Lãnh đạo Tập đoàn muốn hướng tới, tuy nhiên về tinh thần làm việc nhóm, sự phân quyền và phát triển năng lực chưa tương xứng với sứ mệnh đặt ra.

Kết hợp với phương pháp định tính, phỏng vấn sâu Lãnh đạo Tập đoàn; phân lớp và phỏng vấn các nhóm cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn và khảo sát thực tế một số đơn vị thành viên, có thể nhận thấy các giá trị tích cực trong VHDN Tập đoàn VNPT bao gồm các giá trị: nhân văn, nghĩa tình với đồng chí, đồng nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng xã hội; văn hóa giao tiếp và xử lý công việc trong nội bộ mang tính “trọng tình”, đồng nghiệp luôn cố gắng dung hòa với nhau, nhờ đó ít xảy ra mâu thuẫn nội bộ, bầu không khí như gia đình, khá thân ái và chia sẻ; đội ngũ nhân viên lành nghề, có năng lực chuyên môn cao, khá chuyên nghiệp, tận tâm, có trách nhiệm và luôn cố gắng làm đúng chức phận của mình trong công việc chung; niềm tự hào về thương hiệu VNPT – là một Tập đoàn kinh tế lớn, có hướng phát triển bền vững, là nguồn động lực quan trọng nhất của cán bộ, công nhân viên, tạo ra niềm tin, niềm tự hào giúp mọi người cố gắng làm tốt công việc. Tuy vậy, cũng từ kết quả khảo sát, ta cũng có thể nhận thấy 1 số hạn chế trong VHDN VNPT như: tính nhất quán (thấp nhất là chỉ số hợp tác và hội nhập với điểm số 3,13); khả năng thích ứng (thấp nhất là chỉ số đổi mới chỉ có 3,17 điểm) hay tư duy về cạnh tranh vẫn chỉ dừng lại ở mức nhận thức, lời nói chứ chưa trở thành hành động quyết liệt, tư tưởng độc quyền, thủ thế, ngại va chạm vẫn tồn tại đâu đó trong suy nghĩ, cung cách làm việc của người VNPT…

Nhìn một cách tổng quát, có thể thấy Tập đoàn VNPT có nền tảng và hệ giá trị VHDN ở mức khá mạnh và bài bản. Văn hóa VNPT được đan dệt từ 5 giá trị cốt lõi: Tinh thần; Truyền thống; Sức mạnh; Chuẩn mực; Trách nhiệm được thống nhất, là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người VNPT. VNPT là một Tập đoàn nhà nước có bề dày truyền thống lâu đời và có nền tảng văn hóa vững chắc, bám rễ sâu vào nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Không giống như các doanh nghiệp mới nổi, phát triển nóng trên thị trường, có thể có những yếu tố phá cách, vượt rào trong các chương trình truyền thông, quảng bá sản phẩm hay các tuyên bố ồn ào về thương hiệu, chiến lược kinh doanh… Các giá trị văn hóa VNPT có bề dày truyền thống, có nền tảng vững chắc và có chiều sâu trong phát triển. Đây cũng là giá trị, tài sản Tập đoàn VNPT cần tiếp tục gìn giữ, phát triển và trân trọng, xem là tài sản quý giá, là cội nguồn, gốc rễ, sức mạnh cho mình trong chiến lược cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát triển VHDN VNPT trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Xây dựng VHDN gắn với phát triển kinh tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, kinh tế và văn hóa có thể được xem là hai nguồn lực lớn nhất quy định hành vi của con người và xã hội. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của đời sống xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Phát triển kinh tế là cơ sở để xây dựng và phát triển văn hóa, đồng thời, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

VHDN vừa là mục tiêu của phát triển, vừa là động lực của sự phát triển doanh nghiệp, bởi lẽ, văn hóa với tư cách là nguồn sức mạnh nội sinh, đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Các nhân tố VHDN như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi… luôn gắn kết chặt chẽ với mọi mặt đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mang tính định hướng, dẫn dắt. Sự phát triển của doanh nghiệp có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Văn hóa không chỉ là kết quả mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững. Phải đặt phát triển văn hóa doanh nghiệp ngang tầm và hài hòa với phát triển doanh nghiệp. Làm tốt được yêu cầu này sẽ tạo được vị thế của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu đối với xã hội và hội nhập nhanh hơn với quốc tế.

Phát huy “sức mạnh mềm” từ VHDN để nâng cao năng lực cạnh tranh VNPT

Quan niệm chung trên thế giới cho rằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế hiện nay chính là cạnh tranh về văn hóa. Chính vì thế, trong phương hướng phát triển VHDN Tập đoàn VNPT, cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng thực chất giá trị, vai trò, sứ mệnh của nguồn năng lượng “sức mạnh mềm” – VHDN trong chiến lược xây dựng và phát triển Tập đoàn VNPT.

Để phát huy tốt nguồn lực “sức mạnh mềm” của văn hóa VNPT, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có đổi mới tư duy, tầm nhìn, chiến lược, đổi mới mô thức tổ chức, phát triển, cung cách quản lý… Quan trọng nhất vẫn là đánh thức và khơi dậy giá trị tinh thần, lòng tự hào về truyền thống, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám khác biệt của toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn.

Xây dựng VHDN VNPT gắn liền với kiến tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam

Xây dựng VHDN không thể tách rời với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc. Xây dựng VHDN tiên tiến là đảm bảo yêu cầu tiệm cận được với những giá trị chung của thời đại. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn VNPT đã xây dựng, kiến tạo cho mình được một nền tảng VHDN đặc sắc, nổi bật, khẳng định được vị thế là Tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực VT – CNTT với những giá trị cốt lõi. Những giá trị tinh thần đó là cội nguồn sức mạnh, là nội lực, là bệ phóng để giúp VNPT có đủ thế và lực trong công cuộc hội nhập và cạnh tranh ngày càng sâu rộng hiện nay, đồng thời được chuyển tải, lan truyền và thấm sâu trong đời sống văn hóa, nhận thức của cán bộ, công nhân viên VNPT.

Định vị và chuyển đổi giá trị VHDN VNPT trong nền kinh tế số

Trong bối cảnh hội nhập, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào WTO, CPTPP… VNPT không thể đứng ngoài các chuẩn mực, các thông lệ, các quy tắc kinh doanh quốc tế như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR), an toàn vệ sinh lao động và hệ thống quản lý môi trường; phong cách làm việc chuyên nghiệp; tính sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hợp tác, cam kết về không phân biệt đối xử, giảm thuế, mở cửa thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn về lao động và cam kết xã hội… Để hội nhập một cách chủ động, tận dụng được cơ hội, hạn chế bớt những khó khăn, con người VNPT phải có tư duy hội nhập.

Đặc biệt, VNPT cần định vị lại các vùng lợi ích phát triển, xác định các giá trị cốt lõi về phát triển, về VHDN làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển, giúp VNPT đang vươn lên là đơn vị tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số (Digital Transformation), đang được nhận thức là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra giá trị mới. Ở đây, cần phải nhìn nhận quá trình chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy, hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng tài chính từ vốn (capital) sang vốn dữ liệu (data- capital).

Cùng với quá trình chuyển đổi số trên nền tảng sự phát triển công nghệ, sự tham gia xâm nhập sâu vào các mảng, lĩnh vực của đời sống như chính phủ số, giáo dục số, y tế số, đô thị thông minh, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia như về dân cư, đất đai, tài nguyên, môi trường, công chức, viên chức… để thiết lập, dẫn dắt nguồn vốn dữ liệu quốc gia (datacapital) thì các giá trị văn hóa cốt lõi của VNPT cần được định hình, lan tỏa và khẳng định được dấu ấn, thương hiệu, đặc biệt giữ gìn được giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình chuyển hướng chiến lược này đòi hỏi VNPT cần phải định vị và chuyển đổi được các giá trị VHDN phù hợp và tương ứng bối cảnh nền kinh tế số. Với vị thế doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong, VNPT cần phải sớm nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo và lan tỏa nền tảng văn hóa số để dẵn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Văn hóa số là hình thái văn hóa lấy số (Digital) làm nền tảng cho mặc định văn hóa (culture default) hình thành nên giá trị xã hội; kết hợp hài hòa giữa con người – tự nhiên và công nghệ, trong đó lấy công nghệ spoos làm trung tâm; lấy việc chia sẻ (sharing), kết nối (connecting) và tạo giá trị (value) dựa trên nền kinh tế thành viên để hình thành hệ sinh thái xã hội làm cơ sở phát triển bền vững. Các mối quan hệ xã hội (social relations) được hình thành thông qua xã hội mạng lưới (network society) trên nền tảng các mạng như internet. Cùng với các khái niệm dẫn dắt của chuyển đổi số khác như: xã hội số, kinh tế số, chính phủ số… thì văn hóa số cũng cần phải được quan tâm và sớm định vị, lan tỏa trong cộng đồng.

Hành trình chuyển đổi số nền tảng VHDN Tập đoàn VNPT cần phải được định vị và gắn kết với quá trình chuyển hướng chiến lược, gắn Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu thế chuyển đổi số toàn cầu và khu vực, nhưng trong đó, giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa, “Tinh thần VNPT”, “Truyền thống VNPT” “Sức mạnh VNPT” luôn được khẳng định, gìn giữ, phát triển để đương đầu và vươn lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa, xứng đángvới những giá trị văn hóa cốt lõi mà các thế hệ người VNPT đã dày công gây dựng và khao khát hướng tới.

Tác giả: Phan Hoài Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *