Một góc trưng bày bên trong Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh: Tác giả cung cấp
Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội, là địa điểm giao thoa giữa ba con sông lớn với ngã ba Hạc nổi danh, có làng lụa, làng thơ, làng nghề làm bún nổi tiếng. Trước đây, thôn Cổ Đô có tên là Cổ Cẩm, thuộc huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây, sau đó đối thành Yên Đô (An Đô). Trong những năm kháng chiến chống Pháp, thôn còn có tên gọi là Cổ Sắt. Vị trí này được giới khảo cổ học trong nước đánh giá là nơi quần tụ của cộng đồng người Việt cổ dọc bờ sông Nhị Hà, hiện tại vẫn còn nhiều dấu tích qua các điểm khai quật và hiện vật được lưu lại có niên đại từ TK III trước CN đến TK I sau CN, như: thạp gốm, rìu đồng, các viên gạch có hoa văn hình ô trám. Tên của thôn Cổ Đô ngày nay được chọn làm tên chung của xã và là một trong năm thôn có diện tích và dân số đông nhất xã. Thôn Cổ Đô nằm ven bờ sông Hồng, cách quốc lộ 32 chừng 7,5km, cách trung tâm hành chính huyện khoảng 12km.
Cổ Đô nằm ven bờ sông Hồng, là một làng quê có truyền thống văn hiến hiếu học với những con người cần cù, chịu khó, say mê lao động, sáng tạo. Đặt chân đến đây, không ai không ngạc nhiên về sự phát triển phồn thịnh, sự hoàn chỉnh hiện đại về cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa với cách nhìn và cách làm mới. Người dân trong làng luôn tự hào giữ gìn và bảo tồn được những di sản văn hóa quý của cha ông để lại: đình làng, Đền Cấm Sơn, đền thờ công chúa Thiếu Hoa, bia ghi dấu nơi Bác Hồ đến thăm hay nhà thờ Lưỡng quốc thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Bá Lân, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình… Ba yếu tố truyền thống văn hiến lịch sử, đời sống văn minh hiện đại và cốt cách của con người luôn tạo nên một động lực, sức bật cho làng Cổ Đô mỗi ngày một vươn lên. Bài viết này xin giới thiệu đôi nét về một thành tố làm nên vẻ đẹp của ngôi làng: Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô.
Theo người quản lý bảo tàng, cũng là một thương binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, năm 1994, triển lãm tranh mang tên Tranh làng Cổ Đô do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã khiến giới mỹ thuật và công chúng rộng rãi đặc biệt chú ý đến ngôi làng và các thế hệ họa sĩ nơi đây. Làng Cổ Đô, ngoài truyền thống khoa bảng, còn là quê hương của nhiều họa sĩ nổi tiếng, có thể kể đến như: Nguyễn Sĩ Tốt, Trần Hòa, La Vuông, Ngô Bình Thiểm, Giang Khích… Trong đó, cố họa sĩ Sĩ Tốt đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Có đến khoảng 2/3 số giáo viên dạy mỹ thuật cho các bậc học của cả huyện Ba Vì rộng lớn là người làng Cổ Đô. Làng có 30 người là hội viên Hội MTVN, riêng đại gia đình cố họa sĩ Sĩ Tốt có đến 18 người thuộc các thế hệ theo nghiệp hội họa…
Nhưng phải chờ đến 14 năm sau, năm 2008, bảo tàng mới chính thức được lên kế hoạch xây dựng theo nguyện vọng của dân làng và các họa sĩ Cổ Đô là hội viên Hội MTVN. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo địa phương cắt 5.000m2 đất của sân bóng để dành cho việc xây dựng bảo tàng, kinh phí từ các nguồn tự nguyện đóng góp của dân làng, cùng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Khối nhà có diện tích mặt sàn 300m2, kết cấu 2 tầng, giới thiệu trưng bày tác phẩm hội họa của những người con trong làng. Người làng Cổ Đô cũng luôn nhắc đến ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, người đề xuất ý tưởng và kêu gọi các tổ chức, cá nhân xa gần ủng hộ tài lực cho việc xây dựng bảo tàng mỹ thuật này.
Ngôi nhà mang dáng dấp của một bảo tàng nhỏ, ngoài chức năng là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày 400 tác phẩm hội họa và điêu khắc với các chất liệu khác nhau như: sơn dầu, màu nước, nhựa composite… của các tác giả là người làng, còn là nơi học vẽ miễn phí cho rất nhiều trẻ em và người yêu hội họa trong vùng, nhân dịp nghỉ hè hay cuối tuần. Các lớp học vẽ không chỉ được thực hiện trong khuôn viên bảo tàng mà còn được tổ chức ngoài triền đê, bãi bồi, đồng ruộng.
Các bức tranh trong bảo tàng thể hiện đa dạng chủ đề về cuộc sống thường nhật nông thôn, phong cách êm đềm thơ mộng của làng quê, đồng bãi, triền đê, đề tài lao động sản xuất, cỏ cây hoa lá, con vật gần gũi, lễ hội làng, vùng đất sơn thủy hữu tình, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh cùng các địa danh Sông Đà, Nhị Hà, núi Tản… Không gian trưng bày được bố trí cân xứng, hợp lý, ánh sáng hài hòa. Ngoài việc lưu giữ, trưng bày tranh, bảo tàng cũng có khu vực bày bán một số tác phẩm của các họa sĩ nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan muốn sở hữu các bức tranh yêu thích. Tranh để bán được bày ở vị trí thuận tiện cho việc xem xét, đánh giá chất lượng của khách tham quan.
Hiện nay, bảo tàng được giao cho Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Cổ Đô chịu trách niệm vận hành. CLB có tổng số hội viên là 41 người, đều là người làng đang công tác tại địa phương hay ở Hà Nội. CLB này được thành lập trên cơ sở quyết định của UBND huyện Ba Vì. Mỗi thành viên CLB tự nguyện đóng góp kinh phí hằng năm là 200.000 đồng để duy trì hoạt động cho bảo tàng. Ban chủ nhiệm cũng tổ chức sinh hoạt định kỳ theo tuần, tháng. Người quản lý, trông coi bảo tàng hằng ngày, tuy không hưởng bất kỳ một khoản thù lao nào nhưng luôn là người có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc. Vào dịp cuối tuần hay những ngày lễ tết, lễ hội, bảo tàng thường mở cửa liên tục, đón du khách xa gần đến thăm. Trung bình, mỗi năm cũng có khoảng 200 lượt khách trong và ngoài nước đến với nơi này.
Một vài năm gần đây, đoạn đường từ quốc lộ 32 vào làng họa sĩ và Bảo tàng mỹ thuật Cổ Đô đã được nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của du khách. Các địa chỉ di tích trong làng và nội dung hoạt động của bảo tàng cũng được cập nhật liên tục trên báo chí và các trang thông tin trực tuyến, mạng xã hội. Một số tuyến xe buýt hai chiều từ nội thành Hà Nội về địa phương cũng được vận hành hoạt động đều đặn, hiệu quả. Các ngành chức năng của huyện cũng đã giới thiệu, quảng bá thường xuyên về bảo tàng tới các tổ chức, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, du lịch thuộc thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Trong nửa cuối năm 2018 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành kế hoạch và tổ chức một số cuộc họp với lãnh đạo địa phương, nhằm đề ra giải pháp phát triển du lịch tại xã Cổ Đô, trong đó có điểm nhấn là bảo tàng mỹ thuật làng. Tuy nhiên, để bảo tàng hoạt động ngày càng hiệu quả và mang lại nhiều ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn, rất cần sự quan tâm thiết thực của các cấp ngành liên quan, lãnh đạo chính quyền như: hỗ trợ kinh phí cho công tác hoạt động thường xuyên và lương, phụ cấp cho người quản lý bảo tàng, chỉnh sửa lại khuôn viên, nhà trưng bày, khu phụ trợ cho phù hợp, có bảng giới thiệu về bảo tàng, đào tạo hướng dẫn viên cho bảo tàng và các di sản khác trong làng…
Hy vọng trong thời gian không xa, Bảo tàng mỹ thuật làng Cổ Đô sẽ trở thành địa chỉ tham quan hấp dẫn của du khách mỗi lần có dịp về thăm Ba Vì, vùng đất cổ xứ Đoài địa linh nhân kiệt.
Tác giả: Nguyễn Trọng An
Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng