1. Về âm nhạc Hát ghẹo Âm nhạc là một trong những bộ phận quan trọng trong việc tạo dựng nên diện mạo của hát ghẹo. Tuy nhiên, ngôn ngữ âm nhạc trong hát ghẹo có được là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố như nhịp điệu, tiết tấu, quãng, thang âm… Chính vì vậy, chúng tôi sẽ giới thiệu sơ lược âm nhạc hát ghẹo qua các vấn đề sau: Hát ghẹo được tổ chức hát theo trình tự các chặng, dân gian gọi là giọng. Ở chặng hát ví, chưa phải là bài hát, âm nhạc còn đơn giản, gần với giọng nói, nhưng đã manh nha của tính ca xướng. Giai điệu được vận hành chủ yếu trên thang ba âm, sử dụng tiết tấu đồng độ, âm vực hẹp, không có quãng nhảy xa. Nếu so ví trong hát ghẹo ở Phú Thọ với ví ở các tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ Bắc Bộ, hay ví Nghệ – Tĩnh, thì rõ ràng ngôn ngữ âm nhạc của ví Phú Thọ đơn giản hơn nhiều. Điều này chưa hẳn đã minh chứng được hát ghẹo Phú Thọ là tiền thân của hát ghẹo ở nhiều nơi thuộc khu vực châu thổ Bắc Bộ, nhưng có thể khẳng định một điều chắc chắn, ví ở đây thuộc về giai đoạn đầu, chặng đầu của hát ghẹo. Âm nhạc trong các bài của giọng sổng vẫn còn nhiều điểm giống ví, nhưng đã có những biến đổi có vẻ mềm mại và có tính ca xướng hơn.
Sổng trong hát ghẹo Phú Thọ vẫn còn đơn giản hơn nhiều so với bất kỳ giọng nào trong quan họ. Tuy nhiên, nếu so sổng với ví trong hát ghẹo, thì rõ ràng sổng phát triển hơn ví. Tính chất âm nhạc ở phần sang giọng thì khác hẳn. Giai điệu âm nhạc đã có tính phóng khoáng hơn nhiều và được vận hành chủ yếu trên thang 5 âm so thang 3 âm trong ví và sổng. Các bài như Lý Sài Gòn, Lý con sáo, Lý giao duyên… đã có sự đan xen giữa hai loại thang 5 âm làm cho giai điệu xuất hiện 6, 7 âm. Tầm cữ của nhiều bài không chỉ bó hẹp trong quãng 8, mà được mở rộng hơn nhiều, Bà rí: quãng 11, Năm thương: quãng 12, Con sáo sang sông: quãng 13, nhịp điệu không còn đều đều mà đã nhanh vui, sôi nổi dí dỏm và có sự nghịch phách. Mỗi bài trong sang giọng, là một ca khúc hoàn chỉnh. Chẳng hạn: Nhìn vào giai điệu âm nhạc, thành phần âm trong thang âm, cách vận hành tiết tấu, tầm cữ của giọng hát… có thể thấy, sang giọng chịu nhiều ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, nó là chặng cuối cùng, có thời gian phát triển sau so với ví và sổng. Hát quan họ Âm nhạc biểu hiện một cách rõ nét, mỗi bài trong quan họ là một ca khúc hoàn chỉnh. Các bài bản trong quan họ không có thang 3 âm, 4 âm mà chủ yếu là thang 5 âm. Lối tiến hành giai điệu trong hát quan họ tinh tế hơn so với hát ghẹo, thể hiện rõ nét sự chi phối của quy luật âm nhạc đến lời ca. Không còn là đọc xướng, mà âm nhạc ở đây là dành cho hát, bởi thế giai điệu đã sử dụng nhiều nốt hoa mỹ hơn, tầm cữ của bài hát không còn gò bó, mà nhiều khi ở một số bài thuộc tầng dân ca muộn, đã được trải rộng 2 quãng 8. Tính chất âm nhạc trong các bài quan họ dặt dìu, sóng sánh, trữ tình, tiết tấu bình ổn, nhịp điệu không có bài nhanh. Cấu trúc có ba dạng cơ bản: thứ nhất, dạng cấu trúc ba phần: phần bỉ, phần ruột, phần đổ; thứ hai, dạng cấu trúc hai phần, có hai loại: một là, phần bỉ và phần ruột bài, hai là, ruột bài và phần đổ; thứ ba, dạng cấu trúc một phần ruột bài. Phần là bộ phận lớn nhất trong cấu trúc một bài quan họ. Phần bỉ bao giờ cũng gắn với phần ruột bài, thường là do lối hát ngâm ngợi mà tạo thành. Còn phần ruột là cốt lõi của bài quan họ thường có nhiều trổ hay đận. Phần ruột được cấu tạo sau phần bỉ và trước phần đổ. Trong quan họ, nhiều bài như Cây trúc xinh, Vào chùa, Khách đến chơi nhà, Ra ngõ mà trông, Xe chỉ luồn kim… chỉ có phần ruột nhưng đã hoàn chỉnh như một ca khúc. 2. Về lời ca Hát ghẹo Cũng như các thể loại dân ca khác, lời ca trong hát ghẹo là ảnh xạ phần nào của ngôn ngữ thông qua giai điệu âm nhạc. Vậy nên, âm nhạc trong hát ghẹo cũng có quá trình phát triển từ đơn giản đến hoàn thiện. Tất nhiên, quá trình phát triển ấy, lời ca hát ghẹo không tách rời ngôn ngữ và phải chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi hoàn cảnh cũng như bối cảnh xã hội ở từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Những từ ngữ được đưa vào lời ca của hát ghẹo Phú Thọ mang đậm thổ ngữ của cư dân Nam Cường, Thanh Uyên, Thục Luyện, Hùng Nhĩ một cách rõ nét. Chẳng hạn: vô ni (vào chỗ này), ải (chị), nhịu nhàng nết na (dịu dàng nết na), cơm roạn (ăn cơm xong), loa (cái bát, nửa như đĩa, nửa như bát), chả (chẳng) đương đình (đình phía đông), lá thắm huê đề (thư viết trên giấy hoa), huê (hoa), nguộc (ngọc – ý nói quý báu)… Chính vì lời ca có nhiều phương ngữ độc đáo, nên những bài ghẹo cổ chỉ có nghệ nhân cao tuổi mới hát được đúng giai điệu và âm sắc lời ca. Phần lớn lời ca trong hát ghẹo có hình thức và nội dung như ca dao. Do vậy, thể thơ lục bát luôn giữ vai trò chủ đạo, bên cạnh đó còn có thể thất ngôn, song thất lục bát, thể thơ 4 chữ, thể thơ nói… Dẫu lời ca trong hát ghẹo có dùng thể thơ nào đi chăng nữa, thì nội dung của nó vẫn chủ yếu là ngợi ca tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, lời ca còn góp phần vào việc đả phá bọn vua quan phong kiến, những hẹp hòi, bảo thủ, khắt khe trong quan hệ bình đẳng, tự do luyến ái của thanh niên nam nữ: Ba bốn năm nay trấn thủ lưu đồn Tối vô canh điếm, sáng dồn việc quan Chém tre đẵn gỗ trên ngàn Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai… (Trích Trấn thủ lưu đồn). Hát quan họ Lời ca trong hát quan họ phản ánh nhiều nội dung khác nhau. Cho dù có phảng phất đề cập tới tín ngưỡng, cầu cúng, nhưng lời ca trong quan họ nổi trội vẫn phản ánh về tình yêu, tình bạn… Lời ca trong thể loại âm nhạc này không những chứa nhiều điển tích, mà còn dùng nhiều từ ngữ có tính tượng hình cao: “Ngồi tựa mạn thuyền/ Giăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh/ Sơn thủy hữu tình/ Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang, Tay dạo cung đàn/ Tiếng tơ tiếng trúc, bổng trầm nỉ non” (1). Như hát ghẹo, lời ca quan họ cũng sử dụng nhiều thể thơ, nhưng phổ biến nhất vẫn là lục bát và lục bát biến thể, “trong 285 bài, có tới 237 bài là thơ lục bát” (2). 3. Cách phổ thơ Hát ghẹo Trong hát ghẹo thường sử dụng ba cách phổ thơ: Một là, phổ theo trật tự của câu thơ, mà nhiều người thường cho rằng đó là cách phổ thơ xuôi chiều. Cách phổ này gặp trong nhiều bài, chẳng hạn: Giồng chuối, Lúa chín, Bắt ốc, Dệt gấm… Mặc dù phổ giữ nguyên trật tự của câu thơ, nhưng các nghệ nhân dân gian có gia cố thêm một số hư từ như: ta, à rằng, ới… để đảm bảo giai điệu có tính ca xướng và kết cấu âm nhạc được hoàn chỉnh hơn. Hai là, điệp một hoặc hai, ba từ ngay đầu câu rồi tiếp tục thực hiện như cách thứ nhất. Kết thúc bài, người ta cũng điệp lại mấy từ cuối để cho câu nhạc thêm hoàn chỉnh. Những từ đệm ở giữa câu thường là: à, mà, qua nọ. Chẳng hạn câu thơ: Hoa thơm lan cảnh vườn hồng Thơm cây thơm rễ người giồng cũng thơm Nghệ nhân hát ghẹo sẽ phổ: Hoa (mà) hoa thơm, hoa thơm lan cảnh (qua nọ qua nọ) vườn hồng thơm (mà) thơm cây thơm rễ (qua nọ qua nọ) người giồng cũng (a) thơm người giồng cũng (a) thơm. Ba là, đảo ngược trật tự của thơ. Người ta thường lấy bốn chữ sau của câu sáu đưa lên trước rồi mới trở lại từ đầu. Cách phổ thơ này trong hát ghẹo xuất hiện không nhiều, nhưng trong quan họ Bắc Ninh lại là hiện tượng khá phổ biến. Hát quan họ Cách phổ thơ trong hát quan họ không khác nhiều so với hát ghẹo, nhưng thể hiện sự linh hoạt hơn, đặc biệt sử dụng nhiều hư từ và tiếng đệm lót, nhằm đáp ứng logic của âm nhạc hơn là giữ lại kết cấu của câu thơ. Ví dụ: Ngày ngày ra ngõ mà trông Bạn không thấy bạn, tình không thấy tình Sẽ được các nghệ nhân phổ thành: Ra ngõ (ấy mấy trông ra ngõ) mà trông (mấy có a) ngày. Bạn (thời tình chung) không thấy bạn (i i i sang i) tình không (tình không) thấy (ô) tình (là không thấy tình). Từ những tóm lược trên, chúng tôi đi đến nhận định: Hát ghẹo và hát quan họ mặc dù đều dân ca giao duyên nhưng giữa chúng lại có nhiều điểm khác biệt. Về âm nhạc, nếu xét từ góc độ đơn giản đến phức tạp thì hát ghẹo xếp trước quan họ. Nội dung lời ca của cả hai thể loại đều đề cập đến tình yêu, đời sống sinh hoạt thường ngày, trong đó, hát quan họ thể hiện sự trữ tình đậm nét hơn. Lời ca thường là các bài thơ dân gian, hát quan họ sử dụng thơ lục bát là chủ yếu, còn hát ghẹo sử dụng các loại thơ hỗn hợp. Cách phổ thơ, cả hai thể loại đều chủ yếu phổ theo cấu trúc thơ, ngoài cách trên còn điệp cụm từ đầu hoặc đảo ngược trật tự câu thơ. Trong đó, cách phổ thơ ở hát quan họ linh hoạt hơn. Hát ghẹo và hát quan họ có nhiều bài bản giống nhau về giai điệu, cách lấy hơi… do sự giao thoa văn hóa giữa hai vùng đất Bắc Ninh và Phú Thọ. Trong giao lưu tiếp biến văn hóa thì không chỉ diễn ra xuôi chiều, mà nó còn có sự tràn ngược, nghĩa là cái chưa hoàn thiện vẫn còn đơn giản, mộc mạc chưa hẳn là cái ra đời trước và cái hoàn thiện hơn lại là cái ra đời sau. Vì vậy, việc một số nhà nghiên cứu căn cứ vào vào sự mộc mạc, thô sơ, chưa hoàn thiện và một số nét tương đồng của hát ghẹo với hát quan họ mà cho rằng hát ghẹo Phú Thọ là tiền thân của hát quan họ Bắc Ninh là điều chưa thực sự thuyết phục. Hát ghẹo và hát quan họ đều là những thể loại dân ca trữ tình độc đáo, là sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân Phú Thọ và Bắc Ninh, trong chúng đều chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật… Để giá trị của các thể loại âm nhạc dân gian độc đáo này được tồn tại, lưu truyền và phát triển thực sự là vấn đề đang được quan tâm, là thách thức lớn đối với các nhà quản lý và người dân vùng đất đã sản sinh ra chúng. _______________ 1. Nhiều tác giả, Dân ca Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.238. 2. Hồng Thao, Dân ca quan họ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997, tr.82.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : MINH PHƯƠNG
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng