GIÁ TRỊ VĂN HÓA CHỦ ĐẠO CỦA BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Đó là sự ứng xử của con người với con người, với tự nhiên sao cho phù hợp, hiệu quả nhất, mang tính sáng tạo và nhân văn, hướng tới các giá trị chân – thiện, – mỹ. Theo đó, giá trị văn hóa của Bộ đội cụ Hồ được quan niệm là sự kết tinh những gì cao quý nhất trong sự ứng xử, giải quyết các mối quan hệ với Đảng, tổ quốc, nhân dân, bạn bè quốc tế, đồng chí, đồng đội và kẻ thù. Giá trị văn hóa đặc sắc của Bộ đội cụ Hồ là kết quả của sự hội tụ của giá trị văn hóa truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và bản chất cách mạng của thời đại Hồ Chí Minh.Bộ đội cụ Hồ là kết tinh những phẩm chất, nhân cách của người chiến sĩ tận trung với Đảng, tổ quốc Việt Nam, tận hiếu với nhân dân, nghĩa tình với đồng đội, thủy chung với bạn bè, có bản lĩnh và trí tuệ, giàu dũng khí và lòng quả cảm, kiên định vững vàng, mưu trí, sáng tạo trong mọi tình huống, xung kích đi đầu trong mọi gian khổ, hy sinh. Bài viết này, tác giả tập trung kiến giải nét văn hóa chủ đạo của Bộ đội cụ Hồ ở một số khía cạnh sau. Thứ nhất, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội là giá trị văn hóa chủ đạo nhất của Bộ đội cụ Hồ Quân đội ta mang trong mình bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, người quân nhân cách mạng luôn xác định rõ mục tiêu chiến đấu vì chính nghĩa là bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền độc lập, tự do của tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và đời sống của nhân dân, trong đó có quê hương, gia đình mình. Vì vậy, họ sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trên cơ sở giác ngộ được mục tiêu chiến đấu cao cả đó, những người lính cụ Hồ đã dám đánh, biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu vô cùng anh dũng, quả cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để giành chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Hàng triệu chiến sĩ cách mạng đã anh dũng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, hiến dâng cả cuộc đời tuổi trẻ của mình để hoàn thành nhiệm vụ… đó là những biểu tượng văn hóa cao đẹp của Bộ đội cụ Hồ, là nét đặc trưng riêng có của người quân nhân cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Bộ đội cụ Hồ không chỉ gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh trong chiến đấu, mà còn rất mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng mọi cách đánh độc đáo, phù hợp với tinh thần cách mạng tiến công. Khi thời cơ đến phải biết chớp thời cơ và tiến công nhanh chóng, đánh nhanh thắng nhanh; khi tương quan lực lượng không cho phép phải biết trường kỳ kháng chiến, đánh lâu dài. Biết đánh giặc bằng cả sức mạnh và bằng cả mưu trí; biết tận dụng những vũ khí, lực lượng sẵn có và những vũ khí có thể tạo ra được. Thực tế lịch sử đã chứng minh, mặc dù thua xa đối phương về vũ khí, trang bị kỹ thuật, song quân đội ta đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh bại hai đội quân nhà nghề, có vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Với tinh thần đoàn kết, với ý chiến quyết tâm cao cùng với đường lối lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng nên chỉ sau 3 ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận mở màn là Phay Khắt và Nà Ngần; khi mới 1 tuổi, ta đã làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thắng lợi; 10 tuổi, quân đội ta đã cùng toàn dân làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; 31 tuổi, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, thu giang sơn về một mối. Những thắng lợi đó càng khẳng định “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” là giá trị văn hóa chủ đạo của người quân nhân cách mạng, của người lính cụ Hồ. Càng trong khó khăn gian khổ, quân đội ta càng thể hiện được sự mưu trí, sáng tạo, càng thể hiện được bản lĩnh thép của mình: quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng,tất cả vì độc lập tự do của tổ quốc. Hiện nay trong điều kiện cách mạng mới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, mỗi người quân nhân cách mạng phải tiếp tục xác định rõ hơn mục tiêu, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, xác định rõ đối tác, đối tượng; nắm vững phương châm, quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó, phát huy hơn nữa tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tinh thần khắc phục khó khăn thử thách; dám đánh, biết đánh, đánh bằng trí tuệ thông minh, sáng tạo để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của tổ quốc. Thứ hai, nét độc đáo của văn hóa bộ đội cụ Hồ còn được thể hiện rõ trong chức năng là đội quân sản xuất, đội quân công tác.  Đây là nét văn hóa đặc trưng được kế thừa từ văn hóa truyền thống của dân tộc về “thực túc binh cường, ăn no đánh thắng”. Trong thời đại Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người: “Cần kiệm xây dựng quân đội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tự cải thiện mức sống của mình và giảm nhẹ sự đóng góp của đồng bào”, tinh thần đó đã được nhân lên gấp bội. Trong chiến tranh, bộ đội cụ Hồ vừa chắc tay súng, vững tay cày đẩy mạnh tăng gia sản xuất để giảm một phần đóng góp của nhân dân. Họ sử dụng tiết kiệm, phát huy tối đa công năng vũ khí, phương tiện quân sự để đánh địch hiệu quả nhất. Thực hiện tinh thần đó, nhiều đơn vị quân đội trong toàn quân đã phát động phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào chiến công vang dội của quân đội, của đất nước. Trong điều kiện thời bình, bộ đội cụ Hồ càng có nhiều thuận lợi để phát huy truyền thống sản xuất, xây dựng phát triển đất nước theo phương châm: Bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với phát triển kinh tếxã hội; gắn chặt giữa kinh tế với quốc phòng xây dựng đất nước trong điều kiện mới. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị quân đội trong toàn quân đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị khí tài phù hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội. Nhiều đơn vị làm kinh tế của quân đội đã sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trở thành các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, đi đầu trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhiều đơn vị kết hợp kinh tế với quốc phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở những miền biên giới, phên dậu của tổ quốc. Họ đến đó, khai sơn phá thạch, mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng, “ba cùng” với nhân dân để sản xuất, chiến đấu, xây dựng biên cương tổ quốc giàu mạnh. Hình ảnh của bộ đội cụ Hồ, vì vậy, càng được tô thắm hơn trong lòng của mỗi người dân đất Việt. Nét văn hóa độc đáo của bộ đội cụ Hồ không chỉ được thể hiện trong chức năng của một đội quân sản xuất mà còn được thể hiện rõ qua chức năng của một đội quân công tác. Bộ đội cụ Hồ luôn tiên phong trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng an ninh của tổ quốc. Quân đội ta là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Bộ đội cụ Hồ là một trong những lực lượng có đủ uy tín và năng lực để thực hiện tốt chức năng của một đội quân công tác, giác ngộ, động viên quần chúng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bộ đội cụ Hồ đã thường xuyên có mặt, tiên phong xung kích trong giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao dân trí, xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho đồng bào các dân tộc ít người; tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác định canh, định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số; cứu hộ cứu nạn trong các vụ thiên tai, bão lụt; tham gia đấu tranh loại trừ các tệ nạn xã hội. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, đã luôn kề vai, sát cánh cùng với nhân dân, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Điều đó, đã góp phần bồi đắp thêm sự thấm đượm tình cảm quân dân cá nước. Bộ đội cụ Hồ còn là lực lượng tin cậy, luôn có mặt kịp thời để giải quyết có hiệu quả các điểm nóng; xử lý các tình huống chính trị xã hội trên những địa bàn phức tạp trong đấu tranh chống bọn phản động; tích cực tham gia đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Những việc làm tưởng như rất bình dị đó đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc của bộ đội cụ Hồ. Ba là, tình đoàn kết đồng chí đồng đội thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.Đây cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, nó được nâng lên một trình độ mới trong sự thống nhất cao độ về tinh thần, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của những người cùng chí hướng, đồng chí, đồng đội. Trong đó, giá trị văn hóa của bộ đội cụ Hồ được thể hiện rõ ở sự nhất trí cao, sự tin tưởng, tôn trọng, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; đó là tinh thần đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi giữa các quân nhân lúc thường cũng như lúc chiến đấu. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trên thế giới hiếm có một quân đội nào mà quan hệ đồng chí, đồng đội, thủ trưởng, chiến sĩ, cấp trên, cấp dưới lại gắn bó thân thiết như quân đội nhân dân Việt Nam. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh trong chiến đấu, làm cho quân đội ta trở thành một đội quân bách chiến, bách thắng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Bốn là, Bộ đội cụ Hồ không chỉ có tinh thần yêu nước chân chính mà còn có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.Đây là sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về giúp bạn là tự giúp mình. Khắc ghi lời dạy đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã đoàn kết, thủy chung, son sắt, chí nghĩa, chí tình với bạn bè quốc tế. Trải qua các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ tổ quốc, quân đội ta luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, quân đội các nước anh em, với các dân tộc bị áp bức, các lực lượng tiến bộ trên thế giới; đã kề vai sát cánh cùng quân đội các nước anh em chiến đấu trên một chiến trường. Tinh thần quốc tế trong sáng đó của quân đội nhân dân Việt Nam đã được bạn bè quốc tế, các lực lượng yêu chuộng hòa bình hoan nghênh, ủng hộ và thán phục. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của dân tộc ta. Trong đối xử với tù hàng binh, quân đội ta cũng thể hiện rõ tinh thần khoan dung, nhân đạo. Điều đó chứng tỏ rằng, dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, việc đánh giặc là việc bất đắc dĩ cốt sao để vẹn đất, yên dân. Chúng ta luôn tìm mọi cách để sớm kết thúc chiến tranh, hạn chế tối đa sự tổn thất xương máu của cả hai bên. Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả của bộ đội cụ Hồ Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc là một di sản văn hóa và văn minh nhân loại TK XX. Đương nhiên, chủ nhân của di sản văn hóa, văn minh ấy phải mang giá trị văn hóa cao đẹp. Chủ nhân đó là toàn thể dân tộc Việt Nam mà biểu tượng rực rỡ nhất là những bộ đội cụ Hồ. Hiện nay, giá trị văn hóa bộ đội cụ Hồ đang được các thế hệ quân đội tiếp nối giữ gìn và phát huy, để nó thực sự là nét giá trị văn hóa thiêng liêng, độc đáo, luôn là biểu tượng sáng ngời của cách mạng Việt Nam.   

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *