Nà Khương sau 5 năm đổi mới


Nà Khương, theo cách gọi địa phương có nghĩa là nơi bình yên, yên ổn. Nằm cách trung tâm huyện Quang Bình (Hà Giang) khoảng 40km, xã Nà Khương so với trước kia bây giờ giao thông khá thuận tiện, thời gian di chuyển bằng ô tô mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ. Xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn, chúng tôi cảm nhận được sự yên bình nơi đây. Thấp thoáng những nếp nhà sàn trên các sườn đồi, dọc con suối Nà Khương, một cảm giác bình yên, tĩnh lặng, khác hẳn với sự ồn ã của đô thị. Ngồi trên xe, vượt qua những khúc quanh bắt gặp những đọt hoa chuối đỏ tươi mọc bên ven rừng; những khe nước róc rách, tiếng chim rừng rọc rạch trong bụi lá, tiếng mõ trâu kêu lách cách; hòa mình trong không gian ấy, chúng tôi đến Nà KHương lúc nào không hay.

Theo lời kể của anh Trung (Phó Chủ tịch UBND xã Nà Khương), trước năm 2015, Nà Khương có 9 thôn bản với 424 hộ, 2.460 khẩu. Trong đó, dân tộc Mông 1.179 khẩu, La Chí 646 khẩu, Dao 537 khẩu… còn lại là Tày, Nùng, Kinh và một số ít đồng bào dân tộc thiểu số khác cùng sinh sống trên mảnh đất này. Mặc dù tỉnh, huyện đã có rất nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, đặc biệt là chính sách về phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên với mặt bằng dân trí thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, đời sống của đồng bào còn rất nhiều vất vả. Trong 9 thôn bản, chỉ 4 thôn có điện lưới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43%, bình quân lương thực chỉ 445 kg/người/năm; tổng thu nhập đạt khoảng trên 5 triệu đồng/người/năm.

Anh Trung chia sẻ: “Trận sạt núi năm 2008, đã làm chết 10 người dân của 2 thôn Lùng Vi và Tùng Cụm, đó là những ngày mưa rất lớn, thối đất, nát đường. Sáng ra những vạt đồi, vạt núi sạt xuống trống trơ cả cây rừng đá núi, nhà cửa, vườn, ruộng, nương rẫy xơ xác trong mưa lũ”. Đời sống kinh tế khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn, tỷ lệ mù chữ cao, trẻ em không đi học, phần vì do đời sống kinh tế gia đình nghèo, phần vì giao thông quá khó khăn. Tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến; việc chăm sóc sóc y tế sức khỏe sinh sản hầu như không có. Nếu ai đó có bệnh tật, chủ yếu là nhờ các thầy cúng chữa bệnh và uống các loại thuốc lá trên rừng theo kinh nghiệm truyền khẩu. Đói, nghèo cứ đeo bám người dân nơi đây, trẻ em không đến trường, người già, yếu không được chăm sóc, đời sống tinh thần thì nghèo nàn, còn nhiều tập tục lạc hậu trong canh tác, trong sinh đẻ. Hủ tục trong ma chay, cưới xin nhiều lại càng làm cho người dân nơi đây nghèo hơn.

Sau những phút trầm tư, anh Trung trở nên hồ hởi: “Giờ thì tốt hơn rồi, mọi chuyện đã qua”. Với nỗ lực, của Đảng bộ xã, chính quyền và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện và đặc biệt là chủ trương xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của Nà Khương hôm nay đã khá hơn rất nhiều, các chỉ số về kinh tế, văn hóa, xã hội đã được nâng lên rõ rệt. Cùng với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân được cải thiện, bà con được tiếp cận với văn minh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều, không còn hộ đói, trẻ em được đến trường, được học chữ. Đường giao thông trong xã, trong thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; điện lưới quốc gia được đưa xuống từng bản, đến tận hộ gia đình…

Để có được những thành quả vượt bậc như vậy, trước hết là nhờ có chủ trương đúng đắn và quyết liệt trong hành động.

Xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng đó là làm sao xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Nà Khương lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 được ban hành. Đây là Nghị quyết quan trọng với nhiều đổi mới, mang tính toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng – an ninh. Nghị quyết nhấn mạnh và đề ra chủ trương “Nâng cao sự lãnh đạo của hệ thống chính trị, đoàn kết, đổi mới, thu hút đầu tư, thoát nghèo bền vững”. Sau khi Nghị quyết được ban hành, cả hệ thống chính trị đã bắt tay vào công việc, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, bám sát các nội dung Nghị quyết đề ra. Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V – nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành Đảng bộ hoàn thiện văn kiện đại hội, đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn xã; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể của xã và trưởng các thôn tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết.

Báo cáo Đại hội Đảng bộ xã Nà Khương lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cho thấy:

– Về phát triển kinh tế nông nghiệp: Cơ cấu cây trồng có chuyển biến tích cực, năng suất, giá trị được nâng lên; bình quân lương thực đầu người đạt 618kg/người/năm (đạt 101% so với Nghị quyết đề ra); thu nhập bình quân đầu người đạt 19,6 triệu/ người/ năm (đạt 178% so với Nghị quyết).

– Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; hệ thống cơ sở trường học, trạm y tế được xây dựng, giao thông được mở mang, được nhựa hóa và bê tông hóa; hệ thống dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe được quan tâm. Đến nay, 9/9 thôn đều có điện lưới quốc gia; hệ thống Nhà văn hóa xã, Nhà văn hóa thôn bản được  đầu tư xây dựng (9/9 thôn, bản đã hoàn thành), người dân có nơi để sinh hoạt văn hóa.

– Văn hóa – xã hội: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu, rộng, chất lượng được nâng cao. Các hoạt động thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên với nhiều nội dung cho nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức. Hiện toàn xã Nà Khương duy trì 9 đội văn nghệ quần chúng, 7 đội bóng chuyền.  Việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm, duy trì thường xuyên các câu lạc bộ như: thêu, dệt truyền thống. Đặc biệt năm 2020, xã Nà Khương đã phục dựng thành công lễ Mừng cơm mới; bên cạnh đó nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào La Chí được bảo tồn. Năm 2020, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ và mở lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lớp tập huấn thu hút nhiều học viên tham gia, truyền dạy về kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc La Chí, kỹ năng lựa chọn ghép các màu sắc, họa tiết trên trang phục và lựa chọn chất liệu phù hợp để sáng tạo ra các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

– Công tác y tế – dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp. Năm 2020, xã có 2 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng viên, nhờ đó công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chăm sóc trẻ em, giám sát phòng chống dịch bệnh được tăng cường, các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện tốt. 100% trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đáng chú ý, hiện nay tình trạng tảo hôn đã giảm rõ rệt, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc.

– Xóa đói, giảm nghèo, tạo nghề và giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả: Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, Nà Khương đã nghiêm túc triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững thông qua chương trình 135, Chương trình cho hộ nghèo vay vốn và Chương trình đào tạo nghề. Kết quả thực hiện đến hết năm 2020: Tổng sản phẩm bình quân đạt 19,6 triệu đồng/người/năm (vượt 78,2% so mục tiêu Nghị quyết đề ra); tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 68,82% xuống còn 47,39% (vượt mục tiêu Nghị quyết 0,61%). Đào tạo nghề được quan tâm, nhiều lớp truyền dạy nghề được mở và định hướng cho người dân, cụ thể: năm 2020 có 9 lớp đào tạo nghề, thu hút trên 300 học viên tham gia; công dân đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp là 984 người.

– Chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm sóc người có công và đảm bảo an sinh xã hội: Chương trình 135, Chương trình chính sách đối với người có công, người già, người neo đơn được đặc biệt quan tâm, được thăm hỏi, động viên thường xuyên cả về vật chất và tinh thần.

Mặc dù đã đạt được những kết quả cao trong nhiệm kỳ, nhiều mục tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu, song Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ khóa VI (2020 – 2025) của xã Nà Khương tiếp tục xác định mục tiêu và đề ra nhiệm vụ giải pháp trong giai đoạn 2021 – 2025, đó là: “Tiếp tục nâng cao năm lực lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đổi mới, phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; giảm nghèo bền vững”. Chương trình trọng tâm: Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị; trồng rừng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Nà Khương đặt ra 2 mục tiêu đột phá: đột phá về cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nói đi đôi với làm; đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Các nhóm, nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực:

– Về phát triển kinh tế, tạo môi trường thuận lợi, huy động các nguồn lực đầu tư. Huy động nội lực nhân dân và tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Phát triển nông nghiệp, hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

– Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Huy động mọi nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất: điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu sản xuất, giao thông, chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục cộng đồng.

– Về văn hóa – xã hội: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điểu kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển văn hóa theo hướng gắn kết phát triển kinh tế, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người già, người neo đơn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về nâng cao trình độ dân trí, thoát nghèo bền vững.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ và nhân dân xã Nà Khương đã đồng lòng, thống nhất, quyết tâm để đạt và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân nơi đây từng bước được cải thiện; trình độ dân trí được nâng lên. Hủ tục, tệ nạn xã hội giảm, quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững. Trong niềm vui chung ấy, trong mỗi người dân trong xã đều thấy vui, tự hào về những thành quả đạt được, dẫu rằng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.

Tác giả:Thảo Nguyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *