Bác Ba Phi – ông vua tiếu lâm miền Tây


Nhắc tới truyện dân gian đồng bằng sông Cửu Long, không thể không nói đến bác Ba Phi. Không chỉ sáng tác nhiều truyện tiếu lâm lưu truyền khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà bác Ba Phi còn là biểu tượng cho khí chất người miền Tây: chân chất, hào sảng, phóng khoáng và rất nghĩa hiệp.

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm Giáp Thân – 1884 tại Rạch Mũi, thuộc vùng Cái Rắn, huyện Cái Nước – Cà Mau (có tư liệu cho rằng bác Ba sinh ra ở Đồng Tháp Mười, sau đó mới xuống Rạch Mũi để khai hoang lập nghiệp), mất ngày 3/11/1964 tại nhà riêng ở ấp Lung Tràm (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Một số tư liệu cho rằng, bác Ba là con cháu của hoàng tộc nhà Nguyễn, lưu lạc vào Nam trong những ngày theo chân chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu.

Tương truyền, bác Ba Phi là con trai trưởng trong một gia đình có năm anh em, nên gốc là thứ hai. Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ Hai Phi đã mồ côi và lưu lạc nhiều nơi, thuê, cày mướn kiếm sống. Sinh thời, Hai Phi là người cao lớn, thân hình vạm vỡ và giỏi võ nghệ. Với sức vóc phi thường, Hai Phi có thể làm các công việc đồng áng nhiều gấp mấy lần người bình thường. Sau ba năm ròng rã thử thách ở rể cho nhà đại điền chủ đất Cà Mau là ông Hương quản Trần Văn Tế, Hai Phi được Hương quản gả người con gái thứ ba Trần Thị Lữ, từ đó Hai Phi được gọi theo thứ của vợ là Ba Phi.

Sau khi gả con gái, Hương quản Tế giao hàng nghìn công đất ruộng đang được khai hoang cho vợ chồng Ba Phi làm kế sinh nhai. Vừa khai hoang tiếp tục, vừa canh tác, bác Ba Phi không ỷ lại sự giàu có nhà vợ mà ăn chơi lêu lổng. Quen nết ăn nết ở của tá điền, ông vẫn thức khuya dậy sớm, cày cấy ruộng đồng, trồng cây, đặt dớn… Dấu tích ấy đến ngày nay vẫn còn bởi mảnh ruộng màu mỡ được thau chua rửa phèn, hàng dừa xanh cao do chính tay bác Ba Phi trồng và những ao cá quanh nhà, vẫn còn nguyên vẹn đó. Ngoài ra, bác Ba còn đào những con kênh để người dân tiện việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, lúa thóc từ ruộng ra kênh lớn. Một trong số những con kênh ấy là con kênh Lung Tràm mà người dân nơi đây hay quen gọi là kênh Ba Phi.

Nhiều người dân ở Lung Tràm cho biết, sinh thời bác Ba Phi là người nghĩa hiệp và rất thương người. Những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi, ông đã hiến 2.000 công đất (tương đương 200ha) để chia cho bà con cùng làm, cùng ở, phục vụ cách mạng. Không những vậy, nhà bác Ba Phi còn là nơi nuôi giấu cán bộ kháng chiến, là trạm liên lạc và tiếp tế lương thực giữa bà con Lung Tràm với tổ chức cách mạng. Không ít lần bộ đội về làng, bác Ba đã đem tài năng bẩm sinh ra kể những chuyện cười, đãi “món ăn” tinh thần cho bộ đội. Những câu chuyện ấy lan rộng trong kháng chiến và được nhiều chiến sĩ ghi nhớ đến ngày nay. Có lẽ vậy mà những năm chống Mỹ, nhà bác Ba Phi nằm trong vùng oanh tạc của bom đạn. Cả nhà tản cư đi, đến khi về thì tan hoang, chỉ còn lại hàng dừa, con kênh, mồ mả và cây rựa thép. Ấy thế nhưng, bác ba Phi vẫn sống mãi trong lòng người dân Lung Tràm, những câu chuyện tiếu lâm của bác vẫn còn nguyên vẹn đó và lan xa khắp cả nước cho đến hôm nay.

Ngôi nhà bác Ba Phi sau khi được cất mới như hiện nay

Không chỉ là vua tiếu lâm, bác Ba Phi còn được xem là một trong những người có công khai phá vùng đất Lung Tràm – Kinh Ngang ở Cà Mau. Thuở ấy nơi đây còn lắm hoang sơ, “Chèo ghe sợ sấu ăn chưn / Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”. Thiên nhiên đầy thử thách khó khăn nhưng cũng không kém phần hào sảng bởi sản vật hoang sơ vô cùng bao la. Trong chính cái không gian rừng U Minh thời mới khai hoang ấy, với đặc trưng của con người Cà Mau vui tính, bác Ba Phi đã sáng tác và kể miệng biết bao câu chuyện cười trong những lúc nghỉ ngơi trên bờ mẫu hoặc những bữa tiệc trà dư tửu hậu, hay những lúc bộ đội hành quân ngang nhà. Truyện cười Bác Ba Phi từ đó lưu truyền khắp nơi.

Mãi sau năm 1975, nhờ sự động viên của nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Anh Động mới cất công đi sưu tầm, nghiên cứu và chỉnh lý những chuyện kể này. Truyện vui “Con heo đi cày” lần đầu ra mắt trên báo xuân Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 1976 là nguồn động lực cho những truyện cười bác Ba Phi sau đó lần lượt ra đời. Tháng 3/1977, nhà văn Anh Động hoàn thành bản thảo và cho in cuốn sách với tựa đề “Truyện vui bác Ba Phi” do nhà xuất bản thuộc Ty Thông tin tỉnh Minh Hải ấn hành. Lần lượt sau đó, sách được tái bản liên tục với số lượng lớn, lưu truyền khắp nơi trên cả nước. Những câu chuyện Gài bẫy bắt chim, Bắt chim trời ăn lúa, Ong mật rừng Tràm, Bắt heo rừng, chiếc tàu rùa… còn được biến thể sáng tác thêm bớt tùy mỗi nơi tiếp nhận, tạo nên một đặc sắc mang tính văn nghệ dân gian có sức sống mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng.

Năm 2014, Hãng phim TFS đặt hàng nhà văn Anh Ðộng viết kịch bản phim “Bác Ba Phi” và ông hoàn thành không lâu sau đó. Nhà văn cho biết, phim bác Ba Phi được viết theo lối “chương, hồi”, đồng thời tạo được sự gần gũi bởi có sự lồng ghép những chi tiết đậm chất sông nước Nam Bộ và đất rừng U Minh. Bên cạnh đó, tác giả Mỹ Hồng (vợ nhà văn Anh Ðộng) còn dựa theo cuốn sách “Truyện cười bác Ba Phi” của Anh Ðộng để viết thành quyển tiểu thuyết về bác Ba Phi.

TS.Trần Hoàng cho rằng: Cái “dóc” của Ba Phi mới được tồn tại và lưu truyền rộng rãi khắp đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ như một hiện tượng văn hóa độc đáo chứ không phải như một sự chọc cười dễ dãi. Truyện kể Ba Phi là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu của dân gian Nam Bộ. Những truyện kể này, một mặt, làm phong phú thêm cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam; mặt khác, phản ánh một cách khá sinh động về thiên nhiên và con người ở nơi cuối đất cùng trời Tổ quốc. Chính những sắc thái độc đáo và đặc sắc của tiếng cười ở Truyện kể Ba Phi đã khiến tác phẩm và tên tuổi Bác Ba Phi vượt ra khỏi địa giới U Minh, lưu truyền cả một vùng rộng lớn Nam Bộ. Có lẽ vì thế mà năm 2003, bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng Bằng Công nhận Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tuy là một lão nông thứ thiệt của miệt U Minh nhưng gia tộc bác Ba Phi lại có nhiều biến cố, hậu duệ vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống… Một điều ít ai hay, là bác Ba Phi có đến… 3 người vợ. Bà Nguyễn Thị Thuận, con gái út của Bác Ba Phi cho biết, sau khi kết hôn với con gái Hương quản Tế, suốt ba năm trời mà vẫn không có con nên bà vợ cả Trần Thị Lữ mới đứng ra cưới thêm bà vợ thứ 2 Nguyễn Thị Lượng quê ở Mỹ Tho cho bác Ba Phi. Bà Hai Lượng sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Tứ Hải. Hải lên 3 tuổi thì bà Hai bỏ đi về quê, lưu lạc nhiều năm, cuối đời bà sống và mất ở Đầm Dơi – Cà Mau. Mấy năm sau khi bà Hai ra đi, trong chuyến rong chơi đây đó, bác Ba Phi “đưa” về bà vợ thứ 3 tên Lữ Thị Cam (hay thường gọi Cà Cham), người dân tộc Khmer. Bà sinh được hai con gái, một người mất lúc bé trong chiến tranh, một người tên Nguyễn Thị Thuận (76 tuổi) hiện sống một mình trong ngôi nhà nhỏ ở phía sau khu mộ bác Ba Phi.

Bà Nguyễn Thị Thuận (con gái út của bác Ba Phi) và cháu ngoại bên mộ bác Ba Phi và bà Cả, bà Ba

Tương truyền, vào năm 1952, khi đứa con trai duy nhất đã lớn khôn, bác Ba Phi bắt đầu một cuộc kén dâu. Sau nhiều vòng tuyển chọn, bác Ba chọn cô Nguyễn Thị Anh vừa nết na vừa giỏi giang chuyện đồng áng để cưới cho Tứ Hải con trai mình. Cô Anh sinh được 5 người con (3 gái, 2 trai). Tất cả 5 người đều lập gia đình và sống ở xã Khánh Hải với nghề làm nông, bán tạp hóa và thỉnh thoảng lại theo tàu biển đánh cá xa bờ.

Trong số con cháu bác Ba Phi, nổi tiếng nhất có lẽ là người cháu đích tôn: anh Nguyễn Quốc Trị (hay còn được gọi là “thằng Đậu”) – người gắn bó sâu đậm với bác Ba Phi, đồng thời là nhân vật thường xuất hiện trong truyện cười của bác Ba Phi. Và không hiểu vì đâu mà khoảng 30 năm trở lại đây, “thằng Đậu” bỗng dưng trở thành cụm từ thông dụng, chỉ những người vụng về, hậu đậu. Cũng từ đó nhiều quán ăn đặc sản sông nước nổi lên với tên “Quán vợ thằng Đậu”, mà những món ăn thì không hề hậu đậu chút nào.

Sinh thời, bác Ba Phi được biết là người sống có tình nghĩa, nhân ái và hào hiệp. Tuy nhiên, sau khi bác Ba Phi mất đi thì gia đình ông cũng bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Những năm chiến tranh, do có thời gian nuôi giấu cách mạng nên khu vực nhà bác Ba bị bom pháo oanh tạc hầu như cháy nát hết toàn bộ. Người con trai trưởng của bác Ba Phi – ông Nguyễn Tứ Hải cũng chết trận trong rừng, không tìm được xác. Còn người cháu ngoại trai duy nhất: Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ân (con bà Nguyễn Thị Thuận) hy sinh trong một trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Xui rủi lại ập đến khi “thằng Đậu” (Nguyễn Quốc Trị – đứa cháu nội đích tôn của bác Ba Phi) đi biển bị chìm tàu, mất tích và không tìm được xác trong đợt bão năm rồi.

Những năm 2000, gia tộc bác Ba Phi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp đất đai và kiện tụng kéo dài, bà Nguyễn Thị Anh (87 tuổi, con dâu bác Ba Phi) phải rời nhà đi nơi khác ở và phải thường xuyên hầu tòa để giải quyết tranh chấp với các con suốt nhiều năm. Có giai đoạn nhà bác Ba Phi rách nát không người ở, bàn thờ bác Ba phải gửi cho bà con hàng xóm cất giữ dùm. Tuy nhiên, biến cố nào rồi cũng qua đi. Đất đai được tòa phân xử công minh, các con của bà Anh có được sự đồng thuận và hòa nhã trở lại. Bà Anh trở về căn nhà của bác Ba và sống lặng lẽ một mình cho đến ngày nay.

Năm 2018, với sự giúp sức của chính quyền địa phương và các Mạnh Thường Quân, bà Nguyễn Thị Anh đã sửa lại căn nhà khang trang hơn để có nơi phụng thờ bác Ba cũng như có nơi để bạn đọc hâm mộ thắp nhang cho bác mỗi khi tìm đến Lung Tràm. Cũng trong năm 2018, Đài PTTH Cà Mau phát động cuộc thi viết những câu chuyện được truyền khẩu trong dân gian hay sưu tầm từ sách, báo hoặc sáng tác mới dựa vào những đặc trưng truyện bác Ba Phi để tập hợp được hết di sản truyền khẩu của bác Ba Phi còn tản mát trong dân gian.

Năm 2018, UBND huyện Trần Văn Thời kết hợp với Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ đã cho sưu tầm các truyện tiếu lâm của bác Ba Phi, những bài viết, nghiên cứu về cuộc đời – tác phẩm của bác Ba và in thành sách, phát hành rộng rãi ở địa phương và cả nước. Bên cạnh đó, UBND huyện còn lên kế hoạch xây dựng Điểm du lịch Di tích bác Ba Phi tại Lung Tràm với diện tích gần 70.000 m2, trong đó có một phần là do gia đình bác Ba Phi hiến tặng đất để xây dựng. Tương lai nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với những yếu tố gắn liền với cuộc đời và di sản của bác Ba Phi.

Con đường Kênh Ngang ở Lung Tràm, nơi Bác Ba Phi có nhiều năm gắn bó từ thời trai trẻ cho đến lúc cuối đời
 

Tác giả: Đức Vinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *