Bạch diệp – nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh việt nam

NSND Bạch Diệp là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta theo nghiệp đạo diễn điện ảnh. Đồng thời bà cũng là đạo diễn có nhiều phim nhất trong số những nữ đạo diễn ở nước ta từ trước cho đến nay. Sự nghiệp của bà trải dài từ thời điện ảnh cách mạng cho đến hôm nay ở cả hai lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.

 

NSND Bạch Diệp (1929-2013) tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tâm. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh ở Hà Nội, có lẽ vì thế mà niềm đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu Bạch Diệp ngay từ nhỏ.

Năm 6 tuổi Bạch Diệp theo học tại trường Saint Dominque tại Hải Phòng. Năm 1941, bà cùng gia đình sang Hải Dương sinh sống. Đến năm 1945 khi mới 16 tuổi, Bạch Diệp theo Việt Minh, tham gia tổng khởi nghĩa và nhiều tổ chức cách mạng khác. Năm 26 tuổi Bạch Diệp về công tác tại báo Nhân Dân.

Năm 1959, Bạch Diệp học lớp đạo diễn theo sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô tại Trường Điện ảnh Việt Nam. Ngay từ khi bước chân vào lớp học một chuyên gia đã hỏi bà: “Quyết định theo học nghề này, chị đã suy nghĩ kỹ chưa? Đạo diễn là nghề của đàn ông, vì làm một bộ phim thường rất dài ngày và tốn nhiều sức lực. Ngay cả trên thế giới cũng rất hiếm phụ nữ thành danh nhờ cái nghề cực nhọc này”. Tuy nhiên, Bạch Diệp không hề bỏ cuộc bởi lời nhắc nhở của vị chuyên gia điện ảnh kia. Bà chăm chỉ học tập và nhanh chóng trở thành một sinh viên ưu tú. Năm 1962, Bạch Diệp tốt nghiệp và theo nghề đến tận hôm nay, cho ra đời nhiều tác phẩm đã được ghi vào lịch sử điện ảnh nước nhà.

Trên phim trường, Bạch Diệp làm việc rất nghiêm túc và đầy nhiệt huyết. Bà luôn nổi nóng với bất kỳ một thành phần làm phim nào thiếu trách nhiệm trong công việc. Có lẽ vì thế mà người ta đã đặt cho bà những biệt danh nghe rất dũng mãnh: Nữ tướng trường quay, con hổ trường quay, người đàn bà đanh thép… Tuy nhiên những tác phẩm của bà lại rất dễ chịu, sâu lắng và đầy nữ tính.

Bộ phim đầu tay của Bạch Diệp là một phim tài liệu có tên là Hải Dương quê tôi. Tác phẩm tiếp theo là bộ phim sân khấu Trần Quốc Toản ra quân chuyển thể từ chèo. Sau hai tác phẩm này, Bạch Diệp chưa bộc lộ được tài năng đạo diễn, dù Trần Quốc Toản ra quân được đánh giá khá tốt bằng giải thưởng Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ hai. Đến năm 1973, khi cho ra đời tác phẩm Người về đồng cói, Bạch Diệp mới gây chú ý thực sự cho mọi người. Tuy nhiên tác phẩm phim truyện nhựa đầu tay này của Bạch Diệp chưa nói lên tài năng và tâm huyết của bà. Trong phim này Bạch Diệp còn lúng túng về cách xử lý dàn cảnh cũng như kết cấu kịch bản chưa tốt, xây dựng đường dây nhân vật thiếu thuyết phục…

Ba năm sau đó, năm 1976, đạo diễn Bạch Diệp hoàn thành bộ phim Ngày lễ thánh dựa theo tiểu thuyết Bão biển của văn sĩ Chu Văn. Ý định chuyển thể tác phẩm văn học này lên phim, Bạch Diệp đã nung nấu từ năm 1970. Tuy nhiên, phải mất sáu năm chờ đợi, bộ phim mới ra đời. Ngày lễ thánh dựa theo cuốn tiểu thuyết, nên bản thân nó phải cắt xén dung lượng quá lớn, bối cảnh và sự kiện, nhân vật dàn trải trong nguyên tác văn học, để phù hợp hơn với một bộ phim. Trong Ngày lễ thánh Bạch Diệp đã bộc lộ tài năng đạo diễn khi bà xử lý kịch bản rất tốt, đặc biệt cách xây dựng nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng được thực hiện rất nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó, Bạch Diệp còn rất thành công khi lựa chọn dàn diễn viên khá hợp vai. Sau bộ phim này, Bạch Diệp được liệt vào hàng ngũ những đạo diễn tài năng thời bấy giờ. Dĩ nhiên thành công những bước đầu của Bạch Diệp một phần xuất phát từ việc bà là một nữ đạo diễn nên gây chú ý đặc biệt cho mọi người, nhưng cái chính là tài năng của bà đã được thể hiện qua bộ phim. Cho đến hôm nay Ngày lễ thánh vẫn được đánh giá là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của đạo diễn Bạch Diệp.

Sau Ngày lễ thánh, tài năng của Bạch Diệp đã được khẳng định. Tuy nhiên những bộ phim sau đó của bà không được đánh giá cao. Câu chuyện làng dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Y H’nua (1985), Cuộc chia tay không hẹn trước (1986)… dù đã phát huy và thống nhất phong cách của Bạch Diệp, nhưng chúng không được đánh giá cao như thành công của bộ phim Ngày lễ thánh đã từng giành được.

Sau này, hai tác phẩm Huyền thoại về người mẹ (1987) và Ngõ hẹp (1988) với cách nhìn, cách khai thác vấn đề đầy nữ tính đã giúp Bạch Diệp lấy lại phong độ sáng tác vốn có của mình. Sự xuất sắc của Huyền thoại về người mẹ đã được khẳng định bằng giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Bên cạnh đó, tác phẩm này cùng với Ngày lễ thánh đã giúp Bạch Diệp giành Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ở Huyền thoại về người mẹ Bạch Diệp đã lấy một đề tài mang tính phụ nữ vừa gần gũi vừa cao cả, đó là sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự bao dung và cao thượng cũng như sự chịu đựng hy sinh của y tá Hương – một người mẹ nuôi đầy trách nhiệm và tình thương con trong phim đã khiến người xem xúc động mạnh mẽ.

Năm 1992, đạo diễn Bạch Diệp nghỉ hưu nhưng tình yêu phim ảnh trong bà vẫn chưa hề dứt. Bà vẫn luôn mong muốn được trở lại phim trường tự tay làm phim. Đến năm 1994, Bạch Diệp quay trở lại làm việc bằng bộ phim về đề tài chiến tranh Hoa ban đỏ. Đây là bộ phim duy nhất của đạo diễn Bạch Diệp khai thác về đề tài chiến tranh chống Pháp của nhân dân ta, đồng thời đây cũng là tác phẩm về chiến tranh hoành tráng nhất của Bạch Diệp. Hoa ban đỏ khai thác nhiều về hình ảnh cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong lần đánh địch tại Điện Biên Phủ. Các cảnh súng ống đạn bom dữ dội, khói lửa của cuộc chiến được Bạch Diệp tận dụng triệt để trong việc thể hiện cuộc chiến đấu máu lửa, dữ dội và bạo liệt nhưng cũng đầy khí phách anh dũng của nhân dân ta vào năm 1954. Sau bộ phim này, Bạch Diệp ngừng nghỉ sáng tác phim truyện nhựa.

Những năm sau này khi đã lớn tuổi, Bạch Diệp vẫn cộng tác rất tích cực cho chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy và một số chương trình khác của Đài Truyền hình Việt Nam. Tia nắng mong manh của Bạch Diệp là bộ phim truyền hình nhiều tập gây ấn tượng mạnh cho khán giả màn ảnh nhỏ trong một thời gian khá dài. Tình yêu và nghị lực sống của những nhân vật nữ trong Tia nắng mong manh được bàn tay của đạo diễn Bạch Diệp dàn dựng một cách khéo léo và thuyết phục. Xem phim này, người ta thấy được sức sống bền bỉ không chịu khuất phục của người phụ nữ trước những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Một số tác phẩm phim truyện truyền hình của đạo diễn Bạch Diệp như Sự thật, Vui buồn sau lũy tre, Kẻ không cầu may, Người nổi tiếng, Trăng nước ngũ hồ cũng thu được những thành công đáng kể, gây sức hút đối với khán giả yêu phim màn ảnh nhỏ.

Nhìn chung, đạo diễn Bạch Diệp sáng tác rất đều tay, cứ hai đến ba năm bà lại cho ra đời một bộ phim. Điều đó cho thấy tài năng của Bạch Diệp đã được ghi nhận và nhà nước rất tin tưởng giao kịch bản phim cho bà thực hiện. Có thể nói, Bạch Diệp là một đạo diễn có tài và hình thành phong cách rất rõ rệt. Phim của bà thường lấy nhân vật phụ nữ làm trung tâm phản ánh. Họ là những người bà, người mẹ, người chị, cũng có khi là một người chiến sĩ rất giàu tình thương yêu, giàu đức hy sinh, luôn sống vì người khác còn bản thân họ chấp nhận mọi đau khổ, mọi nỗi cô đơn… tiêu biểu là Nhân, Ái trong Ngày lễ thánh, là Hương, Thủy và những bà mẹ chiến sĩ trong phim Huyền thoại về người mẹ, cô kỹ sư Thảo trong phim Ai giận ai thương, cô Mai trong phim Người chưa biết nói, Y H’nua trong phim cùng tên, chị Ba Hơn trong Câu chuyện làng dừa… Bạch Diệp sáng tác theo nhiều đề tài, nhiều chủ đề, và dù là khai thác cuộc sống thời chiến tranh hay thời hậu chiến, hòa bình thì phim bà vẫn toát lên một nét chung nhất, đó là tính nữ. Tính nữ ấy thể hiện từ chủ đề, từ cách lựa chọn đề tài, cho đến cách xây dựng đường dây cốt truyện, hình ảnh nhân vật…

Có thể nói đến hôm nay, đạo diễn Bạch Diệp vẫn được đánh giá là một trong những đạo diễn tiêu biểu thế hệ bà, đồng thời cũng là đạo diễn có tầm ảnh hưởng lớn trong nền điện ảnh Việt Nam. Bạch Diệp được ghi nhận là người phụ nữ đầu tiên làm đạo diễn điện ảnh ở nước ta chỉ là một phần, quan trọng nhất là tài năng của bà đã được khẳng định qua năm tháng sáng tác. Dường như sinh ra để theo nghề đạo diễn nên Bạch Diệp chưa bao giờ hối hận vì đã theo nghiệp này. Bà từng tâm sự: “Về ưu thế, đạo diễn là nam giới hơn phái nữ ở sức khỏe, ở diện tiếp xúc xã hội rộng, vì thế họ có thể lao vào những đề tài gai góc, nhạy cảm. Còn nữ, lợi thế nằm ở khả năng thuyết phục. Nhớ khi làm phim Trừng phạt, tôi đã thuyết phục được hải quân Đà Nẵng cho mượn con tàu há mồm để quay cảnh quân ngụy rút chạy mà không cần đến giấy giới thiệu”.

        Bạch Diệp trong mắt nhiều đồng nghiệp luôn được tôn trọng với thái độ ngưỡng mộ sâu sắc. Đạo diễn Long Vân từng nói rất nể phục về khả năng làm việc đầy quyết đoán và mạnh mẽ cũng như khả năng làm chủ trường quay của Bạch Diệp: “Đáng lẽ bà ấy nên sinh ra là một người đàn ông mới phải. Ngay cả khi đó, đàn ông chúng tôi còn chạy thua xa ấy chứ!”. Còn nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Thị Nam nhận xét: “Suốt một đời làm phim, Bạch Diệp đã chứng tỏ lòng nhiệt tình, sự năng động và một bản lĩnh vững vàng. Là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, Bạch Diệp đã chứng tỏ phụ nữ có thể đảm đương và làm tốt công tác đạo diễn – một nghề nghiệp đòi hỏi phải vất vả về tinh thần lẫn thể xác, chưa kể đến yếu tố tài năng. Và ở một góc độ nào đó, bà cũng là một hình ảnh cao đẹp về người phụ nữ Việt Nam hiện đại”.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Lê Trương Công

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *