Bản giao hưởng số 9 l.beethoven


Bản giao hưởng số 9 đã mở rộng tòa lâu đài vĩ đại các tác phẩm giao hưởng của L.Beethoven. Có thể coi tác phẩm này như một bản tổng kết thành tựu của nhạc sĩ không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, mà cả trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc của Beethoven trong khoảng 10 năm.

Bản giao hưởng số 9 là sự tập trung của đỉnh cao nghệ thuật với việc tổng hòa tư tưởng hòa bình, lý tưởng công dân và lý tưởng nghệ thuật của ông. Nhà lý luận Xô Viết A.N.Serov đã gọi bản giao hưởng này là “thành lũy số chín”, là tác phẩm “kết thúc toàn bộ hoạt động vĩ đại của nhà sáng tác giao hưởng thiên tài”.

Tư tưởng chung của tác phẩm cũng giống như bản giao hưởng số 3 Anh hùng, số 5 Từ bóng tối tới ánh sáng (qua đấu tranh tới chiến thắng, phần kết thúc với chủ đề chiến thắng đã trở thành bài chính ca của niềm vui, thành lời kêu gọi đoàn kết toàn thể nhân loại). Rõ ràng, quan niệm tư tưởng đó, không những không mất đi ý nghĩa của nó trong thời đại hiện nay, mà còn thể hiện tính tích cực lớn hơn cả ở thời đại trước đây.

Tư tưởng của L.Beethoven được biểu hiện rất rõ trong phần kết hết sức độc đáo. Đây là lần đầu tiên âm nhạc giao hưởng sử dụng giọng hát – dàn hợp xướng cùng với bốn giọng hát lĩnh xướng biểu diễn một bản đại hợp xướng trên lời thơ Hướng tới niềm vui của F.Schiller (1759-1805). Thời gian đầu khi sáng tác, L.Beethoven có ý định thay từ “niềm vui” (freuđe) bằng từ “tự do” (freiheit), nhưng để tránh phiền hà khi kiểm duyệt, ông đã bỏ ý định này.

Ý đồ lớn lao trong sáng tác đã khiến L.Beethoven mở rộng khuôn khổ tổ khúc giao hưởng bốn chương (bản giao hưởng biểu diễn với thời lượng một giờ mười phút) và mở rộng thành phần dàn nhạc. Trong phần kết, ông bổ sung thêm các nhạc cụ piccolo flute, contraflgotto, trống lớn và một vài nhạc cụ thuộc bộ gõ.

Ý tưởng của giao hưởng số 9 được L.Beethoven thai nghén một trong thời gian dài. Phác thảo mở đầu của chương một, người ta đã tìm thấy trong sổ ghi chép của ông từ năm 1809. Trong sổ ghi chép những năm 1815-1817 có nhiều đoạn viết nháp chủ đề của chương hai (Scherzo). Mở đầu chủ đề này, L.Beethoven dự định bố cục theo thể Fuga độc lập. Từ lâu (1793) ông đã tập trung viết nhạc trên lời Hướng tới niềm vui của Schil1er. Thật ra, ý định kết thúc bản giao hưởng bằng phần hợp xướng, L.Beethoven chỉ quyết định khoảng một năm trước khi hoàn thành tác phẩm.

Bản giao hưởng hoàn tất vào năm 1824 như là một “Thánh lễ trang nghiêm” hoành tráng. Tác phẩm được biểu diễn lần đầu tiên vào ngày 7-5-1824 ở Viên tại Nhạc viện và nhà hát Kertnertor, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Umlaupha. Bản giao hưởng đã dược đón nhận rất nồng nhiệt, hoan hỉ. Người ta gọi đó là bản “giao hưởng niềm vui” vì nó thuộc một trong những sáng tác lạc quan nhất của thế giới giao hưởng. Tác phẩm đã được sáng tác trong giai đoạn nặng nề nhất của cuộc đời nhạc sĩ, khi ông hoàn toàn bị điếc, bệnh tật, cả những đau buồn tinh thần sâu kín vô hạn.

R.Rolland (nhà văn nhà hoạt động xã hội Pháp) trong cuốn sách về L.Beethoven đã viết “Người nhạc sĩ không biết đến niềm vui, đã cho loài người niềm vui to lớn”.

Hướng tới niềm vui trọn vẹn, niềm hân hoan, do đó phần kết đã dẫn đắt tất cả sự phát triển của tổ khúc giao hưởng gồm: tính chất bi hùng ở chương một bằng áp lực mãnh liệt của hình thức scherzo, triết lý sâu sắc Adagio. Lần đầu tiên trong giao hưởng bốn chương L.Beethoven thay đổi vị trí chương chậm và scherzo để chế định tính kịch của tác phẩm, tính logic của hình tượng và sự phát triển chủ đề, những kiểu giải cấu trúc.

Toàn bộ bản giao hưởng mang tính thống nhất toàn vẹn của tổ khúc, được dẫn đạt bằng những thủ pháp khác nhau như sự gắn kết các chủ đề của từng chương riêng biệt, ý đồ về giọng…

Trong bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào phân tích ba chương đầu, mà chỉ trình bày cảm xúc của mình về chương bốn.

Mở đầu chương bốn – phần kết thúc Presto – âm nhạc âm vang đầy bối rối và sự tương phản rõ ràng sau sự yên tĩnh, bình yên của phần trước. Hòa âm nghịch gay gắt fortissimo (trên hợp âm rê thứ có chồng lên nốt si giáng), tiếp đến âm thanh của đàn violon, đàn contrebasse thể hiện như một đoạn recitative (hát nói) âm nhạc ở đây trở thành “tiếng nói”. Bỗng chốc xuất hiện một bài ca mới (Allegro assai), dàn nhạc lúc đầu sâu lắng như ở nơi xa nào, đàn violoncelle và contrebasse vang lên chủ đề niềm vui rất đơn giản, gần gũi với bài dân ca Đức. Dần dần âm lượng được tăng cường từ bộ dây, bộ hơi, trở thành bài chính ca hùng tráng, vui tươi, hiện lên trước chúng ta sự phát triển biến tấu chủ đề cơ bản của phần kết.

Giọng nam trung hát phần recitative. Trước đó, giai điệu này đã vang lên trong dàn nhạc, giờ đây được truyền đạt bởi giọng hát của ca sĩ. Lời của phần recitative chính do nhạc sĩ sẽ viết “O, Fleunde, nicht diese Tone! Sondern lasst uns angenehmere aus, timmen und freudenvollere!” (Bạn ơi! đừng buồn, chúng ta cùng hát bài chính ca vui vô hạn). Sau đó xuất hiện chủ đề niềm vui trên lời thơ của Schiller : 

Niềm vui, ngọn lửa thiêng

 

Thần linh bay đến với chúng ta

 

Làm ngây ngất lòng bạn

Chúng ta đi vào miếu thiêng sáng láng của người

 

Biến tấu thứ hai là lĩnh xướng giọng nam cao, được đệm bằng các nhạc cụ thuộc bộ gõ. Biến tấu của chủ đề niềm vui ở đây mang tính chất hành khúc chiến thắng, và sau đó là phần hợp xướng lớn với chủ đề niềm vui trên giọng rê trưởng.

Tiếp đến một đoạn mới của phần kết (Andante maestoso) các giọng nam cùng đồng âm với kèn trombone, giai điệu rộng mở mang tính thánh ca. Sau đó là biến tấu (Al1egro energico, sempre ben marcato) với hai chủ đề đan xen, thay đổi giữa “niềm vui” và chủ đề “mọi người hãy xích lại gần nhau”, để rồi cuối cùng xuất hiện chủ đề “trong tình bằng hữu của tất cả mọi người”.

Nhà lý luận A.N.Serov đã giải thích sự khác nhau giữa L.Beethoven và Schiller trong chủ đề niềm vui như sau: với Schiller “ở nơi nào mọi người là anh em, thì ở đó đôi cánh dịu dàng của niềm vui sẽ vỗ cánh”, còn với L.Beethoven lại tìm thấy tư tưởng: “Niềm vui chân chính chỉ có ở nơi nào tất cả mọi người là anh em”. Vì thế, nếu tư tưởng của Schiller mang triết lý trừu tượng, thì L.Beethoven chứa đựng nội dung xã hội cụ thể, nhiều lần nhấn mạnh lời nói “tất cả mọi người hãy là anh em”. Không chỉ ở lời nói mà chính âm nhạc đã thể hiện một ngày hội lớn của nhân dân đầy sôi động. Bản giao hưởng số 9 của L.Beethoven là tác phẩm vĩ đại trong nghệ thuật âm nhạc cách mạng.

        Dàn dựng và biểu diễn bản giao hưởng số 9 của L.Beethoven trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là niềm vui lớn đang đến gần. Có thể, chúng ta chưa đạt được những chuẩn mực nghệ thuật, nhưng khát vọng vươn lên để cùng ngợi ca tư tưởng của Beethoven “mọi người hãy là anh em” chắc chắn sẽ là hiện thực, là niềm vui lớn, bởi tư tưởng đó gần gũi với chúng ta, như lời Đảng nói: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Nguyễn Trung Kiên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *