Báo chí với việc xây dựng phát triển văn hóa

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào báo chí cũng giữ vai trò hết sức quan trọng. Báo chí không chỉ là nơi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa ý Đảng – lòng dân, nêu gương người tốt, việc tốt, tham gia phản biện xã hội… mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


1. Quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

Sinh thời, với nhận thức văn hóa có nhiệm vụ phụng sự tổ quốc và nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân. Vì vậy, văn hóa cũng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm vì nhân dân phục vụ và phát huy sứ mạng của toàn dân làm văn hóa, “dẫn dắt nhân dân đi tới sự giải phóng và hoàn thiện con người”(1). Chỉ khi nào được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo, nhà trường, gia đình… tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, bền bỉ thì văn hóa mới có thể thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra.

Không dừng lại ở đó, văn hóa còn là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế, Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc, biểu trưng cho ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu của nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc về sức mạnh của văn hóa đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược, ngay từ tháng 2 – 1943, Đảng ta đã ban hành Đề cương văn hóa Việt Nam, đặt nền tảng lý luận cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa kháng chiến, kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và soi đường cho sự phát triển nền văn hóa Việt Nam những năm về sau.

Đề cương văn hóa Việt Nam xác định văn hóa là một trong ba mặt trận: kinh tế, chính trị, văn hóa, vì vậy, phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được công cuộc cải tạo xã hội; đồng thời, đề ra ba nguyên tắc cuộc vận động văn hóa mới là dân tộc, đại chúng, khoa học.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng và giữ nước, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, sáng tạo ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật kiệt xuất, phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sức mạnh nội sinh của văn hóa đã được phát huy mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc, trở thành niềm cổ vũ, động viên to lớn đối với quân và dân ta.

Sau 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tiếp tục khẳng định: Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó tập trung tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa mới và con người mới phát triển toàn diện.

Bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng đã chủ trương đổi mới tư duy trên lĩnh vực văn hóa. Đại hội VI đã nêu phương hướng: “Xây dựng một nền văn hóa, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc”(2). Tháng 11 – 1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 05 về văn hóa trong cơ chế thị trường và những chỉ thị quan trọng về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình, quản lý văn học nghệ thuật và một số nhiệm vụ văn hóa – văn nghệ. Đại hội VII đã chỉ ra một trong 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(3). Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (7 – 1998) ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định vai trò của văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc và tương lai đất nước: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội… xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải phấn đấu với ý chí cách mạng kiên định, với trí tuệ và tính tự giác cao”(4). Đại hội IX tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”(5). Đại hội X nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội”(6).

Trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, Đảng ta đã ý thức về tính chất nguy hiểm trước vấn nạn của “luồng văn hóa độc hại” xâm nhập vào nước ta từ nhiều con đường khác nhau, kịp thời ban hành Nghị quyết 23 – NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Chỉ thị số 46-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quyết tâm giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Kế thừa và phát triển tư tưởng văn hóa của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển (7).

Trong 30 năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng. Đại hội XII chỉ rõ: Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa; nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng…

Tuy nhiên, “so với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mực để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lãnh mạnh”(8). Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, xây dựng con người… Đây là những nguy cơ tiềm ẩn làm xói mòn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gây mất trật tự an ninh xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước.

Để xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội XII đã xác định phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(9).

 Có thể nói, văn hóa Việt Nam là sản phẩm của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, lâu bền nhất của dân tộc; hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam. Xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

2. Báo chí với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa

Cần có nhận thức mới về hiệu quả của báo chí trong xây dựng và phát triển văn hóa

Trong xã hội hiện đại, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống của con người. Trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và tính chất đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi đất nước vừa là một trong những điều kiện của sự hình thành báo chí, vừa là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự vận động của các phương tiện thông tin đại chúng.

Không phải ngẫu nhiên mà những nhà chính trị, những người hoạt động cách mạng đã dành cho báo chí sự quan tâm đặc biệt. Từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá, đề cao vai trò của báo chí, coi báo chí như một công cụ đắc lực để tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng.

Trong xây dựng, phát triển văn hóa, sự tham gia của báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Luật báo chí đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí Việt Nam, trong đó có nội dung “nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Do đó, trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng, Nhà nước có nhận thức mới về vị trí, vai trò của báo chí trong xây dựng và phát triển văn hóa. Vì dựa vào lợi thế đặc biệt của mình, báo chí có khả năng đưa các nhân tố văn hóa tinh thần, nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống, vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, qua đó gìn giữ, phát huy được truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tác động của những yếu tố bên ngoài.

Chiến lược lâu dài trong công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa của báo chí

Thực tiễn hiện nay, nếu nhận thức không đầy đủ ý nghĩa của việc xây dựng, phát triển văn hóa cũng như tầm quan trọng của báo chí thì chúng ta sẽ không đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quá trình đổi mới và hội nhập. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn mới, nhận thức mới. Cần phải làm thay đổi, làm mới nhận thức của cả cộng đồng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Để làm được điều này, cần định hướng cho báo chí một chiến lược tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa. Chiến lược tuyên truyền trên báo chí gồm hoạch định lại về phạm vi, lĩnh vực đề cập, về phương pháp tác động, về cách thức tổ chức trang, chuyên mục (nên chăng mỗi một tờ báo tổ chức một chuyên trang riêng cho mục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các báo điện tử, trên website, đưa những vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc giới thiệu với bạn bè 5 châu.

Nếu xây được một chiến lược thông tin tuyên truyền hiệu quả, chắc chắn báo chí sẽ gặt hái được những thành quả hơn nữa trong công tác vận động tuyên truyền xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Nâng cao ý thức xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam cho những người làm báo

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thông tin về văn hóa nói chung và về chủ trương xây dựng phát triển văn hóa nói riêng, đội ngũ nhà báo cần không ngừng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy biện chứng phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Người làm báo phải không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống. Sinh thời, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”(10).

Báo chí là một nghề có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến dư luận xã hội, đời sống cộng đồng, nên mỗi nhà báo phải không ngừng phấn đấu rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong đạo đức, lối sống và phát ngôn, cần có lối sống lành mạnh, trong sáng, vô tư, khoa học, thẳng thắn, trung thực, dũng cảm và khiêm tốn. Có như thế mới đủ bản lĩnh để cổ vũ cái mới, ca ngợi cái đúng, tôn vinh cái đẹp và sẵn sàng đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái sai trái, kiên quyết tấn công cái ác, những tư tưởng phản động.

Như vậy, xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam không phải là công việc tiến hành một sớm một chiều mà là vấn đề hết sức lâu dài, có tính chất quyết định tới sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ những người làm báo hôm nay cần quán triệt thực hiện tốt quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong hành trình 91 năm báo chí cách mạng Việt Nam.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.28.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.222.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.111.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.15.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.114.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.213.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75-76.

8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.124 – 125,126.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.466.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : VŨ THÀNH TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *