Hồ chí minh – người khai sinh danh nhân văn hóa thời hiện đại

Cổ nhân có câu: Làm chính trị giỏi cốt ở chỗ được nhiều người tài. Xưa nay nói đến việc trị nước, an dân đều lấy việc dùng người tài làm gốc, bởi hiền tài là cội gốc của chính sự. Là một nhà mácxít lỗi lạc ở phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy nhiều “hạt nhân hợp lý” trong học thuyết Nho giáo để vận dụng vào việc đào tạo, sử dụng nhân tài dưới chế độ mới.

 

1. Mấy danh nhân văn hóa tiêu biểu
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hào phóng, trọng dụng, biệt đãi những nhân tài dưới chế độ cũ, được đào tạo từ các nước tư bản chủ nghĩa về nước, song song với việc đào tạo nguồn tri thức mới trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ những ngày trứng nước của cách mạng, phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Người nghĩ ngay tới vai trò quyết định của đội ngũ trí thức. Tầm tư duy rộng lớn về tri thức là nguồn lực sáng tạo và truyền bá tri thức của Hồ Chủ tịch đã được hình thành khi Người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tiền thân của Đảng cộng sản, mà thành phần chủ yếu là trí thức và sinh viên. Các bậc hiền nhân, chí sĩ được Bác Hồ đưa lên hàng đầu trong công cuộc kiến thiết: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nổi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết”(1). Thực hiện đường lối đào tạo nguồn nhân lực để phụng sự kháng chiến và kiến quốc của Hồ Chủ tịch, các cấp ủy Đảng và chính quyền đều có những sách lược, bước đi cụ thể để tập hợp được một đội ngũtrí thức tài năng, trong đó có những danh nhân văn hóa tiêu biểu. Tuy vậy, nỗi băn khoăn lớn nhất của Hồ Chủ tịch là tư tưởng thành kiến hẹp hòi, không coi trọng tài năng của giới trí thức cũ, thậm chí bài xích họ của một số người nhân danh tổ chức này, cấp ủy nọ. Còn đối với Người thì trái lại, bởi vì Người biết rằng, “tài năng là của hiếm” (V.I. Lênin) cho nên dù là ai, quá trình hình thành như thế nào, ngay cả quan lại dưới triều đình cũ… miễn là họ yêu nước, có tài, có đức, có nhiệt tâm với sự nghiệp kiến thiết quốc gia thì đều được trọng dụng. Người đã gặp học giả Hoàng Xuân Hãn để lắng nghe tình hình, tâm trạng của trí thức cũ đối với chính phủ mới. Chính Hoàng Xuân Hãn đã được cử vào phái đoàn đi dự hội nghị trù bị Đà Lạt tháng 4-1946. Trong những tháng ngày ở Pháp (từ tháng 5-1946 – tháng 9-1946) Hồ Chủ tịch thường có quan hệ thân thiện, gặp gỡ với nhiều trí thức bậc cao. Trước khi về nước, Người gặp GS Hoàng Minh Giám và không quên nhắc cụ Hoàng tìm gặp các bạn thân, tốt, có cảm tình với cách mạng và giữ quan hệ tốt với họ. Luật sư Phan Anh trong bài Tôi đã tham gia Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (3-3-1946) như thế nào ?đã hồi ức lại những kỷ niệm sâu sắc về vị lãnh tụ của dân tộc đối với ông và những người như ông đã vì hoàn cảnh mà phải tham gia chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Phan Anh “rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng nhân hậu, bao dung của Bác, vì thấy Bác không lấy việc tôi đã tham gia chính phủ thân Nhật làm điều, mà còn cho tôi là một trí thức yêu nước và được trọng dụng”(2). GS Nguyễn Xiển – vị phó Chủ tịch quốc hội nhiều khóa (từ khóa II đến khóa VII) trong số 8 khóa được dân tín nhiệm (từ khóa I đến khóa VIII) là một đại trí thức yêu nước, được đào tạo nhiều năm ở Pháp với ba bằng cử nhân về toán, cơ học, vật lý đã về nước theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch: “Bác Hồ bảo làm gì, tôi làm nấy, chẳng từ nan…”. Nguyễn Xiển là người khí khái, rất sợ những kẻ ham danh, hám lợi quàng cho tiếng “xu thời”, “phù thịnh”, nên có lần ông đã từ chối chức Bộ trưởng giao thông công chính trong Chính phủ mới và tiến cử các ông Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông vào vị trí trên… Biết được ý kiến thoái thác, Bác Hồ hồn hậu tiếp chuyện ông: “Nhiều anh em công nhân, nông dân không biết chữ đang phải làm việc hành chính; anh em trí thức lại bảo không. Thế ai làm?… Thì có ai quen đâu! Vì sự nghiệp chung mà gắng sức cả thôi…!” Sau buổi đó, ông cảm thấy lúng túng, ân hận rồi thưa với Người: “Xin Bác cho phép tôi được theo ý Bác”(3) và thế là Nguyễn Xiển được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBHC Bắc Bộ kiêm giám đốc Nha khí tượng Việt Nam.
Một sự kiện tiêu biểu về phát hiện và trọng dụng tài năng tri thức bậc cao, danh nhân văn hóa của Hồ Chủ tịch là việc tin cậy giao phó chức quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời dặn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến” vào tháng 6-1946 trước lúc Người rời nước, sang Pháp dự cuộc đàm phán Việt – Pháp khai mạc ngày 6-7-1946 tại Phôngtennơblô. “Cụ Huỳnh là nhà một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao” (Hồ Chí Minh), là chí sĩ yêu nước, người đương thời với các danh nhân văn hóa Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp. Cụ là nhà hoạt động chính trị đầy nhiệt huyết, nhà văn hóa lớn am hiểu nhiều lĩnh vực chính luận, báo chí, thơ ca, phê bình học thuật để lại nhiều bài học quý giá trong văn hóa tranh luận, bảo vệ nền quốc học, quốc văn dân tộc, có uy tín rộng lớn trong công luận. Trong những ngày nguy cơ chiến tranh chống thực dân Pháp đến gần, là thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến và thay mặt Chủ tịch nước, cụ đi kinh lý miền Trung, kêu gọi đồng bào sản xuất, tham gia kháng chiến. Vào Quảng Ngãi chưa lâu, cụ lâm bệnh và qua đời ngày 21 – 4 – 1947. Được tin, Bác Hồ vô cùng đau đớn, viết thư gửi đồng bào miền Trung nêu gương cụ Huỳnh tích cực tham gia kháng chiến. Bài điếu của Hồ Chủ tịch thấm đượm nghĩa tình đồng chí, đồng thời nói thay niềm tiếc thương tài cao, đức trọng đối với một danh nhân của ba mươi triệu đồng bào.
GS Ngụy Như Kontum là một nhà vật lý được đào tạo tại Pháp, được Bác Hồ mời về nước tham gia cách mạng và kháng chiến. Ông là nhà yêu nước, sống giản dị, dễ chan hòa với quần chúng nhân dân. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhà nước ta nghĩ ngay tới việc đào tạo lớp trí thức xã hội chủ nghĩa cho sự khôi phục kinh tế và chấn hưng văn hóa. Ông được cấp có thẩm quyền cử làm hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956. Trong vị trí công tác của mình, GS đã hết lòng vì công việc, được giảng viên, sinh viên tin yêu và kính trọng. Thế mà giữa lúc tình hình đất nước còn nhiều phức tạp, nhất là sau cải cách ruộng đất, tình hình thế giới có nhiều biến động, một số người nhân danh tổ chức này tổ chức nọ có ý định bãi miễn chức vụ của giáo sư. Biết được việc đó, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Giáo dục kiên quyết bảo vệ vị trí công tác của GS, tạo mọi điều kiện về vật chất và văn hóa giúp ông hoàn thành nhiệm vụ cao cả giữa lúc đất nước còn bị chia cắt, trí thức miền Nam đang hướng niềm tin về phương Bắc.
GS Hoàng Minh Giám quê làng Đông Ngạc, huyện Hoài Đức (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, ông đi làm nghề giáo ở Huế, Hà Nội, Phnôm Pênh (Campuchia). Sau Cách mạng tháng Tám ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính phủ giao nhiều trọng trách: Thứ trưởng ngoại giao thay mặt chính phủ ta nhiều lần thương thuyết với chính phủ Pháp từ đó cho đến những năm kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu, kể có đến mấy chục năm ông là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, được Bác Hồ tín nhiệm. Hoàng Minh Giám còn được dân bầu vào Quốc hội nhiều khóa, Ủy viên thường vụ Quốc hội và là Tổng thư ký Đảng xã hội Việt Nam.
Nói đến GS Hoàng Minh Giám không thể không nhắc đến Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội, một trường có uy tín lớn về mặt chất lượng và phương pháp giảng dạy, là nơi hội tụ nhiều trí thức uyên bác. Vào những năm 30-40 (TK XX) uy tín của Trường đã được công luận thừa nhận. Những thày giáo có tiếng lúc bấy giờ và về sau trở thành những nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng dưới chính thể cộng hòa dân chủ như Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh…
GS, VS Nguyễn Khánh Toàn, quê gốc Thừa Thiên Huế, nhiều năm học tập và hoạt động ở Hà Nội. Năm 1924, lúc mới 19 tuổi, còn là sinh viên khoa văn trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, ông đã viết báo đả kích và tham gia các phong trào chống chế độ thực dân Pháp. Năm 1926 cùng với thanh niên trí thức Sài Gòn, ông đã sáng lập tờ báo tiếng Pháp Le Nhà quê, làm chủ bút tờ L’ Annam, vì vậy mà ông bị thực dân Pháp bắt giam.
Năm 1928, sau khi được thả tự do, Nguyễn Khánh Toàn sang Pháp học tập và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tại đây, ông được gặp Nguyễn Ái Quốc và trở thành người học trò ưu tú của Người. Năm 1929, ông được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu sang học tập tại trường Đảng Liên Xô. Sau đó, ông được Đông phương bộ quốc tế Cộng sản giới thiệu làm nghiên cứu sinh sử học tại Đại học Đông phương. Năm 1931, ông được gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương. Tất cả những hoạt động của ông trong nhiều năm ở Pháp và ở Liên Xô đều chịu ảnh hưởng tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện.
Ngay trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Khánh Toàn đã có tầm nhìn xa về sự nghiệp giáo dục, đào tạo, đã thiết kế đề án cho cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất với phương châm: học đi đôi với hành, nâng cao trình độ chất lượng chuyên môn kết hợp với lao động sản xuất, đẩy mạnh sự phát triển giáo dục ở vùng các dân tộc thiểu số. Tiếng Việt được coi là ngôn ngữ chính thống được truyền dạy ở tất cả các cấp, từ tiểu học đến đại học.
Ở Đức ông được tặng danh hiệu Viện sĩ nước ngoài (1975), ở Liên Xô được bầu chọn là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học nước này (1976) Nguyễn Khánh Toàn là một nhà cách mạng trung kiên, một nhà bác học với kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực sử học, triết học, ngôn ngữ học. Sự nghiệp học thuật của ông xứng đáng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I).
Một trong những thành viên đã tham gia các Hội nghị ở Đà Lạt và sau đó là Hội nghị Phôngtennơblô do Hồ Chủ tịch dẫn đầu (1946) là GS Nguyễn Văn Huyên (1908-1975). Quê gốc ông ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1926 đến 1935 học ở Pháp, đỗ cử nhân văn chương, và cử nhân luật, sau đó là TS văn chương đại học Sorbonne (1934). Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ TS văn chương tại Pháp. Luận án mang đề tài: Hát đối đáp của trai gái ở nước Nam, sau đó là luận án bổ sung: Dẫn luận nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á, đã gây tiếng vang ở Pháp và ở Đông Dương.
Sau Cách mạng tháng Tám ông làm Tổng giám đốc đại học vụ, rồi Bộ trưởng Bộ giáo dục lâu nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ năm 1946 đến 1973, là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông cũng là thành viên trong đoàn đại biểu do Hồ Chủ tịch dẫn đầu đi thăm các nước Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nguyễn Văn Huyên là chuyên gia về dân tộc học. Ngoài hai luận văn trên, còn có nhiều công trình có giá trị đều được viết bằng tiếng Pháp: Sách có: Sự phụng thờ thần thánh ở nước Nam(1944), Văn minh nước Nam (1944); Bài báo khoa học có: Hội Phù Đổng, Thành hoàng Lý Phục Man, Hát múa Ải Lao, Lịch sử thành lập một làng ở Bắc Kỳ, Hát đám cưới của người Thổ ở Lạng Sơn và Cao Bằng, Tết Đoan ngọ – Trung thu – Thanh minh. Sở trường nghiên cứu của tác giả họ Nguyễn là vận dụng tri thức liên ngành: sử học, dân tộc học, văn hóa dân gian với tư liệu phong phú, với phương pháp khoa học, trung thực.
Một danh nhân văn hóa hoạt động trong nhiều lĩnh vực: ngoại giao, quân sự, khoa học, giáo dục có nhiều thành tựu được nhiều thế hệ tôn vinh là GS Tạ Quang Bửu. Được đào tạo tại nhiều trường đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) về chuyên ngành toán học, về nước từ năm 1936, ngoài việc tham gia truyền bá quốc ngữ và viết báo, sau Cách mạng tháng Tám ông được chính phủ giao chức tham nghị trưởng Bộ ngoại giao. Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ông lên Việt Bắc, ông được chính phủ trao giữ chức Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thành viên chính phủ VNDCCH tại Hội nghị Phongtenơblô (1946) và Hội nghịGenéve (1954). Từ đó về sau với nhiều cương vị khác nhau trong lĩnh vực khoa học và giáo dục, nhất là thời kỳ giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976), ông đã có nhiều đóng góp để lại dấu ấn quan trọng trong sự trưởng thành của ngành giáo dục và đào tạo nước ta. Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học uyên bác: không chỉ trong toán học lý thuyết, toán học ứng dụng vào sinh học, vật lý học, hóa học mà còn am hiểu nhiều vấn đề về phương pháp luận của khoa học xã hội, Tạ Quang Bửu là một nhân cách lớn có đạo đức một cán bộ cách mạng, là tấm gương làm theo cần, kiệm, liêm, chính của Hồ Chủ tịch. Phu nhân của GS Bửu, bà Hoàng Kim Oanh, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Hồn Việt viết rằng: “Những kỷ niệm về Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với gia đình chúng tôi hết sức quý giá. Chúng tôi có 6 người con… Tên của những đứa con trai của chúng tôi đều do Bác Hồ đặt cho… Khi tôi bị thương nằm điều trị dài ngày, Bác rất thương. Mỗi lần đi đâu về, có cái gì quý nhất như mấy lạng mì chính Bác cũng dành cho tôi ăn chữa bệnh. Khi tôi khỏe hơn một chút, Bác hay đến thăm. Những lần có thời gian, Bác ở lại ăn cơm với gia đình. Tự tay tôi nấu mời Bác những món ăn giản dị”(4).
2. Những bài học
Qua những hiện tượng sử dụng nhân tài, tôn vinh danh nhân văn hóa trong lịch sử,tạo nguồn lực hiền tài cho đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta rút ra ba bài học.
Phát hiện tài năng
Không phải ai cũng có thể phát hiện tài năng. Phải là người hữu tài, hữu lễ mới có sức cám dỗ, thu phục được người tài. Ở nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý thức sớm phát triển tài năng, đặc biệt là tài năng trong văn hóa văn nghệ. Đến với giới văn hóa, điều ông quan tâm đầu tiên là phải tạo cho từng người một cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, vì nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt. Còn nhớ cách đây gần 40 năm, đầu hè năm 1966, máy bay Mỹ đang ném bom ồ ạt xuống nhiều vùng dân cư Hà Nội, trong đó có cầu Long Biên, thì cách chừng một cây số đường chim bay, tại Viện Văn học, phố Lý Thái Tổ, theo chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một lớp đại học Hán Nôm được khai giảng trong tiếng gầm rú của máy bay địch. Đó là một nghịch cảnh, ngay cả đối với người trong cuộc. GS Đặng Thai Mai, Viện trưởng viện Văn học kiêm chủ nhiệm lớp. Sau ba năm lớp học đã đạo tạo được hơn 50 cử nhân Hán Nôm vào năm 1968.
Nếu không có tầm nhìn xa đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của người lãnh đạo, thì làm gì có một đội ngũchuyên gia Hán Nôm hàng đầu mà cho đến nay họ vẫn là lực lượng chủ yếu của các trường và các viện đang nghiên cứu văn hóa cổ – cận đại một cách có hiệu quả. Ngoài người phụ trách là GS Mai còn có GS Cao Xuân Huy, một học giả uyên thâm triết học phương Đông, phương Tây, là giảng viên chính của lớp đại học Hán Nôm này. Cả hai vị đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội (đợt I) là những danh nhân văn hóa của đất nước.
Dụng nhân như dụng mộc
Người xưa nói vậy, Bác Hồ cũng dạy như vậy, được xem như một chân lý trong việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hiện đại trong các lĩnh vực, nhất là về khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Người thợ giỏi thì gỗ to, gỗ nhỏ, gỗ lõi hay gỗ dát đều tùy chỗ mà dùng. Nói chuyện sử dụng nhân tài, đặc biệt là những chính khách lớn, danh nhân văn hóa thì nên lưu ý: hàng đầu là những nhân vật có lý tưởng chính trị sáng suốt, có bản lĩnh vững vàng, có ý chí kiên định, có tư duy chiến lược, có tri thức lý luận và năng lực tổ chức thực tiễn, có uy tín lớn trong công chúng và công luận, là những tấm gương cho hậu thế.
Còn đối với những quan lại dưới triều đình cũ, những bậc chí sĩ khác chính kiến, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã đưa lại cho những nhà lãnh đạo nước ta một bài học sâu sắc về pháp lý dân chủpháp lý nhân đạo, bởi đó là đạo lý pháp lý của con người. Nhớ lại những ngày sóng gió cuối năm 1945, cụ Vũ Đình Hoè, một thành viên của Chính phủ liên hiệp trong bài Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh có nhắc lại mấy hiện tượng có liên quan đến đức trị pháp trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quốc hội đầu tiên do toàn dân bầu cử. Quốc hội và Chính phủ ấy gồm đại biểu nhiều đảng phái khác nhau, thậm chí đối lập nhau về khuynh hướng chính trị, gồm cả cựu Hoàng đế Bảo Đại làm cố vấn tối cao, nhiều hòa thượng, linh mục, giám mục, thậm chí cả vua Mèo. Một biểu tượng đẹp đẽ chưa từng thấy của khối đại đoàn kết toàn dân, mà trong số đó có rất nhiều nhà khoa học danh tiếng, nhiều nhà văn hóa lớn.
Bảo vệ nhân tài
Nhân tài là con người, chứ không phải là một lực lượng tự nhiên vô tận chỉ biết khai thác. Khai thác tài năng phải đi đôi với bảo vệ tài năng. Người xưa nói: “Tri nhân thiện nhiệm”, giao đúng việc, giao đúng quyền thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Bác Hồ thường dặn vừa hồng vừa chuyên, đạo đức là gốc đối với tất cả những tài năng, đặc biệt là những nhà văn hóa lớn, bởi vì họ là tấm gương soi cho các thế hệ sau. Mặt khác, môi trường văn hóa tinh thần như cách ứng xử văn hóa giữa cấp trên cấp dưới, giữa đảng viên và người ngoài Đảng, chính sách tiền lương hợp lý tương xứng với tài năng cống hiến, tôn vinh, khen thưởng nhân tài… cần tránh ba khiếm khuyết: bỏ sót, không công bằng, không kịp thời. Trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, các tài năng không phủ định lẫn nhau. Ở đó có đủ chỗ cho mọi người, miễn họ có tài. Các nhà tổ chức, các cơ quan tổ chức của Đảng và Nhà nước chính là bà đỡ cho những hiền tài. Làm được như vậy là chúng ta đã làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình tôn vinh danh nhân văn hóa dân tộc (5).
Ngày 9-9-2009
 
_______________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.153.
2. Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 12-1988. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo bài Hồ Chí Minh và tri thức của PGS, TS Bùi Đình Phong trên Tạp chí Tuyên giáo số 8-2009, tr.15, 16, 17.
3. Xem thêm bài của Phạm Khải trong cuốn 99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2006, tr.207.
4. Giáo sư Tạ Quang Bửu qua hồi ức của người thân, Tạp chí Hồn Việt, số 15, tháng 9-2008, tr.14, 15, 16.
5. Bài viết này chỉ giới hạn một số danh nhân trong lĩnh vực khoa học – giáo dục.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 307, tháng 1-2010

Tác giả : Hồ Sĩ Vịnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *