Phát triển đô thị bao giờ cũng phải dựa căn bản vào 3 yếu tố quan trọng là: tài nguyên thiên nhiên (môi trường sống và nguồn sống của con người), tài nguyên văn hóa (môi trường xã hội đào luyện con người) và nguồn nhân lực có chất lượng (gắn kết và phát huy thế mạnh của thiên nhiên và văn hóa phục vụ cho yêu cầu phát triển). Do đó, bàn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) cần có cách tiếp cận liên ngành, ít nhất cũng là 3 lĩnh vực hoạt động có liên quan chặt chẽ vừa độc lập tương đối, vừa phụ thuộc và tác động lẫn nhau (ở cả 2 mặt tích cực và tiêu cực) với tư cách là những động lực quan trọng cho phát triển. Ở đây chúng tôi khuôn trong môi trường đô thị Đà Nẵng.
Cầu Rồng Đà Nẵng. Ảnh Nhật Quang
1. Duy trì sự cân bằng động trong mối liên hệ giữa các hệ sinh thái – nhân văn và kinh tế tạo tiền đề cho phát triển bền vững của Đà Nẵng
Trong quy hoạch phát triển đô thị, thái độ ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên (bộ phận cấu thành quan trọng môi trường sống của con người) là biểu hiện đặc trưng nhất của văn hóa. Hơn nữa, môi trường nhân tạo/môi trường kiến trúc đô thị do con người kiến tạo ra chỉ là một thành phần phụ thuộc/yếu tố bổ sung – ăn nhập vào khung cảnh thiên nhiên, làm cho thiên nhiên hoàn chỉnh, đẹp và gợi cảm hơn với tư cách là môi trường sinh thái – nhân văn thuận lợi cho con người và các yêu cầu phát triển của con người.
Trong môi trường đô thị, ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị chính là sự thể hiện cụ thể nhất thái độ ứng xử có văn hóa của con người đối với thiên nhiên. Đà Nẵng, mặc nhiên, được định vị và đánh giá như một phức hợp tự nhiên và xã hội hoàn chỉnh như: đồi núi, rừng biển, sông suối, cù lao, đồng lúa, bản làng các dân tộc, làng nghề truyền thống, các khu bảo tồn thiên nhiên… Trong đó, chúng ta phải coi các yếu tố sinh thái – nhân văn như những hạt nhân quan trọng để tổ chức các cảnh quan đô thị điển hình của Đà Nẵng, phải có vị trí xứng đáng trong ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai. Chắc chắn sông Hàn sẽ là trục quy hoạch chủ đạo với cảnh quan xung quanh đôi bờ, tạo ra nét đặc sắc của một đô thị xanh. Ngoài ra, 5 yếu tố thiên nhiên quan trọng có vai trò định vị quy hoạch đô thị là: dãy núi Nam Hải Vân với Hải Vân quan hay Đệ nhất hùng quan với tư cách là điểm tựa, nền cảnh tự nhiên cho một đô thị hướng biển; cảnh quan khu vực Ngũ Hành Sơn với tư cách là không gian văn hóa, lịch sử và tâm linh cho thành phố nói chung và khu vực đô thị Tây Nam nói riêng; bán đảo Sơn Trà, một điểm nhấn sinh thái của thành phố ở phía đông; dãy núi Bà Nà một điểm nhấn và cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn; vịnh biển Đà Nẵng tạo mặt tiền cho một đô thị đặc sắc, hoàn toàn có đủ các điều kiện đáp ứng tiêu chí các vịnh đẹp của thế giới ngang hàng với Hạ Long, Lăng Cô, Nha Trang. Trong số đó, có nhiều khu vực đã được xếp hạng là di tích và danh thắng quốc gia, cũng là tài nguyên du lịch có giá trị. Do đó, việc quy hoạch phát triển đô thị cần có quan điểm tiếp cận liên ngành và toàn diện.
Với tư cách là một đô thị cảng biển giàu tiềm năng của khu vực miền Trung Việt Nam, không gian mặt tiền hướng ra biển của Đà Nẵng cần được suy xét một cách thận trọng khi phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị. Với mặt tiền hướng ra biển, Đà Nẵng cần ưu tiên cho các không gian công cộng dành cho người dân đô thị, du khách trong và ngoài nước; phải hạn chế đến mức tối thiểu xu hướng lấn biển gây biến đổi cảnh quan.
Những kiến trúc sư quy hoạch luôn đề cao vai trò của các điểm nhấn đô thị, đó là những vật thể, hình khối trong đô thị có sức hút thị giác nhờ vào đặc tính vật chất (chiều cao, khối tính, vẻ đẹp, màu sắc, tính biểu tượng hay ý nghĩa lịch sử – văn hóa). Điểm nhấn đô thị là dấu mốc/cột mốc thiên nhiên và văn hóa có chức năng định hướng tạo ra ấn tượng về một đô thị, gợi cho du khách sự cảm nhận về mặt tình cảm, ghi nhớ về đặc thù của một địa phương/một điểm đến. Đà Nẵng đã có sẵn các điểm nhấn thiên nhiên (địa hình, sông núi, hồ nước, mặt biển…, nên trong quy hoạch phát triển đô thị cần tạo lập thêm các điểm nhấn nhân tạo là không gian công cộng (công viên, quảng trường, tượng đài, di tích lịch sử – văn hóa, địa danh lịch sử…) có chất lượng văn hóa cao để trong tương lai có thể trở thành DSVH.
Các không gian công cộng trong đô thị là nơi tổ chức nhiều hoạt động xã hội, qua đó hình thành và phát triển các giá trị cộng đồng. Thông qua trải nghiệm, giao tiếp, tương tác và đối thoại giữa các thành viên cộng đồng, giá trị cá nhân được phát huy cùng với giá trị cố kết cộng đồng. Mặt khác, thông qua hoạt động xã hội tại các không gian công cộng trong đô thị, DSVH được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống xã hội. Đáng tiếc là nhìn vào quy hoạch chung của Đà Nẵng, hệ thống không gian công cộng trong đô thị còn quá thưa thớt.
Nhận thức chung quá trình đô thị hóa phải xuất phát từ quan điểm tổng hòa phát triển bền vững giữa kinh tế – xã hội, ổn định môi trường sinh thái và bảo đảm cho một tổ chức liên kết không gian mềm giữa đô thị và nông thôn. Như vậy, giữa các quận nội thành Đà Nẵng và huyện Hòa Vang được kết nối và tương hỗ ra sao cũng là vấn đề cần được quan tâm thỏa đáng. Trong đô thị Đà Nẵng, yếu tố văn hóa truyền thống hơi bị mờ nhạt, DSVH không nhiều so với các thành phố khác trong cả nước. Tuy nhiên, dung lượng DSVH còn khá đậm đặc trong không gian làng, bản ở huyện Hòa Vang. Vậy, quy hoạch thành phố Đà Nẵng phải tìm cách ứng xử thật tế nhị và đầy trách nhiệm trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang để không bị đô thị hóa, ngược lại, vẫn giữ được hồn quê truyền thống.
Quy luật phát triển đô thị Đà Nẵng đi đúng hướng sẽ là tiền đề quan trọng cho việc bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững trong lòng một đô thị có nhịp độ phát triển theo hướng hiện đại hóa.
2. DSVH là nền tảng tinh thần và động lực cho phát triển đô thị nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng
Nếu việc bảo tồn DSVH của Đà Nẵng cần được xem xét trong mối quan hệ với quy hoạch phát triển đô thị và phát triển du lịch bền vững, thì riêng lĩnh vực DSVH cũng cần áp dụng phương pháp tiếp cận liên ngành khoa học xã hội – nhân văn.
Xét về mặt lịch sử, phải nhìn nhận xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong tiến trình lịch sử dân tộc với 3 vương quốc lớn ban đầu là: Văn Lang ở phía Bắc (TK VII trước CN); Chămpa ở miền Trung (TK II sau CN) và Phù Nam ở phía Nam (TK I sau CN). Vậy, Đà Nẵng phải là nơi đụng độ cũng như giao lưu văn hóa Việt – Chăm. Do đó, dấu tích hay di tích gắn với vương quốc Chămpa cần được trân trọng và bảo tồn như một bộ phận cấu thành kho tàng DSVH quốc gia.
Lịch sử Đà Nẵng đã trải qua nhiều giai đoạn gắn với lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia: Với tầm nhìn lịch sử, chúng ta cần lưu giữ di tích hay là chứng tích về các giai đoạn lịch sử đó. Cụ thể: Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Hải Vân quan, thành Điện Hải, di tích Nghĩa Trũng, nghĩa địa Iphanho, các ngôi đình thờ thành hoàng làng ở các giai đoạn khác nhau, sân vận động Chi Lăng, khu căn cứ cách mạng K20, đặc khu ủy Quảng Đà, khu di tích B1 – Hồng Phước… Ngoài ra, cần nghiên cứu để xác định thêm các di tích lưu niệm những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu), Ông Ích Khiêm, Lâm Nhĩ, Thái Phiên, Lê Văn Hiến…
Xét về mặt dân tộc học, với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc anh em ở Đà Nẵng là một bộ phận của dân tộc và của cả thành phố. Họ được bình đẳng ở mọi mặt đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực DSVH. Theo thống kê, Đà Nẵng chỉ có 2 nhóm dân tộc thiểu số là: người Hoa và người Cơ tu, hiện đang chiếm tỷ lệ 0,6% dân số của thành phố (1). Trong lĩnh vực văn hóa không bao giờ có khái niệm dân tộc nhỏ, dân tộc lớn. Dân tộc nhỏ, dù ít người nhưng luôn có bản sắc văn hóa riêng và có những đóng góp xứng đáng làm phong phú kho tàng DSVH quốc gia như: lễ hội văn hóa, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian… Trường hợp này phải có sự phối hợp liên ngành giữa DSVH – dân tộc học – văn hóa dân gian, để nhận diện và khẳng định sắc thái văn hóa độc đáo của hai nhóm tộc người nói trên.
Xét về mặt DSVH, ta thấy có 3 loại hình cơ bản là: DSVH vật thể, DSVH phi vật thể và di sản tư liệu ký ức của nhân loại. Nhiều khi, trong cùng một di tích lịch sử – văn hóa lại có hàm chứa cả 3 loại hình di sản nói trên, nhưng nếu tiếp cận DSVH từ góc nhìn hệ giá trị văn hóa thì DSVH phi vật thể chính là hạt nhân/phần hồn cốt của DSVH quốc gia cũng như địa phương. Riêng trong lĩnh vực DSVH phi vật thể cũng rất đa dạng và phong phú như: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian (2). Ở Đà Nẵng, nổi trội nhất vẫn là lễ hội truyền thống, tôn giáo tín ngưỡng, tuồng cổ, bài chòi và ẩm thực… DSVH vật thể được phân nhánh thành: di tích bất động sản (thường là các di tích lịch sử và văn hóa) và di tích động sản (di vật, hiện vật, bộ sưu tập hiện vật lưu trữ tại các di tích lịch sử – văn hóa hoặc được bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng). Thành phố Đà Nẵng có một số bảo tàng tiêu biểu như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng quân khu V, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, Bảo tàng Đồng Đình – khu vườn ký ức (bảo tàng tư nhân), Bảo tàng Hoàng Sa – Trường Sa…
Văn hóa là biểu hiện khả năng thích ứng của con người trước các điều kiện tự nhiên và xã hội để sáng tạo ra các giá trị văn hóa phục vụ nhu cầu phát triển năng lực của chính con người. Vì thế, con người bao giờ cũng là yếu tố trung tâm của phát triển. Bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững ở Đà Nẵng chắc chắn phải dựa vào chính nguồn lực con người của thành phố này. Đây chính là yếu tố văn hóa mà chúng ta không được phép lãng quên.
3. Phát triển du lịch bền vững ở Đà Nẵng trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa
Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm đến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Theo định nghĩa này, cả 3 ngành: quy hoạch đô thị, DSVH và du lịch phải đồng lòng, chung tay và hợp tác chặt chẽ để tạo ra sự khác biệt, đột biến trong tư duy và hành động nhằm biến tài nguyên thiên nhiên và văn hóa thành các sản phẩm du lịch mang hàm lượng trí tuệ và văn hóa cao.
Một mặt, quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng dù theo hướng nào, dù hiện đại đến đâu cũng phải dành lại những khoảng không đô thị thích hợp bảo đảm sự tồn tại của các tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa với tư cách là những điểm nhấn cảnh quan sinh thái – nhân văn, không gian văn hóa công cộng đặc trưng của một thành phố có mặt tiền hướng ra biển, dựa vào thế núi, với trục quy hoạch là sông Hàn thơ mộng. Mặt khác, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản dù có mục tiêu riêng là: nhận diện giá trị di sản, xác định chính xác hiện trạng bảo tồn của di sản và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để tạo lập sự bền vững, kéo dài tuổi thọ các di tích, giữ gìn lâu dài các yếu tố gốc cấu thành giá trị tiêu biểu và sự toàn vẹn của di tích. Nhưng cuối cùng, vẫn phải tạo lập được những điều kiện thuận lợi phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch bền vững của thành phố. Bởi du lịch không chỉ là mũi nhọn tạo ra động lực phát triển kinh tế mà còn là phương tiện hữu hiệu/nhịp cầu văn hóa đưa cộng đồng và du khách đến với DSVH. Với 2 chức năng cơ bản như vậy, ngành du lịch và ngành DSVH cần đồng hành với nhau trong nhiều hoạt động để tạo ra nguồn lực năng động phục vụ nhu cầu phát triển Đà Nẵng cả hiện tại và tương lai.
Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa được xác định là nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, tự thân chúng không thể trở thành sản phẩm du lịch hoặc điểm đến du lịch. Nó chỉ trở thành sản phẩm khi ngành du lịch cung ứng được những loại hình dịch vụ du lịch mang sắc thái văn hóa địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có tính khác biệt trong lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác. Đà Nẵng hội đủ các điều kiện tạo dựng một thương hiệu du lịch riêng đáp ứng tiêu chí quốc tế gồm: 5 chữ S và 5 chữ H là: sea (biển), sun (ánh nắng), sand (cát), stomach (ẩm thực), smile (nụ cười thân thiện) và hospitallity (mến khách), hotel (nơi lưu trú), history (lịch sử), health (sức khỏe, nghỉ dưỡng), humanity (nhân văn). Bước đầu, Đà Nẵng đã xây dựng thương hiệu riêng: điểm đến du lịch lễ hội hàng đầu châu Á (lễ hội pháo hoa Đà Nẵng), điểm đến liên kết vùng du lịch có các di sản thế giới ở Trung Bộ và Tây Nguyên (Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình, khu di tích cố đô Huế, Thừa Thiên Huế, khu DSVH phố cổ Hội An và di sản Mỹ Sơn, Quảng Nam). Đặc biệt, Đà Nẵng đã bước đầu tạo ra những tổ hợp du lịch giải trí quốc tế có sức hấp dẫn cao.
Trong từng lĩnh vực hoạt động riêng lẻ (quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn DSVH, du lịch với các hình thức đa dạng), Đà Nẵng đều có các thế mạnh cạnh tranh đáng kể song chưa vượt trội hẳn so với các tỉnh khác vì sự liên kết giữa 3 lĩnh vực hoạt động có liên quan còn khá lỏng lẻo nên không thể phát huy được sức mạnh tổng hợp. Bài viết này mới chỉ là những suy nghĩ và gợi ý bước đầu, hy vọng góp phần đẩy mạnh sự kết nối liên ngành của thành phố nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển Đà Nẵng ngang tầm với kỳ vọng đặt ra.
_______________
1. baodanang.vn, ngày 17-12-2009.
2. Nghị định số 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DSVH, Khoản 1, Điều 2.
Tác giả: Đặng Văn Bài
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?