Hành hương Phật giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay


Những năm gần đây, hành hương Phật giáo là hiện tượng xã hội có xu hướng khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội Việt Nam. Hành hương là một thực hành tín ngưỡng đang tác động, ảnh hưởng đến đời sống, nhận thức con người bằng mối quan hệ đa dạng. Tác giả đã thực hiện khảo sát trên một số đoàn hành hương tại thành phố Hà Nội để hoàn thành bài viết này.

 

     1. Hành hương, sự hình thành nhận thức duy lý xã hội

     Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại với các chính sách văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của nhà nước đang trở nên cởi mở, quá trình đô thị hóa, áp lực đời sống kinh tế, thì những thực hành tôn giáo tín ngưỡng lại diễn ra sôi nổi, dẫn đến nhiều sự biến tướng, cuồng tín ở lễ hội hay những không gian tâm linh. Do tâm lý lây lan đã tác động trong tâm lý người phương Đông, khi có khó khăn hay vận hạn, họ trao niềm tin cho giới tâm linh, lực lượng siêu nhiên. Trên thực tế, đồng tiền, lá sớ đặt trong đĩa, khay lễ dâng lên chỉ là vật phẩm có tính chất liên nối thực hiện giao tiếp mong muốn của người trần với lực lượng siêu nhiên. Đi lễ, thực hành nghi lễ đâu đó trở thành một phương tiện để người ta “mặc cả” như việc lễ dâng sao giải hạn tạo nên sự lãng phí về tinh thần và vật chất lớn cho xã hội. Hành hương Phật giáo được đặt trong bối cảnh hiện nay, khi nó là thực hành tôn giáo đáp ứng được đời sống tâm linh của con người, do con người tự tổ chức chiêm bái và thực hành nghi lễ tại những không gian thiêng. Hành hương luôn khích lệ con người sống để hoàn thiện ứng xử cho bản thân mình với cộng đồng và gắn kết con người, qua đó giảm những mâu thuẫn đối kháng về tình cảm và vật chất trong hệ thống các quan hệ xã hội. Sự gắn kết của con người ngoài mối quan hệ gia đình, dòng họ, tổ chức cơ quan đoàn thể thì mỗi con người đã đồng thuận, tự nguyện kết nối với nhau tham gia vào hoạt động đoàn, nhóm hành hương Phật giáo. Vai trò tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật đem lại nguồn động lực tinh thần qua lời khuyên, răn dạy giàu ý nghĩa về lối sống, vị tha, nhân ái. Đây là đặc điểm cốt lõi, tạo dựng nhận thức duy lý xã hội, hình thái biểu hiện khi kết nối con người thành những cộng đồng mở với tín niệm, triết lý về bản ngã cái tôi trong giáo Phật. Tiêu biểu nhất là sự xuất hiện, tập hợp, tự hình thành nhóm hành hương, thu hút đông đảo thành viên những năm qua. Hành hương Phật giáo, một thuật ngữ phổ biến được nhiều nhà nghiên cứu nhân học, tôn giáo, văn hóa, xã hội, triết học quan tâm sâu sắc. Trong Goddess on the rise-Pilgrimage and popular religion in Việt Nam (Hành hương Bà Chúa Xứ), Philip Taylor luận giải những trải nghiệm tôn giáo như: địa điểm, cộng đồng, mục đích hành hương. Đồng thời, tình tiết hóa bối cảnh xã hội, đời sống, kinh tế, thói quen sinh hoạt người Việt, từ đó đưa ra lý giải: giáo Phật là điểm tựa duy lý xã hội, tạo xung lực liên kết mọi người cùng thực hiện hành hương. Từ nhận thức, Philip Taylor thuật tả tâm lý hành hương qua cử chỉ, thái độ người dân Nam Bộ khi tiến hành phụng thờ Bà Chúa Xứ, hệ quả của quá trình tiếp biến văn hóa tín ngưỡng trong đời sống hằng ngày (1).

     Ngoài hành hương hướng đến tổ chức chiêm bái, thực hành tín ngưỡng, giải tỏa nhu cầu tâm linh, người tham gia còn chủ động giao lưu, kết bạn, trao đổi công việc. Trong đó, yếu tố lợi ích, kinh phí, đóng góp vật chất thể hiện tính tự nguyện tích cực, đảm bảo hoạt động hành hương ổn định, hình thành mạng lưới đa tầng lớp xã hội (gọi tắt là mạng lưới xã hội). Ý thức duy lý xã hội phát triển nhanh từ môi trường hòa đồng, thân thiện giữa các chủ thể hành hương: người – người, nhóm – nhóm. Tất cả cùng đồng thuận vai trò tổ chức hoạt động kinh tế, tạo nguồn vật chất do thành viên đóng góp qua hình thức trao đổi, hợp tác, xây dựng hoạt động dịch vụ, hỗ trợ sản xuất. Quan hệ xã hội vận hành hòa hợp giữa tinh thần và vật chất tại các địa điểm linh thiêng Phật giáo đã tạo tác thực hành hành hương trở nên hấp dẫn, đặc biệt thu hút mạnh mẽ các tầng lớp trí thức, doanh nhân, sinh viên trong đô thị lớn từ Bắc vào Nam. Tổ chức đoàn hành hương có người dẫn đầu, chuẩn bị hoạt động, hành trình cụ thể với các điều kiện đảm bảo chuyến hành hương diễn ra tốt đẹp. Thành viên đoàn hành hương được hưởng thụ, tham gia các khóa tu tập, tham quan, tĩnh dưỡng, thực hành nghi lễ tâm linh, đạt nguyện ước bản thân. Đây là nhận thức duy lý xã hội với nhiều nội dung tích cực mà hành hương Phật giáo đem lại sự phong phú đời sống tinh thần, tâm linh, đề cao giá trị cộng đồng, cố kết bền chặt con người trong mạng lưới xã hội đa chiều, ở đó mỗi cá nhân vừa là chủ thể nhận thức, vừa là thành viên tạo nên sự đồng nhất hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn.

     2. Hành hương Phật giáo ở Hà Nội nhìn từ khía cạnh mạng lưới xã hội

     Ở Hà Nội, nhiều đoàn hành hương được hình thành tạo nên sự sôi nổi của thiện nam, tín nữ Phật giáo. Người đứng đầu có nhiệm vụ tổ chức, quản lý đoàn hành hương thường là tăng ni, thành viên đoàn gồm các phật tử và những người có cảm tình với đạo Phật. Dù khác biệt về độ tuổi, thành phần, tầng lớp, nhưng tất cả người hành hương cùng gắn bó với đoàn riêng của mình, tên các đoàn cũng đa dạng với nhiều tên gọi như: Hoa Từ Bi, Hà Đông, Cầu Giấy, Yên Vui, Hạnh Phúc, An Lạc, Sư Phạm, Hành Hương Đất Phật… Họ cùng nhau xây dựng, lập kế hoạch hoạt động hành hương, phù hợp với chủ trương, quy định nhà nước. Người tham gia gồm nhiều thành phần khác nhau như: công chức, viên chức, doanh nhân, nội trợ, nông dân, sinh viên. Tất cả tạo nên sự đa dạng trong tính hợp nhất mục đích: gắn kết lại thành tập thể hành hương đến các địa điểm không gian linh thiêng Phật đạo; san sẻ kinh phí, thực phẩm, công việc và sinh hoạt cộng đồng. Trong quá trình kết nối, người hành hương được nâng cao nhận thức, tự tu dưỡng, học tập những bài thuyết giảng giáo Phật. Hiểu biết về chân tu, bát chính đạo, bát nhã, lời khuyên răn dạy con người làm điều tốt, đức công, phẩm hạnh… Đó là cơ sở điều chỉnh hành vi, tâm lý hướng thiện, tu nhân, tích đức, tạo sự biến đổi văn hóa trong mỗi người. Đây là mối liên kết, gắn bó chặt chẽ khía cạnh hình thành mạng lưới xã hội, một thực thể sống động khi hành hương là chất xúc tác nhân văn, nhân ái, mỗi cá nhân riêng lẻ cùng hòa nhập vào khối chung không phân tách, chia biệt. Hành hương là môi trường đầy giao cảm dựa trên quan hệ đồng đạo, lợi ích, chia sẻ tình cảm, hoạt động sinh kế… rất cần thiết khi kinh tế thị trường đang tách rời con người, cá nhân trở nên đơn lẻ trong dòng xoáy mưu sinh. Từ bối cảnh Việt Nam đang nhanh chóng hòa nhập với thế giới, nhịp sống biến đổi nhanh, cuốn theo tốc độ đô thị hóa từ khắp các tỉnh, thành, mô hình phố phường liên tiếp xuất hiện, lan tỏa mọi ngõ ngách, đường làng lối xóm, đồng dạng xu thế đổi mới tư duy, đặc biệt với thế hệ 8x, 9x qua cách hiểu, suy nghĩ mở, thoáng. Do đó, hành hương Phật giáo là tiến trình điều chỉnh, kiểm định kịp thời, tạo nên hành lang văn hóa tâm thức lôi cuốn, thu hút mọi tầng lớp, giới, thế hệ khác nhau.

     Tác giả Trần Phương Hoa cho rằng: “Mạng lưới xã hội là một cấu trúc xã hội mang tính phi chính thức, không hàm chứa các vị trí và luật lệ xã hội định hình thành cũng như không chính thức phân bổ quyền lực cho các thành viên. Trong mạng lưới xã hội, các vị trí, quyền lực, luật lệ, thủ tục mang tính linh hoạt, dễ thay đổi” (2). Quan điểm trên đã phản ánh, khắc họa mạng lưới xã hội theo thuyết cấu trúc với điểm luận vị trí, quyền lực, luật lệ mà con người tự chế định, khu biệt, giới hạn hành vi trong xã hội. Bằng hoạt động hành hương, những tham, sân, si đều bị che khuất, tâm thức cộng cảm được đề cao. Mạng lưới xã hội hành hương về bản chất đúng như nhận định của K.Marx: “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Điều này cho thấy, trải qua những biến đổi thời gian nhưng con người xã hội còn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay, là nguyên lý vận hành, tạo tác mạng lưới xã hội hành hương Phật giáo, một cấu trúc phi chính thức có thể mở rộng (kết nạp thêm) người tham gia hoặc thu hẹp (giảm bớt số lượng) xuất phát từ nhận thức, vai trò, trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, đồng thời lấy tiêu chí hành hương Phật giáo là mục đích chủ đạo. Đại Đức Thích Minh Quang, trưởng đoàn Hoa Từ Bi ở Hà Nội ra quy định chỉ tổ chức hành hương vào ngày nghỉ, điều này thu hút, đáp ứng nhu cầu tâm linh cầu ước của người dân. Qua các chuyến hành hương, mỗi người đều tự bồi dưỡng, học tập văn hóa Phật giáo, giữ gìn lối sống lành mạnh, động viên và khuyên nhau không vì đi lễ mà bỏ việc làm, bỏ học, bảo ban cùng tiết kiệm chi phí. Trong cuộc hành hương, nếu thành viên thắc mắc, có ý kiến thì thông báo cho tổ trưởng, khi vấn đề quá thẩm quyền thì tổ trưởng báo trưởng đoàn giải quyết. Điều này được Đại Đức Thích Minh Quang quy định: đoàn hành hương được hình thành từ nhiều tổ khác nhau từ những khu phố, làng xã, cơ quan… mỗi tổ trưởng chỉ có quyền tổ chức trong tổ của mình chứ không có quyền lãnh đạo lẫn nhau nhưng phải liên kết, kết hợp với nhau để giúp việc cho thày. Về tổng thể, các đoàn hành hương Phật giáo ở Hà Nội đã góp một khía cạnh tạo nên mạng lưới liên kết qua các mối quan hệ người – người phong phú, đa dạng. Mỗi đoàn được tổ chức chặt chẽ, quy định rõ ràng, thành viên thấm nhuần quan điểm: bình đẳng, tự nguyện, hướng thiện. Quan niệm “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” đã thay đổi, những tổ chức tôn giáo đang trong quá trình kết nối và thu thập người hành hương. Đây là nhận thức cơ bản hình thành thái độ tự nguyện tham gia vào hoạt động chung, điển hình là các bạn sinh viên (đang học tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội) khi tham gia hành hương xin vào tổ phục vụ thiện nguyện như phát cơm, chia quà cho người vô gia cư, phát động thu gom quần áo, tiền bạc để tới những vùng sâu, vùng xa tặng trẻ em, đồng bào thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tinh thần tự nguyện trở thành động lực hành vi hướng thiện, được các bản hội hành hương đề cao, khuyến khích mọi người cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.

     3. Ý nghĩa hành hương Phật giáo ở Hà Nội

     Hướng về giá trị đạo đức nhân văn truyền thống

     Sự phát triển, mở rộng đoàn, nhóm hành hương ở Hà Nội những năm qua cho thấy hiện trạng nhu cầu giải tỏa tâm linh con người trong xã hội hiện đại. Tại Việt Nam, lịch sử ghi nhận đạo Phật hòa nhập vào tín ngưỡng bản địa, trở thành dòng văn hóa chủ lưu lan tỏa, hiện hữu trong nhiều phong tục, tập quán đã cách đây hàng ngàn năm. Từ bối cảnh mới, mối quan hệ con người chịu ảnh hưởng, tác động của truyền thông, các làn sóng văn hóa trên thế giới đang thẩm thấu vào đất nước ta qua phim ảnh, mạng internet. Đồng thời, lối sống tiểu thị dân giữa đô thị, phố phường ồn ào thương mại, cạnh tranh làm lỏng lẻo mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Điều này giải thích vì sao hành hương Phật giáo ở Hà Nội hiện nay tạo điểm nhấn cộng đồng, thu hút tầng lớp xã hội tìm lại giá trị nhân văn cội nguồn. Mối quan hệ làng xã giàu tính cộng cảm, cộng sinh được khơi dậy mạnh mẽ. Các đoàn hành hương hình thành trên cơ sở hướng đến những điều trong Phật giáo răn dạy, tất cả chung mục đích giác ngộ nhận thức, hướng thiện, tích đức. Sau chuyến hành hương, những kết quả thu nhận đem lại nhiều ý nghĩa, nổi bật là quá trình tái nhận thức giá trị nhân văn truyền thống, đạo lý tốt đẹp được duy trì. Khi hành hương tới địa điểm không gian Phật, các điều răn giáo thuyết Phật thành lời cầu khấn, tế, lễ tập trung vào mối quan hệ gia đình, cầu chúc ông bà, bố mẹ, vợ chồng, con cái mạnh khỏe, an khang, làm ăn may mắn, phát đạt, không đau yếu bệnh tật. Giá trị nhân văn truyền thống gia đình là chủ đề trong lời răn dạy Phật giáo, giữ gìn kỷ cương vô thường, tạo dựng nề nếp gia phong, để cuộc sống gia đình êm ấm, viên mãn, hạnh phúc, điều này đóng vai trò quan trọng với mọi thành viên, đồng thời tác động mạnh đến mối quan hệ cộng đồng hành hương.

     Kết nối xã hội

     Hành hương Phật giáo ở Việt Nam chủ yếu là hoạt động, tổ chức do các sư, tăng ni, họ tập hợp thành các nhóm, đoàn tôn giáo gọi một trong những kiểu tổ chức “bắc cầu” làng xã truyền thống ở đồng bằng phía Bắc Việt Nam. Mô hình tổ chức hành hương không chỉ đơn thuần là thực hành nghi lễ mà có vai trò tuyên truyền những kiến thức về tôn giáo cho nhiều người hành hương trong việc định hình cấu trúc của hoạt động hành hương hiện nay. Hoạt động hành hương sẽ vô nghĩa khi những người hành hương chỉ chú ý đến việc thực hiện nghi lễ và không có hiểu biết gì về giáo lý Phật giáo. Tổ chức hành hương Phật giáo giải quyết 2 nhu cầu trong quan hệ mạng lưới xã hội: tạo dựng quy tắc ứng xử, giao tiếp văn minh và định hình giá trị văn hóa qua mối quan hệ họ hàng, láng giềng, bạn bè. Khi tham gia hành hương, mọi thành viên có sự kết nối giữa thành viên trong đoàn cùng tương thân tương ái, giúp đỡ nhau. Các đoàn hành hương khi gặp gỡ, trao đổi đều bày tỏ giao tiếp văn minh, hòa nhã, thân thiện, đem lại giá trị văn hóa, củng cố mối quan hệ ngày càng bền chặt. Quan hệ xã hội đã có những biến đổi tích cực:

     Về ứng xử: thành viên trong đoàn hành hương không phân biệt địa vị, tuổi tác, thành phần xã hội, chủ động ứng xử thân thiện, hài hòa, thân ái. Trong công việc, hoạt động bày tỏ thái độ chia sẻ, ủng hộ, gắn bó nhau với tình cảm chân thành tại gia đình, nơi công tác. Hầu hết gia đình có người hành hương tiếp thu giá trị văn hóa ứng xử từ giáo Phật, tạo mối quan hệ ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái yêu thương, gắn bó, là điểm tựa tinh thần để gia đình ổn định.

     Về giao tiếp: trong đoàn hành hương, gia đình hay ngoài xã hội, mỗi thành viên bản hội hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, người tiếp xúc cảm nhận sự thân thiện, gây được lòng tin. Văn hóa giao tiếp trọng thị nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng. Qua những câu chuyện kể lại, các bà, chị, cô, bác và nhiều sinh viên có kỹ năng giao tiếp văn minh, thái độ lịch sự, thu hút. Đây là kết quả của ý thức, thấm nhuần giáo lý Phật và thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong quá trình hành hương. Chính nhận thức duy lý Phật giáo mở ra các chiều không gian ứng xử ngoài xã hội, đảm bảo lối sống chuẩn mực, hài hòa, kính trên nhường dưới. Ý nghĩa giao tiếp văn minh đã đan kết thành mạng lưới ngày càng lan tỏa rộng rãi, góp phần đẩy lùi tệ nạn, bài trừ tính ganh ghét, đố kỵ đang tồn tại nơi buôn bán thị thành.

     Tái định hình diện mạo xã hội văn hóa: qua hành hương Phật giáo những giá trị văn hóa truyền thống được tái tạo, khẳng định qua sự đóng góp tích cực của người hành hương, đồng thời, nhiều yếu tố mới lồng ghép được phát huy. Tại Hà Nội, chỉ trong 10 năm liên tiếp xuất hiện các đoàn, nhóm hành hương, minh chứng cụ thể sự lớn mạnh nhanh chóng của cộng đồng hành hương. Ảnh hưởng thuyết giới Phật cùng tâm niệm tự biến đổi bản thân là động cơ để mỗi thành viên cố gắng, phấn đấu thành người có ích. Hành hương Phật giáo cùng tín ngưỡng thờ cúng đã đem lại những giá trị văn hóa mới, trong đó nổi bật là tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, nét đẹp trong truyền thống văn hóa đầy nhân văn của dân tộc Việt Nam. Qua khảo sát các đoàn hành hương, người viết nhận thấy các đoàn/ nhóm hành hương ở Hà Nội đang đề cao sự kết nối cộng đồng, khuyến khích tinh thần tương thân, tương ái.

     Phát huy giá trị đạo đức con người Việt Nam: cùng với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, mỗi thành viên trong đoàn hành hương đều hướng đến các giá trị cốt lõi đạo đức mà giáo lý Phật răn dạy. Tiêu biểu là chính niệm trong Bát chính đạo/tám đường tu đã nêu rõ: phàm là người phải kiếm sống bằng chính sức lao động, trí tuệ của bản thân, không buôn bán gian lận, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Đồng thời chính niệm xác định con người cần phải tự làm chủ cuộc sống, biết làm phúc, chăm lo người thân trong gia đình, bạn bè. Về nghĩa, chính niệm được hiểu là tu thân, tích đức, làm điều tốt và tin tưởng vào chính bản thân. Những giá trị đạo đức làm người trong chính niệm từ trước đến nay vẫn được các sư thày rao giảng cho phật tử làm theo. Nhưng cuộc sống hiện đại rất khắc nghiệt, mục đích làm giàu và hưởng thụ vật chất theo văn hóa phương Tây đang cuốn đi những giá trị đạo đức truyền thống, làm biến dạng thuyết lý Phật pháp. Chính hành hương tìm về lời răn của Phật trong chùa chiền tại chùa Hương là nhận thức đúng đắn của mọi người, để giá trị đạo đức tồn tại chân xác trong đời sống xã hội, tạo nên những hệ giá trị nhân văn tốt đẹp mới. Coi trọng giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ: xây dựng đạo đức và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ luôn là mục đích cao đẹp của đạo Phật cũng như hành hương. Đối với người hành hương, nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng Phật giáo đem lại hiệu quả lâu dài đối với trẻ em. Đôi khi, lời khuyên răn, việc làm nhỏ của cha mẹ sẽ tác động đến tâm thức trẻ em. Bằng con đường giáo dục và tự giáo dục, nhân cách thế hệ trẻ luôn được vận hành trong môi trường quan hệ huyết thống. Ở đó, yếu tố tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng ảnh hưởng của giáo Phật tại gia củng cố, định hình nhân cách con người. Khi bước chân ra ngoài xã hội, trẻ em trải qua quá trình tự nhận thức, tự giáo dục một lần nữa. Chính từ lời bảo ban, nhắc nhở của gia đình giúp cho trẻ em hoàn thiện dần kỹ năng sống. Đặc biệt, những ảnh hưởng từ giáo lý Phật tạo ngưỡng tâm lý hành động: biết làm những điều tốt, tránh xa điều xấu. Đây là giá trị nhân văn cao cả mà những người hành hương ở Hà Nội đang cố gắng hướng tới được thể hiện trong triết lý đạo Phật vào giáo dục thế hệ trẻ từ gia đình đến xã hội.

     Tác giả Trắc Tân Bình cho rằng: “Xét từ góc độ mối quan hệ tương hỗ giữa các dân tộc cùng tồn tại với nhà nước, tôn giáo cũng có tác dụng liên kết xã hội hết sức quan trọng” (4). Kết nối xã hội phương diện thể hiện của mạng lưới xã hội qua khía cạnh hành hương Phật giáo đang được tạo dựng, giữ gìn giá trị nhân văn theo giáo lý nhà Phật, khẳng định gia đình là hạt nhân, tế bào xã hội luôn nổi trội, trở thành ý thức, tâm niệm của người hành hương. Từ gia đình sẽ hình thành nên cấu trúc tổ chức xã hội, nói cách khác, xã hội là mối quan hệ đa chiều được xây dựng từ đơn vị gia đình. Đạo Phật luôn đề cao gia phong, gia giáo nhằm bảo vệ gia đình trong tình yêu thương, hòa thuận. Đây là điểm đặc sắc, tiến bộ mà đạo Phật phổ quát đến chúng sinh trong bối cảnh hiện nay. Hiện nay, cấu trúc gia đình 2 thế hệ đang ngày càng phổ biến, khác với gia đình 3, 4 thế hệ trước đây. Những đôi vợ chồng trẻ khi sinh con cái thường cố gắng, tìm cách ra ở riêng, mối quan hệ huyết thống giữa các thế hệ: cụ, ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt phân tách thành từng phần khác nhau, tạo khoảng cách. Khi mỗi thành viên trong đoàn hành hương giác ngộ giá trị đạo đức nhân văn truyền thống sẽ tạo ra tính tích cực, hiệu quả trong xây dựng, bảo vệ gia đình, giúp tổ ấm có mối liên kết đầy tình yêu thương, nhân ái. Không riêng ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành đã xuất hiện các nhóm hành hương với số lượng thành viên tham gia rất lớn. Tất cả mọi người đều chan hòa, bình đẳng, cùng học giáo lý Phật, từ đó xây dựng niềm tin vào khối cộng đồng hành hương. Do đó hành hương không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tìm về thuyết giới Phật đạo, mà tạo nên mạng lưới xã hội từ việc các thành viên gắn kết cùng chung giá trị, ý nghĩa cuộc sống cho chính bản thân. Quá trình gia nhập đoàn, nhóm hành hương chỉ là hình thức bên ngoài, còn nội dung cốt lõi phản ánh qua mối liên hệ cố kết cộng đồng, cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh, đây là hệ giá trị văn hóa cao đẹp bắt nguồn từ nền tảng đạo đức, nhân văn người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể nói, hành hương Phật giáo đã tạo nên một giá trị văn hóa mới, giá trị nhân văn truyền thống được phát huy, biến đổi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh môi trường sống con người hiện nay.

_______________

1. Philip Taylor, Goddess on the rise-Pilgrimage and popular religion in Việt Nam, University of Hawaii Press Honolulu, USA, 2004.

2. Trần Thị Phương Hoa, Vốn xã hội – cái nhìn từ Châu Âu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2016, tr.44.

3. Thích Thanh Từ, Tại sao tôi chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, 2002.

4. Trắc Tân Bình, Lý giải tôn giáo, Nxb Hà Nội, 2007, tr.10.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *