/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số nói chung và âm nhạc dân gian dân tộc thái nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô và vi mô, cả phương diện lý luận và thực tiễn. Điều có ý nghĩa thiết thực là cần đánh giá đúng thực trạng, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó có các giá trị âm nhạc dân gian Thái.
Nội dung bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể rất rộng, song ở đây chỉ xin đề cập đến âm nhạc dân gian dân tộc Thái. Âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số, cũng như người Thái bao gồm các làn điệu dân ca, dân nhạc, các loại nhạc cụ và âm nhạc trong những điệu múa. Hầu hết trong mọi sinh hoạt, các nghi lễ thì các loại hình nghệ thuật dân gian này đều được người dân sử dụng.
Từ những quan niệm trên có thể hiểu: Bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian Thái là gìn giữ sưu tầm và làm cho cái hay cái tốt trong âm nhạc dân gian Thái phát triển.
Những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua là tư tưởng chỉ đạo việc sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cả dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian Thái nói riêng và đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết, trong đó, cần nói đến là thực tế bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian Thái.
1. Thực tế bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian dân tộc Thái hiện nay
Âm nhạc dân gian dân tộc Thái bao gồm các làn điệu dân ca, dân nhạc, các loại nhạc cụ và âm nhạc trong những điệu múa. Hiện nay, âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng được bảo tồn và phát huy theo hai hướng: tự phát và với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó, bảo tồn và phát huy tự phát là chính, điều này thể hiện trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Âm nhạc dân gian Thái có nhiều làn điệu khác nhau và về cơ bản người Thái chưa có phương pháp ký âm nên không có tên gọi các cung bậc của âm nhạc.
Dân ca Thái thể hiện qua giọng hát
Hát được người Thái gọi là khắp, đồng nghĩa với hát, hò, ngâm. Khắp có rất nhiều làn điệu và mỗi làn điệu dùng để thổ lộ tư tưởng và tình cảm khác nhau.
Trong cuộc sống, khắp đối với họ không thể thiếu được. Người ta nghe hát hoặc hát cho mọi người nghe một cách rất say mê. Qua hát, không những người ta chỉ thưởng thức những thi vị của ý thơ mà còn gửi gắm tâm tình vào những âm thanh trầm bổng của giọng hát hay nữa.
Có những lối khắp rất phổ biến, là những giọng mà người Thái gọi là quắm khắp và khắp xư (hát thơ) là hai lối hát cho cùng một tác phẩm thơ. Đó là các điệu dân ca biểu hiện bằng các lối hát thơ hợp với làn điệu của từng vùng là truyện thơ, nhưng khi hát, làn điệu khác nhau hoàn toàn, khi nằm để ngâm nga thì phải theo làn điệu khắp xư, nhưng khi trong các tiệc cưới thì phải theo làn điệu khắp báo xao. Như vậy, một bài thơ, hoặc một truyện thơ bao giờ cũng là một bài hát. Sáng tác thơ là khắp bắc nghĩa là tự nghĩ ra thơ để hát. Ngày xưa người làm thơ thường được gọi là mo khắp bắc (mo hát thơ), chang khắp bắc (người khéo hát thơ), sây khắp bắc (thày hát thơ), hoặc nài khắp bắc (có nghĩa là người giỏi về hát thành thơ). Khắp xư có nghĩa là hát thơ, bởi vậy có các thể thơ, các giọng hát đó mới ra đời. Làn điệu của khắp xư biểu hiện sự sắp xếp nhịp điệu cung cách của thơ Thái, đó là lời thơ tự do. Thơ không bó buộc phải theo một luật bằng trắc, nhưng rất chú trọng các thanh trầm bổng cân đối nhịp nhàng.
Như vậy, làn điệu của hát rõ ràng đã diễn tả được ý thơ theo quan niệm thẩm mỹ âm thanh làn điệu, thì đặc tính âm nhạc dân gian Thái đã hình thành. Lúc này, người ta không nhất thiết phải hát bằng lời thơ mà chỉ cần xướng âm, thổi sáo, hoặc dùng các nhạc khí,… biểu hiện làn điệu của hát thơ, ta cũng có thể nhận ra một cách chắc chắn đó là âm nhạc Thái. Do cấu trúc của làn điệu đã biểu hiện được tính chất của hát nên người Thái đã gọi thơ là khắp, có nghĩa là hát, chứ ít sử dụng từ xư bắc (thơ) một cách riêng rẽ. So sánh tiếng Việt với tiếng Thái thì thấy như sau: nếu tiếng Việt có thơ, ngâm thơ, ca dao, thi ca, thì tiếng Thái có xư khắp bắc, khắp xư, khắp. Người Việt có từ chỉ thơ và ca, còn người Thái chỉ có khắp dùng cho cả thơ lẫn ca.
Nhờ nhịp điệu của loại thơ 5 chữ, khắp xư (hát thơ) lại không thể hiện tính chất ngâm nga của thơ. Lúc đó khắp xư trở nên bài xướng thơ có nhịp phách, ngược lại có thể nói đây là lối đồng ca thơ, dùng mở đầu cho một làn điệu múa. Những bài đồng dao trẻ em Thái thể hiện tính nhịp phách một cách rõ rệt hơn, đó là bài hát thơ có nhịp 2/4 khiến cho trẻ em vừa đọc vừa vỗ tay, tiếng cuối câu thơ được nhấn hai lần vào nhịp mạnh làm cho bản đồng dao mang tính chất ngây thơ. Như vậy rõ ràng lối khắp xư, một mặt còn nằm ở dạng chưa ổn định về nhịp phách, vì tính giai điệu của âm nhạc còn tùy thuộc quá nhiều vào thơ, mặt khác cũng đã xuất hiện khuynh hướng ổn định về nhịp phách và hình thành cấu trúc giai điệu để tạo thành những bài ca khúc dân gian hoàn hảo. Từ sự thể hiện tính làn điệu của khắp xư mà những làn điệu ở các vùng khác xuất hiện.
Dân ca trữ tình gọi là khắp báo xao (hát trai gái), khắp chiêu (hát reo), khắp au hua, au hang (hát cùng kéo đầu, cùng vuốt đuôi) là một thể hát thơ làn điệu thường mở đầu bằng chuỗi tượng thanh hò. Tiếp theo là lối hát ngâm nga từ 1 tới 2, 3 câu thơ và kết bằng một chuỗi tượng thanh hò. Cứ như vậy, làn điệu được nhắc đi nhắc lại theo thể đơn nhất để diễn tả nội dung bài thơ. Phải chăng đây là nguồn gốc tạo ra cấu trúc có ba thành phần của âm nhạc dân gian Thái: mở đầu, phần giữa và phần kết thúc.
Ở một vài nơi, địa phương người Thái còn có lối hát được gọi là khắp phẳn (hát xoán lại). Thường cứ hát trên làn điệu khắp xư rồi lại chuyển sang hát dân ca trữ tình. Mục đích của khắp phẳn là để gắn những câu tình tứ của người hát theo thơ dân ca với câu tinh tứ đã được khẳng định ghi chép lại trong các truyện thơ Thái. Lối hát khắp phẳn phải chăng cũng là cách tập hợp một số làn điệu tập thể đồng ca. Một người cất tiếng hò, cả đám hò theo để hưởng ứng. Sau đó, người hát chuyển sang hát ngâm nga đổi câu thơ rồi hò, cả đám lại hò hưởng ứng. Lối hát đó đã làm tiếng thơ thêm tươi sáng và vui hẳn lên. Hát thơ trữ tình đã tiến tới sự thống nhất trong các làn điệu dân ca của từng vùng Thái.
Vùng Thái trắng ở miền Bắc thường vừa hát vừa đệm đàn tính. Vùng Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu còn có lối hát đệm sáo gọi là pí pặp với làn điệu biểu hiện tình cảm say đắm. ở Mường La, người ta còn có giọng hát gọi là loang tông (xuôi theo lòng cánh đồng) thường để diễn tả nỗi ai oán trong sự phũ phàng của tình yêu. Người Yên Châu rất ưa dùng khèn bè để đệm cho hát. Trong một làn điệu nghe rất khúc chiết vì tiếng hát xen với tiếng khèn bè rất nhộn nhịp chồng chất nhau.
Tiếng hát của người Thái Mộc Châu khi cần thiết cũng đệm bằng ống tiêu gọi là pí khúi hay pí thiu.
Tiếng hát còn thể hiện trong những làn điệu khắp mo. Đây là giọng hát của những mo chang dùng để diễn đạt tứ thơ trong tôn giáo và đặc biệt phổ biến hơn, người ta sử dụng giọng khắp mo để diễn tả các tập thơ lịch sử. Nói cách khác, khi đọc các truyện thơ lịch sử một cách đúng nhất bao giờ cũng phải diễn tả bằng giọng hát mo. Ở đây giai điệu thường chỉ nằm trên các quãng 3 (đô-mi) và quãng 5 (đô-son), với nhịp điệu rõ ràng, thể hiện tính trang nghiêm của lịch sử.
Hát tản chu sẳng sương (tản chụ xống xương) là loại hát kể chuyện của dân tộc Thái, nội dung kể về những mối tình của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau hoặc đôi trai gái nào đó có sự bắt buộc thành vợ thành chồng. Bên cạnh hát mo, dân ca Thái còn có lối hát chương han (thơ kể chuyện về chàng Chương gan dạ) gọi là khắp Chương.
Ngoài khắp mo, phục vụ cho tôn giáo Thái còn phải kể đến các giọng hát gọi là khắp một. Một đàn ông hát đệm theo sáo nứa gọi là pí láo, gọi cách khác là khắp một láo. Một đàn bà không đệm theo nhạc cụ và gọi là khắp một nhính hoặc khắp một há ní. Đây là lối sử dụng âm nhạc để gây cho những tín đồ của thế giới hư vô. Khắp một láo (một đàn ông) không những chỉ có làn điệu mà đã có những đoạn hát có nhịp phách. Do đó, cũng có thể coi những đoạn hát đó là một loại ca khúc hoàn hảo của âm nhạc dành cho các một của người Thái. Phải kể tới các bản ca khác xuất hiện trong các dân vũ Thái trắng được mang tính độc lập của nó với thơ. Khác với các bài hát thơ, những bài ca này cấu trúc nhạc thực rõ ràng, nhịp phách phân chia đàng hoàng, có thể kể ở đây những bài bản như Táng Xạ, Nhụm Hứa, Inh lả ơi,…
Khắp lên nhà mới là hình thức hát thơ của người Thái, lời thơ thường được ngẫu hứng khi hát. Người ta khắp trong ngày khánh thành nhà mới, ngày chủ nhà mời họ hàng, bạn bè, bà con trong bản đến cùng chung vui, trong bữa tiệc họ khắp chúc nhau mừng cho gia chủ có nhà đẹp, con cái khỏe mạnh và ngược lại.
Hát quắm khắp poong là hình thức hát dùng trong sinh hoạt giao duyên của người Thái Yên Bái. Bài quắm khắp poong là một bài hát đố, một lối hát đối đáp của thanh niên nam nữ Thái, lời hát được sáng tác khi hát.
Khắp khổng khá là loại hát chuyên dùng trong nghi lễ, tín ngưỡng của người Thái Tây Bắc. Khắp khổng khái là một bài hát cúng cho người ốm khỏi bệnh, đây là một đoạn có nội dung là thầy cúng vượt sông ngân hà đi lên trời nhờ cứu giúp cho họ gặp nhau.
Khắp mời rượu: Vào những ngày lễ hội của gia đình, của cộng đồng người Thái, trong bữa tiệc vui bao giờ cũng có tục mời uống rượu cần, khi đó thường có một người đại diện khắp mời bạn bè, họ hàng, làng bản. Khắp mời rượu là một trong những bài khắp trong sinh hoạt đó.
Về múa
Người Thái có rất nhiều điệu múa như múa tập thể xé vòng, xé lảng (múa mộc), xé pén (múa khiên). Một loạt điệu múa gắn liền với hoạt động đời sống hàng ngày như múa khăn, múa nón, múa chai, múa hái rau. Múa xé cắp (múa cằm bẫy) của Thái được người Việt chế biến thành múa sạp. Một số điệu múa cải biên như Nhụm hứa (đẩy thuyền) biến đổi từ múa khăn, Tạng xá từ điệu múa khăn vừa hát vừa múa theo điệu nhạc đàn tính.
Miền Tây Bắc, núi non hùng vĩ, có nhiều điệu múa dân gian, trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền núi.
Nói đến nghệ thuật dân gian của người Thái phải nói đến điệu múa xòe đặc trưng. Những cuộc tụ họp đông vui có thể múa xòe quanh đống lửa, quanh hũ rượu cần với sự tham gia đông đảo của già trẻ, trai, gái trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng.
Theo các già làng cho biết, có tới 32 điệu xòe, nhưng nay chỉ còn giữ được một số điệu. Xòe vòng sôi nổi bao nhiêu thì xòe điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Xòe nón thì thật duyên dáng và hấp dẫn. Các cô gái Thái trong điệu xòe nón với chiếc nón trong tay lúc chạm vào lúc mở ra từ từ từng cánh như bông hoa trắng muốt; có lúc nón lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng bên má; khi e thẹn xoay tròn trước ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm mùa xuân.
Múa sạp là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Thái và Mường trong những dịp vui, trong lễ hội xuân, ngày nay phát triển rộng ra nhiều dân tộc khác. Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội hình càng phong phú sinh động.
Múa dân gian Tây Bắc hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người. Múa như ngọn lửa diệu kỳ cháy mãi lên ca ngợi những gì là tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống.
Sự đóng góp của âm nhạc dân gian Thái rất lớn trong kho tàng nhạc dân tộc Việt Nam. Bắt nguồn từ cuộc sống, những điệu múa dân gian của người Thái Tây Bắc sống mãi với thời gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Qua mỗi điệu múa, đêm xòe, mỗi người thêm yêu đời, yêu người, tự tin bước vào một ngày mới tốt đẹp hơn. Vì vậy, các điệu múa Thái đã trở thành vốn văn hóa quý báu, là niềm tự hào của người Thái Tây Bắc và dân tộc Việt Nam.
Trong tương lai, với điều kiện cho phép, chúng ta sẽ có dịp khám phá biết bao truyền thống dân nhạc của 54 sắc tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam và sẽ mang lại cho chúng ta một niềm tự hào về sự phong phú của âm nhạc dân gian, tạo nên tính đa dạng của nền nghệ thuật Việt Nam.
Về nhạc cụ
Người Thái có nhiều nhạc cụ để diễn tả tư tưởng, tình cảm bằng âm thanh và có vai trò quan trọng tạo nên âm nhạc dân gian Thái. Nhạc khí Thái nổi tiếng là tính tẩu, ngoài ra còn có các loại như: pí sáo, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe.
Tính tẩu là nhạc cụ đặc trưng của người Thái Tây Bắc, thuộc họ dây, chỉ dây. Tính tẩu dùng để đánh đệm cho hát trong các nghi lễ, đặc biệt trong các nghi lễ then, chỉ dành cho đàn ông chơi. Vùng Thái trắng Mường Lay – Lai Châu và vùng Quỳnh Nhai – Sơn La, tính tẩu còn dùng đệm cho hát giao duyên, cho múa và đánh chơi lúc nhàn rỗi, trong những ngày vui, ngày lễ hội.
Pí tăm lay là nhạc cụ hơi, làm bằng 3 ống nứa tép nối lồng vào nhau, dành riêng cho trẻ em chn trâu, cho nam giới khi canh lúa ở ngoài nương hay ngoài ruộng và rất kiêng kỵ dùng trong nhà hoặc trong bản.
Khèn bè là nhạc cụ hơi, có lưỡi gà rung tự do, được làm bằng 14 ống nứa tép ghép vào nhau (có 12 âm), mỗi ống có một lưỡi gà bằng đồng hoặc bằng bạc. Khèn bè là nhạc cụ chỉ dành cho nam giới thuận tiện cho việc diễn tấu những bản nhạc đa thanh, người Thái Tây Bắc thường dùng khèn để đệm cho hát, chơi các bài nhạc múa và trong sinh hoạt giao duyên. Tiếng khèn dưới trăng là bài khèn thổi vào những đêm trng sáng cho các chàng trai Thái thổi khi đi chơi.
Kèn lá và nhị là hai nhạc cụ ít được sử dụng hơn, vừa thổi lá vừa kéo nhị, thường chơi vào những ngày xuân với nghĩa là mưa rơi.
Pí ló hay pí kiểu là nhạc cụ hơi, có lưỡi gà, được sử dụng trong nhiều sinh hoạt của người Thái, thổi trong những lúc đi nương, đi ruộng, trong những ngày hội, ngày vui xuân. Pí ló còn là nhạc cụ đệm cho hát trong tang lễ và trong các buổi đón khách của nhà quan chầu mường.
Pí tăm tặn là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà, có lam bằng chính sáo khía ra, người Thái dùng để thổi khi đi làm nương, làm ruộng hoặc thổi vào lúc nhàn rỗi và những ngày vui xuân.
Pí pặp là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà, ống pí được làm bằng một ống nứa tép. thường thổi vào ban đêm khi thanh niên đi dạo chơi quanh làng, trong nhà hoặc ngoài đường. ca ngợi quê hương, làng bản của người Thái.
2. Những mâu thuẫn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc dân gian Thái hiên nay
Các hình thức dân ca, dân nhạc và dân vũ thống nhất, pha trộn vào nhau, liên hệ với nhau thể hiện trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái. Âm nhạc dân gian là chủ yếu, chưa được phát huy hết trong cộng đồng,không mang tính chuyên nghiệp và bác học.
Âm nhạc dân gian Thái rất da dạng, nhưng mức độ thể hiện còn bị bó hẹp về không gian và thời gian thể hiện. Hiện nay, không gian địa điểm thể hiện âm nhạc của đồng bào rất tản mạn và rải rác về thời gian.
Chúng ta đã có đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng thực tế chưa được thực hiện tốt trong bảo tồn và phát huy tính tích cực trong cộng đồng các dân tộc. Điều này thể hiện ở sự đầu tư của các cấp chính quyền cho đơn vị văn hóa cơ sở của đồng bào dân tộc còn hạn chế. Hiện nay, đến hết năm 2010, chỉ có 44,5% số làng (thôn, ấp, buôn, bản) có nhà văn hóa, sân thể thao.
Đồng bào dân tộc Thái muốn bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc của mình, nhưng lại hạn chế về trình độ, kỹ năng âm nhạc, học thuật, cũng như khí nhạc của họ (về thẩm âm tiết tấu…) thiếu tính chuyên nghiệp. Hơn nữa, tuy có chữ viết, nhưng lại không được lưu giữ bài bản trong ký tự, trong sách vở, mà tồn tại qua truyền miệng, hoặc chỉ được khai thác ở số ít nghệ nhân và mang đậm nét dân gian.
Trong giáo dục và đào tạo, cần mở rộng đầu tư xây dựng trường lớp, đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động và quản lý văn hóa, chú ý bồi dưỡng những giá trị âm nhạc, nghệ thuật, tâm hồn dân tộc cho học sinh, sinh viên thông qua âm nhạc dân gian. Bởi vì, hiện nay việc bồi dưỡng những tài năng âm nhạc mới chỉ thể hiện ở một số ít trường chuyên nghiệp chủ yếu trong việc đào tạo học sinh, sinh viên chuyên ngành âm nhạc, hơn nữa khu vực Tây Bắc hiện nay lại chưa có một trường đại học văn hóa đa ngành, loại hình nghệ thuật. Thiết nghĩ, vấn đề đào tạo cần được quan tâm đúng mức để đáp ứng về đội ngũ giáo viên nguồn nhân lực cho các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thông qua đó, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về âm nhạc dân gian dân tộc thiểu số và sẽ có ý thức bảo tồn, truyền bá cho những thế hệ tiếp theo.
Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế cho đơn vị văn hóa cơ sở ở từng địa phương từ tỉnh đến cấp xã phường như: nhà văn hóa, sân chơi thể thao, hệ thống thư viện, bảo tàng, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Chính quyền địa phương phải có kế hoạch từng bước bảo tồn, phát huy những di sản âm nhạc dân gian này một cách hữu hiệu.
Giao lưu văn hóa tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng. Trong hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, các giá trị làm nên mọi nền văn hóa chính là giá trị nhân văn hướng về các chuẩn mực chân, thiện, mỹ. Đó cũng là chuẩn mực để định giá mọi tác phẩm, là phẩm chất của mọi dân tộc, mọi thời đại. Do vậy, giải pháp giao lưu để mở rộng không gian văn hóa và để quảng bá những giá trị âm nhạc của dân tộc Thái ở không gian quốc gia, thậm chí quốc tế cũng mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, phải luôn giữ vững, bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Mỗi nền văn hóa đi qua nhiều chặng đường lịch sử, được bồi đắp thêm những phẩm chất mới bởi quá trình giao thoa, tiếp biến. Nhưng văn hóa không thể tự nó vận động đi lên mà phải có sự hỗ trợ của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội khác. Vai trò quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết cao của cộng đồng các dân tộc sẽ có ý nghĩa quan trọng công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy vốn di sản âm nhạc của dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc nói chung, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất, phong phú và đa dạng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011
Tác giả : Trương Văn Sơn
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn