Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vì sự phát triển bền vững (tiếp theo số 415 và hết)

2. Bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vì sự phát triển bền vững

Khi nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, cặp phạm trù “bảo tồn và phát huy”, “kế thừa và phát triển” luôn đặt ra trước các nhà nghiên cứu mà không phải lúc nào cũng tìm được lời giải thỏa đáng đối với mọi người. Bảo tồn như thế nào để giữ gìn được giá trị của di sản mà không bị “đông cứng” lại, đáp ứng được nhu cầu của xã hội đương đại; kế thừa và phát triển ra sao để di sản không bị “gieo vừng ra ngô”.

Về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên     

Không phải chỉ thế hệ chúng ta ngày hôm nay, mà trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc, các thế hệ đi trước đã đóng góp to lớn trong việc bảo tồn để chuyển giao cho thế hệ ngày hôm nay “nguồn vốn” di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để chúng ta tiếp tục bảo tồn, kế thừa để chuyển giao cho thế hệ mai sau.

Từ ngay sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO ghi danh, các địa phương trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã có một bước chuyển mình rất ấn tượng. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình hành động “Về bảo tồn, phục hồi giá trị kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện các đề án về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa phương mình.

Các tổ chức quản lý, nghiên cứu và nghiệp vụ về di sản văn hóa của Trung ương và địa phương đã tiến hành điều tra, kiểm kê cồng chiêng của các dân tộc thiểu số; lưu giữ, bảo quản được hàng ngàn bộ cồng chiêng; hoàn thiện dữ liệu và tư liệu hóa số cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; sưu tầm được nhiều bộ trang phục của các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng; tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh có liên quan đến không gian văn hóa cồng chiêng; xuất bản sách và các bộ đĩa CD, DVD giới thiệu về văn hóa cồng chiêng.

Nạn “chảy máu cồng chiêng” đã giảm, một phần do công tác tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của cồng chiêng, nhưng đồng thời các địa phương trong Không gian văn hóa cồng chiêng đã mua lại những cồng chiêng. Có những nghệ nhân đã bán đi nhiều con trâu của gia đình để mua lại những bộ cồng chiêng quý, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

Các tỉnh trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã thành lập các câu lạc bộ học và trình diễn cồng chiêng; thành lập các đội cồng chiêng truyền thống; tổ chức nhiều lớp đào tạo, truyền dạy bằng nhiều hình thức khác nhau. Các trường, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú, các bảo tàng đã chủ động mời các nghệ nhân đến trình diễn và giới thiệu về kinh nghiệm, kỹ thuật chỉnh chiêng; nghiên cứu khôi phục một số nghi lễ, lễ hội dân tộc có sử dụng cồng chiêng; tổ chức các hội thi, hội diễn, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận những hoạt động văn hóa cồng chiêng nhằm nâng cao nhận thức, đặc biệt là thế hệ trẻ, về giá trị của cồng chiêng, về việc bảo vệ các không gian tự nhiên gắn với di sản cồng chiêng; tổ chức lễ hội cồng chiêng ở huyện, thị xã, thành phố các tỉnh Tây Nguyên; tổ chức cho các nghệ nhân trao đổi kinh nghiệm về sáng tác các bài chiêng mới, về việc truyền dạy cho thế hệ trẻ; cấp nhiều bộ chiêng và bộ goòng cho phòng Văn hóa -Thông tin các huyện, thị. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (nay là Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) triển khai nhiều hoạt động như xuất bản một số công trình nghiên cứu về Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, phối hợp với các địa phương tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế; đầu tư xây dựng trạm vệ tinh về ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể tại Kon Tum và Lâm Đồng; ghi âm, ghi hình làm phim tư liệu về cồng chiêng trong nhiều nghi lễ truyền thống của một số dân tộc Tây Nguyên.

Trong nhiều năm qua, nhất là từ sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, 5 tỉnh trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã rất quan tâm, tổ chức thành công các cuộc liên hoan trình diễn cồng chiêng ở cấp huyện thị, cấp tỉnh và phối hợp tổ chức luân phiên liên hoan cồng chiêng giữa các tỉnh, cũng như Festival quốc tế với sự tham gia của 63 đội cồng chiêng đại diện cho 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, 52 nghệ nhân thực hành cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Kết quả của những hoạt động nêu trên là đóng góp quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị, tạo thêm sức sống và sự lan tỏa giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cộng đồng quốc tế.     

Vấn đề cải tiến, làm mới nhạc cụ truyền thống và đưa cồng chiêng Tây Nguyên lên sân khấu

Thật ra, từ thập niên 80 của TK XX đã có một số cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ, nghệ nhân trao đổi về vấn đề có nên cải tiến, làm mới nhạc cụ truyền thống không. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đăng tải các bài viết xoay quanh vấn đề này, nhưng cũng chưa đi đến hồi kết: người ủng hộ, người không đồng tình. Trên thực tế thì nhiều nhạc cụ truyền thống đã được cải tiến (như đàn bầu, k’lôngput, t’rưng…) để có thể độc tấu, hòa tấu nhạc truyền thống, lại cũng có thể chơi được các bản nhạc hiện đại. Khi được xem trình diễn, chúng ta vẫn nhận ra bản sắc, tính riêng có của nhạc cụ truyền thống. Năm 2010, tại Triển lãm Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, trong đó có trưng bày giới thiệu một số nhạc cụ truyền thống đã được cải tiến. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều bài viết của Quỳnh Như, Hoàng Minh… về một người con của dân tộc Ba Na tên là Kaly Trần rất tâm huyết với âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân âm nhạc, anh đã trở về quê hương nghiên cứu, cải tiến nhiều nhạc cụ truyền thống với mong muốn đem âm nhạc Tây Nguyên đến gần hơn với công chúng ngày nay. Đặc biệt, anh đã nghiên cứu cải tiến từ dàn cồng chiêng truyền thống chỉ có 12-13 chiếc thành bộ 27 chiếc từ nhỏ đến lớn, có đầy đủ thang âm quốc tế để đánh được tất cả các bản nhạc, kết hợp với nhiều nhạc cụ dân tộc khác tạo âm thanh đa dạng, giai điệu phong phú hơn, sôi động, có thể trình diễn tác phẩm âm nhạc truyền thống và tác phẩm âm nhạc nước ngoài trên sân khấu. Vừa qua, trên sân khấu thủ đô, tôi đã được xem các nghệ sĩ trình diễn bằng nhạc cụ truyền thống, không chỉ các bản nhạc truyền thống, mà cả các bản nhạc cổ điển của châu Âu; cả dàn nhạc cổ điển và dàn nhạc dân tộc cùng hòa tấu một tác phẩm âm nhạc.

Các loại hình nhạc cụ truyền thống của nước ta rất phong phú, đa dạng, thể hiện tài năng sáng tạo và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, không gian trình diễn thường trong phạm vi nhỏ hẹp, số lượng người thưởng thức không nhiều, nên khi trình diễn có thể thỏa mãn được người xem. Ngày nay, không gian trình diễn và số người đến thưởng thức rất lớn, thị hiếu đa dạng, trong khi hệ thống thang âm của các nhạc cụ truyền thống lại rất khác với nhạc cụ giao hưởng châu Âu, nên một số nghệ nhân, nghệ sĩ đã cải tiến về mặt kỹ thuật nhạc cụ dân tộc theo hệ thống giao hưởng cổ điển, hoặc sửa lại, làm mới phần hộp đàn (như đàn bầu) để lắp thêm thiết bị điện tử (tăng âm, loa, microphone…) để có được âm lượng lớn đáp ứng yêu cầu của người nghe.

Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng Tây Nguyên trong cộng đồng và trên sân khấu, dù có mối liên hệ với nhau, nhưng về phương pháp luận và cách tiếp cận có phần khác nhau. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng là bảo tồn các tập quán, các hình thức thể hiện, tri thức, kỹ năng thực hành mang tính thiêng, gắn bó với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, gắn bó với thân phận của từng con người suốt cả cuộc đời. Bởi vậy, phương pháp bảo tồn tốt nhất là trao cho cộng đồng nắm giữ di sản, trao truyền, tái tạo giá trị và bảo tồn bản sắc văn hóa của di sản cùng với sự quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng phát huy giá trị thông qua việc thu hút khách tham quan du lịch của chính quyền, cơ quan văn hóa-xã hội các cấp.

Về việc đưa văn hóa cồng chiêng lên sân khấu, tôi thiết nghĩ, cũng là một hình thức phát huy giá trị di sản. Trong không gian này, các hình thức thể hiện không còn mang “tính thiêng” của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các nghệ sĩ có thể tái tạo, cải tiến nhạc cụ, cách trình diễn đáp ứng yêu cầu của xã hội đương đại. Điều cốt lõi là việc cải tiến, sáng tạo phải giữ được giá trị, bản sắc độc đáo vốn có của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, không “reo vừng ra ngô”.

3. Thách thức và giải pháp bảo vệ văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Về thách thức

Thật ra, không chỉ ở nước ta mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt và giải quyết những thách thức trong mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa, văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế – xã hội trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngay từ năm 2003, Công ước của UNESCO cũng đã ghi nhận những mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa phi vật thể do quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội.

Trong các báo cáo “Sơ kết 10 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, Sở VHTTDL Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng đã nêu nhiều thách thức đối với việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, như: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch từ trồng lúa sang chuyên canh công nghiệp (cà phê, ca cao, hồ tiêu…) tác động đến môi trường diễn tấu cồng chiêng và tổ chức lễ hội. Xưa kia đồng bào trồng lúa rẫy nên rừng và toàn bộ môi trường sinh thái rừng cũng là cơ sở môi trường sinh thái văn hóa – xã hội của cộng đồng, không gian thực hành nghi lễ và trình diễn cồng chiêng (nhà rông, nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng…) đang bị mai một. Những loại hình kiến trúc truyền thống đang mất dần và thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại như nhà văn hóa cộng đồng xa rời kiến trúc truyền thống của các dân tộc từ phong cách kiến trúc, trang trí đến công năng. Phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc thiểu số đã thay đổi nhiều. Các nghi lễ, lễ hội liên quan đến nông nghiệp ngày càng vắng bóng trong đời sống thường ngày của đồng bào dân tộc. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh làm cho không gian văn hóa cồng chiêng truyền thống có sự biến đổi. Một số nhu cầu mới, hiện đại, lối sống mới đang làm thay đổi nhận thức về “tính thiêng” và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng dần dần chỉ còn là một nhạc khí dân gian, khó tập, khó sử dụng lại đòi hỏi phải có nhiều người tham gia. Dưới con mắt của một số người, cồng chiêng có vẻ “lạc hậu” so với nhiều loại nhạc cụ mới. Lớp trẻ chưa hiểu đầy đủ giá trị văn hóa không gian văn hóa cồng chiêng nên ít quan tâm, ít muốn học hỏi, kế nghiệp. Nhiều nghệ nhân chuyên về cồng chiêng (chỉnh chiêng, nghi thức, kỹ năng trình diễn) ngày càng ít do tuổi cao lần lượt qua đời, trong khi hiện nay nhiều làng đồng bào dân tộc không có cồng chiêng, có nơi lưu giữ được nhiều cồng chiêng, nhưng lại không có nghệ chân chỉnh chiêng. Việc truyền dạy, diễn tấu cồng chiêng từ trước tới nay chỉ đơn thuần bằng phương pháp truyền miệng, mà không được ghi chép lại nên các kinh nghiệm về truyền dạy cùng với các bài nhạc chiêng rất dễ bị mất đi khi nghệ nhân đó qua đời. Một bộ phận dân cư, vì nhiều lý do, trong đó có việc chuyển đổi từ tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo mới đã bỏ lễ hội, bỏ phong tục tập quán cộng đồng, bán đi những bộ cồng chiêng quý, không giữ gìn không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, không tham gia sinh hoạt cồng chiêng. Các bài viết về văn hóa cồng chiêng chưa đi sâu nghiên cứu về âm điệu, tiết tấu, hệ thống bài bản, phương thức diễn tấu cũng như cách thức truyền dạy cồng chiêng của các dân tộc bản địa…

Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Ngoài các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà trong Báo cáo Sơ kết 10 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã nêu, tôi xin đề xuất 3 giải pháp cụ thể:

Một là, bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng nắm giữ di sản.

Về mặt nhận thức, giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là phải duy trì được sức sống của di sản trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Di sản đó phải có ý nghĩa đối với cộng đồng, được cộng đồng coi đó là tài sản văn hóa của chính mình, mang lại cho họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, được cộng đồng bảo tồn, lưu truyền, truyền dạy, tái tạo và phát huy giá trị. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO ghi nhận các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, bảo tồn, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.   

Để hiện thực hóa giải pháp bảo tồn, kế thừa di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại cộng đồng, các tỉnh Tây Nguyên cần nghiên cứu, triển khai Quy hoạch Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên theo tinh thần của “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016, trong đó có nội dung Tập trung nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc. Theo tôi, trong quy hoạch nông thôn mới, mỗi buôn làng rất cần, chí ít là một không gian văn hóa cồng chiêng, mà ở đấy có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có những ngôi nhà rông, nhà dài, nhà vòm, nhà mồ…; có môi trường sinh thái nhân văn thường gắn với nhận thức về tính thiêng vạn vật hữu linh; có nghệ nhân chỉnh chiêng, có truyền thống thực hành văn hóa cồng chiêng… Những bài chiêng mang “tính thiêng” (chiêng lễ) là những bài chiêng cổ thể hiện bản sắc của từng dân tộc thường được diễn tấu trong các nghi lễ, lễ thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tôi hiểu đây là công việc không hề dễ dàng với sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, tài nguyên rừng, tâm lý xã hội…, nhưng thế hệ chúng ta hôm nay không giữ lại được một không gian văn hóa cồng chiêng cho mỗi buôn làng – một “nguồn tài nguyên” quý giá của Tây Nguyên thì sẽ không còn cơ hội để phát huy nguồn lực này cho phát triển bền vững. Đối với khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, rất ưa thích khám phá bản sắc riêng, tính độc đáo của mỗi dân tộc thông qua “người thật, việc thật” thực hành di sản. Bởi vậy, không gian văn hóa này cần được quảng bá với các tour du lịch, kết nối giao thông với các trung tâm thành phố để có điều kiện thu hút khách, đồng thời cũng là cơ hội để cải thiện đời sống của người dân trong không gian văn hóa cồng chiêng. Đây là giải pháp bảo tồn bền vững giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tạo cho di sản có sức sống và mang lại quyền lợi cho cộng đồng nắm giữ di sản.

Hai là, đổi mới nhận thức và hoạt động của bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên.

Ngày nay, bảo tàng không chỉ là một thiết chế văn hóa có chức năng lưu trữ, bảo quản tài liệu, hiện vật; tổ chức trưng bày tài liệu, hiện vật; giới thiệu cho khách đến với bảo tàng về nội dung trưng bày, mà còn có chức năng thông tin; phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng; quảng bá (marketing)… với 3 chức năng chủ yếu là làm giàu tri thức, giáo dục và giải trí tích cực.

Đối với các bảo tàng trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bên cạnh việc lưu giữ, bảo quản tài liệu, hiện vật gắn với văn hóa cồng chiêng, cần tăng cường sự phối hợp giữa bảo tàng với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhất là trường nội trú dân tộc trên địa bàn để đưa các cháu đến bảo tàng, mời các nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng hướng dẫn cách chỉnh chiêng, cách đánh và nghệ thuật trình diễn cồng chiêng… để các cháu học và làm theo. Đó là các hoạt động tương tác, trải nghiệm rất sinh động, dễ nhớ, dễ làm theo. Việc đưa các hoạt động văn hóa phi vật thể vào không gian bảo tàng là một giải pháp thu hút du khách đến với bảo tàng.     

Ba là, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, kiểm kê tư liệu về di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (số lượng cồng chiêng hiện lưu giữ trong các bảo tàng, trung tâm văn hóa, trong cộng đồng…; các nghệ nhân chỉnh chiêng và đánh cồng chiêng; các hình thức và không gian trình diễn cồng chiêng…), các tỉnh trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nghiên cứu, triển khai các dự án số hóa dữ liệu về di sản văn hóa cồng chiêng để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý, trao đổi thông tin, khai thác, quảng bá, phát huy giá trị di sản quý giá này.

Trong công tác truyền nghề, bên cạnh việc mời các nghệ nhân truyền dạy trực tiếp kinh nghiệm, kỹ năng chỉnh chiêng và đánh cồng chiêng cho người học, nếu được nghệ nhân đồng ý, các bảo tàng có thể ghi hình lại bằng kỹ thuật 3D (là công nghệ hình ảnh 3 chiều – chiều ngang, chiều rộng, chiều sâu) để có được hình ảnh có chiều sâu sống động, mới lạ, rất ấn tượng đối với người được truyền dạy và khách tham quan bảo tàng. Hãy đưa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống vào không gian văn hóa của bảo tàng.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là tài sản vô giá của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, của nhân dân Việt Nam, trở thành một kiệt tác di sản truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hãy chung tay bảo vệ, bảo tồn, kế thừa và sáng tạo, phát huy giá trị trong phát triển bền vững kinh tế – văn hóa – xã hội của Tây Nguyên.

 

________________

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,1998.

2. Nguyễn Chí Bền, Những giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – cơ hội và thách thức, tạp chí Hoạt động khoa học, số 1 – 2006.

3. Cục Di sản văn hóa, Báo cáo sơ kết 10 năm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tư liệu Cục Di sản văn hóa, 2016.

4. Đặng Hoành Loan, Cồng chiêng Tây Nguyên – Không mà có, Thông báo khoa học Viện Âm nhạc, số 22 – 2007.

5. Nhiều tác giả, Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Viện Văn hóa Thông tin. Hà Nội, 2004.

6. Hoàng Minh, Kaly Trần làm mới âm nhạc dân gian Tây Nguyên. dantocmiennui.vn, 9-3-2017.

7. Quỳnh Như, Người chấp cánh âm nhạc Tây Nguyên. baotintuc.vn, 25-5-2016.

8. Đào Huy Quyền, Văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên,Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2010.

9. Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắc, Báo cáo Sơ kết 10 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tư liệu Cục Di sản văn hóa, 2016.

10. Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông, Báo cáo Sơ kết 10 năm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng tại tỉnh Đắk Nông, tư liệu Cục Di sản văn hóa.

11. Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai, Báo cáo Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di sản cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tư liệu Cục Di sản văn hóa.

12. Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum, Báo cáo Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tư liệu Cục Di sản văn hóa.

13. Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, Báo cáo Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia bảo vệ di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng. tư liệu Cục Di sản văn hóa.

14. Ngô Đức Thịnh, Sự thâm nhập và xuất hiện cái mới trong văn hóa các dân tộc. In trong “Một số vấn đề phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số”.Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội, 1987.

15. Ngô Đức Thịnh, Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập. Đề tài KX.03.14/06-10. Hà Nội.

16. Lưu Trần Tiêu, 2013: Di sản văn hóa phi vật thể – Bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “10 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO – Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai”. Hội An, 2013.

17. Viện Văn hóa Thông tin, Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại – Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên,Nxb Thế giới. Hà Nội, 2006.

18. Trần Vinh, Văn hóa cồng chiêng Kon Tum – Sự độc đáo và đa dạng về các giá trị phi vật thể. Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc, Kontum.gov.vn, 29-9-2010).

Tác giả: Lưu Trần Tiêu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *