/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}
Hiện tại, việc bình luận và phân tích trong giới mỹ thuật đương đại ở Việt Nam là khá hẹp. Hình như sự rộng hẹp này liên quan rất ít đến thực tế hoạt động hiện nay của lĩnh vực này với rất nhiều sự kiện, triển lãm cùng sự hùng hậu của số lượng nghệ sĩ. Một cụm từ cửa miệng trong khi bàn luận về những vấn đề lớn nhỏ trong lĩnh vực này mà người ta thường lặp đi lặp lại đến phát ớn: “trong tương quan Việt Nam” hay “trong tương quan nước mình”. Một cảm nhận chung rằng, có gì đó rất chấp chới, không vững chắc trong những bước phát triển của mỹ thuật đương đại, dù rằng triển vọng về tài năng nghệ sĩ vẫn tiềm ẩn; và hình như, chúng ta rất tự tin vào cái sự tiềm ẩn đó?
Cũng như một số triển lãm rất được trông đợi trước đó, Nowhere (1) đã diễn ra một cách khá tẻ nhạt. Motoyuki Shitamichi, Mamoru Okuno và Nguyễn Anh Tuấn (Mami) đều làm tác phẩm ở dạng nghệ thuật khái niệm. Tôi tán thành với những ý kiến cho rằng phần lớn các tác phẩm nghệ thuật khái niệm có tính chất khô khan, lạnh lùng, có uy lực triết học… Nhưng sự tẻ nhạt của một tác phẩm thuộc dạng này có nghĩa nó không thể tự toát ra được năng lượng bên trong, bất chấp mọi diễn giải ngôn từ.
Ba nghệ sĩ có một tháng cùng khảo sát cuộc sống ở Hà Nội trước khi bắt tay vào làm triển lãm này. M.Okuno là một nghệ sĩ về âm thanh. Sự thanh bình, nhạy cảm và khá tỉ mỉ là đặc điểm dễ nhận thấy trong loạt tác phẩm của anh tại triển lãm. Hãy lắng nghe là sáng tác về âm thanh nhưng khái niệm của nó lại là vô âm. Đó là một quá trình, hay nói cách khác là nhật trình, của anh trong một tháng ở Hà Nội với tất cả âm thanh cuộc sống nơi đây… Có thể tác phẩm bắt đầu ngay khi anh mở mắt thức dậy với bất kỳ tiếng động, âm thanh nào lọt vào tai anh… công việc của anh là lắng nghe, cảm nhận, ghi chép… rồi lại lắng nghe, cảm nhận, ghi chép hết tập giấy này đến tập giấy khác. Sau một tháng, anh đã có một bộ sưu tập đồ sộ những chứng cứ âm thanh ở dạng văn bản, thật thú vị. Trong những bóng dáng nhẹ nhàng vẫn có thể hàm chứa sức nặng nhất định, tôi thấy khái niệm đó trong tác phẩm của M.Okuno bởi thoạt tiên, tôi cũng đã nghĩ rằng sự vô bổ, sự cố gắng tỉ mỉ cho một động cơ nào đó hay một xúc động quá mức… gì đi nữa thì suy nghĩ ấy chỉ tồn tại khi ta đọc vài dòng nhật trình âm thanh đó, rồi cũng cố đọc đến vài trang… Nhưng cả “gia tài” của M.Okuno đã cho thấy rằng, sự kiên định của anh có thể làm nhiều người phải lưu tâm. Và chúng ta cũng không phải con nít để mà e ngại chuyện có ai đó nói rằng, chúng ta đã bị khái niệm trong nghệ thuật của anh chinh phục dễ dàng chỉ bởi số lượng? Đây cũng là một tương quan tốt cho nghệ sĩ đương đại Việt Nam, bởi theo sự quan sát của tôi, trong vòng 10 năm trở lại đây, mỹ thuật đương đại Việt Nam đã bớt phần nào căn bệnh bu gà rọ lợn (2) và đến nay, đã xuất hiện những tác phẩm hay dự án nghệ thuật sử dụng một số chiêu bài như khái niệm quá trình, tương tác cộng đồng; trong đó, sáng tác luôn chứa đựng sự kỳ công cũng như sự áp đảo về số lượng của một đơn vị nguyên liệu nhất định để giúp tạo nên giá trị và ý nghĩa to lớn cho tác phẩm. Nhưng mọi sự kỳ công hay áp đảo nào mà có tính chất gượng ép đều đáng ngờ… Hãy quay lại với M.Okuno xem anh làm gì sau rất nhiều trang nhật ký về âm thanh trong một tháng tại Hà Nội.
Năm tập giấy lưu trữ đầy ắp những âm thanh thu lượm được ở bất kỳ nơi nào trong thủ đô được anh cất vào năm cái hộp bằng tôn, đơn giản và sạch sẽ, đặt trên những cái bục trắng. Trên tường có một bản chỉ dẫn chú thích cách tiếp xúc với những âm thanh mà anh ghi chép lại. Bản chỉ dẫn được vẽ bằng tay với những nét vẽ thoải mái và vui vẻ. Nó hướng dẫn mọi người lấy những cái nút để bít tai lại, giúp ta yên ắng hơn rồi bắt đầu mở những cái hộp và đọc thầm vô vàn dòng chữ miêu tả âm thanh trong cuộc sống hàng ngày. Có thể sau một khoảng lặng, người xem sẽ nhận ra cái tai của M.Okuno thật giống cái tai của mình khi những thứ anh ghi chép cũng là những thứ mà họ nghe được hàng ngày… Và khi trút bỏ cái nút tai ra, ta có thể mường tượng rằng M.Okuno lại đang đưa ta vào một cái hộp khác, cái hộp nơi chúng ta đang hiện hữu, ồn ã hoặc có những tạp âm xung quanh vang vọng. Tôi thấy có thể coi khái niệm của anh như sự loại bỏ hiện thực âm thanh một cách tạm thời để chuyển sang một trường âm thanh khác bằng những phương pháp hết sức thủ công và đơn sơ, đó là điều khá thú vị. Và khi nhắm mắt lại, tôi thử hình dung âm thanh được chồng xếp lên nhau như những trang giấy kia thì sẽ cho ra một tạp âm như thế nào, nó là kết quả của bao nhiêu lớp không gian âm thanh đè lên nhau, có thể có cả sự phá đám lẫn trùng khớp nhau, một thứ giả âm có điều kiện?
Nhưng hình như, những thứ vừa nói ở trên về tác phẩm của M.Okuno chỉ khả thi với những điều kiện trưng bày khác ở triển lãm lần này. Nhất là vào hôm khai mạc, sự mất tập trung của không gian trưng bày và bối cảnh xung quanh khiến cho người xem không thể có đủ sự lắng đọng cần thiết để hòa nhập với những mong muốn của tác giả. Cái nút bít tai cũng không được tiện nghi và dễ sử dụng cho lắm. Tác phẩm của anh có hình thức rất đơn giản và chính vì vậy, để triển khai nó một cách có hiệu quả nhất, cần có sự hỗ trợ tối ưu từ không gian cho đến những phụ kiện và điều kiện ngoại cảnh khác. Tác phẩm này cần sự đối diện rất riêng tư và yên ắng của mỗi khán giả với từng cái hộp tôn kia. Tôi đoán, anh là một người giản dị, giàu cảm xúc và thú vị cũng như tác phẩm của anh vậy. Những suy nghĩ của tôi đến từ một buổi sáng vắng lặng khi tôi quay lại triển lãm khai mạc sau đó vài ngày. Cả buổi sáng hôm đó không có mấy người lui tới, sự yên ắng như là không khí để những cái hộp kia có thể thở. Khi dắt xe ra về, tôi cứ tưởng tượng ra một chàng trai nhật ngơ ngáo và hí hoáy ghi chép những âm thanh tiếng động hỗn loạn inh tai ở quán nước góc phố Hàng Thiếc rồi anh mới nảy ra ý định đặt làm những chiếc hộp cho triển lãm ngay tại phố này.
Thật thiếu sót khi không nhắc tới một tác phẩm khác cũng khá thông minh và thú vị của M.Okuno ở triển lãm này, Chờ một cơn gió. Anh kéo một đường dây dài chéo từ trong góc phòng triển lãm xuyên thẳng ra bên ngoài khuôn viên, nối vào một thân cây giữa sân. Trên dây, những chiếc mắc áo bằng nhôm được treo san sát nhau. Mỗi khi động gió, từ chiếc dây phơi phát ra những thanh âm kính coong chẳng khác gì cái chuông gió kéo chuỗi dài những rung động. Một nửa đoạn dây bên trong phòng luôn luôn có 2 chiếc quạt máy thổi hướng lên để tạo rung động cho những chiếc mắc áo. Đoạn còn lại nằm ngoài trời nên phải có cơn gió tự nhiên thổi đến thì những thanh âm kia mới được cất lên. Hẳn là anh đã được chứng kiến những âm thanh tương tự như khúc luyện số 11 mắc áo ở khắp các khu dân cư tại Hà Nội. Anh có một quan niệm khá thú vị khi rằng: “Khái niệm âm thanh chỉ trở nên đầy đủ khi âm thanh đó được lắng nghe”
Tác phẩm của M.Shitamichi lần này là một chuỗi ảnh rất sinh động và đa dạng về những cây cầu mini tạm bợ để dắt xe máy lên nhà. Đó là một sự quan tâm rất tế nhị và nhân văn từ những vật không mấy ai để ý tới. Nó gắn liền với đời sống đô thị, một sự thích ứng rất tạm bợ, chỉ vài viên gạch kê tạm, cục bê tông, tấm gỗ… đã tạo thành một nhịp cầu rất tiện nghi. Thoạt tiên, chúng ta dễ nhìn nhận việc một người nước ngoài đến đây và lạ lẫm trước những cây cầu tồn tại như vậy và đi chụp lại chúng. Nhưng trái lại, đây lại xuất phát từ sự tương đồng khi mà ở quê hương mình, M.Shitamichi cũng đã có một bộ sưu tập rất nhiều ảnh chụp những cây cầu nhỏ bắc tạm từ ván gỗ hay vài viên gạch bê tông… Cũng như nhiều dự án nghệ thuật trước đây liên quan tới nhiếp ảnh, M.Shitamichi thường xuyên quan tâm đến những vật dụng nhỏ bé nhưng lại có nhiều tiện ích thiết thực và gần gũi với đời sống thường nhật của con người. Mọi cây cầu đó đều có chung một ý nghĩa biểu tượng và ngôn ngữ chung là sự bắc qua, sự kết nối… nhưng thân phận mỗi cây cầu không hề giống nhau và bộ dạng của chúng cũng khác nhau. Nó được M.Shitamichi quan tâm sâu sắc và coi như một đối tượng nghiên cứu. Sau từng bức ảnh, anh ghi chép tỉ mỉ địa điểm, thời gian chụp cũng như những chia sẻ của chủ nhân cây cầu (nếu có) về phần lịch sử riêng tư của vật dụng này. Nhiều người đã thắc mắc về mức độ thẩm mỹ ở góc độ chuyên nghiệp của một nghệ sĩ nhiếp ảnh như M.Shitamichi; có thể họ thấy rằng những bức ảnh này không đẹp như họ nghĩ về một vẻ đẹp thông thường, đã định hình của một bộ ảnh. Nhưng với một tác phẩm nghệ thuật đương đại, vấn đề đầu tiên cần được đặt ra là: nghệ sĩ muốn đem đến điều gì? Tiếp theo là vấn đề họ sẽ làm việc với phương tiện nào, phương pháp nào? Điều thứ nhất sẽ quyết định điều thứ hai chứ không phải điều thứ hai quyết định điều thứ nhất. Phần quan trọng khác nữa trong tác phẩm là mong muốn và thẩm mỹ chủ quan của nghệ sĩ. Với ý tưởng đơn giản là muốn nói chân thực về mỗi cây cầu như những đối tượng nghiên cứu thì việc M.Shitamichi lựa chọn một bức ảnh đẹp (thẩm mỹ) hay một bức ảnh chân thực và rõ ràng về những cây cầu là điều không quá quan trọng. Nhưng phải nói thật lòng rằng, thói quen thẩm mỹ với nghệ thuật đương đại ở Việt Nam từ bấy đến nay vẫn khư khư một khái niệm làm đẹp, nghĩa vụ đẹp chứ không phải cái đẹp hay sự đẹp.
Tuy nhiên, có một vấn đề trong tác phẩm trưng bày lần này của M.Shitamichi có lẽ đã khiến cho nó không thực sự hiệu quả . Việc mang trưng bày ngay cả một số ván gỗ, những viên gạch, miếng bê tông vào không gian triển lãm như một nhân chứng nên được hiểu là một cử chỉ nghệ thuật và là một phần quan trọng trong toàn bộ trình hiện của tác giả với tác phẩm của mình. Với ý đồ này hoặc một số ý đồ theo dạng tương tự, thực ra để đạt được hiệu quả tối ưu lại không hề đơn giản là mang vật thể đó vào không gian trưng bày. Có thể là bày nhấn mạnh những vật này như bày một tác phẩm với bục bệ, một hiện vật bảo tàng… hay một cách gây dựng một không gian bày tựa như trả nó về cuộc sống gần gũi vốn có… hoặc một cách nào khác chứ không phải như phần trình hiện ở triển lãm vừa rồi. Làm sao để tạo được một thị giác tốt nhất cho tác phẩm có được sự tập trung chứ không phải lo việc tạo không gian đẹp cho tác phẩm. Cách bày biện dễ dãi, đặt những chiếc cầu xuống ngay nền đá hoa của căn phòng chung với tác phẩm khác, có lẽ đã làm bớt đi sự sâu sắc vốn có. Một chú thích trực tiếp trên bản đồ Hà Nội khi M.Shitamichi đánh dấu khu vực có những hiện vật cây cầu dắt xe máy vào nhà, đã khiến ta hình dung rất thú vị về cuộc truy tìm đó của một vị khách lạ lang thang khắp thành phố.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trong triển lãm Nowhere, Tuấn mami. Có lẽ trong giới mỹ thuật đương đại một vài năm trở lại đây, Tuấn là một trong những tài năng được chờ đợi nhất. Rất hiếm khi anh có mặt ở Việt Nam vì những chuyến lưu trú dài hạn và chương trình nghệ thuật dày đặc ở nước ngoài. Và triển lãm lần này là dịp hiếm hoi để tác phẩm của Tuấn được xuất hiện ở trong nước. Tuấn từng nổi lên với những tác phẩm trình diễn có tính phản kháng cũng như chứa đựng thông điệp xã hội rất mạnh mẽ.
Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu là một bất ngờ thú vị, như chính anh nói về tác phẩm lần này: Tác phẩm được thực hiện bằng phương pháp hoán đổi và gắn kết mọi người vào trong quá trình tạo ra một tác phẩm.Tôi giấu đi vai trò trung tâm của mình nhằm tạo ra những không gian cho người khác có cơ hội tham gia vào quá trình sáng tạo và đóng vai trò là nghệ sĩ. Trong dự án Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu, thực hiện tại Hà Nội tháng 10-2011, tôi muốn khơi gợi những cảm xúc khác nhau trong đời sống hàng ngày, những thứ dường như luôn tồn tại nhưng có thể được nhận thức hoặc bị bỏ quên. Dự án khởi nguồn từ cảm giác mong manh của cuộc sống, của giây phút hiện hữu, của sự tan vỡ và biến mất bên trong mối quan hệ giữa người với người, giữa hành vi với hành vi và cảm xúc với cảm xúc…
Nghệ sĩ đứng đằng sau, trở thành người hỗ trợ về một số phương diện trong đó có kinh tế, để giúp công chúng hoặc bạn bè lại trở thành nghệ sĩ và cùng tạo nên một phần tác phẩm. Mỗi người sẽ nhận được một số tiền nho nhỏ (100.000 VNĐ) từ Tuấn, và sẽ có nhiệm vụ dùng số tiền này mua một món quà tương đương để dành tặng cho một người thân mà mình muốn chia sẻ. Kèm ngay sau đó là một bức ảnh chụp lại khoảnh khắc thân thiện giữa hai người và viết một số dòng cảm tưởng hay đơn giản là những suy nghĩ về tình cảm dành cho nhau… Những bức ảnh và các văn bản viết này (viết tay hoặc dưới dạng một bức thư điện tử) được Tuấn trưng bày ở triển lãm.
Nếu ai quan tâm đến nghệ thuật đương đại thì có thể thấy ngay rằng, những dạng dự án nghệ thuật kiểu như vậy là không mới mẻ gì ngay cả đối với Việt Nam, ở cả cấu trúc và cách triển khai dự án. Việc nghệ sĩ chủ động để những người dân thường (hoặc công chúng trong triển lãm) tham gia trực tiếp vào tác phẩm là một điều không có gì đáng bàn, nhất là với phương pháp hướng dẫn tham gia đơn giản, rõ ràng của nghệ sĩ như Tuấn. Có thể thấy khái niệm gốc của tác phẩm khá mênh mang, mềm dẻo. Cũng như statement (dẫn giải) của tác phẩm thì toàn bộ dự án này đang thể hiện ra không có gì đặc biệt, đó là một sự chủ động hướng đến những việc đơn giản như hơi thở. Vậy liệu có cần thiết hay không khi nghệ sĩ bộc lộ việc trao cơ hội cho công chúng, và chính công chúng đã sáng tạo và hình thành nên tác phẩm. Nói cách khác, sự Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu là vô cùng đơn giản trong hiện trường dự án nghệ thuật này. Đồng thời nó lại rất không đơn giản nếu được đặt trong toàn bộ diễn biến thực tế với những dẫn giải và kỳ vọng của nghệ sĩ. Một nhà báo đã có lý khi nói rằng: “Khi nhận được thông tin triển lãm, và với tác phẩm của Tuấn, thoáng qua, tôi nghĩ nghệ sĩ này có dự án đi xin lại những khoảnh khắc đẹp đẽ riêng tư giữa con người với con người… những bức ảnh cũ, những kỷ niệm, có thể vẫn còn có thể mất đi, và triển lãm là sự tôn vinh những giây phút đó”. Nếu có giả định như vậy, có lẽ vai trò của nghệ sĩ đã thực sự là cầu nối để đưa những chia sẻ riêng tư của họ ra công khai một cách tự nhiên hơn nhiều, và sự can dự của Tuấn ít đi đúng như mong đợi. Và chúng ta cũng chỉ nên giả định mà thôi. Việc nghệ sĩ làm và chịu trách nghiệm là vinh dự tối cao. Triển lãm này mới chỉ là một giai đoạn của dự án nghệ thuật Tôn vinh giây phút hiện tại và tình yêu.
Có lẽ việc định nghĩa thế nào là nghệ thuật luôn thừa với nghệ sĩ? Vì nếu không, rất có thể những người cầu toàn chẳng bao giờ sáng tác khi chưa có định nghĩa ra đời. Trong buổi khai mạc triển lãm này, có lẽ nhiều người đã có cơ hội được thưởng thức tác phẩm trình diễn rất độc đáo của Tuấn. Một sân khấu được dựng lên, như một chương trình tạp kỹ truyền hình về buổi giao lưu hay tọa đàm nhỏ, đại loại như vậy. Đằng sau là một phông bạt to in dòng chữ Lễ tôn vinh giây phút hiện tại và tình yêu. Trên sân khấu có một bộ bàn ghế để mời khán giả, những người đã cùng tham gia dự án với Tuấn. Mỗi nhân vật (người mua quà tặng) có dăm bảy phút để lên nói về trường hợp của mình. Có thể chia sẻ cảm xúc tham gia dự án, có thể nói lại về những dòng họ đã viết cho dự án, có thể chỉ giới thiệu tên rồi cảm ơn… trong khi tác giả của dự án đứng xen lẫn vào đám đông khán giả.
Cách làm tác phẩm trình diễn này khiến người viết phải nghĩ rằng, ở Việt Nam, không còn nghi ngờ gì nữa, nghệ thuật đương đại là bây giờ ở nơi đây và không ở nơi đâu.
_______________
1. Triển lãm Nowhere, diễn ra từ 28-10 đến 20-11-2011 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hà Nội, được thực hiện bởi ba nghệ sĩ tài năng đầy hứa hẹn: Motoyuki Shitamichi (sinh 1978), Mamoru Okuno (sinh 1977) và Tuấn Mami (sinh 1981). Cuộc triển lãm là nỗ lực đầu tiên của ba nghệ sĩ tài năng này nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới qua quá trình tìm tòi và quan sát của họ ở Hà Nội, sau khi đã tìm thấy ở nhau sự hòa hợp về mặt tâm hồn trong thời gian cùng làm việc tại Tokyo. Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ thấy hứng thú với những sự tìm tòi, khám phá mới từ những điều hết sức giản dị và đời thường trong các tác phẩm nghệ thuật của họ, cũng như những quan điểm nghệ thuật của các nghệ sĩ về thế giới như tựa đề của cuộc triển lãm là No where (không ở nơi đâu) và cũng có thể là Now here (bây giờ ở nơi đây). Thông điệp của các nghệ sĩ: chúng tôi đi ngang qua mà vô thức không nhận ra nó, nhưng nó vẫn nằm ở đó.
2. Một cụm từ lóng được khá nhiều người trong giới nghệ thuật đương đại hay dùng từ 5-7 năm trước, nhằm phê phán một hiện tượng diêm dúa nhàm chán trong hình thức của những tác phẩm sắp đặt và dần trở thành một môtip cố hữu và ấu trĩ trong hình thức khi sa đà việc dàn dựng, trang trí giống nhau một cách vô lối: sử dụng những vật liệu mây, nứa, lá, nón, áo mưa, ni lông, dây dợ, mùng màn…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 330, tháng 12-2011
Tác giả : Vũ Đức Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng