Trong suốt thời gian từ khi hình thành đến nay làng cổ Đông Sơn đã trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Cuộc kháng chiến diễn ra đã làm cho làng cổ Đông Sơn thay đổi từ không gian cảnh quan tới việc người dân địa phương tổ chức lại cuộc sống cho phù hợp với làng kháng chiến… góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập, thống nhất nước nhà.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập, thống nhất nước nhà.
Trước khi rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam theo những điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, thực dân Pháp cùng với đế quốc Mỹ đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm chống phá công cuộc xây dựng miền Bắc của nước ta. Sau đó Mỹ từng bước thay thế vị trí của Pháp ở miền Nam. Cũng từ đây đế quốc Mỹ cùng với bè lũ tay sai thực hiện hàng loạt cuộc chiến tranh phá hoại như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ… Sự đánh phá và mở rộng quy mô đánh phá của đế quốc Mỹ và tay sai đã gây ra những hậu quả nặng nề cho Việt Nam. Để đối phó với sự phá hoại của thù trong giặc ngoài, Đảng và Nhà nước ta cũng như nhân dân làng cổ Đông Sơn nói riêng đã có những chiến lược, sách lược, biện pháp cụ thể nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn, hướng tới sự thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975.
Thay đổi không gian, cảnh quan làng theo hướng làng kháng chiến
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tác động không nhỏ đến cấu trúc không gian, cảnh quan truyền thống của làng Đông Sơn. Không gian sống của làng cổ Đông Sơn đã thay đổi nhanh chóng cho phù hợp với làng kháng chiến.
Những đồi núi xung quanh làng như đồi C4, C5, Quyết Thắng, núi Con Công… trở thành các trận địa pháo. Tại các trận địa này luôn có bộ đội trực chiến sẵn sàng chiến đấu. Kết hợp với bộ đội là dân quân, họ là những người làng Đông Sơn và các làng lân cận. Nhiệm vụ của dân quân là đào hào công sự, tải cứu thương, đốn lá ngụy trang, thay thế pháo thủ khi cần thiết… Chính vì vậy, quân dân làng Đông Sơn đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đưa được súng, đạn và xây dựng hoàn chỉnh nhiều trận địa ngay trên các đỉnh đồi. Góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cầu Hàm Rồng cũng như công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Không gian xung quanh và trong làng đã trở thành các trận địa để chiến đấu. Theo ông Lương Trọng Duệ, tại mỗi ngôi nhà trong làng Đông Sơn đều được đào hầm tránh bom đạn của địch cũng như đảm bảo cuộc sống được duy trì lâu dài. Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà của mỗi gia đình không có sự thay đổi nhưng bên trong đã trở thành các chiến hào đảm bảo được tính mạng người dân khi trở về từ nơi sơ tán.
Bên cạnh việc phải thay đổi cho phù hợp với thời chiến, thì hậu quả của cuộc chiến đối với không gian, cảnh quan làng cũng không nhỏ. Hàng loạt cây cổ thụ bị đốn bỏ hoặc bị máy bay địch bỏ bom gãy chết. Đường làng bị bom đạn cày xới không còn lối đi. Diện tích đất canh tác bị hoang hóa không có khả năng khôi phục ngày một tăng lên. Trong vòng 3 năm từ năm 1965 đến năm 1968 bom đạn Mỹ đã đánh sập, phá hủy gần 800 ngôi nhà của bà con làng Đông Sơn và Đông Quang (1). Ngoài ra, những công trình đình, chùa, miếu mạo… cũng bị san phẳng, làm cho không gian trong làng hoang tàn, đổ nát.
Việc tổ chức lại cuộc sống cho phù hợp với làng kháng chiến của người dân làng cổ Đông Sơn
Dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, các cấp ủy đảng, nhân dân đã tổ chức lại cuộc sống cũng như quá trình sản xuất cho phù hợp với thời chiến.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người dân làng Đông Sơn ít khi ở và sinh sống tại làng mà họ sơ tán ra các hang xung quanh làng. Bên trong các hang là nơi bà con tránh bom đạn mỗi khi quân địch đánh phá hoặc làm nơi ngủ. Phía bên ngoài hang, bà con làm các lán, đào hầm ở chân núi làm nơi sinh hoạt như nấu nướng, ăn uống, học hành, đi lại… Như vậy, người dân làng Đông Sơn đã chuyển sinh hoạt từ làng ra hang để đảm bảo an toàn cho mỗi thành viên cũng như cả cộng đồng.
Cũng từ ngày người làng Đông Sơn chuyển ra hang sinh sống, thì những phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt bị lãng quên hoặc có thực hiện cũng là vội vàng, làm cho lấy lệ. Ví như mỗi khi có tang, chỉ một số người trong làng cùng với gia đình có người mất đứng ra lo chôn cất. Tất cả nghi lễ của đám tang hầu như bị bỏ qua, kể cả việc đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng cũng phải vội vàng tranh thủ. Đối với việc cưới xin lại càng đơn giản. Nếu như trong làng có gia đình nào dựng vợ gả chồng cho con thì không làm gì, mà chỉ lên báo cáo với chính quyền. Đến cả những phong tục, nghi lễ linh thiêng của người làng Đông Sơn với thế giới bên kia như thờ cúng ông bà tổ tiên, lễ tết, lễ hội làng… đều hoãn lại hoặc không được thực hiện. Tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong thời chiến.
Mặc dù trong điều kiện chiến tranh, khó khăn cũng như nguy hiểm luôn cận kề nhưng việc dạy và học tại làng Đông Sơn vẫn được duy trì. Các lớp học thời kỳ này được sơ tán vào trong hang núi như hang Moong, Làng, Cao… Thày cô giáo của các lớp học từ vỡ lòng cho đến lớp 4 chủ yếu là người làng Đông Sơn, còn từ lớp 5 trở đi thì đi học ở địa phương khác. Các em học sinh ngoài giờ lên lớp còn phụ giúp gia đình, hay tham gia vào cuộc chiến như cùng với dân quân thu gom quần áo cũ cho bộ đội, đốn lá ngụy trang, tiếp nước, tiếp thực phẩm cho bộ đội… Những việc làm này tuy đơn giản nhưng đã nói lên tinh thần không sợ khó, không sợ khổ, không sợ hy sinh bản thân, tất cả dành cho cuộc chiến với đế quốc Mỹ để dành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước trong thời gian không xa của con em làng Đông Sơn.
Người dân trong làng tổ chức, phân chia việc làm, nhiệm vụ cho từng bộ phận phù hợp với sức khỏe và khả năng của mỗi người, gia đình. Các bà mẹ làng Đông Sơn đảm đương hậu cần cho những đơn vị bộ đội đóng trên các đồi núi cũng như ở xung quanh làng. Lực lượng dân quân là thanh niên được huấn luyện thao tác ở các vị trí pháo thủ nhằm sẵn sàng thay thế khi cần. Lực lượng dân quân là trung niên làm nhiệm vụ tải lương, tiếp đạn cho các trận địa. Các cụ bô lão phụ trách vấn đề về khâm liệm, chôn cất những người hy sinh tại trận địa. Mặc dù đế quốc Mỹ vẫn điên cuồng đánh phá, bỏ bom vào khu vực cầu Hàm Rồng và làng Đông Sơn nhưng quân và dân làng không nao núng tinh thần, vẫn tổ chức cuộc sống cho phù hợp với thời chiến nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và của.
Trong hoạt động sản xuất, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhân dân làng Đông Sơn vừa tích cực tham gia phục vụ chiến đấu vừa sản xuất. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, làng cổ Đông Sơn nằm trong vùng trọng điểm đánh phá nhưng nhân dân nơi đây vẫn kiên quyết bám ruộng, bám vườn, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất ngay. Khi có còi báo động cả làng cùng ra trận còn khi không có bom đạn của giặc Mỹ thì người dân tranh thủ cày cấy, sản xuất. Người dân làng Đông Sơn thường tiến hành sản xuất vào sáng sớm và chiều tối để tránh bom đạn của giặc. Ở ngoài đồng bên cạnh những hố bom là nhiều thửa ruộng tốt tươi. Như vậy, bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong sản xuất cũng như sự trợ giúp của Đảng và Nhà nước, người dân làng Đông Sơn vẫn đảm bảo được về lương thực trong cuộc sống hàng ngày cũng như đáp ứng cho cuộc kháng chiến.
Người dân làng Đông Sơn di cư đến địa phương khác trong tỉnh
Trong những năm từ 1963 – 1965, nhân dân làng Đông Sơn hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng vận động đồng bào miền xuôi lên khai phá, xây dựng miền núi mà cụ thể ở đây là tại làng Phúc Đường, xã Xuân Phúc, huyện Như Xuân (nay là Như Thanh). Tuy là vận động nhưng cũng có sự lựa chọn. Những gia đình được lựa chọn phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: phải là đảng viên, là hộ gia đình nghèo. Trong 2 năm vận động làng Đông Sơn có 57 hộ với 285 nhân khẩu (2) đi xây dựng kinh tế mới trên miền núi. Trước khi đi họ được hợp tác xã thanh toán hết mọi khoản từ ruộng đất đến của cải vật chất mà gia đình có được trong hợp tác xã cũng như là phải lên vùng đất mới kiểm tra, khai phá, xây dựng cơ sở vật chất như đường xá, nhà cửa, trường học… Khi đi những hộ gia đình này được Nhà nước hỗ trợ công tác vận chuyển cũng như 6 tháng tiền ăn đồng thời người thân của họ cũng đi để giúp đỡ trong những ngày đầu đến vùng đất mới. Những ngày đầu trên vùng đất mới, người dân làng Đông Sơn gặp nhiều khó khăn vất vả, nhưng bằng lòng quyết tâm cộng với tinh thần lao động chăm chỉ, quên mình, sau một thời gian ngắn họ đã xây dựng được một ngôi làng với những ngôi nhà, ruộng vườn, đường xá, trang trại… làm cho họ yên tâm gắn bó với vùng đất mới.
Sự trầm lắng của sinh hoạt văn hóa
Sinh hoạt văn hóa của người dân trong những năm kháng chiến chống Mỹ hầu như không diễn ra, vấn đề về văn hóa không được quan tâm. Cuộc sống của người dân chỉ để đảm bảo được lương thực, tính mạng và toàn tâm, toàn ý chiến đấu với giặc Mỹ. Nhiều công trình văn hóa, phong tục, tập quán bị phá hủy, bị bỏ hoặc tạm thời không được quan tâm như tục thờ đức thánh Khổng Tử và 72 đệ tử giỏi nhất của ngài tại Văn Thánh, thờ cúng những người giỏi văn, giỏi võ tại văn chỉ, võ chỉ, trong đó điển hình nhất là tục kết chạ giữa người làng Đông Sơn với làng Giàng Hến. Hay các làn điệu dân ca như hát ghẹo, hò sông Mã cũng không được duy trì. Như vậy, toàn bộ người dân làng cổ Đông Sơn dồn hết sức lực cho cuộc kháng chiến với hy vọng giành được thắng lợi trong thời gian sớm nhất.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với chỉ thị của chính quyền các cấp là nhiều thay đổi trong lòng của làng cổ Đông Sơn nhằm phù hợp với tình hình thời chiến. Mọi hoạt động của người dân làng cổ Đông Sơn được sắp xếp lại, trong đó các yếu tố về văn hóa tạm thời không được quan tâm mà ưu tiên cho tăng cường sản xuất, chiến đấu với mục đích hàng đầu là giành lại độc lập tự do cho nhân dân làng cổ Đông Sơn nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung.
________________
1, 2. Lương Đại Dũng, Làng cổ Đông Sơn, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban đại diện tại Thanh Hóa, 2009.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : NGUYỄN LIÊN
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai