Đồng bào Thái sinh sống chủ yếu ở tỉnh Sơn La thuộc vùng văn hóa Tây Bắc. Họ có một mô hình văn hóa thung lũng đặc sắc, gieo trồng canh tác trong mùa mưa; vui chơi, lễ hội vào mùa khô. Cùng với việc tiếp biến những giá trị văn hóa tốt đẹp, người Thái ở Sơn La cũng đang tiếp nhận những yếu tố phản văn hóa làm cho văn hóa truyền thống bị mai một, pha trộn, biến dạng.
1. Văn hóa vật chất
Phương thức canh tác
Hiện nay, người Thái đã chuyển canh tác từ một vụ lúa nếp trở thành hai vụ lúa tẻ hoặc một nếp, một tẻ. Cây lúa nếp không còn giữ vai trò chủ đạo như trước đây mà người Thái đã mạnh dạn đưa những giống lúa tẻ mới, có năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời, các hộ gia đình cũng trồng ngô, đậu, cây ăn quả như nhãn, dưa… Họ đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, biết thâm canh, tăng vụ. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã xây dựng, phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng chuyên canh cây trồng và đa canh. Mặt khác, để năng suất cây trồng đạt ở mức cao và ổn định, việc sử dụng các loại phân hóa học, phân vi sinh cũng đã được người dân quan tâm thực hiện. Hệ thống thủy nông cũ đã được cải tạo, phù hợp với mô hình sản xuất mới.
Kiến trúc nhà ở
Trước đây, người Thái cư trú trên những ngôi nhà sàn, nay chuyển sang nhà đất. Xây dựng nhà cửa bằng vật liệu công nghiệp, gỗ, tre; trang trí nội thất tương tự người Kinh. Nhiều địa phương xây cất nhà ở theo mẫu kiến trúc mới, cải tiến theo cốt cách của nhà sàn truyền thống, được đóng bằng khung gỗ, với kỹ thuật mộng thắt học từ người Kinh, lợp mái bằng ngói, sàn nhà bằng xi măng, đá hoa… Gần đây, còn xuất hiện kiểu nhà sàn được xây cất bằng xi măng, bê tông cốt sắt. Một số ít dân cư Thái sống ở các khu trung tâm sinh sống trong nhà gỗ (nhà trệt một tầng) hoặc xây nhà bằng bê tông nhiều tầng kiên cố. Đồ dùng sinh hoạt, cách bài trí trong nhà cũng có sự tiến bộ rõ rệt, sạch sẽ và tiện nghi hơn. Trước đây, người Thái sử dụng đồ dùng chủ yếu từ sản phẩm mây, tre do chính họ sản xuất, nhưng ngày nay, hầu hết đều sử dụng đồ được du nhập từ bên ngoài, chất liệu được làm bằng nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác.
Văn hóa ẩm thực
Cư dân Thái sinh sống ở Sơn La vốn có truyền thống dùng thóc nếp làm nguồn lương thực chính, nhưng hiện nay, khu vực được coi là vòng trồng lúa nếp điển hình chỉ sử dụng đồ nếp trong các ngày lễ tết. Họ đã chuyển sang ăn cơm tẻ, do đó, sở thích đến cách chế biến, cách ăn cũng thay đổi. Thức ăn hằng ngày phong phú và đa dạng hơn, quan niệm về ăn ngon ngày càng được đề cao.
Trước đây, người Thái ở Sơn La uống rượu trong các dịp vui, buồn cùng chuyện trò tâm tình và ca hát. Lệ uống và ép uống rượu đến say mềm đang trở thành tập quán không lành mạnh. Mặt khác, trước đây, rượu là do chính người Thái tự sản xuất, tự tiêu; còn hiện nay, do sức tiêu thụ của thị trường lớn, nên sản xuất ồ ạt. Rượu siêu, rượu cần giờ đang có sự lấn sân của các đồ uống có cồn được nhập khẩu từ bên ngoài vào. Các loại bia, nước ngọt có ga, rượu mạnh, nước hoa quả đóng chai, đóng túi từ châu Âu cũng được du nhập. Những người trẻ thường hút thuốc lá thay vì hút thuốc lào. Sự du nhập các chất gây nghiện, điển hình như ma túy cũng gây ra những vấn đề xã hội nhức nhối cho nhiều gia đình và cộng đồng.
Trang phục và trang sức truyền thống
Người Thái đã có nhiều thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ về trang phục. Những bộ trang phục truyền thống như áo dài, áo thổ cẩm của cả nam và nữ dường như không còn nữa. Nam giới thường mặc áo sơ mi, quần âu. Nữ giới mặc sơ mi thay áo cóm. Họ không còn sử dụng nhiều đồ trang sức bằng bạc mà chuộng đồ bằng kim loại quý như nhẫn vàng, hoặc các loại đồng hồ… Hiện chỉ còn trẻ em đeo vòng bạc với mục đích bảo vệ sức khỏe.
Nghề thủ công truyền thống
Nghề dệt vải không còn được coi trọng như trước đây, nên nghề trồng bông cũng mất dần; khung dệt vải, công cụ thêu thùa, căng nhuộm vải cũng ít xuất hiện. Trước đây, người Thái nhuộm vải chủ yếu từ cây chàm, nhưng nay được nhuộm bằng hóa phẩm. Rất ít thiếu nữ Thái còn biết dệt vải, thêu thùa. Nếu có thì sử dụng các loại sợi công nghiệp mua sẵn. Người trung niên mới có kỹ năng dệt thổ cẩm, dẫn đến sự mai một của nghề truyền thống độc đáo này.
2. Văn hóa tinh thần
Thiết chế xã hội
Cấu trúc làng bản có những biến đổi rõ rệt, nhất là tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn hay gần các trục lộ giao thông, đã xuất hiện những hình thức tụ cư mới. Đó là những xóm quy hoạch theo kiểu đường phố, các gia đình có xu hướng rời bản xuống sinh sống tại các trục đường giao thông, gần chợ để làm ăn buôn bán. Một số bản quanh trung tâm thành phố bắt đầu có xu hướng cắt đất ở, đất ruộng, bán lấy tiền xây nhà, mua sắm phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt hiện đại… Do vậy, trong các bản không chỉ có người Thái sinh sống mà còn có các hộ dân tộc khác sống đan xen.
Mô hình gia đình nhiều thế hệ đang dần bị phá vỡ do tác động của điều kiện không gian cư trú, kinh tế. Các mối quan hệ dòng tộc, đồng tộc có chiều hướng xa cách, ít qua lại giao lưu bởi sự đốc thúc về kinh tế, chạy đua làm giàu…
Tín ngưỡng dân gian
Đây là phần bền vững nhất của đời sống tinh thần người Thái, song đời sống tín ngưỡng tôn giáo cũng đang có sự thay đổi ở một số địa phương. Việc tin và thờ các lực lượng siêu nhiên, đấng sáng tạo, nghi thức lễ tết như tục lệ cúng bản, cúng mường, cúng thần con nước hiện nay gần như không còn duy trì nữa; có chăng cũng chỉ còn tồn tại trong tâm thức và trong các hình thức nghi lễ, cúng bái trong phạm vi gia đình.
Văn hóa dân gian
Các hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian có những biến đổi lớn. Một số loại hình nghệ thuật có xu hướng phát triển như múa xòe, múa phong cách. Những năm gần đây, đã ra đời các đội múa bán chuyên biểu diễn các điệu múa, các làn điệu dân ca truyền thống. Cùng với đó là sự mai một dần của một số điệu múa dân gian như múa cây chuối, múa dỗ ống tre, múa tập thể theo nghi thức lễ hội Xên Cha…. Một số làn điệu rất phổ biến trước đây như hát giao duyên, hát mo lễ hội đã vắng bóng. Hiện nay, các làn điệu này chỉ hiện diện chủ yếu trong các dịp diễn ra lễ hội, nhưng đã được cải biên. Các phương tiện sinh hoạt văn hóa tinh thần: khèn bè, kèn môi, kèn lá, trống, chiêng, pí, sáo… cũng dần được thay thế bằng các đồ điện tử, băng đài, đầu đĩa, đàn organ.
Lễ hội truyền thống của người Thái cũng có nhiều biến đổi, chủ yếu được khôi phục trong điều kiện xã hội mới. Phần lớn các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian trong lễ hội của người Thái được khôi phục theo xu hướng chuyển hóa, mở rộng quy mô không gian. Các hoạt động trong lễ hội cũng không còn đậm nét dân gian, thậm chí một số lễ hội có dáng dấp của văn hóa hiện đại. Phần lễ có xu hướng giảm xuống, phần hội có xu hướng tăng lên, đóng vai trò chủ đạo trong lễ hội.
Ngày nay, người Thái đã ăn Tết độc lập nhân dịp Quốc khánh 2-9, hay lễ cúng cơm mới của người Mông. Trước đây, họ không lập bàn thờ, bát hương nhưng nay không ít các gia đình cũng thắp hương, thờ cúng trong các dịp lễ tết, ngày rằm, mồng một. Một số tín ngưỡng không được tổ chức một cách quy củ nên cũng tự biến mất.
Tục cưới xin của người Thái hiện nay có những biến đổi rõ rệt, các thủ tục như thách cưới chỉ mang tính hình thức. Các bước tiến hành trong lễ cưới cũng được đơn giản hóa rất nhiều, nhưng cũng có bước bị biến dạng trở nên phức tạp. Điển hình như lễ lên thang và ăn thề trong đám cưới đã bị bãi bỏ, thay vào đó là hình thức ăn uống kéo dài. Quà tặng đại trà mang tính thương mại hóa. Đặc biệt, tục chọc sàn một nét đẹp văn hóa của người con trai Thái khi đi tìm người yêu, thì ngày nay cũng ngày dần mai một và quên lãng.
Ở người Thái, lễ tang truyền thống chỉ diễn ra trong vòng một ngày, nhưng hiện nay đã bắt đầu đã thấy xuất hiện các ngày giỗ sau đó theo phong tục của người Kinh (3 ngày, 9 ngày, 49 ngày, 100 ngày) gây tốn kém đáng kể về thời gian và tiền của.
Ngôn ngữ và chữ viết
Ở những vùng sâu vùng xa, đồng bào vẫn nói tiếng của dân tộc mình nhưng rất ít người còn biết viết và đọc chữ Thái. Ở trung tâm các thị trấn, thành phố, bà con sử dụng tiếng Kinh là chủ yếu, chỉ dùng tiếng dân tộc khi ở nhà hoặc có dùng lẫn với tiếng Kinh. Với thế hệ trẻ, để giao tiếp, họ thường vay mượn những thuật ngữ kinh tế, chính trị, tiếng phổ thông, đã tạo nên một dạng ngôn ngữ pha tạp.
Những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người Thái đang biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt, tiếp biến làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc; mặt khác, tiếp nhận thiếu chọn lọc làm cho nhiều giá trị văn hóa dân tộc bị mai một, biến dạng. Hai xu hướng này song song tồn tại, tuy xu hướng thứ nhất là chủ đạo, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng thứ hai cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Vì vậy, cần có các chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò của các cấp, các ngành, nhất là vai trò chủ thể văn hóa trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái, góp phần xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tác giả: Trần Văn Hiếu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng