Văn hóa đô thị được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động và tương tác xã hội của người đô thị. Biến đổi văn hóa đô thị, do đó có thể được hiểu một cách khái quát là: quá trình thay đổi cách thức hoạt động và quan hệ văn hóa của người đô thị, nhờ đó có thể dẫn đến chỗ hình thành kiểu phát triển và cấu trúc văn hóa mới của đô thị theo thời gian với những cấp độ khác nhau. Sự biến đổi văn hóa tại các khu đô thị mới (KĐTM) ở Hà Nội nói chung, Trung Hòa Nhân Chính và Nam Thăng Long nói riêng không phải là hiện tượng xa lạ, mới mẻ mà là tất yếu khách quan trong quá trình vận động phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước. Sự biến đổi văn hóa đô thị đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của thị dân không chỉ là mối quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, mà trở thành vấn đề chung của toàn xã hội.
Biến đổi văn hóa được hiểu là quá trình vận động của cả xã hội. “Sự ổn định của văn hóa xã hội chỉ là sự ổn định bề ngoài, còn thực tế nó không ngừng thay đổi ngay trong bản thân nó” (1). Những nhà khoa học khởi xướng ủng hộ thuyết tiến hóa văn hóa như E.Taylor (1891) hay L.Morgan (1877) đã đề cập biến đổi văn hóa từ khá sớm. Họ cho rằng những nền văn hóa ngoài phương Tây do cư dân có sự ràng buộc bởi phong tục và “kém văn minh”, nên sự biến đổi văn hóa diễn ra rất chậm so với văn hóa phương Tây “văn minh”, năng động và biến đổi nhanh.
Tuy nhiên, mô hình tiến hóa luận đơn tuyến về sự phát triển và biến đổi của văn hóa này bị phản đối, dẫn đến sự xuất hiện nhiều lý thuyết mới về biến đổi văn hóa vào cuối TK XIX, đầu TK XX như Thuyết Truyền bá văn hóa (đại diện là G.Elliot Smith 1911, W.River 1914… cho rằng vấn đề mấu chốt của biến đổi văn hóa là sự vay mượn hoặc sự truyền bá của các đặc trưng văn hóa từ xã hội này sang xã hội khác; Thuyết vùng văn hóa (đại diện là C.L.Wissler 1923, A.L.Kroeber 1925…) đưa ra các khái niệm cơ bản về vùng văn hóa, loại hình văn hóa, trung tâm văn hóa, tổ hợp văn hóa, sự biến đổi văn hóa diễn ra rất đa chiều và nhiều cấp độ tùy thuộc vào việc cộng đồng đó là trung tâm, ngoại vi hay vùng chuyển tiếp, môi trường và sự chuyên môn hóa của cộng đồng đó là gì; Thuyết tiếp biến văn hóa (đại diện là Redfiel 1934, Broom 1954…) chỉ ra sự biến đổi văn hóa trong bối cảnh những xã hội phương Tây và ngoài phương Tây đã trải qua mối quan hệ lâu dài, đặc biệt là sự ảnh hưởng của những xã hội có ưu thế đối với người dân bản địa; Thuyết chức năng (đại diện là Brown 1952, Malinowski 1944…) nhìn nhận xã hội như một dạng cơ cấu trong đó từng bộ phận đều có chức năng cụ thể, mỗi chức năng đó có thể xác định được nhằm để duy trì hệ thống xã hội tổng thể. Vì vậy, xã hội và văn hóa thường có sự hội nhập tốt và ổn định, nếu văn hóa thay đổi thì phần lớn là do tác động từ bên ngoài… Cùng với các trường phái trên là hàng loạt những luận điểm lý thuyết về thích nghi văn hóa, hội nhập văn hóa, sinh thái học văn hóa… (2).
Với quan điểm: biến đổi xã hội là một quá trình qua đó các khuôn mẫu của hành vi xã hội, các quan hệ xã hội, thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng xã hội được thay đổi theo thời gian. Và như vậy, văn hóa là một bộ phận của đời sống xã hội, cũng sẽ không ngừng biến đổi. Tuy nhiên, biến đổi xã hội là một quá trình mang tính chủ động, không dự định, có tính tự nhiên và khách quan, nó có sự khác biệt giữa các xã hội về phạm vi, thời gian và hệ quả.
Ngày nay, các nhà nhân học, xã hội học và văn hóa học cho rằng sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố tạo nên sự biến đổi. Những thay đổi về hành chính, đất đai, chính sách nông nghiệp là tiền đề trực tiếp tác động đến biến đổi văn hóa được các tác giả như Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Thị Phương Châm và nhiều tác giả khác đề cập, phân tích. Đây là một trong những nghiên cứu điển hình về biến đổi của các cộng đồng dân cư nông thôn trong bối cảnh công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay, gợi ý cho tác giả luận án những câu hỏi trong quá trình nghiên cứu về quản lý văn hóa ở các KĐTM nói chung, Trung Hòa Nhân Chính và Nam Thăng Long nói riêng.
Một là, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một mặt, mức độ giao lưu văn hóa giữa các khu đô thị mới với các địa phương trong nước được đẩy mạnh hơn theo hướng hình thành những mối liên kết về văn hóa. Mặt khác, quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa, đang đa dạng hóa các hình thức giao lưu, tiếp biến văn hóa đô thị của nhân loại trên địa bàn nhiều đô thị, trong đó có những KĐTM trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sự mở rộng nhanh chóng về quy mô, diện tích các khu đô thị mới khiến các làng truyền thống vùng ven mặc nhiên được tích hợp vào khu vực nội thị. Làng cổ truyền chuyển sang hình thức tổ chức của một đô thị, kéo theo quá trình thích ứng và chuyển đổi cư dân từ nông dân, thợ thủ công sang thị dân, từ đời sống nông nghiệp sang đời sống thị dân. Vậy thì cư dân trong các KĐTM cao cấp đương nhiên phải là những người có điều kiện thu nhập cao mới có đủ điều kiện để mua căn hộ, biệt thự, hay nói một cách khác, họ là những người giàu có trong xã hội. Thường thì những người có thu nhập cao hiện nay sống tại các KĐTM Trung Hòa Nhân Chính hay Nam Thăng Long đều là tầng lớp trung niên và những người trẻ tuổi còn đang đi học hoặc đã có nghề nghiệp ổn định. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau. Công việc, thời gian, lối sống của họ cũng khác nhau. Vậy yếu tố nào có thể tạo nên sự gắn kết, sự tương tác văn hóa giữa họ với nhau, giữa cư dân KĐTM với cư dân các khu phố, các làng truyền thống liền kề. Những yếu tố của văn hóa cổ truyền như tính cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái… liệu còn có thể phát huy được trong đời sống văn hóa của cư dân KĐTM. Nó đã biến mất hay mờ nhạt? Công tác quản lý văn hóa có ý nghĩa thế nào trong việc điều chỉnh hành vi, lối sống của cư dân trong sinh hoạt cộng đồng, trong ứng xử với thiên nhiên, cảnh quan môi trường để những giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha (thể hiện qua hành vi ứng xử, lối sống…) vẫn phát huy, tỏa sáng.
Hai là, những cư dân thuộc các ngành nghề khác nhau, từ mọi miền chuyển đến tạo nên những thay đổi về lối sống, thậm chí làm rạn nứt các mối quan hệ giữa cư dân cũ và mới. Bên cạnh đó là sự khác biệt về quan niệm đối với các tín ngưỡng, các thiết chế tôn giáo giữa hai bộ phận cư dân cũ – mới. Điểm khác biệt lớn của KĐTM với các nơi khác là sự thưa vắng các gia đình truyền thống (có đến mấy thế hệ sinh ra và lớn lên cùng chung sống). Cư dân nơi này chủ yếu là người ngoại tỉnh, đại đa số là mô hình gia đình hạt nhân (một thế hệ gồm vợ, chồng và con cái). Sống trong những căn hộ khép kín với đầy đủ tiện nghi, có thể nói cư dân không cần đến không gian công cộng vẫn hoàn toàn giao tiếp, sinh hoạt bình thường.
Việc tổ chức lễ hội trước kia của làng có còn được tiếp tục lưu giữ, phát huy hay không? Thành phần tham dự vẫn chủ yếu là dân làng (cư dân sở tại) tại chỗ trước đây, hay các bộ phận dân cư KĐTM đều có thể tham gia. Những di tích lịch sử từng hiện hữu trong không gian văn hóa làng, tạo nên sự cố kết cộng đồng như đình, chùa (nếu có) cần được bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ như thế nào trong KĐTM. Cần phải ứng xử văn hóa với các di tích cổ trên đất KĐTM như thế nào? (trường hợp giếng cổ, mộ cổ trong lòng đất KĐTM Ciputra).
Ba là, quá trình hội nhập, toàn cầu hóa đã có những tác động tích cực về kinh tế, tạo điều kiện nâng cao dân trí, phát huy tính tích cực xã hội của mỗi người dân. Quan hệ kinh tế được mở rộng đã xuất hiện nhiều công ty liên doanh với nước ngoài, thu hút một lượng lớn người lao động và họ được tiếp cận với công nghệ hiện đại, nhờ vậy mà tay nghề cũng như trình độ học vấn được nâng cao, mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng chạy theo lợi nhuận trong kinh doanh, chạy theo lợi nhuận vật chất đã khiến nhiều bộ phận người dân không coi trọng giá trị văn hóa tinh thần. Từ lối sống đề cao tính tập thể, quên mình vì cộng đồng, nhiều người đã chuyển sang lối sống và quan điểm tuyệt đối hóa vai trò cá nhân, tư lợi, ích kỷ. Bên cạnh đó, việc phát triển, mở rộng quy mô xây dựng các KĐTM khiến những người dân do được tiền đền bù đất trở nên giàu có, được tái định cư trong những khu chung cư cao tầng, song lại không có việc làm. Người nhanh nhạy, sớm thích ứng với sự thay đổi này thì không bị tụt hậu, thậm chí giàu lên trông thấy. Song một bộ phận cư dân không thích ứng được với những thay đổi, trở nên nghèo khó, đó là một trong những lý do nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, nhiều vấn đề về văn hóa và xã hội đang trở nên gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết. Cộng đồng cư dân KĐTM Ciputra hay Trung Hòa Nhân Chính cũng không tách biệt khỏi sự ảnh hưởng này, chỉ có điều ở mức độ ít hay nhiều, đậm hay nhạt mà thôi.
Nghiên cứu về quản lý đời sống văn hóa trong các KĐTM cũng có nghĩa là tìm hiểu, đánh giá về công tác quản lý nhiều mặt đời sống văn hóa của dân cư KĐTM, trong đó bao gồm sinh hoạt văn hóa, các hoạt động văn hóa, các giá trị văn hóa cũng như văn hóa ứng xử của cư dân với thiên nhiên, cảnh quan môi trường. Với sự biến đổi nhiều hiện tượng văn hóa như hiện nay, nếu không quản lý tốt bằng hệ thống văn bản luật pháp, thì tác hại tiềm ẩn trong môi trường KĐTM Ciputra hay Trung Hòa Nhân Chính và các KĐTM trên địa bàn thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể xảy ra, trong đó nổi cộm là vấn đề “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng, vì đây là nơi có nhiều người nước ngoài thuê văn phòng làm việc hoặc sinh sống.
Biến đổi văn hóa đô thị
“Văn hóa đô thị được hình thành, phát triển trong quá trình hoạt động và tương tác xã hội của người đô thị. Biến đổi văn hóa đô thị, do đó có thể được hiểu một cách khái quát là: quá trình thay đổi cách thức hoạt động, quan hệ văn hóa của người đô thị, nhờ đó có thể dẫn đến chỗ hình thành kiểu phát triển và cấu trúc văn hóa mới của đô thị theo thời gian với những cấp độ khác nhau”(3).
Tính cơ động, biến đổi cao là một trong những biểu hiện làm nên đặc trưng văn hóa đô thị. Đặc biệt là ở những đô thị loại một – nơi tụ hội dân cư từ các vùng miền về sinh sống và làm việc, có môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú. Những trào lưu, xu hướng văn học nghệ thuật, khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội, lối sống đô thị cũng được lan tỏa, ảnh hưởng không nhỏ đến những khu vực khác. Sự phát triển nhanh chóng các KĐTM, cùng lối sống đa dạng, phức tạp của cư dân đã và đang là một thực tế tạo nên sự biến đổi văn hóa đô thị. Theo Phạm Xuân Cần, văn hóa đô thị đề cao tính kỷ cương, thể chế: sự hình thành văn hóa nông thôn qua hàng năm âm ỉ, ít nhận biết ngỡ như là thiên tạo. Tính thuần nhất của văn hóa nông thôn cũng là một yếu tố quan trọng nuôi dưỡng một thứ văn hóa gần thiên nhiên, hồn nhiên, xã hội được điều chỉnh trên cơ sở coi trọng đạo đức và tự quản (phép vua thua lệ làng). Nếu như, nông thôn con người ta gắn kết với nhau bằng huyết thống, thành quả, lệ làng thì ở đô thị chỉ có một cách gắn kết hữu hiệu nhất là pháp luật và các thiết chế xã hội khác.
Nếu như văn hóa nông thôn đề cao cộng đồng thì văn hóa đô thị đề cao cá nhân. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở nước ta. Xét cho cùng đô thị hóa chính là quá trình biến nông dân thành thị dân. Chính vì vậy, văn hóa mới chính là linh hồn của quá trình đó.
Có thể chia quá trình biến đổi này thành hai cấp độ khác nhau:
Biến đổi vĩ mô: là những biến đổi diễn ra và xuất hiện trên phạm vi rộng lớn và trong khoảng thời gian dài. Nó có thể diễn ra mạnh mẽ song cũng có thể khiến nhiều người không nhận ngay ra được. Nhìn chung, sức biến đổi của nó là rất lớn.
Biến đổi vi mô: là những biến đổi nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn. Nó được tạo ra từ một lĩnh vực nào đó của đời sống văn hóa đô thị và sức biến đổi của nó nhìn chung là không lớn.
Biến đổi văn hóa đô thị là hiện tượng phổ biến, nhưng diễn ra với quy mô, nhịp độ không giống nhau giữa các đô thị. Mỗi đô thị đều biến đổi theo thời gian, nhưng do điều kiện khác nhau nên các đô thị biến đổi với quy mô, nhịp độ nhanh, chậm khác nhau. Tốc độ biến đổi văn hóa đô thị sẽ gia tăng khi nền móng kinh tế – xã hội cho sự biến đổi được tôn cao, gia cố và khi hội đủ các nhân tố tác động vào sự biến đổi đó.
Biến đổi văn hóa đô thị cũng bao hàm khả năng dẫn đến cái thoái hóa, cái phi tiến bộ. Vì vậy, văn hóa đô thị là tổng thể phức hợp, bao gồm cả những dạng thức văn hóa đối lập, lệch pha với khuôn mẫu, cấu trúc chung của văn hóa thành phố. Thêm nữa, bản thân quá trình biến đổi là quá trình cũng có tính biến hóa phức tạp và thường có những phương diện nào đó khó hoặc không quy hoạch được theo hướng tiến bộ. Biến đổi văn hóa gồm cả những yếu tố tự phát vô ý thức thúc đẩy, do đó không tránh khỏi sự biến đổi của cả những yếu tố thoái hóa bên cạnh hoặc đan xen với sự biến đổi của văn hóa đô thị nói chung.
Ở Việt Nam, quá trình biến đổi văn hóa đô thị cũng đồng thời tạo nên sự biến đổi các giá trị văn hóa, nhận thức của con người trước thiên nhiên, xã hội.
Nhìn chung, quá trình biến đổi văn hóa đô thị không diễn tiến theo đường tuyến tính. Song đó cũng là một diễn trình thường thấy trong những đô thị hiện đại; ở đó biến đổi văn hóa thường chuyển từ trạng thái thuần nhất đơn giản sang trạng thái không thuần nhất phức tạp, để đạt đến sự thống nhất một cách năng động ở trình độ cao hơn của văn hóa (4).
Khi văn hóa đô thị phải chịu nhiều tác động so với xuất phát điểm của nó, ắt sẽ nảy sinh những xu hướng mới, bao gồm cả cái tiến bộ và không tránh khỏi sự xô bồ. Do chạy theo lợi nhuận, hầu hết các KĐTM khi quy hoạch, xây dựng đều chưa chú trọng đến công tác quản lý và chăm lo đời sống văn hóa cho cộng đồng cư dân. Nhiều KĐTM thiếu hẳn các công trình mang tính xã hội như trường học, y tế, thiếu các thiết chế văn hóa như thư viện, công viên và khu vui chơi. Nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các cư dân KĐTM thường xuyên bị thả nổi, điều đó dẫn đến những biểu hiện tự phát, không theo chủ trương, định hướng nào như trường hợp những “ngôi chùa” xuất hiện ngày càng nhiều trên nóc các tòa chung cư cao tầng, góp phần làm ô nhiễm môi trường, làm dậy lên làn sóng bất bình trong dư luận.
Sự biến đổi văn hóa tại các KĐTM ở Hà Nội nói chung, Trung Hòa Nhân Chính và Nam Thăng Long nói riêng không phải hiện tượng xa lạ, mới mẻ, mà là tất yếu khách quan trong quá trình vận động, phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước. Sự biến đổi văn hóa đô thị đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thị dân không chỉ còn là mối quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, mà trở thành vấn đề chung của toàn xã hội. Và vấn đề xây dựng văn hóa đô thị, đặc biệt là đời sống văn hóa tại các khu đô thị mới cũng trở thành một trong những nội dung cơ bản của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc.
______________
1. Phạm Hùng Cường, Đặc điểm của quá trình đô thị hóa tại Việt Nam (qua thực tiễn ở vùng ven đô Hà Nội), trong Đô thị hóa và vấn đề giảm nghèo ở TP.HCM lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005.
2. Lê Thị Hương Huệ, Quản lý đời sống văn hóa các khu đô thị mới ở Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 348, 6-2013, tr.44 – 47.
3. Trần Ngọc Khánh, Xây dựng văn hóa đô thị, kinh nghiệm từ nước ngoài, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 307, 1-2010, tr.49-56.
4. Phan Đăng Long, Biến đổi của văn hóa đô thị Hà Nội từ năm 1986 đến nay – thực trạng và xu hướng, Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2011.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016
Tác giả : ĐINH ĐỨC THIỆN
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai