Nếu lịch sử văn hóa cũng là lịch sử con người thì bản thân văn hóa đã mang ý nghĩa xã hội tự thân. Môi trường xã hội như thế nào sẽ tạo nên những con người như thế ấy, có nghĩa là nhân tố văn hóa quyết định sự hình thành nhân cách ở con người, tạo ra khuôn mặt cho một cộng đồng cư dân, một kiểu dáng cho một xu thế, một nền văn hóa. Vai trò xã hội của văn hóa là một tất yếu trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử.
Chính vì vai trò lịch sử và ý nghĩa xã hội tự thân của văn hóa liên quan đến các lĩnh vực thuộc hình thái ý thức mà một thời gian dài trước đây các nhà nghiên cứu chỉ đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa duy vật lịch sử, vì cho rằng học thuyết ưu việt này đã giải quyết hầu như toàn bộ các vấn đề cơ bản mang tính lịch sử xã hội; còn xã hội học văn hóa nói riêng và xã hội học nói chung chỉ là một khoa học thực nghiệm dựa trên những hiện tượng xã hội cụ thể. Sau đó, qua thể nghiệm, các nhà văn hóa học cho rằng không có khoa học thuần túy lý thuyết hoặc thuần túy kinh nghiệm; ngay cả triết học là phương pháp luận của mọi ngành khoa học cũng chỉ trở thành khoa học chân chính khi nó không rơi vào con đường tháp ngà, tư biện mà hướng vào phân tích và khái quát dữ kiện gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội.
Sở dĩ môn xã hội học văn hóa ra đời có phần muộn so với một số ngành khoa học khác, chủ yếu là do chưa rạch ròi lằn ranh giữa cái tổng quát về quy luật lịch sử với các hình thái của ý thức xã hội biểu hiện thành vô số các hiện tượng xã hội khác nhau. Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thức đúng đắn rằng, sự phát sinh và phát triển các lý thuyết xã hội học chuyên ngành, trước hết là do nhu cầu nội tại của sự phát triển xã hội theo một hệ tư tưởng, một môi trường và một hoàn cảnh nhất định. Chủ nghĩa duy vật lịch sử tổng hợp cái cá thể, cái bộ phận thành cái phổ biến xã hội theo quy trình, quy luật, còn khi nghiên cứu cụ thể từng hiện tượng xã hội, phải làm cho cái phổ biến tiếp cận tối đa cái cá thể. Nói cách khác, chủ nghĩa duy vật lịch sử là phương pháp luận tổng quát của quá trình nhận thức xã hội, tạo cơ sở cho lý thuyết xã hội học; còn xã hội học chuyên ngành nghiên cứu các hiện tượng và quá trình xã hội, chỉ rõ nguồn gốc, vị trí và chức năng xã hội như những yếu tố của cơ cấu xã hội trong mối liên hệ của chúng với toàn bộ xã hội.
Có nhận thức khả dĩ đúng mức xã hội học nói chung và xã hội học văn hóa nói riêng, mới có quan niệm rõ ràng về xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Xã hội học văn hóa được quy định như một quá trình con người thu nhận và biến thành của mình những yếu tố xã hội của môi trường tạo nên nhân cách, dưới ảnh hưởng của những kinh nghiệm và những tác nhân xã hội, do đó thích nghi với môi trường xã hội ràng buộc xung quanh con người.
Ý nghĩa xã hội hóa văn hóa ở ta không gì khác hơn là phải tiến đến phát triển nhịp nhàng giữa các mặt của đời sống, phù hợp với một quốc gia đang trên đà phát triển trong bối cảnh chung của thời đại; lấy con người làm trung tâm, làm phương tiện và động lực, đồng thời cũng lấy đó làm mục tiêu phục vụ con người. Liên kết các thành phần xã hội trong mối quan tâm chung về tầm quan trọng của các nhân tố văn hóa đối với hiện tại và tương lai, là yêu cầu của nền văn hóa theo định hướng dân tộc – hiện đại – nhân văn. Xã hội hóa văn hóa là một chủ trương lớn và chỉ những quốc gia thực sự coi trọng vai trò của văn hóa trong phát triển mới đặt thành hướng phấn đấu, còn biện pháp xã hội hóa văn hóa như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện của định hướng đất nước.
Định hướng văn hóa theo cơ chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khác hẳn với định hướng văn hóa trước khi có chủ trương đổi mới tư duy, từ đó tạo ra biến đổi về chất của tính xã hội văn hóa; xã hội học văn hóa do đó cũng đi sâu vào tính dân chủ gắn với giá trị nhân văn của đất nước, với đời sống tinh thần của xã hội. Vẫn là bản chất dân tộc đậm đà và tính tiên tiến của một nền văn hóa, song nếu cố định trong những cách nhìn xơ cứng sẽ tạo ra một cái gì luẩn quẩn, khó bề đạt tới tinh thần sáng tạo là yêu cầu cốt lõi trong đường lối phát triển văn hóa hiện nay. Ngày nay, các nước vốn trước đây tham gia Chương trình Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa (1967 – 1976) do UNESCO phát động, đều nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế có nhịp nhàng với hệ giá trị văn hóa, đất nước mới ổn định, mới tăng thu nhập quốc dân…
Điều cần nhấn mạnh khi đi vào những mặt hoạt động cụ thể là kinh phí cho văn hóa phải hài hòa và cân xứng theo bề rộng và chiều sâu của phát triển văn hóa. Kinh phí đó vừa là phương tiện, vừa là nguồn kích thích, vừa là động lực lôi cuốn quần chúng tham gia các hoạt động văn hóa và tạo thành xã hội văn hóa có sức nặng. Indonesia rất tự hào là đất nước có một nền văn hóa truyền thống đặc sắc được tỏa sáng từ các quần đảo lớn trong số hơn 3000 đảo của quốc gia này, là nhờ có chính sách văn hóa đúng đắn. Nhật Bản càng tự hào là một quốc gia thuộc nhóm G7 của thế giới, song cường quốc kinh tế, khoa học kỹ thuật này không lấn át chất văn hóa Phù Tang thấm sâu trong lòng đại chúng, là nhờ có chính sách khai thác, phát huy và biết nuôi dưỡng các hệ giá trị tinh thần trong các cộng đồng cư dân…
Nêu một vài dẫn chứng qua một số nước quanh ta để thấy rằng, không khẳng định tính chất xã hội sâu sắc của văn hóa sẽ không thể xã hội hóa các giá trị văn hóa, không thể biến nhân tố văn hóa thành động lực của phát triển. Hãy cảnh giác với các hiện tượng phi văn hóa khi cánh cửa giao lưu nghệ thuật ngày càng mở rộng và quan niệm tự do hóa cũng gia tăng ở một số người, do tính phức tạp của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường làm đảo lộn nhiều hệ giá trị. Không cần viện dẫn nhiều luận điểm, triết thuyết mới lạ, chỉ cần đề cập đến chủ nghĩa hiện thực được nhiều nơi trên thế giới xem là phương pháp sáng tác nghệ thuật tiến bộ nhất, ưu việt nhất, có thể phản ánh toàn bộ hiện thực của mọi sắc thái dân tộc, thế mà đến nay cũng trở thành một trong nhiều hiện tượng phức tạp nhất, đan xen nhiều hệ giá trị – phản giá trị. Từ bao nhiêu năm nay ta chỉ biết hiện thực xã hội, hiện thực phê phán, đến hiện thực xã hội chủ nghĩa và hiện thực xã hội chủ nghĩa phát triển (Nga), dần tiến đến hiện thực hai kết hợp (Trung Quốc), hiện thực không giới hạn (Pháp), rồi hiện thực huyền ảo (Mỹ latin)… Ấy thế mà giờ đây trước xu thế toàn cầu hóa, một mặt người ta khoét sâu luận điểm thơ là sự tan rã của lý trí đã có từ thời siêu thực, mặt khác họ khước từ truyền thống và không cần hướng tới tương lai; nhà văn chỉ biết hiện tại mơ hồ, do đó hình tượng trong văn chương là một chuỗi mơ hồ. Họ quan niệm rằng, trong thời đại hậu công nghiệp, ta sống với thế giới tự động hóa, thì văn hóa nghệ thuật với chủ nghĩa hậu hiện đại tất yếu phải có những hình thức sáng tạo không có tiền lệ.
Qua nhiều hình thức văn hóa mạng, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng dần ảnh hưởng ở ta, rõ nét nhất là qua nhiều bài thơ trên các trang văn nghệ. Quá nhiều bài thơ người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì, thậm chí tác giả cũng tự thấy thơ mình là một kiểu “sáng tạo” mơ hồ và mông lung. Đánh giá sự biến động mang tính xã hội trong văn hóa hiện nay, có lẽ trước hết ta phải nhìn đến các “sáng tạo” xa rời đặc điểm tố chất và bản sắc văn hóa dân tộc.
Xây dựng chính sách xã hội có văn hóa đúng đắn và chống lại xu thế phản văn hóa là phù hợp với quy luật giá trị tự thân của văn hóa, với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, là tìm trong văn hóa một sức mạnh, một chất xúc tác của phát triển, phù hợp với yêu cầu của nền văn minh trí tuệ đang ảnh hưởng đến toàn cầu.
Một nền văn hóa được kính trọng bao giờ cũng thể hiện ở các mặt: bề dày lịch sử của các giá trị sáng tạo, nhân tài với các giá trị tỏa sáng, tiềm lực trí tuệ của nhân dân, vai trò quần chúng đối với đời sống tinh thần. Tính xã hội của văn hóa phải mang theo các đặc điểm ý nghĩa ấy của một nền văn hóa vốn có của dân tộc. Từ sáng tạo, tôn tạo đến chuyển tải các giá trị văn hóa cho nhân dân, rồi nhân dân tạo thành hiệu quả, nhân lên sức mạnh của đời sống tinh thần. Mối quan hệ qua lại giữa các khâu cũng là mối quan hệ nhân quả của một nền văn hóa sâu đậm ý nghĩa nhân dân. Tính xã hội hóa văn hóa phải thể hiện sâu sắc tính nhân dân ấy.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 347, tháng 5-2013
Tác giả : Trường Lưu
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam