Đa dạng văn hóa với bảo tồn, phát triển văn hóa việt nam


 

Văn hóa có thể hiểu là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra. Tuy nhiên, do môi trường địa lý, hệ sinh thái nơi cư trú, lịch sử phát triển xã hội, phương thức sản xuất kinh tế, ý thức và tâm lý… mà nền văn hóa của mỗi tộc người có những đặc trưng riêng và được thể hiện khá rõ trên thực tế. Các nhóm văn hóa vùng, miền, văn hóa tộc người… có những khác biệt nhất định về ngôn ngữ, chữ viết, thiết chế xã hội, tư tưởng, đạo đức, nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo… khiến cho tính đa dạng và phong phú của văn hóa càng trở nên sống động, rõ rệt. Tất cả các nền văn hóa ấy đều vận động, phát triển trong và thông qua các đặc tính của mình, tạo nên sự đa dạng văn hóa.

Là nơi hội tụ của các tộc người bản địa và các tộc người di cư từ phía Bắc xuống, từ Nam Đảo lên, vì thế, ở Việt Nam đã hình thành các vùng sinh thái – tộc người khác nhau, tạo nên các giá trị văn hóa truyền thống khác nhau và tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa của quốc gia. Tuy nhiên, đó là sự đa dạng trong thống nhất. Sự thống nhất của văn hóa Việt Nam có cơ sở tự nhiên, xã hội và con người, sự thống nhất của đa dạng, từ đa dạng. Tính chất nhiệt đới gió mùa với hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước; nguồn gốc lịch sử tộc người, lịch sử phát triển đất nước, sự thống nhất quốc gia trên cơ sở các vùng, các dân tộc… đã quy định những xu hướng phát triển chung của lịch sử văn hóa. Với tư cách là một thực thể văn hóa của quốc gia, văn hóa Việt Nam mang những đặc trưng chung về phương thức sản xuất, tính chất nền kinh tế, ý thức hệ, hệ thống chính trị, đạo đức, ngôn ngữ và chữ viết phổ thông, hệ thống giáo dục… Vì thế, dù nền văn hóa rất đa dạng nhưng bản sắc văn hóa Việt Nam có một hệ giá trị chung khá bền vững. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, tinh thần đoàn kết, lối sống khoan hòa, lối ứng xử linh hoạt, cởi mở, dễ tiếp thu, lòng nhân ái, hòa hiếu lân bang…

Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa 8 đã xác định đa dạng văn hóa là một trong những phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Trong thời kỳ xu thế toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đa dạng văn hóa đang trở thành một vấn đề lớn, có tính chất toàn cầu. Bảo tồn và phát triển văn hóa như thế nào trong giai đoạn này cũng đang là những vấn đề lớn của đất nước.

Quá trình toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, đã tạo ra những điều kiện chưa từng có cho sự tương tác giữa các nền văn hóa, nhưng cũng xuất hiện thách thức khi tạo ra những nguy cơ mất cân bằng giữa nước giàu và nước nghèo. Mặt tích cực của toàn cầu hóa là quá trình xích lại gần nhau giữa các nền văn hóa vốn trước đây hoàn toàn khác biệt nhau; sự mở rộng biên giới văn hóa từ phạm vi địa phương, dân tộc, quốc gia ra phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện giới thiệu những thành tựu, những nét độc đáo của văn hóa dân tộc, xuất khẩu những sản phẩm văn hóa của dân tộc này cho các dân tộc khác, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu, làm phong phú nền văn hóa dân tộc mình. Có thể nói giao lưu văn hóa như là đặc thù của toàn cầu hóa văn hóa, là sự bổ sung các giá trị văn hóa giữa các dân tộc. Thông qua quá trình này mà mỗi nền văn hóa dân tộc có dịp khuyếch trương các giá trị văn hóa của riêng mình và đồng thời tiếp nhận những giá trị mới từ các nền văn hóa khác. Quá trình ấy cũng khiến cho sự đa dạng văn hóa tại mỗi quốc gia, mỗi dân tộc được tăng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển.

Trước hết, đa dạng văn hóa đem lại những thành công trong phát triển kinh tế. Báo cáo Đầu tư vào đa dạng văn hóa và đối thoại liên văn hóa do UNESCO công bố mới đây đã khẳng định đa dạng văn hóa ở mọi cấp sẽ đem lại thành công lớn trong kinh doanh. Thế giới kinh doanh bắt đầu hiểu và đáp ứng những thách thức của đa dạng văn hóa như là nhân tố quan trọng của thành công trong kinh tế. Trong thị trường ngày càng toàn cầu hóa, khả năng tạo ra một không gian đa dạng người tiêu dùng sẽ làm tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. Đa dạng văn hóa đóng vai trò trung tâm trong quá trình hình thành nên các sản phẩm, thương hiệu và các chiến lược tiếp thị sản phẩm trên thị trường toàn cầu. Các công ty đa quốc gia đã nhận thức rõ ràng hơn lợi ích của sự đa dạng và đưa sản phẩm của họ thâm nhập các thị trường mới, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, đa dạng văn hóa ngày nay luôn luôn là sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia và quốc tế. Và, đa dạng văn hóa cũng là sự phát triển của các kỹ năng liên văn hóa. Các ngành thông tin đại chúng và văn hóa chiếm hơn 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, vì thế, cộng đồng quốc tế cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của nó để sớm đầu tư vào đa dạng văn hóa và đối thoại (1).

Tuy nhiên, toàn cầu hóa là con dao hai lưỡi, là quá trình khó tránh khỏi sự xung đột giữa các nền văn hóa. Toàn cầu hóa về kinh tế và sự phát triển của công nghệ thông tin cũng dẫn đến một thế giới phẳng, không biên giới về mặt văn hóa, những nguy cơ xâm lấn, nhất thể hóa văn hóa, làm tổn hại đến đa dạng văn hóa. Quan điểm đúng đắn ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc phải là một cơ chế toàn cầu hóa không nhằm tới mục đích nhất thể hóa văn hóa hay văn hóa toàn cầu, tiếp thu yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, hòa hợp lẫn nhau, tránh đồng hóa. Mỗi nền văn hóa và truyền thống có những đặc thù tích cực, những bản sắc riêng. Điều quan trọng là làm thế nào để nhận rõ được chúng, làm thế nào để tiếp thu một nền văn hóa khác và để các nền văn hóa tồn tại song hành, hòa hợp mà không hợp nhất. Bản sắc không thể là cái cố định, tĩnh tại, bất biến. Chừng nào chủ thể mang bản sắc còn tồn tại thì bản sắc không bao giờ mất đi mà chỉ biến đổi theo thời gian. Toàn cầu hóa văn hóa có khả năng làm phong phú thêm bản sắc dân tộc của các quốc gia. Quyền tự do văn hóa (khái niệm của UNDP) là quyền cao nhất của văn hóa sẽ làm cho vấn đề bản sắc được nhìn nhận dưới góc nhìn của tính vô số và tính bổ sung, ảnh hưởng lẫn nhau của các loại bản sắc. Chính vì vậy, để tránh xung đột giữa các nền văn hóa, toàn cầu hóa vẫn phải tôn trọng bản sắc riêng của mỗi nền văn hóa và vì thế đa dạng văn hóa là một sự tồn tại tất yếu bên cạnh toàn cầu hóa. Đa dạng văn hóa chính là bảo tồn những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, được xem như là một cách thức để phát triển và bảo vệ các nền văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa chung của nhân loại.

Đa dạng văn hóa đã trở thành điều kiện tồn tại và phát triển không chỉ của văn hóa mà còn của cả kinh tế, xã hội, của mỗi dân tộc, là động lực quan trọng của sự phát triển. Đa dạng văn hóa là điều kiện tiên quyết để từng nhóm người, từng dân tộc bộc lộ và phát huy hết năng lực sáng tạo độc đáo của mình trong quá trình sản xuất các giá trị mới về vật chất cũng như tinh thần. Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh đang là yêu cầu quan trọng bậc nhất nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Nhất thể hóa, đồng dạng hóa các giá trị văn hóa theo một khuôn mẫu cố định là triệt tiêu động lực phát triển, triệt tiêu năng lực sáng tạo, sự tương tác giữa các nền văn hóa là tiền đề cho sự phát triển. Biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng có nghĩa là biết tôn trọng khoan dung với sự khác biệt văn hóa của các dân tộc khác. Điều này có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong một thế giới đang bị chia rẽ bởi những xung đột sắc tộc, xung đột tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa. Do đó, trong quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa, di sản văn hóa vật chất và tinh thần của một dân tộc được bảo vệ và tôn vinh không chỉ vì lợi ích của dân tộc đó, mà còn vì lợi ích của cả nhân loại.

Đa dạng văn hóa cũng đồng thời củng cố tính thống nhất của mỗi nền văn hóa. Đa dạng văn hóa trong toàn cầu hóa văn hóa một mặt duy trì, củng cố, hiện đại hóa văn hóa dân tộc, phát huy bản sắc của văn hóa dân tộc, mặt khác, tiếp thu tất cả những gì tiên tiến, hiện đại của các dân tộc khác để làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, có thể nói, đa dạng văn hóa là phương thức hữu hiệu để bảo tồn và phát triển văn hóa.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra vấn đề đa dạng văn hóa. Lịch sử Việt Nam, qua tiếp xúc, giao lưu với các nền văn minh khác, đã cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống, không những không bị đồng hóa mà còn ngày càng thống nhất. Một dấu mốc quan trọng là việc nước ta từ năm 2005 đã tham gia ký kết Công ước về đa dạng văn hóa. Đối với một nước mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như Việt Nam, điều cần hết sức lưu ý là, khác với việc dần dần từ bỏ sự bảo hộ đối với các sản phẩm công, nông nghiệp, mở cửa các thị trường, riêng trong lĩnh vực văn hóa, cần kiên trì nguyên tắc bảo hộ đối với các sản phẩm của nền công nghiệp văn hóa. Bởi sản phẩm văn hóa không phải là một hàng hóa thông thường mà trước hết là một sản phẩm mang giá trị tinh thần đặc trưng cho mỗi nhóm người, mỗi dân tộc. Nhà nước cần đóng vai trò xác lập và định hướng phát triển cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Điều cần thiết là phải phân biệt được những gì cần gìn giữ, phát huy; những gì đã lạc hậu, lỗi thời cần loại bỏ dần để đầu tư phát triển văn hóa của quốc gia. “Khuyến cáo của UNESCO đã nêu rõ Chính phủ các nước cần có sự đầu tư cho văn hóa không dưới 2% tổng thu nhập quốc dân. Đây là một yêu cầu rất cao mà không phải quốc gia nào cũng thực hiện được”(2). Đầu tư của nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc (vật thể và phi vật thể), tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân ở mọi vùng miền của đất nước, xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, tiến hành các biện pháp nhằm xóa mù công nghệ thông tin để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các nền văn hóa khác. Nhà nước cần xác lập định hướng đúng đắn cho sự phát triển văn hóa, hoạch định các chính sách văn hóa trên từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, đảm bảo phát triển kinh tế và văn hóa luôn song hành, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa nằm trong tầm kiểm soát nhằm phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, toàn dân tộc và của mỗi nhóm người. Đó cũng chính là các biện pháp nâng cao năng lực nội sinh của nền văn hóa nhằm chủ động hội nhập và phát triển.

Trong thời gian qua, nhà nước đã sử dụng mọi phương tiện, từ giáo dục đến hệ thống truyền thông đại chúng vào việc tuyên truyền, quảng bá thường xuyên cho mọi người dân nhận thức được tầm quan trọng của giao lưu văn hóa và đa dạng văn hóa trong sự phát triển chung của xã hội. Đồng thời ngoài những chính sách ưu đãi phát triển văn hóa mang tính khu vực, việc tổ chức những ngày văn hóa Chăm, Khơme, Tây Bắc, Đông Bắc… ở Hà Nội và một số tỉnh, thành thời gian qua chính là một cách khơi dậy bản sắc văn hóa riêng đặc sắc của các dân tộc, tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc sử dụng văn hóa bản địa và sự chủ động tham gia tích cực của người dân vào việc thiết kế giáo cụ hay cải biên các nội dung chương trình giáo dục cho con em người dân tộc thiểu số đã bước đầu mang lại kết quả khả quan. Chính vì vậy, nhà nước và các cơ quan hữu quan cần xem xét đẩy mạnh việc lồng ghép kiến thức bản địa và văn hóa vào các chương trình giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở, khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được đào tạo, có hiểu biết về đa dạng văn hóa, kích thích niềm tự hào về văn hóa của mình ở người dân tộc thiểu số, tạo động lực và nâng cao sự tự tin của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa cũng như thực hiện các dự án phát triển. Các chương trình phát triển nói chung và bảo tồn văn hóa nói riêng phải lấy cộng đồng làm chủ thể; mọi hỗ trợ về thiết chế văn hóa cần phải phù hợp với cộng đồng và để cộng đồng quyết định về tính phù hợp. Các chương trình nên giao trực tiếp cho cộng đồng thực hiện, tránh việc áp đặt văn hóa, đưa vào đó những văn hóa quá xa rời với văn hóa cộng đồng.

Xu thế toàn cầu hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, cấu trúc không gian của thế giới thay đổi, sự liên thông cả về không gian và thời gian có nhiều thuận lợi cho sự giao tiếp của các nền văn hóa. Mỗi khu vực trên hành tinh đều đang trở thành đa dạng văn hóa và sức mạnh của sự đa dạng đang được phát huy cao độ trong ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Mỗi nền văn hóa đều chứa đựng những sức mạnh riêng và đóng góp cho sự phát triển của loài người theo những cách khác nhau. Đối thoại giữa các nền văn hóa chẳng những tăng cường nâng cao sự hiểu biết mà còn tạo cơ hội cho các nền văn hóa hợp tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa, mở ra những cơ hội mới cho các nền văn hóa hiểu rõ hơn về nền văn hóa của quốc gia, dân tộc mình tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội. Sự nỗ lực phát huy tiềm năng, tăng cường nội lực cho văn hóa sẽ tạo một tư thế mới để Việt Nam có thể phát triển một cách bình đẳng và sáng tạo trong xu thế hội nhập toàn cầu.

_______________

1. Đa dạng văn hóa đem lại thành công kinh tế, news.vnanet.vn ngày 29-10-2009

2. Phan Hồng Giang, Nhà nước và sự đa dạng văn hóa, Vietnam.net ngày 26-8-2010.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Nguyễn Thị Đức

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *