1. Đôi nét về hoạt động thanh niên tình nguyện
Tình nguyện là sự tự nguyện, sẵn lòng đóng góp thời gian, kỹ năng, kiến thức của mỗi cá nhân để giúp đỡ cộng đồng mà không đòi hỏi lợi ích. Hoạt động thanh niên tình nguyện là loại hình hoạt động mang tính ủng hộ xã hội. Đây là hoạt động phong trào biểu hiện rõ nhất tính xung kích của thanh niên do đoàn phát động và tổ chức. Khởi nguyên của phong trào này là phong trào Ánh sáng văn hóa hè do Thành đoàn TP.HCM phát động năm 1994 với sự tham gia của khoảng 700 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn 11 xã sau đó lan ra toàn quốc. Đến năm 1999, phong trào chính thức mang tên phong trào Thanh niên tình nguyện với cuộc ra quân đầu tiên từ Thành đoàn Hà Nội. Từ năm 2000, Trung ương Ðoàn đã chính thức phát động phong trào này ở quy mô toàn quốc. Hiện nay, phong trào này đã trở thành một trong những hoạt động thường xuyên, sôi nổi, tiêu biểu, thu hút đông đảo thanh niên tham gia, nhất là học sinh, sinh viên. Tính tới thời điểm hiện tại, ở tất cả 63 tỉnh, thành đoàn và các đoàn trực thuộc đều đang triển khai các hoạt động thanh niên tình nguyện. Nhiều hoạt động là điểm sáng, mang đến diện mạo mới cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Đồng thời, phong trào thanh niên tình nguyện còn góp phần thể hiện và nâng cao vai trò của thanh niên với tinh thần xung phong, tình nguyện, ý chí quyết tâm cống hiến cho tổ quốc, hy sinh vì đất nước và phục vụ cộng đồng. Nhiều hoạt động tình nguyện nổi bật như: tháng thanh niên, chiến dịch tình nguyện hè, chương trình tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, hiến máu nhân đạo… với nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu, thực tiễn của từng địa phương. Các đội hình, lực lượng thanh niên tình nguyện chuyên sâu gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên, sinh viên được phát triển tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phong trào thanh niên tình nguyện phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút hàng chục triệu thanh niên tham gia, có sức sống lâu bền trong thanh niên, tạo được dấu ấn đậm nét với xã hội. Thông qua đó, thanh niên đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Thông qua phong trào, thanh niên có điều kiện để được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
2. Biểu hiện của tính dân tộc trong hoạt động thanh niên tình nguyện
Trong cuốn Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, tác giả Trần Văn Giàu đã nêu lên 7 giá trị truyền thống của Việt Nam là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Trong đó, giá trị thương người, vì nghĩa thể hiện mối quan hệ tích cực giữa con người với con người và cộng đồng.
Theo ông Phan Ngọc (1) thì văn hóa trước hết được biểu hiện ở nhân cách làm thành bản sắc của con người với tư cách một thành viên của tập thể cộng đồng nhất định. Nó là tập hợp những cách ứng xử trở thành tự nhiên, dù ý thức được hay không, tổng các quan hệ giữa con người với thiên nhiên và xã hội (gia đình, làng xóm…). Đó là linh hồn, cái ít thay đổi trong vô vàn của biểu hiện văn hóa. Nhân cách Việt Nam trước hết tiêu biểu ở tinh thần trách nhiệm sống vì người khác hơn vì mình và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở đó, trách nhiệm với cả người sống lẫn người chết, cả với hiện tại, quá khứ và tương lai.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã liệt kê những giá trị bền vững được hun đúc trong lịch sử trường kỳ của dân tộc là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng – nước, lòng nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý… (2). Đây là những giá trị văn hóa đã hình thành và phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo thành truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam. Chúng trở thành tình cảm tự nhiên, triết lý sống, lối tư duy và ứng xử. Lòng nhân ái sớm được hình thành ngay buổi đầu dựng nước. Trong văn hóa Việt Nam, lòng nhân ái là một tình cảm đạo đức lớn, có nét đẹp riêng và là một giá trị văn hóa rất cơ bản trong hệ giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của người Việt. Lòng nhân ái là yêu thương con người, đối xử với con người theo lẽ phải. Thương người là một đức tính lớn, biểu hiện khác nhau về nội dung nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét riêng, là cơ sở quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng xã hội.
Soi chiếu những đặc điểm đặc trưng của tính dân tộc Việt Nam biểu hiện trong nền văn hóa nghìn năm văn hiến, có thể thấy hoạt động tình nguyện của thanh niên mang nhiều màu sắc của tính dân tộc Việt Nam.
Trước hết, hoạt động thanh niên tình nguyện với ý nghĩa cao đẹp là giúp đỡ con người, mang đến những lợi ích cho người khác. Hành động này thể hiện tính người – phẩm chất đầu tiên của con người nói chung và của thanh niên nói riêng. Chính phẩm chất này đã làm cho thanh niên biết yêu thương, chia sẻ, thông cảm, đồng cảm, tương thân tương ái và truyền cảm hứng đó vào các hoạt động thanh niên tình nguyện mà các bạn tham gia. Những buổi lễ thắp nến tri ân, dâng hương, hoa tưởng nhớ anh hùng, liệt sỹ nhân dịp 27-7 hàng năm; chăm sóc các khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ; chăm sóc, tặng quà, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; thăm, tặng quà cho các gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; bổ túc văn hóa cho người dân trên đảo và các xã biên giới… đã được thanh niên duy trì và thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Các hành động này giúp thanh niên có điều kiện tri ân với những người có công với dân tộc, trong đó có nhiều người đang còn sống và có những người đã hy sinh vì độc lập chủ quyền dân tộc.
Ở một khía cạnh khác, văn hóa Việt Nam đặc trưng bởi tính cố kết cộng đồng khá chặt chẽ. Con người Việt Nam luôn sống vì cộng đồng, đề cao tinh thần tập thể. Tinh thần cố kết, đoàn kết này giúp cho dân tộc ta đánh đuổi thành công các loại giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi của tổ quốc. Không chỉ biểu hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, hoạt động tình nguyện của thanh niên còn thể hiện trách nhiệm xã hội cao quý. Trách nhiệm xã hội thể hiện ở việc thanh niên tự nguyện hoàn thành những nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp công sức bảo vệ phát triển xã hội, từ ngay trong gia đình, đến hàng xóm, láng giềng mà xa hơn là với quốc gia, dân tộc. Trách nhiệm xã hội còn là sự quan tâm, đóng góp xây dựng xã hội. Những hoạt động như: tham gia sửa chữa, xây mới cầu giao thông, đường giao thông nông thôn; tham gia xây dựng tuyến phố văn minh, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng đường nông thôn; xây dựng, di dời các bể thu gom rác thải, nhà tiêu, bảo vệ môi trường; tổ chức các lớp xóa mù chữ, bồi dưỡng kiến thức; hỗ trợ, tư vấn thanh niên nông thôn làm kinh tế, phát triển tổ hợp tác thanh niên, các mô hình liên kết làm kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; công trình giao thông nông thôn; lắp đặt hệ thống máy lọc nước cho đồn biên phòng, trường học, trạm xá; xây dựng phòng học, sân chơi cho thiếu nhi… đã góp phần vào công cuộc làm giàu làm đẹp cho địa phương, đất nước. Tình nguyện vì cộng đồng đã trở thành phẩm chất đặc trưng mang tính nhân văn nổi bật của tuổi trẻ, thể hiện tình yêu thương, lòng chia sẻ, bao dung và trách nhiệm giữa con người với con người.
Tính dân tộc còn được biểu hiện trong năng lực sáng tạo của thanh niên ở các hoạt động tình nguyện. Ở mỗi hoạt động của từng thời điểm, giai đoạn, địa phương… thanh niên lại có những cách làm hay phù hợp và hiệu quả. Chẳng hạn như: thanh niên tham gia vào các hoạt động tình nguyện hỗ trợ địa phương chịu ảnh hưởng của xâm thực mặn, hạn hán tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ trong phòng chống và giải quyết hậu quả thiệt hại của bão lũ tại khu vực Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung du Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng; các hoạt động tình nguyện hướng về biên giới, biển đảo như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… Chính những sáng tạo này góp phần vào quá trình hình thành văn hóa thanh niên, vừa mang những nét chung của văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa mang nét đặc thù của tuổi trẻ.
Như vậy, các hoạt động tình nguyện không chỉ mang những nét đặc trưng riêng của thanh niên mà hơn hết, thấm nhuần tinh thần, tính dân tộc một cách sâu sắc. Thông qua các hoạt động tình nguyện, thanh niên đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, trên cơ sở đó phát huy, sáng tạo những giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống quý báu của dân tộc. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, hoạt động tình nguyện của thanh niên sẽ được quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan, bộ ngành, tổ chức xã hội, đặc biệt là từ phía tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để hoạt động này được nhân rộng, lan tỏa hơn nữa trong thanh niên, khích lệ tinh thần dân tộc của mỗi thanh niên trong việc thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với đất nước.
_______________
1. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017
Tác giả : NGUYỄN TUẤN ANH
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn