Biểu tượng ngựa trong văn hóa và ngôn ngữ


 

Từ xa xưa, ngựa là loài vật gắn liền với chiến tranh, với hình ảnh của những kỵ sĩ, hiệp sĩ phương Tây và các dũng sĩ, chiến binh của miền thảo nguyên Mông Cổ. Đối với văn hóa phương Tây, ngựa gắn liền với tư duy huyền thoại và tâm linh tôn giáo. Trong văn hóa phương Đông, ngựa là một trong 12 con giáp, được xếp vào hành hỏa và phương vị tương ứng của nó là phương nam. Ngựa còn là biểu tượng cho tài lộc, kiêu hãnh và tự do. Đối với người Việt, ngựa là hình tượng đặc trưng của phương bắc. Trong nghệ thuật, ngựa hóa thân vào huyền thoại, ít nhiều mang màu sắc tôn giáo.

Trong tín ngưỡng, người nguyên thủy liên hệ ngựa với bóng tối cõi âm ty, nơi nó đột nhiên xuất hiện, phi như máu chảy trong mạch, từ lòng đất hoặc từ biển thẳm lên cõi dương. Là con đẻ của bóng đêm và sự huyền bí, con ngựa nguyên mẫu ấy cùng một lúc mang đến cái chết và sự sống, liên quan tới lửa, sức mạnh phá hủy và chiến thắng, hoặc nước, nguyên tố nuôi dưỡng và làm chết ngạt. Sự lĩnh hội nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau ấy bắt nguồn từ hàm nghĩa phức hợp của những hình tượng âm tính vĩ đại như đất, mặt trăng, nước… Người ta có thể tìm thấy con ngựa của bóng tối, của những ma lực với con ngựa thần trong truyền thống tôn giáo Saman ở thảo nguyên Trung Á (ngựa thần Tchal Kouirouk). Biểu tượng người hóa ngựa biểu trưng cho kẻ bị ma ám và người đã được khai tâm thụ pháp trong nhiều tôn giáo (con ngựa của thần Loa ở châu Phi và Braxin). Ngựa là con vật được dùng hiến tế thần linh, một lễ tục xuất hiện trong nghi lễ tôn giáo. Ngựa biểu trưng cho thần linh của nước, cũng có thể được xem như một hóa thân hay một trợ thủ của thần mưa. Ngựa, con tuấn mã của mặt trời, là những con ngựa kéo cỗ xe mặt trời và được cung hiến cho mặt trời, là biểu hiệu của thần Apollon với tư cách người lái cỗ xe mặt trời. Ngựa trắng biểu trưng cho sự uy nghi, oai vệ, tột đỉnh của mọi sự thăng hoa, là vật cưỡi của các anh hùng, thánh nhân.

Từ mẫu gốc văn hóa nhân loại, mỗi dân tộc lại liên tưởng đến những khía cạnh, tính chất khác nhau về biểu tượng ngựa. Trong đời sống văn hóa, biểu tượng ngựa mang một sức sống mãnh liệt trong ký ức mỗi dân tộc. Người ta không bao giờ quên hình ảnh con ngựa trắng có cánh Pegasus của Zeus, con ngựa thành Troys trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, con ngựa đỏ (ngựa xích thố) của Quan Công trong Tam quốc diễn nghĩa, và cũng không thể không nhớ tới hình ảnh con ngựa trắng uy nghiêm của Thánh Gióng trong tư duy huyền thoại của Việt Nam. Quả thật, từ đông sang tây, tự cổ chí kim, ngựa đã trở thành một biểu tượng xuyên văn hóa, có sức mạnh biểu trưng phong phú và đa dạng, tạo nên những điểm nhấn tư duy trong sự tri nhận của mỗi tộc người, gắn với mỗi nền văn hóa khác nhau.

Ngôn ngữ là linh hồn, là tấm gương phản chiếu đặc trưng văn hóa xã hội của một tộc người, một dân tộc. Đời sống của từ ngữ gắn liền với đời sống sinh hoạt của xã hội, hình thành những biểu tượng ngôn từ trong giao tiếp. Do tính biểu trưng của ngựa trong đời sống xã hội mà tiếng Việt có từ ngựa xe và những thành ngữ: lên xe xuống ngựa, ngựa xe như nước… để tả cảnh phồn hoa đô thị. Tiếng Việt có ba từ cùng quy chiếu đến con ngựa, đó là: ngựa, ngọ, mã. Hoạt động của chúng trong giao tiếp cho thấy sự tiếp xúc ngôn ngữ – văn hóa đa chiều, đa diện của tiếng Việt, người Việt.

Ngựa là một từ thuần Việt, vì vậy, những từ ngữ, câu nói liên quan tới ngựa mang tính biểu trưng đều có nguồn gốc phương nam và văn hóa Việt Nam. Tiếng Việt sản sinh hàng loạt từ ngữ biểu thị tính cách con người liên quan tới ngựa: ngựa chứng, ngựa hý, ngựa hoang, ngựa theo đường cũ, ngựa bất kham, vành móng ngựa, thân trâu ngựa, kiếp trâu ngựa, thẳng ruột ngựa, ngựa non háu đá, đường dài mới hay sức ngựa, cưỡi ngựa xem hoa

Chữ 馬 (ngựa) trong Hán văn là chữ tượng hình, phác họa hình dáng của ngựa. là một từ Hán Việt, có nguồn gốc phương bắc, vốn xuất phát từ nền văn minh du mục và nông nghiệp cạn, những cuộc di chuyển trên thảo nguyên bao la hay trên những con đường thiên lý đòi hỏi họ phải quý trọng con ngựa. Nam di chu, Bắc di mã (người phương nam di chuyển bằng thuyền, người phương bắc di chuyển bằng ngựa) là một minh chứng sống động nhất. Vì thế, người phương bắc dùng nhiều mỹ từ để diễn tả con ngựa, nào là tuấn mã, kim mã, nào là bạch mã, long mã và gắn ngựa với ý nghĩa may mắn:  đáo thành công. Khi xử lý một tên tội đồ, người ta dùng chiêu tứ mã phanh thây. Khi nói về kinh nghiệm đường đời, họ nói lão mã thức đồ (ngựa già biết rõ đường đi lối về)… Như vậy, những từ ngữ, câu nói liên quan tới từ trong tiếng Việt đều có nguồn gốc phương bắc hoặc do tiếp xúc với văn hóa phương bắc mà thành. Những cách nói hoa mỹ như: thiên lý mã để chỉ những con ngựa chạy nhanh nghìn dặm, lạm phát phi mã (chỉ sự lạm phát không kiềm chế nổi), đơn thương độc mã (một mình chống lại khó khăn, không có sự trợ giúp của ai)… đều là sản phẩm của sự giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ.

Ngọ trong tiếng Việt cũng được hiểu là ngựa. Chúng ta chưa có dịp để bàn kỹ hơn vì sao ngọ lại là ngựa hay ngựa có nguồn gốc từ ngọ, song có một điều chắc chắn rằng, từ xa xưa, người ta đã dùng chữ ngọ để biểu thị cho ngựa. Năm ngọ là năm con ngựa. Có giả thuyết rằng, chữ ngọ () là chữ tượng hình cho dây cương, từ đó mở rộng nghĩa để chỉ con ngựa. Có người lại hiểu ngựa là biểu tượng cho mặt trời, thuộc dương hỏa, tượng trưng cho sức nóng. Đó là lỹ do vì sao trong một ngày giờ nóng nhất (giữa trưa) được biểu thị bằng giờ ngọ, trong một năm, tháng nóng nhất được biểu thị bằng tháng ngọ, có tết Đoan ngọ. Ngọ còn có cách đọc khác là ngũ. Ngọ, ngũ đều là là âm Hán Việt của, ngọ là âm xưa từ đời Hán, còn ngũ là âm từ đời Đường, thuộc hệ thống ngữ âm Hán Việt hiện đại nhưng không dùng phổ biến nên ít được biết đến.

Ngựa là con vật chạy nhanh, nên được dùng biểu trưng cho sự nhanh nhẹn, sức dẻo dai, bền bỉ. Để diễn tả một hành động được tiến hành nhanh chóng, ngoài các thành ngữ nhanh như sóc, nhanh như cắt, người Việt liên tưởng đến ngựa: nhanh như ngựa, chạy như ngựa, nhanh như ngựa chạy trạm… Sự nhanh nhẹn là đặc tính vốn có của loài ngựa, do đó, dân gian đã ví ngựa chạy nhanh đến nỗi đuổi kịp gió qua thành ngữ: ngựa truy phong. Thành ngữ này đã được Nguyễn Du vận dụng trong Truyện Kiều: “Rằng: ta có ngựa truy phong”. Ngoài sự nhanh nhẹn, ngựa còn là loài vật có sự bền bỉ. Ngày xưa, xe ngựa là một phương tiện giao thông chủ yếu. Từ thực tế cuộc sống, người Việt đã đúc rút nên những kinh nghiệm sống qua tính chất của loài ngựa: ngựa mạnh chẳng quản đường dài, đường dài mới hay sức ngựa với hàm ý cần phải có thử thách lâu dài thì mới biết đúng được bản chất con người.

Ngựa còn biểu trưng cho sự ngạo mạn, sự phản bội và bất trị. Người Việt rất tinh tế trong cách nhìn nhận và đánh giá con người. Để biểu trưng cho sự ngạo mạn, kiêu căng, thích đối đầu nhưng không lượng được sức mình, người Việt dùng hình ảnh ngựa non háu đá hay ngựa con háu đá. Khi muốn biểu đạt những sai lầm lặp lại đáng tiếc do thói quen khó bỏ, dân gian lại liên tưởng đến hình ảnh ngựa quen đường cũ, ngựa chạy đường quay. Ngựa là loài có nhiều tật chứng nên nó cũng được dùng cho sự phản bội người đã nâng đỡ, che chở mình: ngựa phản chủ, thay ngựa đổi chủ. Hơn nữa, ngựa còn là con vật khó thuần dưỡng nên người có tính ương bướng, ăn chơi lêu lổng được ví với ngựa bất kham. Đối với loài ngựa, người chủ phải có dây cương để điều khiển và quản giáo, do vậy, trong xã hội cũ, người vợ bị người chồng áp bức, quản thúc, chịu nhiều sự ràng buộc về luân thường đạo lý nên có cách nói: có chồng như ngựa có cương.

Ngựa biểu trưng cho sự xa xôi cách trở ngàn trùng. Ngựa gắn liền với lính chiến và trận mạc, với chốn xa xôi cách trở ngàn trùng, nơi biên ải. Cảnh dặm nghìn da ngựa luôn gợi liên tưởng đến sự xông pha nơi chiến trường, vất vả khó khăn, cũng là nơi thử thách chí làm trai thời chinh chiến: Chí làm trai dặm nghìn da ngựa (Chinh phụ ngâm), hoặc không ngại cảnh da ngựa bọc thây, cũng như cảnh chia ly ngựa Hồ, chim Việt.

Tất cả những đấng nam nhi đi qua cuộc đời Kiều đều hơn một lần ngồi trên lưng ngựa. Kim Trọng cưỡi ngựa đeo chuông, Sở Khanh cưỡi ngựa truy phong, Từ Hải cưỡi ngựa chiến đeo gươm… Nguyễn Du đã dùng tới 13 lần trong 12 câu để khắc họa những con ngựa rất tài hoa. Từ cảnh đông vui ngựa xe như nước, áo quần như nêm, song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn, cảnh khách đà xuống ngựa đến nơi tự tình, khách đà lên ngựa, người còn ghé theo đến tâm thế uy nghiêm của đấng nam nhi trên yên ngựa: Rằng: ta có ngựa truy phong, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong. Nhưng có lẽ, hình ảnh chủ đạo trong Truyện Kiều là con ngựa của sự biệt ly và cách trở nghìn trùng: Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Khám phá ý nghĩa biểu trưng của ngựa trong ngôn ngữ và văn hóa là con đường tìm về những liên tưởng thú vị nhất về loài vật này trong tâm thức Việt. Ngựa gần gũi với cuộc sống con người, nên quá trình biểu trưng hóa ngựa là tính cách, tình cảm, số phận của con người, lẽ dĩ nhiên, là sự liên tưởng đầy tính nhân văn và nghiệm thân. Trong cuộc đời, cầu mong cho mọi người thoát cảnh làm thân trâu ngựa, kiếp trâu ngựa, tránh xa vành móng ngựa và những kẻ đầu trâu mặt ngựa để cùng nhau đoàn kết, tương thân, một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Nghĩ về biểu tượng ngựa trong văn hóa và ngôn ngữ, chúng tôi cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa trong thế giới biểu tượng phong phú và huyền bí. Cổ nhân đã dạy: muốn đi xa phải giữ gìn sức ngựa, dẫu rằng nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy (một lời nói ra bốn ngựa khó theo) nhưng với tấm lòng thẳng như ruột ngựa, kính chúc mọi người một năm mới Giáp Ngọ mã đáo thành công.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Trần Văn Sáng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *