Heghen từng nhấn mạnh: “Các dân tộc đã ký thác vào sáng tác nghệ thuật những chiêm ngưỡng nội tâm, những biểu tượng của mình. Nghệ thuật thường là chìa khóa, ở một vài dân tộc, đó là cái chìa khóa duy nhất để tìm hiểu sự khôn ngoan, sáng suốt, tôn giáo của họ” (1). Các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đã xây dựng những biểu tượng nghệ thuật, văn hóa trong những tác phẩm của mình. Hệ thống biểu tượng đó thường thuộc về thiên nhiên, con người. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nghiên cứu những biểu tượng thiên nhiên. Tuy nhiên, giữa con người với thiên nhiên luôn có những mối liên hệ không thể tách rời, do đó biểu tượng thiên nhiên suy cho cùng đều mang ý nghĩa văn hóa, phản ánh những vấn đề thuộc về đời sống con người.
Biểu tượng rừng cùng biến thể của nó
Với người dân miền núi phía Bắc, rừng là nơi họ sinh ra, lớn lên, gắn bó cả cuộc đời mình. Sống với rừng, thân thiết, yêu quý, hiểu rừng, song với họ, rừng vẫn còn vô vàn những điều kỳ bí, thiêng liêng mà họ chưa thể nào nắm bắt, giải thích hết được. Vì vậy, rừng không chỉ là môi trường sống, tài nguyên, vật chất hiện hữu mà còn là một biểu tượng tâm linh.
Trước hết, rừng là biểu tượng cho sự thiêng liêng, kỳ bí. Người dân miền núi với tín ngưỡng bách thần quan niệm vạn vật hữu linh, rừng cũng có linh hồn nên thường được gán cho những điều tâm linh, huyền bí, cao siêu như rừng thiêng, rừng cấm… Họ đối đãi với rừng như một người con đối với người mẹ vĩ đại, như một người trần mắt thịt với một vị thần đầy quyền năng. Người Mông có lễ nào sồng, là nghi lễ đặc biệt, cùng nhau cam kết bảo vệ rừng, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ vật nuôi. Người Thái quan niệm rừng là chốn linh thiêng, là nơi được cai quản bởi các vị thánh thần, ma mường của mường Sinh; họ có phong tục kiêng cúng mường, ngày kiêng không được vào rừng. Phần lớn các dân tộc đều quan niệm con người phải thành kính với rừng, nếu có những hành động xúc phạm rừng như đốt lửa, phóng uế trong rừng thì thánh thần sẽ nổi giận, trừng phạt.
Rừng còn là biểu tượng cho sự thanh sạch, trong lành. Ma Trường Nguyên trong Mũi tên ám khói đã xây dựng biểu tượng rừng Khau Dạ vừa nên thơ, trữ tình, vừa là nơi thiêng liêng để thanh lọc tâm hồn con người, để lòng người trần thế khỏi bị vẩn đục. Rừng còn là biểu tượng cho cội nguồn của con người. Mảnh đất đại ngàn là nơi con người hướng về, cảm thấy bình yên. Rừng xanh mang đến cho những người con của núi cảm thấy yên tâm, thư thái. Thức trong Đàn trời của Cao Duy Sơn, sau bao biến động thăng trầm của số phận chỉ muốn trở về rừng núi Phja Đeng, ở đó anh cảm thấy mình được bảo vệ, chở che, được là chính mình. Rừng tồn tại trong tâm thức của con người miền núi như một biểu tượng tâm linh vô cùng thiêng liêng, là cội rễ bền chặt trong lòng người, gốc rễ của sự sống, nơi những người con của núi, dù ở bất cứ phương trời nào cũng đau đáu hướng về đầy tin yêu, thành khẩn.
Biến thể của rừng là biểu tượng cây. Những loài cây sống ở rừng trở thành những biểu tượng sống động về con người, cuộc sống vùng cao. Tuy nhiên, mỗi nhà văn lại có sự lựa chọn của riêng mình trong việc xây dựng biểu tượng các loài cây, gắn với quan niệm, tâm thức riêng của từng cộng đồng người. Đến với Gió Mù Căng của Hà Lâm Kỳ, người đọc bắt gặp biểu tượng cây thông, loài cây gắn bó với cuộc sống người Mông. Không chỉ gắn bó với con người trong đời sống vật chất, cây thông còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần, văn hóa của dân tộc này. Cây thông trong quan niệm tâm linh của người Mông ở Mù Căng là loại cây thiêng, cây nhà trời. Sáy Tu, già làng Seo Pả chống lại thống lý Vàng Sống Chua được ví như một cây sơn tra đầy gai bên cạnh gốc thông già ráp vỏ, quyết liệt, thách thức. Cây thông là đại diện cho già làng, người tập trung sức mạnh của tình đoàn kết, kết nối các thế hệ người Mông. Còn thế hệ trẻ được ví như lớp cây thông non đang ngày một lớn lên, tôi luyện ý chí để trưởng thành, kế tục, phát huy truyền thống của các thế hệ người Mông kiên cường.
Cây lanh là biểu tượng thuộc về văn hóa tâm linh của người Mông. Lanh là biểu tượng của tình yêu, như vật đính ước thiêng liêng giữa chàng trai với cô gái: “Sáy Tu tháo sợi lanh trên khuy áo âu yếm buộc vào cổ tay tròn lẳn của người con gái Mù Căng; phụ nữ Mông có lẽ chỉ lúc ngủ là đôi bàn tay không làm việc mà thôi” (2).
Trong Rễ người dài của Ma Trường Nguyên, một lần nữa người đọc lại được khám phá ý nghĩa của biểu tượng cây trong quan niệm của người Tày gắn với một triết lý sống hướng về nguồn cội. Lời ông lão Pềnh căn dặn Diêu Ly cùng mọi người chính là câu nói dồn tụ tư tưởng chủ đề của tác phẩm, giúp người đọc nắm được chìa khóa để đi vào khám phá chiều sâu của biểu tượng rễ người, cũng là chiều sâu văn hóa của cội nguồn dân tộc. “Con là cái rễ đi ăn xa của cội hồn người. Con đã biết quay về tìm rễ cội, rễ gốc của con. Con đã làm như lời răn dạy của cha ông người Tày ta ngày xưa truyền lại: rễ cây ngắn, rễ người dài. Cây rừng sống được nhờ rễ. Con người ta sống được nhờ tình yêu, nhờ nhân nghĩa nhờ linh hồn bám rễ sâu xa đến mọi linh hồn khác” (3).
Biểu tượng sông cùng biến thể của nó
Lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại cho thấy con người không thể sống thiếu nguồn nước, bởi vậy, mỗi nền văn minh, mỗi dân tộc đều sinh sống, phát triển trên phạm vi xung quanh một dòng sông. Ở mỗi nơi, con người lại có những quan niệm, tín ngưỡng riêng dành cho nguồn sống ấy.
Trước hết, dòng sông là biểu tượng cho khả năng của vạn vật, của tính lưu chuyển mọi dạng thể. Dòng sông gắn với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, gắn liền với sự tan hợp, chia ly, đoàn tụ. Con sông Dâng xuất hiện trong những hồi ức về quá khứ đau thương, hãi hùng, nhờ có dòng sông mẹ chở che, bao bọc mà Phán Sẩu giữ lại được mạng sống của mình. Ý nghĩa thứ hai của con sông là sự lãng quên, hối tiếc. Con sông Dâng trong Đàn trời của Cao Duy Sơn gắn bó chặt chẽ với mối tình Vương với Diệu. Sông Dâng là nơi lưu giữ bao kỷ niệm của tình yêu đẹp đẽ, nơi họ trao nhau nụ hôn đầu, gửi gắm những yêu thương, tin cậy trong quá khứ; cũng là nơi họ vẫn tìm về với những ký ức thẳm sâu mãi mãi chẳng thể nguôi ngoai. Sông còn là biểu tượng hướng đến mẫu mẹ, nuôi dưỡng tinh thần con người, gợi nhắc sự thiêng liêng, trong sạch, thanh lọc tâm hồn con người. Dòng sông là sự xoa dịu, nơi có khả năng chữa lành vết thương tinh thần. Cho nên, khi đau đớn, tuyệt vọng, Vương, Diệu lại tìm ra nơi dòng sông êm đềm chảy. Dòng sông Dâng êm đềm như vỗ về, an ủi, lặng lẽ xoa dịu những nỗi đau, khiến con người như vơi bớt những nỗi u sầu, tìm lại được sự thư thái, cân bằng để bước tiếp trên đường đời còn nhiều chông gai, thử thách. Mạc trong Cực lạc của Cao Duy Sơn, sau những tháng ngày sống vật vờ của kẻ điên, khi tỉnh táo, việc đầu tiên Mạc nghĩ tới là ra sông Quy tắm, sự thay đổi bề ngoài sẽ giúp anh ta đến với mọi người dễ dàng hơn. Qua biểu tượng dòng sông, nhà văn gửi gắm những triết lý, chiêm nghiệm, trăn trở về cuộc đời. Giọng văn thâm trầm đã giúp Cao Duy Sơn khái quát nên một quy luật về sự biến đổi vô thường của đời sống con người với những đổi thay, thăng trầm, biến cố.
Biến thể của sông là biểu tượng thác. Câu chuyện cổ mang màu sắc huyền thoại được Ké Đông kể cho cháu Đà nghe ở Mũi tên ám khói của Ma Trường Nguyên giúp người đọc hiểu rằng trong quan niệm tâm linh của người dân miền núi, thác là đường lên trời. Con suối Khuôn chảy từ lòng trời đầy mây đổ xuống vùng đất cằn khô, sinh sôi nảy lộc thành rừng đại ngàn. Nước từ dòng suối nơi cửa trời chảy đi cho con người cày cấy lúa ngô. Thác còn là biểu tượng của sự hồi sinh. Chàng trai nghèo có mẹ ốm nặng, đi tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, đã ngược dòng suối đi mãi đến vùng nước dựng trắng xóa, xối ầm ầm. Khi mở mắt ra chàng đã thấy mình ở bên kia thác, là xứ mường tiên cổ tích, nơi chàng gặp gỡ, yêu mến con gái Ngọc hoàng. Sau khi tổ chức đám cưới, hai vợ chồng bay về mường Cốc Tát, cảnh vật ở trần gian đã đổi thay: mặt đất núi rừng trơ trụi tan hoang, dòng suối cạn khô. Nàng tiên định đưa chồng quay trở lại mường Tiên, nhưng chàng trai không muốn. Nàng khóc thảm thiết, nước mắt tuôn như mưa. Tự nhiên, suối đang cạn khô nước lại đầy dòng, thác đổ ầm ầm. Dòng nước chảy đến đâu vạn vật hồi sinh đến đấy. Thác còn là biểu tượng của chốn linh thiêng. Trong Đàn trời, Cao Duy Sơn đã thành công trong xây dựng biểu tượng thác Phja Bjooc mà người dân vẫn quen gọi một cách thành kính, thiêng liêng là đàn trời. Với người dân Phja Đeng, đó là thiên đàng linh thiêng, chứa đựng sức mạnh ngàn đời của thiên nhiên hoang dã.
Biểu tượng thác trong tiểu thuyết của Vi Hồng chứa đựng hai ý nghĩa trái ngược nhau: sự dữ dội của thác biểu tượng cho một thế giới kỳ bí, nguy hiểm, chết chóc; sự nên thơ của thác biểu tượng cho khởi điểm của những điều tốt đẹp, những điềm lành. Thác Chín Thoong trong Tháng năm biết nói được miêu tả đầy huyền bí. Ở Gã ngược đời, người đọc lại một lần nữa được chứng kiến sự dữ dội, hiểm nguy của con thác Voi Gầm. Tuy nhiên, dòng thác Hẹn Hò lại xuất hiện trong Chồng thật vợ giả với vẻ đẹp vô cùng quyến rũ dưới ánh sáng lung linh, huyền diệu của đêm trăng rằm. Con thác này đã được nhà văn gửi gắm những tâm tư của đồng bào quê ông. Họ khao khát những tình yêu đẹp được nảy nở, đơm hoa kết trái trước sự chứng kiến của dòng thác, nơi kỳ diệu, linh thiêng trong tâm thức của người Tày.
Biểu tượng đá cùng biến thể của nó
Khu vực miền núi phía Bắc có địa hình núi cao, hiểm trở, nhiều sông suối, núi, đèo. Từ ngàn đời nay, cư dân đã gắn bó với những núi đá cao ngất trời, trong tâm thức của họ, hình ảnh đá đã đi vào đời sống như một biểu tượng về văn hóa. Đá gắn với đồng bào không chỉ lúc sống mà cả khi chết đi. Với người dân miền núi, cùng với rừng, nước, đá cũng là một biểu tượng tâm linh. Bài ca Khúa kê (răn đường) của người Mông dạy cho con cháu, kể về hành trình của người chết trở về gặp ma tổ tiên. Hành trình của họ phải trải qua “ba tầng trời, nhất thiết phải vượt qua núi đá con rồng, miệng đá con hổ, đi trả tiền củi nước cho lính của Ngọc hoàng, rồi mới được đầu thai sang kiếp khác” (4). Đá đã được hình tượng hóa thành biểu tượng linh thiêng, mang những hình hài, truyền tải những quan niệm tâm linh về đá thiêng, những trở ngại, thử thách gian nan mà hồn người chết phải trải qua để về xứ sở đầy hoa thơm cỏ lạ. Là một biểu tượng tâm linh, đá được dùng để xây dựng đền thờ, miếu mạo.
Đá không chỉ là sự vật trong đời sống con người như là một yếu tố tự nhiên của môi trường sống mà trở thành biểu tượng đầy tự hào về nguồn cội. Với dân tộc Mông thì những vùng núi đá tai mèo dựng ngược là quê hương của họ; đá tượng trưng cho sự hiểm trở, gian nan nhưng đôi khi lại rất gần gũi, thân thiết với cuộc sống của con người. Đá còn là biểu tượng gắn liền với những tổ ấm thân thương quen thuộc trong mỗi gia đình. Ngôi nhà đá của người Tày, Nùng là một biểu tượng đẹp về cội nguồn văn hóa, truyền thống của gia đình, dòng họ. Trong Cực lạc, Cao Duy Sơn đã miêu tả một cuộc sống gắn liền với đá của người dân phố Cô Sầu. Cố hương trong cảm nhận của những người dân Cô Sầu là những con người lam lũ, lặng lẽ bước như trôi đi trên con đường đá xám, là tiếng cối đá quay nhọc nhằn nghiến vào ngô hạt ù ù khấp khểnh, gợi đến một miền ký ức của cuộc sống nghèo khó thuở ấy. Đến Hoa mận đỏ, không gian nghệ thuật vẫn là phố huyện Cô Sầu với những dãy nhà đứng hai bên đường xây bằng đá hộc phủ rêu đen cũ kỹ, như một kỷ vật nhắc nhở về những tháng ngày tươi đẹp của tuổi thơ êm đềm trong một gia đình vào hàng giàu có của phố thị thuở xa xưa. Biểu tượng đá mang chiều sâu trí tuệ, thể hiện nhiều phương diện của lòng tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ cùng với những trăn trở về quê hương, xứ sở của các nhà văn dân tộc thiểu số.
Đá còn là biểu tượng của tính cách, bản lĩnh của những chàng trai miền núi. Các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc sử dụng đá như biểu tượng đời sống nội tâm của người miền núi. Thế giới tâm hồn con người luôn bí ẩn với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, phức tạp. Người miền núi vốn ít nói, tình cảm, cảm xúc của họ thường lặn vào bên trong, sâu sắc, bền vững. Các nhà văn đã khai thác từ đá những trạng thái tâm hồn tinh tế của con người: nỗi buồn, sự lo lắng, áp lực cuộc sống. Đá mang linh hồn, đời sống thăng trầm của con người qua thời gian.
Cũng như đá, núi là một biểu tượng độc đáo cho quê hương xứ sở được các nhà văn, nhà thơ miền núi phía Bắc nhắc tới với niềm yêu mến, tự hào sâu sắc. Trong Mối tình mường Sinh, Vương Trung đã miêu tả rừng núi quê mình qua con mắt, tình yêu từ chính người con của núi: “Toàn núi là núi: núi thấp, núi cao xen lẫn, núi kề tiếp núi, rặng kề tiếp rặng, rặng xanh rì, rặng mờ xa xa. Núi chia nhau đứng thành từng quả, từng triền, từng rặng bởi những thung lũng, những khe dài, khe ngắn đan nhau chi chít” (5). Với người dân miền sơn cước, núi không phải là một thực thể vô hồn mà như một người bạn, nhân chứng cho những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi yêu đương. Ngọn núi Phác Điếp trong hình dung của ông Cẩm: “Hai cánh núi như nâng lên đỡ hai cánh tay lực lưỡng của chàng trai vác lấy nàng gái trẻ khuôn mặt sáng ngời ngời về bản như tục cướp vợ một thời ông đã sống” (6). Phải thực sự hiểu, yêu sâu sắc rừng núi quê mình, nhà văn mới có thể cảm nhận về những dãy núi của quê hương gần gũi, thân thương đến vậy. Núi đã trở thành một phần không thể thiếu của bản làng, quê hương xứ sở. Không chỉ là biểu tượng đặc sắc cho cội nguồn, núi còn là một biểu tượng của chốn thiêng liêng, là đường lên trời. Dường như ở mỗi địa phương đều có một ngọn núi thiêng của riêng mình. Khi yêu nhau không đến được với nhau, Bà Vần, ông Cẩm trong Tình xứ mây của Ma Trường Nguyên đã đưa nhau lên ngọn núi cao nhất mường để làm lễ gửi tình yêu vào ngọn núi thiêng, rồi lại làm người bình thường như anh em, bạn bè cùng mường Moóc Muôi. Trong quan niệm tâm linh của người dân hai mường, Phác Điếp là ngọn núi của mối tình ly biệt ngàn xưa, người dân bao đời nay đã thực thi nghi lễ thờ thần núi Phác Điếp một cách thành kính. Bởi vậy, những gì thiêng liêng, cao cả nhất được ví với núi. Trong Đàn trời của Cao Duy Sơn, Thức khi nhận ra ơn nghĩa to lớn của pa Mạc, mú Sắn Pì đã hình dung họ như là ngọn núi cha, núi mẹ trong lòng mình.
Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc sống với thiên nhiên, núi rừng. Trong quá trình đó, biểu tượng được hình thành. Mang hình hài của những sự vật tự nhiên nhưng các biểu tượng này đã được thổi vào đó những linh hồn, ban cho những sứ mệnh, chuyển tải những thông điệp mang dấu ấn văn hóa tộc người. Tìm hiểu những biểu tượng mang vỏ bọc thiên nhiên này sẽ giúp ta tìm ra chìa khóa bước vào thế giới tâm hồn, tâm linh, đời sống văn hóa muôn màu, muôn vẻ của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Có thể khẳng định, biểu tượng thiên nhiên trong tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tuy là sản phẩm của mỗi nhà văn, nhưng lại mang vẻ đẹp tinh thần, chiều sâu văn hóa của cộng đồng dân tộc, được dồn tụ theo thời gian, đắp bồi cùng năm tháng.
_______________
1. Heghen, Mỹ học, Nxb Văn học, 1999, tr.8.
2. Hà Lâm Kỳ, Gió Mù Căng, Nxb Kim Đồng, 2005, tr.14, 48.
3. Ma Trường Nguyên, Rễ người dài, Nxb Văn hóa dân tộc, 1996, tr.233.
4. Mã Anh Lâm, Đối mặt phía nửa đêm, Nxb Quân đội nhân dân, 2006, tr.55, 67.
5. Vương Trung, Mối tình mường Sinh, Nxb Văn hóa dân tộc, 1994, tr.191.
6. Ma Trường Nguyên, Tình xứ mây, Hội Văn nghệ Bắc Thái, 1993, tr.22, 65.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : BẾ THỊ THU HUYỀN
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài