“Từ biểu tượng có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ – symballein, nghĩa là tập hợp, hợp nhất lại. Thời đó có lệ dùng miếng sành vỡ để làm chứng cớ cho một giao kèo hay thỏa thuận: mỗi bên giữ một mảnh để khi tập hợp lại những mảnh vỡ này sẽ khớp khít với nhau như trong trò chơi xếp hình. Những mảnh đó, mỗi mảnh để nhận biết một người có liên quan, được gọi làsymbola, vì thế một biểu tượng không chỉ đại diện cho một cái khác mà còn ám chỉ một cái bị thất lạc, một phần không nhìn thấy được cần đạt được sự hoàn tất hoặc trọn vẹn” (1). Trong văn chương, biểu tượng dùng để chỉ một từ, cụm từ chỉ một đối tượng hay sự việc với chiều hướng biểu đạt một cái gì đó khác, hoặc gợi ra một phạm vi liên quan vượt ra khỏi bản thân nó (2). Như vậy, biểu tượng sẽ chứa đựng trong bản thân nó cả những gì đang hiện hữu thực và cả những gì không nhìn thấy được, chỉ có trong tưởng tượng.
Khi nghiên cứu về biểu tượng, trước tiên phải tìm hiểu xem điều gì khiến biểu tượng trở nên cần thiết; tại sao một cái này không chỉ là chính bản thân nó mà lại biểu đạt một cái khác; tại sao người ta không nói trực diện mà phải nương theo lối phức tạp, làm cho đối tượng tiếp nhận bối rối, thậm chí rất khó để nhận biết được vấn đề? Câu trả lời đơn giản nhất có lẽ dựa trên chính bản chất của con người. Phần lớn con người đều bị chi phối bởi trạng thái của cảm xúc, phi lý trí; mọi hành động, lựa chọn đều bắt nguồn từ thế giới tinh thần. Biểu tượng chính là “cuộc sống tự nhiên của tinh thần… Những hành vi mang tính biểu tượng có nguồn gốc từ phương diện nền tảng của hoạt động tâm lý mà Freud gọi là tiến trình nguyên thủy” (3).
Tôn giáo là một phần tất yếu và vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại từ thời nguyên thủy đến nay. Ở phương Tây, khi Thiên chúa giáo chưa ra đời, những hạt nhân của tôn giáo đã nằm trong kho tàng thần thoại Hy Lạp. Thế giới đa thần giáo với các vị nam thần, nữ thần biểu hiện cho hình dung của con người nguyên thủy về một trật tự trong vũ trụ và sự gắn kết của họ với thế giới tự nhiên. Ngay từ khi đó, tôn giáo nguyên thủy đã tồn tại dựa trên tính biểu tượng. Mặt trời không chỉ là biểu tượng cho nguồn sáng thiêng liêng mà còn là thần thánh. Mùa xuân không chỉ là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở mà còn mang ý nghĩa về sự phục sinh. Loài hoa hải quỳ đỏ không chỉ tượng trưng cho tình bạn mà còn được tin là “dòng máu của Adonis đã làm nở bông hải quỳ đỏ, bông hoa mang màu sắc của dòng máu đó” (4).
Khi nghiên cứu về biểu tượng tôn giáo trong sáng tác của James Joyce (5), chúng tôi không đề ra nhiệm vụ tìm hiểu các biểu tượng trong tôn giáo như ngành thần học, nghiên cứu thánh tượng hay nhân học tôn giáo. Nghĩa là, không xem xét biểu tượng trong tôn giáo như một đối tượng mà những ý nghĩ, lời nguyện cầu tập trung vào (6). Mà chúng tôi nghiên cứu về các biểu tượng mang ý nghĩa tôn giáo xuất hiện trong sáng tác của James Joyce, một trong những nhà văn xuất sắc nhất của chủ nghĩa hiện đại phương Tây TK XX. Biểu tượng tôn giáo chỉ là một phần nhỏ trong di sản nghệ thuật chứa đựng những cách tân táo bạo về lối viết của ông.
Có thể nói, bản thân cuộc đời của Joyce vốn đã có mối quan hệ vô cùng mật thiết với đạo Cơ đốc. Từ nhỏ, ông đã được gia đình gửi tới ngôi trường dòng dành cho nam sinh. Cả tuổi ấu thơ và thành niên của ông đều trải qua trong môi trường tôn giáo khắc nghiệt này. Hơn thế, ông còn là một trong những học sinh xuất sắc của trường, được lựa chọn để đi theo con đường của chúa trọn đời. Trước ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành, ông đã phải đấu tranh quyết liệt với bản thân để lựa chọn con đường tương lai: trở thành một tu sĩ hay một nghệ sĩ, “Tôi phải làm gì cho nhận thức của tôi, phước lành của tôi, cuộc sống của tôi?” (7). Sự giằng co trong chọn lựa đã trở thành chủ đề lớn trong toàn bộ sáng tác của ông. Những ám ảnh về tôn giáo trở đi, trở lại, thấm đẫm trong những trang viết, ngay từ khi ông bước vào văn đàn tới khi ông từ giã sự nghiệp văn chương.
Trong tác phẩm của Joyce, tôn giáo không chỉ được thể hiện qua giáo đường, lời kinh nguyện cầu, những thánh lễ, hình ảnh đức mẹ Maria đồng trinh, chúa Jesus mà còn hiển hiện qua hình tượng những người cha, người mẹ, anh em, bạn bè. Những biểu tượng tôn giáo trong tác phẩm không chỉ bày tỏ lòng thành kính mà còn bộc lộ cả những nỗi niềm đắng cay. Tính hai mặt của biểu tượng được thể hiện qua cái nhìn giễu nhại, vốn là phong cách của Joyce khi ông chạm tới huyền thoại hay mẫu gốc.
Trong sáng tác của Joyce, hình ảnh những người cha bao giờ cũng hiện lên lạnh lùng, nghiêm khắc, xa cách, dữ dằn. Cũng như cách tiếp nhận mã của biểu tượng nói chung, người đọc sẽ không ngây thơ chỉ gán cho hình tượng người cha ấy với ý nghĩa duy nhất. Như khi đọc Howards End của E.M.Forster, chúng ta sẽ không cho rằng hình ảnh chiếc motorcar để chỉ một phương tiện giao thông, mà đó là biểu tượng trong tiểu thuyết. Ngọn hải đăng trong To the Lighthouse của Virginia Woolf là biểu tượng cho những giấc mơ không thành của tuổi trẻ. Điều chúng tôi muốn hướng tới không phải là hình ảnh những người cha hiện diện trong sáng tác của Joyce, mà là những ẩn dụ đằng sau những gì ông bày trên trang giấy. Người cha đó chính là người cha tinh thần mà Stephen Dedalus tìm kiếm. Mối quan hệ cha – con là một trong những mẫu cổ xưa trong văn hóa nguyên thủy. Mặc cảm Oedipus xuất hiện dưới những biến thể khác nhau trong dòng chảy văn chương nhân loại. Trong tác phẩm của Joyce, đó là khoảng cách giữa con trai với cha theo huyết thống. Và hành trình kiếm tìm người cha tinh thần chính là một biểu tượng của con đường thức ngộ, vươn tới chúa tối cao. Chỉ có điều, đấng tối cao ở đây, với Stephen, lại là nghệ thuật chứ không phải Thiên chúa của giáo hội.
Bên cạnh đó, mối quan hệ mẹ – con cũng được khắc họa rõ nét, thể hiện qua biểu tượng đức mẹ Maria và người mẹ huyết thống của Stephen Dedalus. Nếu chỉ xét trên văn bản tác phẩm, chúng ta dễ dàng thấy sự hiện diện của đức mẹ Maria đồng trinh – biểu tượng người mẹ thiêng liêng trong Giáo hội Thiên chúa La Mã. Hai loài “hoa huệ tây, hoa hồng trắng là biểu trưng cho sự trinh trắng của đức mẹ, hoa hồng đỏ cùng với mặt trời, mặt trăng và vầng hào quang của 12 ngôi sao xuất hiện nối kết với sự thấu thị khải huyền mà sách Khải huyền mô tả về một người phụ nữ khoác tấm áo choàng bằng những tia nắng mặt trời, dưới chân bà là mặt trăng và trên đầu bà là vương miện kết bằng 12 ngôi sao” (8). Biểu tượng đức mẹ Maria còn hiện diện dưới những lớp vỏ khác như: tháp, tháp ngà, bà mẹ của Stephen. “Tháp là biểu tượng cho quyền lực hoặc sự vượt trội cấp độ thường ngày… tuy nhiên, khi không có cửa sổ và được đóng kín thì tháp lại có thể là biểu tượng của sự trinh nguyên (vì thế Mary được so sánh với tháp ngà)” (9). Ở ý nghĩa mẹ thiêng liêng của biểu tượng, đức mẹ là niềm an ủi lớn lao với Stephen mỗi khi cậu phạm lỗi lầm hay chán ngán với cuộc sống ngột ngạt trong trường dòng. Nhưng mặt khác, khi mang ý nghĩa của quyền lực, tháp không còn là nơi trú ẩn an lành dành cho anh nữa. Ngay mở đầu tác phẩm Ulysses, Stephen dẫu đang còn ở trọ trong căn tháp Martello, nhưng anh đã phải rời đi vì cảm thấy quá ngột ngạt với hai kẻ ở chung. Rời khỏi căn tháp, nghĩa là rời khỏi nơi trú ẩn, rời bỏ phước lành để bước vào hành trình tìm kiếm người cha tinh thần, đồng thời là hành trình vươn tới tự do lựa chọn.
Ý nghĩa của tôn giáo còn được biểu hiện ngay trong hình tượng người mẹ huyết thống của Stephen. Suốt cuộc đời, bà đã mong mỏi anh chọn con đường trở thành một tu sĩ, hiến trọn đời cho ân sủng chúa ban. Chính vì tình yêu thương với mẹ mà Stephen đã day dứt tột cùng khi đứng trước lựa chọn trở thành tu sĩ hay nghệ sĩ. Anh đã làm mẹ thất vọng khi tuyên bố “nhất định sẽ không phục vụ giáo hội”, bởi qua bao ngày tháng ở trường dòng, anh đã “cố gắng yêu thương chúa” nhưng cuối cùng, anh thất bại. Hình ảnh anh từ chối cầu nguyện cho người mẹ đang hấp hối sẽ còn theo anh cho đến cuối đời. Người mẹ lúc này giống như giáo hội, hành động của Stephen giống như việc anh từ chối lễ ban thánh thể của nhà thờ. Việc anh bị dằn vặt đau khổ suốt đời giống như một sự trừng phạt dành cho kẻ tội đồ.
Dưới cái nhìn giễu nhại, Joyce đã tiếp tục phát triển biểu tượng thánh lễ trong kiệt tác Ulysses qua hình tượng nhân vật người cha tinh thần của Stephen Dedalus, Leopold Bloom. Thánh lễ là hoạt động thờ phụng Thiên chúa, cảm tạ hồng ân thánh thể chúa ban của các giáo hữu, thường diễn ra vào chủ nhật. Theo Kinh Thánh, thánh lễ là ngày chúa Jesus cử hành lần đầu tiên màu nhiệm thánh thể, nhờ vậy Người đã thiết lập bí tích thánh thể. Trong bữa tiệc Vượt qua, Người đã làm cho bánh rượu trở nên mình máu chúa và chúa hiện diện thật sự dưới hình bánh rượu. Trong bữa tiệc ly, chúa Jesus hiến mình làm lương thực nuôi linh hồn: “Đây là mình Thày, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày”. Từ đó, thánh lễ trở thành một lễ trọng và thường xuyên của Kitô giáo. Các giáo hữu chăm chỉ đi dự thánh lễ mong nhận Mình máu thánh chúa – nguồn sức mạnh thiêng liêng chống trả mọi cám dỗ.
Ulysses mở đầu với không gian tòa tháp cổ Martello, nơi Stephen trú ngụ sau khi trở về Ailen. Anh là người trả tiền thuê căn tháp, Buck Mulligan là kẻ ở nhờ. Nhưng kẻ ở nhờ đã xuất hiện không những với tư cách vị chủ nhà mà còn với tư thế của vị chủ lễ. Với chiếc cốc đựng bọt xà phòng cạo râu trên tay, Mulligan bước xuống cầu thang trong dáng vẻ oai nghiêm, bệ vệ, cầu nguyện giống như một cha xứ trong nhà hành lễ. Lời cầu nguyện thiêng liêng “Introibo ad altera Dei” (10) đi kèm với chiếc cốc đựng bọt xà phòng, hắn giơ lên giả làm bình nước thánh và chiếc áo ngủ lụng thụng như áo lễ đã tái sinh hình ảnh thánh lễ một cách giễu nhại. Mulligan giơ tay lên đầu Stephen để chúc phúc cho anh. Nhưng nếu trong thánh lễ của nhà thờ, cha xứ nói: “Chúa ban phước lành” thì giờ đây Mulligan nói với “con chiên”: “Hãy chế giễu nó đi”.
Thánh lễ thực sự sau đó đã diễn ra ở nhà thờ All Hallows, nhưng lúc này người tham dự là Leopold Bloom chứ không phải Stephen. Nói chính xác, Bloom chỉ là người tình cờ tham dự chứ không chủ động. Trong hành trình lang thang một ngày của mình, ông ta đã rẽ vào nhà thờ đúng giờ hành lễ. “Thiên đường thứ bảy. Những người đàn bà quỳ ở các hàng ghế dài với những sợi dây thừng màu đỏ sẫm quấn quanh cổ họ, những cái đầu cúi xuống. Một hàng người nữa quỳ ở gần ban thờ. Vị cha xứ đi dọc theo hàng người, mồm lẩm nhẩm, tay cầm cái gì đó. Ông ta dừng lại trước mỗi người, nhón lấy một miếng bánh lễ, vẩy bớt một hoặc hai giọt (chắc chúng được ngâm trong nước?) và đút miếng bánh gọn vào mồm cô ta. Mũ và đầu cô ta cúi thấp xuống. Rồi tiếp tục đến lượt người khác: một bà già nhỏ nhắn. Vị cha xứ cúi xuống cho miếng bánh vào mồm bà ta, lẩm nhẩm trong khi tiến hành công việc. Lại đến người tiếp theo. Nhắm mắt lại và há mồm ra” (11). Không chịu cúi đầu làm thánh lễ, Bloom nghĩ mình giống như miếng bánh thánh, được nhúng vào nước thiêng. Rời khỏi nhà thờ, Bloom lập tức đi vào nhà tắm công cộng để thực hiện nghi lễ cho riêng mình. Thả mình vào bồn tắm, ông ta nhủ thầm: “Đây là cơ thể mình”. Bồn tắm tráng men sứ biến thành bình đựng nước thánh, cơ thể Bloom là miếng bánh.
Biểu tượng thánh lễ tiếp tục được nhắc lại một lần nữa ở gần cuối tác phẩm Ulysses, tất nhiên dưới một biến thể khác. Lúc 1 giờ sáng ngày 17 – 6, khi gần kết thúc hành trình một ngày lang thang của Bloom, Stephen, hai người gặp nhau. Sau khi rời nhà thổ Bella, Stephen say mèm, loạng choạng bước chân ra phố. Bloom gặp anh ta, đỡ anh ta và đưa đến nơi trú ngụ của người đánh xe ngựa gần cầu Butt. Trong nơi ở của người đánh xe ngựa nổi tiếng phóng túng, Bloom pha một cốc cà phê, đưa cho Stephen một miếng bánh. Mệt mỏi, choáng váng, Stephen không cầm, từ chối lời mời này, chỉ húp một ngụm nhỏ cà phê. Cà phê, bánh mì gợi lại hình ảnh rượu, bánh thánh trong thánh lễ trên kia mà cả Bloom và Stephen đều chối từ. Giờ đây, Stephen vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận “chịu lễ” của người cha tinh thần Bloom. Phải đến cuối cuộc hành trình, khi Bloom đưa Stephen về nhà mình, lúc này Stephen đã tỉnh táo thì anh ta mới chấp nhận. Ngồi trong căn bếp, Bloom pha một cốc coca nóng cho Stephen uống rồi hai người trò chuyện. Khi đưa tay đón lấy cốc coca nóng mà Bloom đưa cho, dường như Stephen đã chấp nhận thánh lễ. Với Bloom cũng vậy. Nếu trong nhà thờ All Hallows ông ta chỉ là kẻ quan sát người ta hành lễ và nhất quyết không chịu cúi đầu, thì giờ đây ông ta đã đóng vai của vị cha xứ, ban nước thánh cho kẻ chịu lễ. William York Tindall đã gọi cốc coca là rượu thánh, cho rằng đó là hình ảnh hai người đàn ông đang cùng nhau thực hiện nghi lễ ban thánh thể hoặc một hiệp ước thiêng liêng về sự hòa hợp (12).
Trên đây không phải là toàn bộ biểu tượng mang ý nghĩa tôn giáo trong sáng tác của James Joyce. Nhưng trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi chỉ giới hạn đề cập tới một vài biểu tượng nổi bật, dễ nhận thấy nhất. Có thể khẳng định, điều khó khăn nhất khi nghiên cứu về biểu tượng là việc nhận diện khi nào thì một hình tượng mang tính biểu tượng. Trước hết, bản thân nội hàm của khái niệm biểu tượng đã cho chúng ta một cơ sở để lựa chọn. Sau đó, là những tầng ý nghĩa được gợi ra từ phía sau hình tượng hay đối tượng đó. Cuối cùng, là sự diễn giải của người tiếp nhận dựa trên những manh mối mà tác giả cung cấp. Nhưng nền tảng quan trọng nhất là người tiếp nhận phải dựa trên những tri nhận về văn hóa mà nghệ sĩ đưa vào trong sáng tạo của mình dưới dạng ký hiệu mã hóa. Đời sống văn hóa của nhân loại là một hệ thống chứa đầy biểu tượng. Đi tìm ý nghĩa của những biểu tượng trong tác phẩm văn chương là một cách chúng ta giải mã những ký hiệu đó, để chạm được vào những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc trên thế giới.
____________
1, 6, 8. Mark O’Connell, Raje Airey, Signs & Symbols, Hermes House, London, 2009, p.6, 36, 47.
2. M.H.Abrams,Geoffrey Galt Harpham, A Glossary of Literary Terms, Cengage Learning, USA, 2012, p.394.
3. F.Parvin Sharpless, Symbol and Myth in Modern Literature, Hayden Book Company, Inc., New Jersey, USA, 1984, p.2.
4. James George Frazer, Cành Vàng, Ngô Bình Lâm dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2007, tr.536.
5. James Joyce (1882 – 1941), nhà văn Ailen.
7. Mitzi M. Brunsdale, James Joyce – A Study of the Short Fiction, Twayne Publishers, NewYork, 1993, p.7.
9. Boris Matthews translated, The Herder Symbol Dictionary, Chiron Publications, Wilmette Illinois, 1991, p.201.
10, 11. James Joyce, Ulysses, Penguin Books, London 2000, p.1, 98-99.
12. Willam York Tindall, The Literary Symbol, Columbia University Press, 1951, p.222.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : NGUYỄN LINH CHI
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài