Biểu tượng trong tang lễ của người mường ở hòa thắng, buôn ma thuột, đắc lắc

Dù trải qua thời gian dài thích nghi, tồn tại, giao lưu tiếp biến với nhiều nền văn hóa, nhiều tộc người khác trên mảnh đất Tây Nguyên, nhưng người Mường ở Đắc Lắc hiện là một trong số ít cộng đồng còn bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường cổ. Với họ là dịp để người sống được tỏ rõ tấm lòng hiếu nghĩa của mình với người đã chết và tổ tiên dòng tộc. Người Mường bao đời nay cho rằng: cuộc tiễn đưa hồn người chết tới thế giới bên kia là một cuộc hành trình vất vả, trên con đường ấy, người sống phải thực hiện những nghi thức bắt buộc để bảo vệ người chết, dẫn hồn người chết tới nơi an nghỉ an toàn. Chính từ ý nghĩa này tang lễ của người Mường không chỉ mang nặng yếu tố tâm linh mà còn chứa đựng nhiều biểu tượng mang giá trị xã hội, lịch sử, nghệ thuật… sâu sắc.


1. Biểu tượng báo nhà có tang

Chống gầm sàn: Khi làm lễ phát tang xong, họ hàng làng xóm cùng đi chặt cây bương, tre đem về để chống vào các thanh dầm ở gầm sàn nhà. Ngoài chức năng tăng thêm độ vững chắc cho sàn nhà,  biểu tượng cho biết nhà đó đang có tang. Cột này cũng được tháo ra sau khi làm lễ bỏ tang.

Tháo vách nhà: diễn ra sau khi làm lễ phát tang, nhà sàn của tang chủ được tháo vách, toàn bộ bức vách ở phía đầu hồi có thang lên xuống được tháo hết, quan tài sẽ được đưa từ sân lên nhà bằng việc lao qua bức vách vừa tháo, cũng như khi đưa quan tài đi chôn cất cũng phải đi qua khoảng vách trống này. Vách nhà được lắp lại ngay sau khi đã đưa quan tài ra khỏi nhà.

2. Biểu tượng cây trong tang lễ

Cây cối gắn bó với người Mường từ thuở lọt lòng, do vậy trong tang lễ, cây cối được sử dụng rất nhiều, từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc tang lễ.

Đầu tiên và quan trọng nhất là quan tài, thường được các gia đình chuẩn bị sẵn từ trước, làm từ thân cây gỗ lớn, xẻ thành ván đóng tròn hay khoét rỗng hình thuyền để đặt thi hài. Quan tài cổ của người Mường thường được gọi theo kích cỡ như cây 6 – 7 – 8 – 9 – 10, chỉ kích cỡ từ nhỏ đến to. Đồng thời cũng thể hiện vai vế, địa vị của người chết cũng như điều kiện kinh của gia đình tang chủ.

Sau gỗ làm quan tài phải kể tới tre. Tre vừa là vật báo hiệu nhà có tang, vừa là vật khiêng quan tài từ nhà ra nghĩa địa. Tre cũng là vật chủ yếu để làm giá, bàn ghế… trong tang lễ. Khi kết thúc tang lễ, các loại tre, bương được dùng làm nhà mồ cho người chết sao cho họ được mồ yên mả đẹp, phù hộ cho con cháu, gia tộc.

Nhà bông nhà hoa: là cái hộp bằng giấy màu được tạo hình như ngôi nhà, bốn góc bên ngoài chân mái nhà có bốn bông hoa giấy. Nhà bông nhà hoa được thiết kế rộng bốn bên, mỗi bên khoảng trên dưới 30cm, cao khoảng 40cm, trên tạo hình mái nhọn. Nhà bông nhà hoa sau này được treo trên nhà mồ (1). Cây bông cây hoa mỗi vùng một khác, ở vùng Lạc Sơn làm khá giống nhà bông nhà hoa, chỉ thêm một bông hoa thứ năm trên đỉnh nhà, có một số nơi làm những bông hoa giấy xâu thành chuỗi treo trên giá. Đây là hai thứ đồ được người chết mang đi bán ở chợ Keo Rênh trên Mường trời (2).

Cây si: là loại cây có tính chất lưỡng hợp (3), vừa sống được ở trên cạn, lại vừa sống được ở dưới nước, thậm chí trên vách đá cheo leo. Do thích nghi đặc biệt với môi trường sống, mỗi khi thời tiết thay đổi, cây si đều tiếp nhận được và biểu hiện bằng sự thay đổi tự nhiên của nó. Ví dụ như thấy cây si đâm rễ trắng người ta biết trời sắp mưa to.

3. Biểu tượng thang linh hồn

Trong khi cả gia đình họp bàn, chia việc cho từng thành viên, người con trai được giao nhiệm vụ đi chặt một cây tre để làm dấu hiệu nhà có tang lễ. Cây tre được dựng dọc chia đôi mái nhà, phía trước chính giữa nhà, là nơi đặt bàn thờ gia tiên và cũng là không gian chính để thực hiện các nghi lễ của đám tang. Ở độ cao 1/3 phía trên ngọn tre, người ta treo một ống bương đựng nước. Những biểu tượng này sẽ được dỡ ra khi đám tang kết thúc. Cây tre tượng trưng cho cái thang để linh hồn người chết trèo qua đó và đi lên trời, hay nói cách khác đó chính là con đường dẫn hồn lên trời sau khi từ giã cõi sống. Việc treo một bương nước trên cái thang cũng là một việc làm chu đáo của người sống đối với người chết, nó dùng để người đã khuất uống khi mệt mỏi trên con đường trở về mường ma.

Trong tang lễ của người Mường còn xuất hiện thêm hai biểu tượng cũng tượng trưng cho con đường dẫn hồn sang thế giới bên kia, đó là:

Màn ráp màn rì (cầu thang ráp rì) được làm bằng cây cau già, đặt chồng lên trên cầu thang hàng ngày vẫn đi, được buộc chắc chắn với cầu thang ở dưới, sau này khi đưa quan tài xuống sân, người nhà sẽ đưa qua cầu thang này. Số bậc thang là số lẻ 5, 7, 9 tùy theo độ dài của thang, cái thang này sẽ được dỡ bỏ và đốt đi khi kết thúc đám ma.

Màn đôộc màn đôồng là cầu thang bằng đồng đi lên trời dài 396 bậc, ở trên mường trời, chỉ đi được từng người một, hồn người chết khi lên trời bắt buộc phải đi qua chiếc cầu này. Khi nhà có đám tang người ta trồng hai cây cau tại sân nhà làm thang, buộc các thanh cũng làm bằng cây cau từ mặt đất lên ngọn cây gồm 9 bậc, xong việc người ta đốt các bậc thang và trồng hai cây cau về gốc cũ của nó.

Biểu tượng đội cầu vải: Đây là nghi thức dành cho các con dâu, con gái, cháu gái trong nhà tang chủ. Khi quan tài được đưa ra khỏi nhà, các cô con gái, con dâu, cháu gái xếp thành hàng dài, lần lượt theo vị trí cao thấp trong nhà cùng ngồi đội một dải vải trắng, lưng quay về phía nghĩa địa (với trường hợp người chết là nữ, còn trường hợp người chết là nam thì các nàng dâu, cháu gái sẽ quay lưng lại hướng nhà). Quan tài được đưa qua dải cầu vải này 3 – 4 lần, sau đó mới hướng thẳng về nghĩa địa để tiến hành những thủ tục cuối cùng.

Một biểu tượng nữa cũng mang tính chất như sợi dây (cầu thang) nối giữa hai thế giới của người Mường, đó là sợi chỉ nhỏ dùng để cắt trong lễ chữa trùng tang cho người chết.

Người Mường rất kỵ việc một cái chết kéo theo những cái chết khác, vì thế khi ma nhà ai mắc trùng thì phải chữa ngay để tống nó đi, khỏi nó gây hại cho những người đang sống.

Thày chữa trùng trong đám ma thường là thầy mo hoặc thày trượng. Với người Mường, việc gây ra trùng là do có các vị quan thần trùng làm nên, gồm (4): Trùng tang liên táng, trùng khảng, trùng năm, trùng ngày, trùng nằm, trùng ngồi.

Ngoài ra những người chết vì sét đánh, hổ vồ, chết chém, chết mất xác… đều được coi là bị mắc dây trùng chết về nghiệp đó. Chữa trùng là nghi lễ cầu khấn mời thần trùng ra khỏi thi thể người chết, ra sân ăn mâm cỗ, sau đó đi khỏi nhà và ra khỏi thi hài người chết. Nếu không tống trùng, sau này thần trùng sẽ lần lượt bắt hết người này đến người khác trong gia tộc đó.

Trùng giờ: người chết chết đúng vào giờ mà trước đó có thể cách nhiều tháng hay nhiều năm, có người khác trong gia tộc đã chết.

Trùng ngày: là hiện tượng người chết chết vào một ngày cụ thể trong tháng, sau đó 1- 4 năm sau người thân trong gia đình đó lại có người chết cũng đúng vào ngày đó.

Trùng tháng: là hiện tượng người chết chết vào một tháng trong năm mà một khoảng thời gian sau, người nhà của người đó lại có người mất đúng vào tháng mà người trước đã chết.

Trùng năm: hiện tượng này thưa hơn, ví dụ một người chết vào năm Mùi, 12 năm sau hay hơn thế, có người nhà của người đã mất cùng chết vào năm Mùi.

Liên tùng, liên táng: là hiện tượng người Mường rất sợ, có thể ông A chết tháng này, tháng sau em hay vợ, những người cùng huyết thống với ông A lại chết. Kinh khủng hơn có thể đưa ma ra khỏi ngõ, trong nhà lại có người chết.

Trùng nằm, trùng ngồi: Chưa rõ về hai loại này.

Chữa trùng cho ma trước khi tắm rửa: theo hướng dẫn của thày mo, họ hàng chuẩn bị mâm cúng thần trùng. Lễ cúng được tiến hành dưới sân nhà, người ta kê tạm một tấm ván hay trải chiếu xuống đất, cho bày các mâm cúng lên trên, có 11 mâm, mỗi mâm có hai đôi đũa, một nhúm cơm nếp và một ít thịt luộc. Có điểm cắm hương, một chai rượu, trầu, cau, tiền vàng. Một sợi chỉ dài nối từ trên thi hài người chết xuống đến mâm cúng, đây là dây trùng. Bên cạnh đó người ta cho dựng một cột bằng thân cây chuối nhỏ, trên có đặt một cây đèn dầu. Mọi người chuẩn bị sẵn cái đĩa nhỏ để thày mo đưa tay gieo quẻ. Khấn xong thầy rút thanh gươm ra chặt đứt dây chỉ ở gần mâm cúng, lên nhà chặt đứt chỉ ở gần thi hài rồi xuống sân chặt ngang thân cột cây chuối làm cho chiếc đèn đổ xuống, xong rồi đi ra ngõ về ngay, mâm cúng được đem ra ngoài ngõ vứt vào chỗ nào đó.

Việc chặt đứt dây chỉ có ý nghĩa đã đuổi được thần trùng đi và dây trùng chặt đứt sẽ không làm hại con cháu nhà tang chủ được nữa. Việc chém cây đèn thể hiện như một lời thề, một sự đe dọa nếu thần trùng quay trở lại sẽ bị trừng trị như chém đèn.

4. Biểu tượng ban (buộc) chân tay cho linh hồn

Ngay khi người chết được đưa vào quan tài, người nhà sẽ cùng lúc tiến hành buộc chân tay người chết lại. Dây vải trắng buộc hai ngón chân cái lại với nhau sao cho hai thành bàn chân úp gần nhau, kéo tay lên bụng thi hài cho buộc hai ngón tay cái lại với nhau. Mục đích sau này khi chôn cất không cho các xương đốt ngón chân, ngón tay bị lạc ra xa khi thi hài bị phân hủy hay tác động địa chất, sinh vật ngoại lai nào đó xâm nhập (5).

Tục buộc chân tay cho thi hài còn có ý nghĩa như một động thái của người sống nhằm trói linh hồn người chết, để người chết không thể đi lại được nữa cũng như quay về để quấy nhiễu, làm hại các thành viên trong gia đình. Việc bó xác thi hài cũng là một cách để người sống ngăn chặn việc hồn người chết quay về hại người nhà.

5. Biểu tượng trồng bông dệt vải

Trong tang lễ của người Mường, vải được dùng rất nhiều, vừa là vật biểu tượng cho nhà có tang lễ, vừa làm đồ dùng tùy táng theo người chết. Trước hết là biểu tượng khăn tang và quần áo tang. Cả đàn ông, đàn bà, vợ chồng, con cái người chết đều thắt khăn tang, mặc quần áo tang bằng vải trắng, số vải này trước đây thường do phụ nữ trong nhà tự trồng bông dệt vải. Trong quá trình diễn ra tang lễ, từ lúc người chết mới trút hơi thở cuối cùng đến khi được khâm liệm, tắm lá thơm cũng được bọc và lau khô bằng khăn vải, người nhà mặc quần áo cho thi hài, ít cũng hai, ba bộ, còn nhà có điều kiện thì có khi mặc đến tám, chín bộ.

6. Biểu tượng cây vải

Bên cạnh trên đầu, phía trong cỗ quan tài, người ta dựng một cái giá bằng tre, cao chừng 1,5m; có hai tầng, tầng trên có lót phên đan bằng nứa, bên trên để 4 cái gối dựng thẳng (kiểu gối của người Mường, là một khối hình lập phương dài khoảng 30cm, hai đầu vuông, mỗi cạnh khoảng 10 – 20cm). Tầng dưới dựng 4 cuộn vải mộc bó lại với nhau. Sau khi quan tài đã được bọc kín bằng vải đỏ, nếu còn có ai mang vải đến, số vải này được đặt cạnh cây vải hoặc xếp lên trên quan tài, sau này đem ra nghĩa địa phủ lên quan tài trước khi đắp chiếu để lấp đất.

Theo lý giải của người Mường, việc chôn theo cây vải này người sống muốn chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cho người chết, việc có quần áo mặc, có cây để trồng rất cần thiết cho việc sinh sống ở thế giới bên kia của hồn.

7. Biểu tượng cờ con

Trên bàn thờ, phía gần cửa sổ, người ta để cờ con, đây là những lá cờ được làm khá giản đơn, cán cờ là nhánh cây tre hoặc bương dài khoảng 1m để nguyên cả lá, cờ là những dải vải đỏ và trắng, rộng từ 7 – 8cm, dài 30 – 40cm, buộc vào cán cờ, cờ này được sử dụng để chỉ số con trong nhà tang chủ. Cờ đỏ chỉ số con trai, cờ trắng chỉ số con gái, người chết có bao nhiêu con thì có bấy nhiêu cờ.

8. Biểu tượng quả còn

Trái còn của người sống có hình vuông hay tròn, có 5 tua dài để bay khi ném. Trái còn của ma có hình chữ nhật, được làm bằng các vải màu sặc sỡ, có tua dài mang tính biểu tượng hơn là để bày. Còn được treo bên cạnh cờ con hoặc trên sào quần áo ma, sau này được chôn theo quan tài hay treo ở giữa nhà mồ. Lý giải về ý nghĩa của biểu tượng này, ta phải đi vào tìm hiểu mo trong tang lễ của người Mường, có nhiều đoạn nói về các trò chơi dân gian trong đó có ném còn, hồn ma chơi ném còn ở cửa đống (nghĩa địa) và chơi còn cả trên mường trời. Quả còn được coi là vật dụng không thể thiếu cho người chết mang theo về thế giới mường ma.

9. Biểu tượng nước

Khi người ta chết, nước cũng là một trong những thứ thiết yếu được dâng cúng. Trong mâm cơm thắt nghỉ, mâm cơm cúng đầu tiên cho hồn người chết, gồm một bát cơm, một đôi đũa, một con gà luộc, chai rượu trắng, chén uống rượu, một bát nước lã và trầu cau, tiền vàng, hương đèn, điếu đóm. Hay trong mâm cúng của ông thầy mo cúng tổ tiên (thân thư) của mình cũng chỉ có ba thứ chủ yếu là chai rượu, đĩa trầu cau và bát nước lã.

Trong mâm cúng lễ kẹ có một con chó luộc để nguyên con, sau này hồn người chết đi qua cầu kỳ diêm la (chưa rõ nghĩa) rất nguy hiểm nên hồn con chó sẽ dẫn dắt hồn người chết qua cầu này để lên mường trời xin đuông, chuộc số; bên cạnh con chó luộc còn có cơm nếp, muối, trầu cau, vàng hương, tiền vàng, chai rượu trắng, 3 cái chén, đôi đũa và một bát nước thịt, một bát nước lã trên có mấy cái tăm.

Trong lễ kẹ, mâm cơm cúng thờ hồn người chết ngoài rượu còn có một bát nước lã, trong đó có để một nắm lá đào hay cỏ bách, tượng trưng cho bát thuốc tiên. Đặc biệt khi nhà có đám, chí chuốc phải làm một số ống nước đựng tre nứa (thường là số lẻ 13,15 ống) gọi là rôộc rác choóc, tức ống nước choóc, nhỏ và ngắn hơn ống nước hàng ngày vẫn sử dụng để gánh nước, đựng nước. Những ống nước này được dắt lên đòn tay nhà, bên trên quan tài, hay xếp dựng đứng trên vách cạnh cửa sổ, đầu quan tài.

Trong đêm mo cuối cùng, những người phụ nữ trong gia đình mang số ống nước này ra suối, giếng, múc đầy nước mang về, nước này gọi là nước choóc, dùng để rửa sạch sàn nhà nơi đặt quan tài, sau khi chuyển quan tài đi. Lúc mai táng người chết, khi lấp đất gần kín huyệt mộ, người ta đặt một vò đầy nước phía chân người chết, sao cho khi đắp mộ xong, miệng vò nước vẫn lộ ra ngoài để sau này hứng được nước mưa. Bên cạnh vò nước, người ta còn dựng ống nước choóc, để hồn ma có dụng cụ để lấy nước.

10. Biểu tượng lửa

Trong tang lễ Mường, lửa luôn hiện diện và đi theo suốt quá trình hành lễ từ khi con người trút hơi thở cuối cùng, đến khi về thế giới mường ma.

Theo quan niệm của người Mường, sau khi người chết hồn lìa khỏi xác, không có nơi cư trú, phải làm mâm cơm cúng thắt nghỉ. Trong số các lễ vật, nhất thiết phải có hương, đèn và nến. Hồn người chết sẽ nương vào khối lượng và ánh sáng của ngọn đèn, theo lời thày mo dẫn đi khắp nơi, lên mường trời, xuống mường nước, sang mường ma để vĩnh biệt cuộc sống của con người ở trần gian, bắt đầu cuộc sống mới ở mường ma. Sau khi đã nhập quan, quan tài được đặt ở vị trí chính thức để làm lễ thì cây đèn ở mâm cơm thắt nghỉ được chuyển sang đặt phía trước, cao ngang với bàn thờ dâng cúng cơm rượu và lễ vật cho người chết. Cây đèn này được thắp sáng liên tục từ khi cúng hồn người chết cho đến khi xong tang lễ, dỡ bỏ bàn thờ.

11. Biểu tượng đá

Trong tang lễ của người Mường, đá được dùng làm hòn mồ, trở thành vật thiêng gắn bó với hương hồn và thân xác người nằm dưới mộ.

Người ta thường chọn 5 hòn đá, có hình trụ dài khoảng 40 – 50cm, hòn nào to nhất thì được chọn làm hòn mồ đầu, tức là chôn ở vị trí tương ứng với đầu người chết. Bốn hòn còn lại chôn hai bên và dưới mộ gọi là hòn mồ tay và chân, dùng để đánh dấu vị trí tay chân người chết, để sau này người sống dễ nhận ra mà biết chỗ cắm hương đặt lễ. Việc sử dụng đá để làm vật chôn theo người chết cũng nhằm ý nghĩa đánh dấu lãnh thổ người nằm bên dưới của người Mường, để người khác không xâm hại, đồng thời cũng để cảnh báo thú rừng, vật hoang.

Những hòn đá mộ này chính là minh chứng rõ ràng nhất về thời gian người chết đã ra đi. Còn với người sống, hòn đá mộ còn mang ý nghĩa như những vật hiến tế, như bức trướng, vòng hoa của người thời hiện đại.

Mỗi biểu tượng nêu trên đều có những vai trò riêng trong tang lễ, cùng với nghi thức tang ma, chúng trở thành những biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ riêng của người Mường.

______________

1, 2, 4, 5. Bùi Huy Vọng, Tang lễ cổ truyền người Mường, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010.

3. Đặng Văn Lung, Bùi Thiện, Bùi Văn Nợi, Mo Mường, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1996. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : BẠCH MỸ TRINH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *