Bộ Gong Pêh của người Mnông ở hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk


Người Mnông là một trong những dân tộc ít người sống chủ yếu vùng Tây Nguyên, Việt Nam, thuộc nhóm nhân chủng Indonesian và hệ ngôn ngữ Môn – Khmer. Người Mnông có hệ thống lễ nghi và âm nhạc phục vụ lễ nghi độc đáo, chẳng hạn bộ Gong Pêh hay còn gọi là ching ba (chiêng ba, gồm 3 chiêng lồi). Bộ Gong Pêh mang nhiều ý nghĩa như: vật linh để thờ cúng; biểu trưng cho một thế hệ, dòng tộc; nhạc khí thiêng giúp con người giao tiếp với thế giới thần linh; đại diện cho văn hóa truyền thống của một tộc người.

1. Vai trò bộ Gong Pêh trong đời sống người Mnông

Đối với người Mnông, cồng chiêng là nhạc khí sử dụng trong các lễ nghi cũng như trong sinh hoạt cộng đồng. Mỗi lễ nghi sử dụng bộ cồng chiêng khác nhau, như bộ chiêng 8, 10 cái hoặc nhiều hơn, thường sử dụng trong lễ mừng nhà mới, mừng thọ, lễ hội ăn trâu, mừng mùa lúa mới, lễ hội đua voi… Bộ Gong Pêh thường sử dụng trong lễ cưới, lễ tang và lễ bỏ mả. Ngày nay, do nhu cầu xã hội phát triển, một số nơi dùng bộ Gong Pêh trong sinh hoạt cũng như biểu diễn văn nghệ, mang tính chất quảng bá nhạc khí truyền thống của dân tộc.

Gong Pêh trong lễ cưới (Tâm nsông)

Theo truyền thống, lễ cưới của người Mnông chia làm ba giai đoạn: dạm hỏi, đính hôn và lễ cưới. Ngày nay, nhiều nơi chỉ tổ chức lễ cưới hoặc lễ đính hôn và lễ cưới. Trong lễ cưới, bộ Gong Pêh giữ năm nhiệm vụ chính: đóng vai trò là người báo tin, hình ảnh của các vị thần linh, đại diện cho ông bà tổ tiên, vật linh để con người giao tiếp với thế giới thần linh, nhạc khí tạo không khí vui tươi trong lễ cưới.

 Theo truyền thống của người Mnông, khi gia đình chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con, ngoài việc người nhà đi báo tin hôn lễ cho người thân thì âm thanh của bộ Gong Pêh cũng được xem như tín hiệu thông tin để mọi người biết thời gian, địa điểm diễn ra hôn lễ. Âm thanh đó là lời mời có sức thu hút rất mạnh đối với những người trong buôn, thúc giục mọi người đến chia sẻ công việc cùng gia đình. Khi nghe tiếng gọi của bộ Gong Pêh, người thì mang gạo, người thì mang ché rượu cần đến để giúp gia đình tổ chức hôn lễ. Đây là phong tục mang nhiều ý nghĩa cao đẹp mà người Mnông còn giữ được đến ngày nay.

Ngôi nhà của nhóm người Mnông sống quanh hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk thường là nhà sàn dài, có nhiều gian, trong đó gian ở giữa là gian chính. Đây là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình, nơi để mọi người sum họp cũng như tổ chức các lễ nghi theo phong tục. Bộ Gong Pêh được treo ở gian chính, khi chưa diễn tấu được treo lên cao, còn những chiêng khác để dưới sàn nhà. Điều đó cho thấy, bộ Gong Pêh đối người Mnông rất đặc biệt nên họ mới có những ứng xử khác biệt so với những bộ chiêng khác như vậy.

Trong lễ cưới, người Mnông sử dụng nhiều bộ cồng chiêng và nhạc khí khác, nhưng người nhà chỉ sử dụng bộ Gong Pêh để diễn tấu trong các nghi lễ chính như: khi gia đình nhà trai mời nhà gái uống rượu cần, đây là hình thức chào hỏi theo phong tục người Mnông; khi gia đình nhà trai dặn dò, khuyên nhủ, gửi gắm chú rể (con trai) cho nhà gái; khi cô dâu và chú rể thắp nhang cho ông bà tổ tiên (nghi thức này không có trong truyền thống, có thể do chịu ảnh hưởng của người Việt); khi gia đình hai bên chào tạm biệt nhau để chú rể về bên nhà gái…

Sau khi tham gia cử hành các nghi thức quan trọng của lễ cưới, bộ Gong Pêh tiếp tục tham gia vào sinh hoạt, vui chơi giải trí của cộng đồng. Khác với diễn tấu trong lễ nghi, trong sinh hoạt giải trí, bộ Gong Pêh thường hòa tấu cùng trống cái và các bộ cồng chiêng khác. Người tham dự vừa uống rượu cần, vừa nhảy múa theo nhịp điệu cồng chiêng, đây cũng là dịp để các bạn trẻ học hỏi cách đánh chiêng của các bậc cao niên, là dịp để mọi người thi thố tài năng của mình.

Gong Pêh trong lễ tang (Nau tâp khêt)

Nếu như mỗi người Mnông được sinh ra và lớn lên trong tiếng cồng chiêng thì lúc họ qua đời cũng không thể thiếu những âm thanh quen thuộc này. Có thể nói, âm thanh cồng chiêng trong tang lễ mang một màu sắc linh thiêng, trang nghiêm và đau buồn nhất. Tang lễ truyền thống của người Mnông rất phức tạp, trải qua nhiều nghi thức, phải tuân giữ, kiêng kỵ nhiều luật tục, trong đó có liên quan đến cồng chiêng. Bộ Gong Pêh tham gia hầu hết các nghi thức của lễ tang, trừ nghi thức báo tin người mới qua đời.

Trong Nghi lễ cổ truyền của người Mnông, tác giả Trương Bi ghi chép: “Khi có người chết, theo tục lệ Mnông, người nhà không đi báo tin miệng mà chặt 6 đoạn lồ ô cao thấp khác nhau, tương ứng với 6 chiêng trong dàn chiêng Mnông tạo thành một loại nhạc cụ đặc biệt, gọi là Ding Gơ để báo tin cho mọi người” (1). Hoặc trong Tang lễ người Mnông RLăm ở uôn Dlei, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, tác giả Y Tuyn Bing viết: “Khi nhà có người qua đời thì một người đàn ông lớn tuổi trong gia đình, dòng họ đánh một hồi trống tang lễ, báo hiệu nhà có tang” (2). Như vậy, theo truyền thống của người Mnông, khi gia đình có người qua đời, người nhà thường đánh trống cái, hoặc các đoạn lồ ô để báo tin.

Tang lễ truyền thống của người Mnông diễn ra trong 7 ngày với 9 nghi thức: làm quan tài (vào rừng chọn cây, chặt cây và trang trí quan tài), nhập quan, cúng quan tài, thăm viếng, chọn đất lập mộ, di quan, hạ huyệt, biếu thịt hiến sinh cho người dự lễ an táng, bàn việc chia nợ và chia của (3). Ngày nay, tang lễ chỉ diễn ra trong 3 ngày, một số nghi thức không còn tồn tại do điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường thiên nhiên đã thay đổi, ví dụ như nghi thức làm quan tài và chọn đất lập mộ. Nguyên nhân của sự biến đổi này là do con người khai thác cây rừng một cách thiếu trách nhiệm, nên số lượng những cây gỗ lớn có thể dùng để làm quan tài đã không còn. Thay vào đó, nhiều cơ sở sản xuất đã xem việc đóng quan tài là một lĩnh vực để kinh doanh có lợi nhuận cao, nên khi đóng quan tài, họ tập trung vào chất lượng gỗ hay cách trang trí quan tài, ít chú trọng đến yếu tố thần linh. Còn đối với gia đình có tang lễ, họ chọn mua quan tài dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình, không dựa trên quan niệm tâm linh như trước đây. Bên cạnh đó, nghi thức chọn đất lập mộ cũng bị biến đổi, do đất đai ngày nay đã được quy hoạch riêng cho từng buôn làng, nhiều nơi có khu đất nhà mồ chung cho mọi người trong buôn. Do đó, việc chọn đất để lập mộ chỉ mang tính tượng trưng, ngắn gọn, không cầu kỳ và linh thiêng như xưa.

Trong tang lễ, bộ Gong Pêh được treo hàng dọc, cạnh bên thi hài người mất. Nếu có 2 bộ thì bộ thứ 2 được treo hàng ngang, phía dưới chân thi hài người mất. Cũng như trong lễ cưới, bộ Gong Pêh trong lễ tang cũng luôn được treo lên mà không đặt dưới sàn nhà, thể hiện sự tôn trọng của người Mnông đối với bộ chiêng này.

Diễn tấu bộ Gong Pêh trong các nghi thức của tang lễ gồm: nhập quan, cúng quan tài, thăm viếng, di quan và hạ huyệt. Khi cử hành các nghi thức này, âm thanh bộ Gong Pêh vang lên trước để mọi người cùng chuẩn bị, khi nghi thức kết thúc, bộ Gong Pêh cũng tạm nghỉ, không diễn tấu. Người diễn tấu Gong Pêh thường ngồi cố định một hướng gần quan tài, riêng nghi thức di quan từ nhà đến nơi chôn cất, người diễn tấu luôn đi trước quan tài, vừa đi vừa đánh Gong Pêh. Khi quan tài đã tới huyệt mộ, những người diễn tấu tìm một địa điểm thích hợp (gần huyệt mộ) và ngồi đó đánh Gong Pêh liên tục cho đến khi nghi thức hạ huyệt kết thúc. Trước khi ra về, người nhà cùng với những người đánh Gong Pêh đi quanh ngôi mộ, vừa đi vừa đánh chiêng để từ biệt người quá cố, đây cũng là nhiệm vụ sau cùng của bộ Gong Pêh trong tang lễ của người Mnông.

Ngoài bộ Gong Pêh, tang lễ truyền thống của người Mnông còn có nhiều bộ cồng chiêng khác cùng tham gia, mỗi bộ giữ chức năng và nhiệm vụ riêng. Bộ Gong Pêh diễn tấu các nghi thức quan trọng của tang lễ. Bộ chiêng bằng (không quy định số lượng, có thể 8 cái, 10 cái hoặc nhiều hơn) không tham gia vào các nghi thức chính nhưng đóng vai trò như một hình thức giải trí, giúp buổi tang lễ bớt đi phần bi thương, lặng lẽ. Bộ chiêng bằng thường diễn tấu vào đêm khuya khoảng từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, đây là thời điểm mà các bạn trẻ vui chơi và uống rượu cần. Những bài hòa tấu của bộ chiêng bằng (chiêng không núm) thường vui nhộn, linh hoạt, mang tính giải trí. Như vậy, trong tang lễ bộ Gong Pêh đóng vai trò rất quan trọng, xuất hiện hầu hết trong các nghi thức chính của tang lễ và không tham gia vào sinh hoạt như trong lễ cưới.

Gong Pêh trong sinh hoạt và biểu diễn văn nghệ (Guk bưn, Mpơl nhhơ)

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu xã hội thời mở cửa giao lưu văn hóa, bộ Gong Pêh được người Mnông sử dụng như một phương tiện quảng bá văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc mình, cụ thể qua các chương trình như:

Lễ hội Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tổ chức tại Gia Lai – Kon Tum, người Mnông sử dụng bộ Gong Pêh tham gia trình diễn tiết mục Chiêng đón khách. Trong tiết mục này, bộ Gong Pêh kết hợp với 7 chiêng bằng cùng diễn tấu. Bài chiêng rộn ràng hòa với nhịp điệu nhảy múa của nghệ nhân để chào đón các vị khách. Vì đây là tiết mục biểu diễn (mang tính chuyên nghiệp) nên bài chiêng được chuẩn bị khá công phu, từ giai điệu, tiết tấu đến trang phục, đạo cụ, tất cả mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc.

Chương trình Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2017), diễn ra tại nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Người Mnông ở huyện Lắk đã chọn bộ Gong Pêh kết hợp với dàn Arap lồ ô để giao lưu văn nghệ với các đội chiêng khác. Tiết mục trình diễn của các nghệ nhân người Mnông đã tạo được sự khác biệt, thể hiện qua cách lựa chọn bộ chiêng, nhạc khí kết hợp, cách đánh chiêng và sau cùng là bài bản diễn tấu. Hoặc trong chương trình Tinh hoa đại ngàn (2019) diễn ra tại một số buôn của tỉnh Đắk Lắk, người Mnông cũng chọn bộ Gong Pêh để trình diễn, giao lưu với các đội chiêng của dân tộc khác.

Bộ Gong Pêh đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Mnông, tham gia hầu hết nghi thức quan trọng của đời người, là nhạc khí thiêng khi cử hành các lễ thức, là nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, bộ Gong Pêh đã được nhiều người sử dụng trong sinh hoạt văn nghệ, đây là môi trường tốt để bộ chiêng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, sự phát triển này có thể làm giảm ý nghĩa, vai trò và chức năng ban đầu của nó trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Vì vậy, khi khai thác và phát triển bộ Gong Pêh, người Mnông nên lưu ý phát triển cả hai yếu tố này.

2. Bộ Gong Pêh và những nhạc khí kết hợp

Bộ Gong Pêh gồm 3 chiêng lồi, số lượng này thường cố định khi tham gia diễn tấu trong một số nghi thức của lễ cưới và lễ tang. Người ta có thể sử dụng nhiều bộ Gong Pêh cùng lúc, mỗi bộ có kích thước và âm vực khác nhau, nhưng số lượng mỗi bộ không thay đổi (3 chiêng). Ngoài ra, bộ Gong Pêh kết hợp với nhạc khí khác như:

Gong Pêh kết hợp Chưng Chuôl và trống cái, sử dụng trong các nghi thức của lễ tang, không sử dụng trong lễ cưới hoặc sinh hoạt. Biên chế gồm: 3 chiêng lồi, 3 chưng chuôl (chén) và 1 trống cái.

Bộ Gong Pêh kết hợp với dàn Arap lồ ô hoặc kết hợp với chiêng bằng, chỉ tham gia trình diễn văn nghệ hoặc trong sinh hoạt cộng đồng, không tham gia vào các nghi thức mang tính chất lễ nghi. Ví dụ như bộ Gong Pêh kết hợp với dàn Arap lồ ô trong chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng tại hồ Lắk (2017) gồm: 3 chiêng lồi và 7 nhạc khí làm bằng lồ ô.

Cấu tạo Bộ Gong Pêh

Gong Pêh là nhạc khí tự thân vang, được kích âm bằng cách dùng nắm tay đấm trên mặt chiêng hoặc dùi gõ để tạo âm thanh. Người Mnông tuy không chế tạo, sản xuất ra bộ Gong Pêh nhưng là người sử dụng và lưu truyền trong thời gian lâu dài. Bộ chiêng này được làm bằng đồng thau hoặc hợp kim đồng thiếc, tùy từng nơi đúc mà có tỷ lệ hợp kim khác nhau. Bộ Gong Pêh có núm ở giữa, người Mnông quen gọi là chiêng lồi, chiêng hình tròn, chung quanh có vành còn gọi là thành. Bộ Gong Pêh gồm 3 chiêng lồi với kích thước khác nhau, như bộ chiêng của nhóm Mnông Rlăm ở hồ Lắk, huyện Lắk, các chiêng có đường kính lần lượt là 29, 25 và 20cm.

Kỹ thuật diễn tấu của bộ Gong Pêh

Kỹ thuật diễn tấu của cồng chiêng nói chung, bộ Gong Pêh nói riêng tuy không phức tạp nhưng phải thể hiện được sự pha trộn tiết tấu của từng chiếc chiêng. Một đội chiêng khi diễn tấu có thể cùng một nhịp độ, cách đánh có thể cùng một dạng tiết tấu nhưng mỗi người sẽ chọn cho mình thời điểm vang tiếng khác nhau, có tiết phách, trọng âm khác nhau, đan xen lẫn nhau tạo nên sự đa tiết tấu một cách nhịp nhàng.

Ngày nay, người Mnông kết hợp giữa dùi và tay khi diễn tấu, khác với sử dụng tay đơn thuần như trong truyền thống. Trong một số nghi thức của lễ cưới và lễ tang, họ thường dùng dùi có bọc vải mềm để âm thanh ấm áp và mềm mại hơn. Trong sinh hoạt, trình diễn văn nghệ thì ngược lại, người ta thường sử dụng dùi không bọc vải hoặc thân cây gỗ mềm (cây khoai mì) để kích âm, âm thanh nghe gọn, chắc, khỏe, vang xa hơn. Nhình chung, màu âm của bộ Gong Pêh ngoài việc phụ thuộc vào chất liệu đúc chiêng còn phụ thuộc phần lớn vào cách đánh và dùi kích âm.

Kỹ thuật diễn tấu tay phải: đấm, gõ vào phần lồi của mặt Gong Pêh, đây là vị trí tạo ra âm chuẩn và đẹp nhất, những vị trí khác trên mặt chiêng cũng có thể đánh được nhưng màu âm không đẹp và cao độ không chính xác. Vang độ của âm thanh tùy thuộc vào lực tác động (đấm, gõ) vào mặt chiêng.

Có thể nói, Gong Pêh là một trong những nhạc khí truyền thống của người Mnông đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như đời sống xã hội của cộng đồng. Gong Pêh biểu trưng cho một chế độ mẫu hệ, là hình ảnh diễn tả ngôi vị trong gia đình (chiêng bà, chiêng mẹ, chiêng con gái út). Về lĩnh vực tâm linh, bộ Gong Pêh có mặt trong nhiều lễ nghi, đặc biệt là lễ cưới và lễ tang. Trong mỗi lễ nghi, bộ Gong Pêh sử dụng kỹ thuật diễn tấu khác nhau, tạo nên màu sắc âm thanh đặc trưng riêng. Trong biểu diễn văn nghệ mang tính chuyên nghiệp hoặc trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, người Mnông chọn bộ Gong Pêh là hình ảnh đại diện cho dân tộc. Gong Pêh có thể kết hợp với nhiều loại nhạc khí khác nhau khi diễn tấu. Trong các nghi thức của lễ nghi, bộ Gong Pêh diễn tấu giai điệu chính, trong biểu diễn văn nghệ, nó lại thường đảm nhiệm phần đệm, là âm nền cho các nhạc khí khác.

______________

1. Trương Bi, Tô Đông Hải, Điểu Kâu, Nghi lễ cổ truyền của người Mnông, Nxb Văn hóa dân tộc, 2006, tr.90.

2. Y Tuyn Bing, Tang lễ của người M’nông Rlăm (ở Uôn Dlei, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), Luận văn Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 2006, tr.46.

3. Nhiều tác giả, Tang lễ cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2011, tr.41-116.

Tác giả: Nguyễn Như Kim

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *