Bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho sinh viên


Văn hóa ứng xử là một nội dung, một phương diện cơ bản của văn hóa nói chung và văn hóa cá nhân nói riêng, bao gồm tổng thể những giá trị được con người sáng tạo ra trong hoạt động và trong quan hệ ứng xử phù hợp với chuẩn văn hóa của từng cộng đồng, dân tộc. Văn hóa ứng xử được biểu hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người xung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay là một quá trình tác động làm cho mỗi sinh viên không ngừng phát triển toàn diện những phẩm chất, năng lực ứng xử của mình theo những hệ chuẩn giá trị của môi trường văn hóa sư phạm và của xã hội, góp phần xây dựng bầu không khí sư phạm nhà trường lành mạnh.

Nhu cầu thực tiễn xã hội đã và đang đặt ra nhiệm vụ then chốt của hoạt động giáo dục và đào tạo ở các nhà trường đại học, cao đẳng nước ta, đó là không chỉ truyền đạt tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, mà còn đặt ra yêu cầu cao về sự hoàn thiện nhân cách của họ. Theo đó, việc bồi dưỡng văn hóa ứng xử cho sinh viên là vấn đề có tính tất yếu, quan trọng và cấp thiết.

Phát huy truyền thống giáo dục của dân tộc, những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng nước ta luôn ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng thường xuyên quan tâm quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh phát triển văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử nói riêng, nhất là Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII và Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI nhằm xây dựng văn hóa ứng xử cho mỗi sinh viên theo các tiêu chí, chuẩn mực của cộng đồng, xã hội. Do vậy, về cơ bản, các thế hệ sinh viên đã giữ gìn và phát huy được nét đẹp truyền thống trong ứng xử với giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của nhà trường, nhất là các giá trị, chuẩn mực “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đồng thời, sớm hình thành tinh thần đoàn kết tập thể, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ học tập, rèn luyện; hàng triệu sinh viên đã tốt nghiệp, ra trường, đóng góp nguồn lực tri thức to lớn vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, kiến thiết đất nước; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực đạt được, trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường như: lối sống ích kỷ, thực dụng, cá nhân, văn hóa lai căng… đã và đang hằng ngày, hằng giờ len lỏi, thâm nhập vào hành vi, lối ứng xử của một bộ phận sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay với cường độ ngày càng nhanh, phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn. Điều này khiến cho một số sinh viên mất phương hướng trong cuộc sống; không ít các giá trị, chuẩn mực của sinh viên được định nghĩa lại bằng sự cân đo đong đếm trên cơ sở lợi ích, tính thực dụng, vị kỷ cá nhân. Cá biệt, có một số sinh viên còn biểu hiện thái độ thiếu tôn trọng không chỉ đối với bạn bè, với các mối quan hệ xã hội, mà còn biểu hiện ngay cả đối với giảng viên, với cán bộ quản lý nhà trường trong quá trình giao tiếp. Điều này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, đạo đức học đường, cần phải kịp thời có biện pháp khắc phục. Do vậy, xây dựng văn hóa ứng xử cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là cơ sở nền tảng để hoàn thiện nhân cách của sinh viên, giúp mỗi sinh viên sau quá trình đào tạo không chỉ có tài, mà còn có đủ đức để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế của đất nước.

Có thể thấy rằng, xây dựng văn hóa ứng xử cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay vừa là quá trình tác động tổng thể bằng việc thúc đẩy sự hình thành, củng cố những chuẩn văn hóa ứng xử mới, tiến bộ, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhân cách toàn diện cho sinh viên như: cách giao tiếp, đi đứng, ăn mặc, cư xử, hành vi quan hệ giữa sinh viên với sinh viên, giữa sinh viên với giảng viên, với tập thể lớp học, nhà trường, gia đình và xã hội… Để xây dựng văn hóa ứng xử với các hoạt động thiết thực nhằm trang bị, thẩm thấu hệ thống các giá trị, chuẩn mực trong môi trường học đường đến mỗi sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay, thì cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Trước hết, cần lành mạnh hóa quan hệ giữa các sinh viên. Theo đó, cần xác định giáo dục văn hóa ứng xử cho sinh viên là một trong những nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong nhà trường; phải xây dựng quan hệ giữa sinh viên với sinh viên đúng đắn, đoàn kết, gắn bó; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái; đấu tranh loại bỏ những biểu hiện thiếu lành mạnh trong tập thể sinh viên như: thói vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, những mối quan hệ bị chi phối bởi đồng tiền, lợi ích vật chất, mang tính thực dụng… Có thể thấy, văn hóa ứng xử của sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta chỉ có thể hình thành, phát triển thông qua các quan hệ trong sáng, lành mạnh, mang tính nhân đạo, nhân văn giữa các sinh viên trong môi trường sư phạm của nhà trường.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử cho sinh viên. Văn hóa ứng xử của sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay là sự kết hợp giữa tiếp thu những hành vi văn hóa của đội ngũ cán bộ, giảng viên, của tập thể sinh viên nhà trường và xã hội với sự tự nhận thức, tiếp thu, rèn luyện thành thói quen, hành vi ứng xử của bản thân. Trong đó, đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng, là người trực tiếp tác động sâu đậm, gây ấn tượng mạnh mẽ đến việc hình thành, phát triển hành vi ứng xử có văn hóa cho mỗi sinh viên. Nếu mỗi giảng viên duy trì thường xuyên, bền vững hành vi ứng xử phù hợp với chuẩn văn hóa của môi trường và xã hội sẽ mang lại hiệu quả cao đối với phát triển văn hóa ứng xử cho sinh viên của nhà trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (1). Do đó, bên cạnh việc yêu cầu cao về chất lượng bài giảng, năng lực truyền thụ kiến thức, mỗi giảng viên các trường đại học, cao đẳng ở nước ta cần rèn tính mô phạm, sự mẫu mực về phẩm chất, đạo đức lối sống, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử cả trong quá trình giảng dạy và trong thực tiễn cuộc sống.

Mỗi giảng viên các trường đại học, cao đẳng cần tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng văn hóa học đường; khách quan, thẳng thắn nhưng cũng hết sức khéo léo, tế nhị khi phê phán những sinh viên chưa thực hiện tốt văn hóa giảng đường nhằm đạt hiệu quả cao trong định hướng, giúp sinh viên nhận ra được cái sai, cái chưa đẹp trong thái độ, lời nói, hành vi để họ tự nhận thức, điều chỉnh cho phù hợp với các giá trị, chuẩn mực của môi trường học đường cũng như chuẩn mực của xã hội hiện đại.

Cuối cùng, cần phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong tu dưỡng, rèn luyện văn hóa ứng xử. Đây là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm chuyển hóa những biện pháp tác động của quá trình giáo dục, xây dựng văn hóa ứng xử thành hành vi tự giác trong hoạt động ứng xử đúng chuẩn mực của mỗi sinh viên. Phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong tu dưỡng, rèn luyện văn hóa ứng xử là cơ sở nâng cao sức mạnh nội lực, khơi dậy tính chủ động, sự nỗ lực cố gắng vươn lên của mỗi sinh viên trong rèn luyện thái độ, hành vi, nâng cao khả năng ứng xử, giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ trong hoạt động thực tiễn, đồng thời cũng chính là quá trình phát triển, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường đã xác định.

Để hiện thực hóa nội dung này, trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý cùng giảng viên các trường đại học, cao đẳng cần thường xuyên nghiên cứu, tạo ra các động lực kích thích sinh viên say mê, chủ động, sáng tạo, tích cực tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện hành vi ứng xử của bản thân theo các chuẩn mực văn hóa nhà trường và xã hội; tuyên truyền, giáo dục cho mỗi sinh viên có nhận thức đúng đắn về những tri thức, hiểu biết về ứng xử có văn hóa; nhận thức và phát hiện những mâu thuẫn chủ yếu trong thực tiễn giáo dục, rèn luyện ứng xử có văn hóa của bản thân hiện nay. Đồng thời, luôn đặt ra yêu cầu cao và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp trong tự giáo dục, tự rèn luyện ứng xử có văn hóa, bảo đảm tính linh hoạt, sáng tạo. Đề cao khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng của sinh viên trước những tác động tiêu cực đối với quá trình giáo dục, rèn luyện ứng xử có văn hóa.

_____________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 1, tr.284.

Tác giả: Nguyễn Thị Huyền Chi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *