Bước chuyển tư duy lý luận của Đảng về chính sách phát triển văn hóa


  Tư duy lý luận của Đảng về phát triển văn hóa, xét đến cùng, là dự báo, định hướng đường lối, chủ trương, giải pháp, chính sách… nhằm thúc đẩy, phát triển sự nghiệp văn hóa trong những bối cảnh, thời kỳ và giai đoạn khác nhau. Trong suốt chặng đường dài đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều quan điểm, đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn, sinh động và cụ thể về phát triển văn hóa, tạo động lực to lớn cho cả dân tộc vừa kháng chiến kiến quốc, vừa xây dựng đời sống sinh hoạt, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Trong hệ vấn đề vĩ mô và bao hàm nhiều phương diện đó, có thể nói, “những vấn đề văn hóa và con người là vấn đề trọng tâm phản ánh sự ưu việt của chế độ chính trị xã hội, phản ánh chất lượng và mục đích cuối cùng của sự tăng trưởng kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề này gắn bó, thống nhất hữu cơ với nhau đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước” (1).

 

  Thực tiễn cho thấy, trong suốt chặng đường dài đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng ta đã đề ra nhiều quan điểm, đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn, sinh động và cụ thể về văn hóa, tạo động lực to lớn cho cả dân tộc vừa kháng chiến kiến quốc, vừa xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Ngay từ những năm 30 TK XX, Đảng ta đã sớm đề ra những định hướng và nhiệm vụ quan trọng về phát triển văn hóa để thức tỉnh lòng yêu nước, mở mang dân trí và xây dựng xã hội. Điều này thể hiện rất rõ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930). Đến Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), ba nguyên tắc vận động và thực hành văn hóa (dân tộc, khoa học, đại chúng) đã được Đảng ta chú trọng và lĩnh vực văn hóa được nâng tầm như một mặt trận trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Năm 1948, về mặt lý luận, văn kiện Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã khẳng định một cách toàn diện quan điểm văn hóa Mác xít của Đảng nhằm xây dựng “nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam gồm cả ba tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng”; về mặt thực tiễn, tác phẩm Đời sống mới của Tân Sinh (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đề cao và kêu gọi thực hành xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống mới trong quảng đại quần chúng nhân dân, tạo nên những phong trào văn hóa chưa từng có…

  Tiếp đó, trong từng thời kỳ, các quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được Đảng ta đề xướng, triển khai và ngày càng có ý nghĩa động lực cho sự phát triển đời sống xã hội. Đại hội lần thứ X của Đảng (2006) tiếp tục khẳng định tư duy mới, nâng cao vị thế văn hóa, coi văn hóa là một trong ba chân kiềng quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, là nền tảng tinh thần của xã hội và nêu rõ định hướng: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế, xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” (2).

  Có thể nói, đó chính là những bước chuyển trong tư duy lý luận của Đảng về chính sách phát triển văn hóa trước đây và hiện nay. Trong quá trình dài lâu bổ sung, hoàn thiện, đổi mới tư duy về đường lối, chính sách về phát triển văn hóa của Đảng, có nhiều mốc son đáng nhớ. Trong những dấu mốc ấy, về đổi mới chính sách văn hóa, phải kể đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các đặc trưng cơ bản: dân tộc, hiện đại, nhân văn; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của văn hóa trong việc tạo lập một môi trường văn hóa, mà ở đó, các quan hệ xã hội được hài hòa, tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa được phát triển lành mạnh trên nền tảng văn hóa gia đình và văn hóa toàn dân.

  Để minh chứng rõ hơn bước chuyển tư duy lý luận của Đảng về chính sách phát triển văn hóa qua các chủ trương, chính sách, chúng tôi đề cập rõ hơn về các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, tăng cường nguồn lực cho văn hóa, xã hội hóa hoạt động văn hóa…, được coi như những giải pháp chính để phát triển văn hóa ở một tầng cao mới và đã trở thành phong trào văn hóa trong thực tiễn xã hội.

  Về chính sách kinh tế trong văn hóa chính sách văn hóa trong kinh tế, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã khẳng định rất rõ: “ Chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính, hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời đảm bảo yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” (3). Và, ở chiều ngược lại, “chính sách văn hóa trong kinh tế đảm bảo cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa” (4).

  Rõ ràng, đến bây giờ, chúng ta đã khẳng định rằng văn hóa không chỉ là lĩnh vực sản xuất tinh thần không vụ lợi mà còn là một hoạt động sản xuất sản phẩm với tính kinh tế, tính hàng hóa, tính thương mại. Và, trong hoàn cảnh hiện nay, rất cần thiết tăng cường và khuyến khích khả năng làm kinh tế trong các hoạt động văn hóa, trong các tổ chức văn hóa. Chính vì thế mà chính sách phát triển kinh tế nói chung, kinh tế trong văn hóa nói riêng, một mặt phản ánh mức độ phát triển của con người trong thiên nhiên và xã hội, mặt khác, có tác động quyết định đến sự phát triển văn hóa. Những chính sách kinh tế trong văn hóa đó nhiều khi vượt khỏi phạm vi kinh tế, mang đậm diện mạo văn hóa, tạo thành động lực cho sự phát triển hài hòa nhân cách, phát triển gia đình, cộng đồng và xã hội.

  Tuy nhiên, không hề có mối quan hệ đơn giản, hời hợt giữa kinh tế và văn hóa theo kiểu cứ có kinh tế phát triển là sẽ có văn hóa cao. Do đó, lại phải chú ý tới một chiều cạnh khác, chiều cạnh văn hóa của sự phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, trong phát triển bền vững đất nước, cần thiết phải ý thức được vai trò hàng đầu của chính sách văn hóa, giải pháp văn hóa, môi trường văn hóa. “Việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp kinh tế phải gắn với các mục tiêu, giải pháp văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh xây dựng văn minh thương nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kinh doanh…” (5). Nói tóm lại, giải pháp văn hóa nhằm đưa văn hóa vào mục tiêu, động lực, chính sách, hoạt động và hàng loạt phương diện khác nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

  Về chính sách tăng cường nguồn lực cho văn hóa, ở một mức độ nào đó, có thể được nhìn nhận từ nhiều phương diện. Chúng tôi xin đề cập hai phương diện chính.

  Phương diện Nhà nước: Cần đầu tư toàn diện cho văn hóa. Mặc dù đang đẩy mạnh đổi mới tư duy, lý luận và thực hành hoạt động văn hóa theo hướng chối bỏ bao cấp, tiếp cận quy luật kinh tế thị trường, song, trong thời điểm giao thời, Đảng, Nhà nước vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để nguồn đầu tư, tài trợ ngân sách cho hoạt động văn hóa. Thậm chí, Đảng ta đã đề ra quyết sách tăng cường đầu tư cho văn hóa một cách có trọng điểm, đúng việc, đúng đối tượng. Lộ trình tăng kinh phí cho sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch hằng năm đang được thực hiện. Trên nhiều phương diện hoạt động, có thể đưa ra nhiều khía cạnh, nhiều chỉ báo minh chứng cho bước chuyển tư duy của Đảng cũng như sự đầu tư ngày càng lớn của Nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và cho đời sống văn hóa toàn dân. Sự gia tăng vị thế của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, sự vận hành khá thuận lợi của việc đổi mới tư duy thể chế tới thiết chế, từ văn bản pháp quy đến chính sách thực tiễn, từ phương thức hoạt động đến đội ngũ cán bộ…; sự tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa đã đảm bảo điều kiện tốt cho sự phát triển sự nghiệp văn hóa, hoạt động nghệ thuật, đời sống văn hóa cơ sở và mở ra hướng phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa và doanh nghiệp văn hóa.

  Trong bối cảnh toàn cầu hóa nhiều thách thức và trong tình hình kinh tế của đất nước chưa hẳn đã hết khó khăn, phải nhìn nhận rằng, sự đầu tư toàn diện cho sự nghiệp văn hóa là một cố gắng lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Không có sự đầu tư, tài trợ chính thống này, sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch khó mà đảm đương được nhiệm vụ, cũng như sứ mệnh ngày càng nặng nề của mình.

  Phương diện xã hội: Xã hội hóa hoạt động văn hóa.

  Thực tiễn cho thấy, dù có cố gắng tới đâu, thì cuối cùng Đảng, Nhà nước, với kinh phí ngân sách hạn hẹp, cũng không thể bao cấp hoàn toàn cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch vốn hết sức rộng lớn, đa dạng, phong phú. Vả lại, sự phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập ngày càng khó cho phép tồn tại tư duy và cách sống quá dựa dẫm vào Nhà nước, đặc biệt về phương diện kinh phí. Vì thế, cùng với phương thức nhận đầu tư, tài trợ từ Nhà nước, phải có được phương thức khác nữa để tăng cường nguồn lực nhằm hoàn thành có hiệu quả mục tiêu phát triển văn hóa.

  Trong tình hình đó, xã hội hóa văn hóa là một bước chuyển về tư duy lý luận của Đảng, một chủ trương, đồng thời là một giải pháp, hợp lý và hiệu quả. Đúng hơn, xã hội hóa văn hóa đã trở thành một trong những vấn đề chiến lược, trọng tâm của sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch trước đây và hiện nay. Dù đã được triển khai nhiều năm qua trong đời sống văn hóa, song, hiện tại, về lý luận và thực tiễn, cách hiểu và thực hành xã hội hóa văn hóa chưa hẳn đã thống nhất, thậm chí còn sai lệch (chẳng hạn cách hiểu xã hội hóa văn hóa là… góp tiền, thu tiền của dân để làm văn hóa xuất hiện đó đây ở một vài cơ sở). Vì thế, cần phải thấy rõ, đây là một chủ trương toàn diện, nhiều mặt nhằm tăng cường nguồn lực tổng hợp để phát triển văn hóa chứ không chỉ nhằm huy động nguồn kinh phí, dù đó là một nội dung không kém phần quan trọng của xã hội hóa văn hóa. Theo chúng tôi, có mấy khía cạnh cần chú ý khi đề cập đến khái niệm xã hội hóa văn hóa.

  Về mặt chủ thể, xã hội hóa văn hóa thực chất là xã hội hóa quyền tổ chức và điều hành các hoạt động sản xuất văn hóa theo hướng đa dạng hóa chủ thể quản lý, nhằm thu hút đông đảo lực lượng xã hội, tập thể và tư nhân đứng ra chăm lo cho các hoạt động văn hóa, tổ chức và điều hành quá trình sản xuất văn hóa theo đúng pháp luật của Nhà nước.            

  Về mặt phương thức, đó là quá trình hai chiều, một mặt phổ quát, đưa những giá trị văn hóa tinh thần kết tinh dưới dạng những loại hình văn hóa nghệ thuật vào đời sống xã hội, trở thành tài sản chung của xã hội, mặt khác, trên cơ sở đó, phát động toàn dân, trong quá trình hòa nhập vào xã hội, làm phong phú tài sản chung đó.

  Về mặt nguyên tắc, đây là quá trình tăng cường sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở vận động và tổ chức, quản lý sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp văn hóa nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ, sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân…

  Về mặt thực tiễn lịch sử, quá trình xã hội hóa ở Việt Nam xuất hiện đã khá lâu dưới dạng các đoàn tư nhân, các bầu, gánh, các phường tuồng, chèo, rối, xiếc xuất hiện trước Cách mạng Tháng Tám. Như vậy, quá trình xã hội hóa văn hóa đã có những tiền đề, những biểu hiện, những hình thức trong xây dựng và hoạt động văn hóa, trong đó nổi bật là hình thức tự quản trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Trước đây, phần lớn hoạt động văn hóa nghệ thuật đều được bao cấp, được sản xuấtđưa xuống cho người dân. Do vậy, sản phẩm văn hóa tạo ra có tính một chiều, không nhiều, không đạt đỉnh cao và chưa đáp ứng thật trúng nhu cầu văn hóa, chưa phát huy được khả năng sáng tạo văn hóa của toàn dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu văn hóa và hoạt động văn hóa phát triển vô cùng phong phú. Sự bung ra này, một mặt, trả lại cho nhân dân sự đa dạng về loại hình văn hóa nghệ thuật vốn bị bó hẹp, mặt khác biểu lộ những tiềm năng mới trong việc đưa những yếu tố, những giá trị văn hóa có tính chất cá nhân, nhóm, gia đình thành giá trị xã hội chung.

  Hoạt động văn hóa là sự nghiệp của toàn xã hội, vì thế, cần có sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội trên nhiều bình diện, nhiều hình thức. Xã hội hóa văn hóa thực chất là hình thức chuyển giao, san sẻ trách nhiệm xã hội về các hoạt động sáng tạo, cung cấp, phổ biến văn hóa, gắn trách nhiệm quản lý của Nhà nước với hoạt động văn hóa của dân; tăng cường vai trò trách nhiệm văn hóa của cá nhân và cộng đồng; đảm bảo mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của dân trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia tự quản văn hóa của các ngành, các cấp, các giới, các thành viên xã hội. Cho đến nay, với những thành tựu khả quan trong quản lý văn hóa, trong gia tăng đội ngũ hoạt động văn hóa, đặc biệt, trong thu hút nguồn kinh phí lớn cho hoạt động văn hóa, cho tổ chức lễ hội, tôn tạo di tích, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, có thể nói chủ trương xã hội hóa văn hóa đã trở thành giải pháp văn hóa làm gia tăng đáng kể nguồn lực tổng hợp thúc đẩy nhanh, mạnh sự phát triển nền văn hóa và đời sống văn hóa toàn dân.

  Trở lên, chúng tôi đã đề cập đến một số vấn đề lớn thuộc lĩnh vực chính sách văn hóa, vừa thể hiện chủ trương, vừa bao hàm giải pháp quản lý và phát triển dự nghiệp văn hóa của Đảng và Nhà nước. Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, các tổ chức xã hội và người dân làm chủ trong việc tổ chức và thực hành văn hóa, với chính sách văn hóa phù hợp, sự nghiệp văn hóa ở nước ta trong nhiều năm qua đã thực sự hội đủ điều kiện để phát triển. Hiệu quả của chính sách kinh tế trong văn hóa, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa ở phương diện nhà nước (đầu tư, tài trợ) và phương diện xã hội (xã hội hóa văn hóa với sự đóng góp nhiều mặt của nhiều chủ thể) cùng với những chính sách khác về văn hóa là hết sức to lớn.Và quan trọng hơn, hiệu quả ấy minh chứng sinh động bước chuyển tư duy lý luận của Đảng về chính sách phát triển văn hóa, có tác dụng lâu dài, bền vững về mặt lý luận và thực tiễn trong việc góp phần và thúc đẩy sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

_______________

  1. Phạm Duy Đức, xaydungdang.org.vn.

  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 106.

  3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 73, 74.

 

Tác giả: Phạm Vũ Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *