Các dòng họ Tiên Công trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở khu đảo Hà Nam


Từ trước tới nay, khi nói tới cộng đồng, chúng ta thường nhắc tới cộng đồng ở cấp độ làng xã mà ít đề cập đến các dòng họ – nơi chứa đựng giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần trong quá trình hình thành và phát triển. Trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản của cộng đồng, dòng họ có vai trò quan trọng bởi đây là một thực thể xã hội mang tính phổ quát của loài người. Bài viết đi sâu vào nghiên cứu các dòng họ Tiên Công khu đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay.

1. Các dòng họ Tiên Công – chủ nhân văn hóa của vùng đất Hà Nam

Khu đảo Hà Nam là vùng đất nhỏ tách khỏi đất liền bởi sông Chanh và một nhánh sông Bạch Đằng. Trước kia, đây là một bãi bồi ngập nước mênh mông, khi triều lên có những đượng đất nhô cao. Thời Lý Trần đã có một số vạn chài sinh sống. Vào TK XV, có nhiều nhóm cư dân tới quai đê, lấn biển, khai mở đất đai và lập làng Cẩm La, Phong Cốc, Yên Đông, Trung Bản, Liên Vị, Vị Dương, Lưu Khê, Vị Khê và Quỳnh Biểu, Hải Yến. Nhóm cư dân đầu tiên (gồm 17 người) quê ở phường Kim Liên, phủ Hoài Đức, phía nam kinh thành Thăng Long. Trong thời gian này, còn có 2 gia đình quê ở Trà Lí (Thái Bình) cũng đến đây khai khẩn ruộng đồng, định cư sinh sống. Tất cả họ được gọi chung là Thập cửu Tiên Công định cơ lập ấp, thờ tại đền Thập cửu Tiên Công. Tiếp đến là nhóm cư dân từ Kiến Xương (Thái Bình), Phủ Lý (Nam Định) đến khai phá các gò đất nổi ở vùng Hà Nam.

Như vậy, ngay từ TK XV, người dân đã bắt đầu công cuộc khai khẩn, quai đê, lấn biển ở vùng cửa biển Bạch Đằng. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, những người dân đến đây khai phá đã tập trung nhân lực, vật lực, đoàn kết, thống nhất, cùng nhau vượt qua khó khăn để tạo dựng vùng đất Hà Nam trù phú như ngày nay. Có được điều đó là nhờ công lao to lớn của 24 vị Tiên Công đã bỏ mồ hôi, công sức khai hoang, lập làng khi nơi đây còn là những bãi triều ngập nước. Đây là những dòng họ đầu tiên đến khai phá vùng đất, hình thành nên xã Phong Lưu xưa nên gọi chung là các dòng họ Tiên Công.

Để ghi nhớ công lao to lớn của các vị Tiên Công – những người khai phá vùng đất, con cháu đã lập đền thờ các vị tại đền Thập Cửu Tiên Công (xã Cẩm La), miếu Tiên Công (xã Liên Hòa), đình làng Trung Bản và Hải Yến. Sau này, dân số đông, ngoài thờ chung tại đình, miếu, con cháu còn lập từ đường thờ riêng các vị ở gia đình dòng họ. Tính đến năm 2018, khu đảo Hà Nam có hơn 90 nhà thờ họ, trong đó 23 nhà thờ họ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cùng với hệ thống di tích nhà thờ họ là các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán và nghi thức, nghi lễ cổ xưa, diễn ra tại các dòng họ, trong lễ hội Tiên Công đã làm cho diện mạo đời sống văn hóa ở Hà Nam phong phú, đa dạng.

Như vậy, các dòng họ ở đây với tư cách là chủ nhân của vùng đất, họ chính là người đại diện cho cộng đồng, là người sáng tạo ra giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Vì vậy, họ có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nơi đây.

2. Các dòng họ Tiên Công tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Các dòng họ Tiên Công là những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa của vùng đất Hà Nam. Vì vậy, các dòng họ này cũng tham gia tích cực giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa nơi đây. Các dòng họ Tiên Công đã không tiếc công sức, chủ động phối hợp cùng ban ngành địa phương chăm lo, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, duy trì sinh hoạt văn hóa, nghi lễ, nghi thức và tổ chức lễ hội Tiên Công.

Nhiều đền thờ miếu mạo được các dòng họ đứng ra quyên góp, huy động con em thuộc dòng tộc, đặc biệt, con em các dòng họ là kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài đóng góp kinh phí để tu sửa, nâng cấp hoặc xây mới các di tích. Với nguồn kinh phí thu được, việc tổ chức lễ hội của địa phương cũng như sinh hoạt văn hóa trong dòng họ ngày càng long trọng.

Hệ thống nhà thờ họ Tiên Công đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện vẫn còn nguyên giá trị, giữ được nét kiến trúc cổ với cổng tam quan, sân tế tổ, nhà thờ kiểu chữ Nhị hoặc chữ Tam, bái đường và hậu cung đều có 3 đến 5 gian, mái lợp ngói, hai hồi bít đốc, đắp trụ, lưu giữ nhiều di vật cổ là những minh chứng của thời kì mở đất. Tiêu biểu phải kể đến: từ đường các dòng họ Vũ (thờ thủy tổ Tiên công Vũ Tam Tỉnh, Vũ Giai), từ đường họ Nguyễn (thờ thủy tổ Tiên công Nguyễn Nghệ, Nguyễn Thực), từ đường họ Bùi (thờ thủy tổ Tiên công Bùi Bách Niên) tại Yên Đông, từ đường họ Bùi (thờ thủy tổ Tiên công Bùi Huy Ngoạn) tại Nam Cầu, phường Phong Hải, từ đường họ Dương (Tiên công Dương Quang Tấn) tại xóm Ngoài, xã Cẩm La… Bên cạnh những từ đường còn lưu giữ nhiều nét cổ kính, có nhiều từ đường do thời gian đã xuống cấp nhưng được con cháu sửa sang khang trang. Cổng, sân, tiền đường và hậu cung đều làm ba gian, lợp ngói, hồi bít đốc như: từ đường họ Đào (thờ Tiên công Đào Bá Lệ) tại thôn Lưu Khê, xã Liên Hòa; từ đường họ Đỗ (Tiên công Đỗ Độ) tại thôn Lưu Khê, xã Liên Hòa; từ đường họ Lê (Tiên công Lê Phúc Hy) tại thôn Lưu Khê, Liên Hòa…

Nét độc đáo nơi đây là không có tượng thờ, chỉ có khám thờ thủy tổ Tiên Công, có trướng thờ các thế tổ và đời con cháu theo cây gia phả, bia cùng các đồ thờ tự khác. Trong đó, hấp dẫn và cuốn hút nhất của điêu khắc trang trí trong kiến trúc các di tích này phải kể đến mảng chạm khắc trên vì kèo, các bức cốn, đầu dư, đòn bẩy, cửa võng, án gian, chi tiết kiến trúc khác trong khung gỗ – yếu tố cơ bản trong kiến trúc Việt Nam. Tất cả đều được trạm trổ công phu, sắc nét với các biểu tượng tự nhiên, vân xoắn, lá, tùng, cúc, trúc, mai, đao mác hay các biểu tượng vật linh: long, ly, quy, phụng. Giá trị nghệ thuật điêu khắc trang trí của nhà thờ họ Tiên Công chủ yếu được thể hiện ở các bức cửa võng, khám, trướng, long ngai, án gian, đầu dư, rường, cốn, xà, bẩy… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hình tượng tứ linh (rồng, phượng, rùa, lân) đã xuất hiện trong điêu khắc của các nhà thờ họ Tiên Công, mang phong cách thời Nguyễn. Ngoài ra, trang trí trên kiến trúc của những di tích này còn có các con vật khác như: hổ phù, hạc, long mã, cú mèo… Đặc biệt, có những họa tiết mang dấu ấn của thời kì các Tiên Công đến khai phá vùng đất, đó là hình con ếch trên bức cửa võng của hậu đường thuộc nhà thờ họ Vũ Tam. Đây là hình tượng có ý nghĩa minh chứng cho sự khai khẩn vùng đất của các vị Tiên Công mà dấu tích đầu tiên là tìm ra mạch nước ngọt khi nghe thấy tiếng ếch kêu.

Hiện nay, đền thập cửu Tiên Công và hệ thống nhà thờ họ Tiên Công cùng các di vật, sắc phong, bi kí, đồ thờ tự trong các di tích đều thuộc sự quản lý của cơ quan văn hóa địa phương: phòng Văn hóa thị xã và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đối với các từ đường dòng họ Tiên Công lại được quản lý trực tiếp thông qua hội đồng gia tộc của các dòng họ. Hội đồng gia tộc này hoạt động với tư cách như một tổ tự quản, tổ bảo vệ di tích, cắt cử người là con cháu trong các dòng họ trông nom, phân công nhau vệ sinh di tích của dòng họ mình.

Các di tích nhà thờ họ Tiên Công được phát huy trong đời sống của người dân bởi đây chính là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và những hoạt động mang ý nghĩa tâm linh của dòng họ. Thật vậy, vùng đảo Hà Nam có tới 34km đê biển bao quanh. Đây là vùng cửa biển với khí hậu đặc thù nên người dân luôn phải chống chọi với mưa bão, sóng biển, triều dâng và làm thủy lợi bảo vệ xóm làng. Do đó, tục thờ Tiên Công và truyền thống quai đê, lấn sông lấn biển lập làng, làm thủy lợi là một nét đặc thù riêng của dân vùng cửa biển. Ngày nay, con cháu của các Tiên Công đều tự hào mình có thủy tổ khai canh, lập ấp nơi bãi triều hoang sơ này từ đầu TK XV. Tất cả các nét văn hóa đó được diễn ra trong không gian thiêng liêng của các nhà thờ họ. Vì vậy, các di tích nhà thờ họ Tiên Công chính là nơi gắn kết con cháu trong dòng tộc, những ngày giỗ tổ, lễ tiết đều trở thành ngày hội của cả dòng họ tại không gian thiêng này.

Lễ hội Tiên Công được diễn ra tại đền Thập Cửu Tiên Công, còn gọi là miếu Tiên Công, thuộc địa phận xã Cẩm La, thờ 19 vị Tiên Công. Để tưởng nhớ công lao của các vị Tiên Công, hàng năm, nhân dân mở hội, lúc đầu gọi là hội Thập cửu Tiên Công nhưng sau này, 2 vị Tiên Công được rước về thờ riêng ở đình Trung Bản nên hiện nay nhân dân gọi chung là lễ hội Tiên Công. Lễ hội được bắt đầu tổ chức vào năm 1805 sau khi đền thờ của các vị Tiên Công hoàn thành. Đến nay, không chỉ là lễ hội của tứ xã (Cẩm La, Trung Bản, Yên Đông, Phong Cốc) mà còn có sức lan tỏa cả vùng Hà Nam và một số khu vực xung quanh. Lễ hội Tiên Công là lễ hội truyền thống tiêu biểu hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Diễn ra từ ngày mồng 4 – 7 tháng giêng nhưng trước đó đã được dân làng chuẩn bị kỹ lưỡng trong tất cả các gia đình, đặc biệt các gia đình có cụ thượng thọ tuổi 80, 90, 100. Mục đích của lễ hội Tiên Công là truy ơn những người có công quai đê lấn biển, lập nên làng xã tại khu đảo Hà Nam. Ngày hội Tiên Công cũng là ngày hội mừng thọ của những người già cả trong vùng đảo. Chính vì ý nghĩa đó, công tác chuẩn bị cho lễ hội được chuẩn bị từ những ngày 29, 30 tháng chạp.

Lễ hội diễn ra như dịp tưởng nhớ các vị Tiên Công đã khai khẩn, lập nên khu đảo Hà Nam, Quảng Yên trù phú hôm nay. Đồng thời, khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính lão đắc thọ của người Việt và đề cao tinh thần đoàn kết của người dân. Trải qua quá trình hình thành và phát triển cùng với các hệ thống di tích Tiên Công, lễ hội Tiên Công là một phần chính không thể thiếu trong tất cả các hoạt động của các dòng họ Tiên Công, được con cháu của các dòng họ Tiên Công duy trì tổ chức. Trong lễ hội, các nghi thức tế lễ vẫn được duy trì đầy đủ, hầu như không có sự thay đổi so với thời xưa như: nghi thức mừng thọ trước ngày chính hội trong các gia đình dòng họ Tiên Công; nghi thức rước các cụ Thượng; nghi thức đắp đê; nghi thức đấu vật của các cụ thượng trong ngày chính hội… Phần hội vẫn tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu như hát Đúm….        

Như vậy, những giá trị của lễ hội đã được trao truyền qua các thế hệ. Đó là giá trị lịch sử về truyền thống quai đê lấn biển, lập làng lâu đời của dân tộc Việt Nam nói chung, của thị xã Quảng Yên và tỉnh Quảng Ninh nói riêng; là truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tiên tổ; các nghi lễ, nghi thức mừng thượng thọ, “lễ sống” cụ Thượng, tôn vinh các cụ tròn 80, 90, 100 tuổi; truyền thống kính lão đắc thọ thông qua các nghi lễ truy ơn Tiên Công độc đáo trong lễ hội… Đặc biệt, nghi thức rước các cụ Thượng lên miếu Tiên Công là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương, có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống đối với thế hệ sau, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Tiên Công còn lưu giữ nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian độc đáo: chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm… đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, giao lưu cộng đồng và nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Tóm lại, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tùy theo mỗi thời kỳ đều có sự tham gia tích cực và hiệu quả của cộng đồng. Ý thức về bảo vệ di sản văn hóa của cộng đồng ngày càng được nâng cao hơn. Các cá nhân trong cộng đồng cùng tham gia đóng góp kinh phí, sức lực, trí tuệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thì các di sản văn hóa sẽ được bảo vệ, giữ gìn. Kinh nghiệm thực tế cho thấy: có nhiều mô hình quản lý di sản văn hóa được áp dụng song những mô hình này cần phải được vận dụng một cách linh hoạt, tùy vào điều kiện lịch sử và tự nhiên, nét đặc thù và các mặt giá trị tiêu biểu của các di tích cụ thể. Đối với các di sản văn hóa Tiên Công, có lẽ, mô hình tốt nhất đó chính là kết hợp giữa tự quản cộng đồng với sự trợ giúp của nhà nước, tôn trọng vai trò chủ thể văn hóa của các dòng họ Tiên công, trao quyền tự quyết, tự quản cho các dòng họ dưới sự định hướng của nhà nước. Có như vậy, các di sản văn hóa này mới thực sự sống trong đời sống của người dân, từ đó, góp phần tạo dựng quảng bá hình ảnh của vùng đất con người, đồng thời tạo nên thương hiệu du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Tác giả: Vũ Thị Bích Duyên

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *