Một số đặc điểm và giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống


Dân tộc Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, thế hệ cha ông đã để lại cho chúng ta hôm nay và mai sau những giá trị văn hóa vô cùng quý giá, trong đó có hệ thống lễ hội truyền thống. Đây là di sản văn hóa quý báu đã tồn tại, đồng hành và tạo nên ký ức văn hóa của dân tộc. Vượt qua thời gian, lễ hội truyền thống đã lan tỏa và có sức sống bền bỉ trong đời sống tinh thàn của nhân dân.

Các nhà nghiên cứu thường chia lễ hội thành hai phần: phần lễ và phần hội. Song sự phân chia đó chỉ là tương đối. Theo tác giả Đinh Gia Khánh, “danh từ hội lễ nên được dùng như một thuật ngữ văn hóa. Có thể sơ bộ xác định ý nghĩa của thuật ngữ này theo hai thành tố là hội và lễ. Hội là tập hợp đông người trong một sinh hoạt cộng đồng. Lễ là các nghi thức đặc thù gắn với sinh hoạt ấy” (1). Cùng quan điểm này, tác giả Trần Quốc Vượng viết: “Lễ hội gồm hai phần vừa tách rời vừa không tách rời nhau: lễ (nghi lễ cúng thần, thánh, phật, mẫu…) và hội (hội tụ của dân làng hay liên làng)” (2).

Trên thực tế giữa lễ và hội luôn hòa quyện, đan xen với nhau. Hội là từ chỉ thành phần ngoài lễ (hay hội có thể coi là hình thức của lễ) ở các dịp kỷ niệm mang tính cộng đồng từ quy mô làng, bản trở lên. Trong các trò diễn dân gian vốn là các trò diễn nghi lễ hoặc mang tính nghi lễ và ngược lại nhiều khi trong lễ lại bao hàm cả tính chất hội. Nếu chỉ có hội mà không có lễ thì mất vẻ cung kính, trang nghiêm, ngược lại chỉ có lễ mà không có hội thì không còn vui nữa. Tác giả Ngô Đức Thịnh đưa ra quan điểm: “Lễ hội là một hiện tượng tổng thể, không phải là thực thể chia đôi (phần lễ và phần hội) một cách tách biệt… mà nó được hình thành trên cơ sở một cốt lõi nghi lễ tín ngưỡng nào đó…, rồi từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa phái sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội. Cho nên trong lễ hội, phần lễ là gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phát sinh tích hợp” (3).

Chính vì vậy, từ xa xưa nhân dân đã sáng tạo ra “lễ hội” như cuộc sống thứ hai của mình, đó là cuộc sống với hội hè, đình đám sống động màu sắc dân gian – phần cuộc sống hướng con người tới những ước mơ, khát vọng, hướng tới chân, thiện, mỹ.

Lễ hội truyền thống là những lễ hội có các tiêu chí: phải có cả phần “lễ” và phần “hội”; phải được hình thành, tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ, nhiều đời trước đây (từ cuối TK XIX trở về trước – theo quan điểm phân kỳ văn hóa Việt Nam của các nhà nghiên cứu, như Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Xuân Kính đều cho rằng thời kỳ văn hóa truyền thống là từ TK X đến cuối TK XIX); phải gắn với những di tích lịch sử văn hóa, với sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.

Với tiêu chí đó, lễ hội truyền thống (hay còn gọi là lễ hội cổ truyền, lễ hội dân gian) là lễ hội được lưu truyền từ năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định. Lễ hội truyền thống luôn gắn với các với các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, với các nhân vật như: thành hoàng làng; tổ làng nghề; những bậc anh hùng có công dựng nước và giữ nước; danh nhân và gắn với tín ngưỡng dân gian Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa, sản phẩm tinh thần của con người, là dịp mỗi người được trở về với cội nguồn mang ý nghĩa thiêng liêng. Đến với lễ hội truyền thống, mọi người sẽ thấy mực thước hơn, tâm thanh thản, cảm thấy những khó khăn vất vả thường ngày tan biến hết. Đồng thời, lễ hội truyền thống còn tạo nên môi trường sống hài hòa, đoàn kết xóm làng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của nơi diễn ra lễ hội.

Hàng năm, ở nước ta có rất nhiều lễ hội truyền thống, theo số liệu được công bố trong Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 15-6-2010, cả nước có 7.966 lễ hội. Trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,4%); 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,8%); 332 lễ hội lịch sử cách mạng (chiếm 4,2%); 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và 40 lễ hội khác. Còn theo theo thống kê của Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở năm 2017, ở nước ta hiện nay có 8.902 lễ hội các loại, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian cổ truyền. Số liệu này cho thấy, các lễ hội truyền thống diễn ra khắp cả nước, rất đa dạng, phong phú, mỗi lễ hội diễn ra trong một không gian, thời gian nhất định, song các lễ hội truyền thống có những đặc điểm chung cơ bản sau:

Về thời gian

Lễ hội thường diễn ra vào 2 dịp xuân thu nhị kỳ: mùa xuân thì mở màn vụ gieo trồng, mùa thu để bước vào vụ thu hoạch. Đây chính là các mốc mở đầu và kết thúc, tái sinh một chu trình sản xuất nông nghiệp. Quá trình sản xuất nông nghiệp từ lúc cắm cây mạ, gieo hạt xuống ruộng, nương, người nông dân chỉ còn biết trông chờ vào sự phù hộ của các lực lượng thiên nhiên. Để tăng niềm tin cho sự trông chờ đó, họ đã tìm mọi cách tác động, cầu xin các thế lực thiên nhiên giúp đỡ. Sinh hoạt lễ hội và tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Việt Nam đều bắt nguồn từ sự cầu mùa. Do đó, thời điểm tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng, đều tùy thuộc vào mùa, vụ sản xuất, nhưng do sự phân bố không đồng đều của các dân tộc ở Việt Nam trên các vùng địa lý khác nhau, lịch viết và mùa vụ sản xuất cũng khác nhau. Điều đó khiến thời điểm tổ chức các lễ hội cũng khác nhau. Đa số lễ hội tổ chức vào hai thời điểm mùa xuân và mùa thu, nhưng ở nhiều dân tộc thiểu số, thời điểm tổ chức các lễ hội lại mở vào cuối hè (thường là tháng 6 hay tháng 7 âm lịch).

Về không gian

Thánh, thần là đối tượng tôn thờ, thiêng hóa của cộng đồng, nhân dân tổ chức lễ hội cũng không ngoài mục đích đó. Có thể nói, không có các vị thánh, thần thì không có lễ hội truyền thống. Trong tâm thức người Việt, thuyết linh hồn chiếm địa vị chủ đạo. Vì thế, người Việt quan niệm rằng: linh hồn các vị thánh, thần cần phải có chỗ trú ngụ và nơi nào linh hồn các vị thánh, thần trú ngụ thì đó là địa điểm linh thiêng. Trong lễ hội truyền thống, những nghi lễ, nghi trình quan trọng thường được tổ chức tập trung tại địa điểm linh thiêng. Đó là một không gian hẹp, có thể là không gian nhân tạo như đình, đền, miếu, chùa, cũng có thể là không gian tự nhiên như gò, đống, bãi… Tại những địa điểm này, cái thiêng được hiện tồn, biểu trưng như: kiểu kiến trúc, tượng, ngai thờ, nghi vật, nghi trượng và cả những ứng xử nghi lễ.

Như vậy, không gian linh thiêng là một đặc điểm chung của lễ hội truyền thống, đó là nơi diễn ra các nghi lễ trọng tâm của lễ hội. Không gian linh thiêng sẽ tạo ra sức lan toả của lễ hội và quyết định đến quy mô, phạm vi của lễ hội. Nói cách khác, tình cảm, niềm tin và sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với những vị thánh, thần được thờ tại không gian linh thiêng sẽ quyết định quy mô, phạm vi của lễ hội. Do đó, cùng thờ một vị thánh, thần nhưng có nơi không khí thờ cúng lạnh lẽo, ít gây nên cảm giác linh thiêng cho khách thập phương, song có nơi lại tạo ra không khí tôn nghiêm, thu hút nhiều người đến tham dự làm cho không gian linh thiêng của lễ hội trở nên rộng lớn.

Về nghi thức tổ chức          

Lễ hội truyền thống là lễ hội lịch sử của cộng đồng được tái hiện, làm sống lại các giá trị tốt đẹp, được tập trung trong các nhân vật mà lễ hội thờ phụng. Trong một lễ hội có rất nhiều nghi thức tuân theo trình tự nhất định, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, quá trình tập luyện kỹ lưỡng và sự đồng lòng, hợp sức của nhân dân, nhằm làm cho lễ hội diễn ra một cách tốt nhất, thu hút nhiều người tham gia, đồng thời thỏa mãn lòng mong mỏi, chờ đợi của mọi người. Thông thường, người ta đưa ra các chuẩn mực chung về quá trình chuẩn bị và các nghi thức tổ chức lễ hội như sau:

Quá trình chuẩn bị gồm hàng loạt công việc phải làm như: chọn địa điểm, trang hoàng nơi thờ tự, chuẩn bị tổ chức các trò chơi và các hoạt động dịch vụ để làm cho không khí hội trở nên sôi động và náo nức hơn; chuẩn bị đồ tế tự, lễ vật (kiểm tra, lau sạch các đồ vật như cờ, tán, lọng…, chuẩn bị lễ vật với loại hoa quả ngon, các loại bánh, gạo…); chuẩn bị về con người: những người tham gia các nội dung tế lễ (quan trọng nhất là ban hành tiết), to nhất là chủ tế (người đại diện cho dân làng hầu hạ thần linh, ngoại hình khỏe mạnh, cao tuổi, phẩm chất tốt, được nhân dân yêu quý, tín nhiệm, gia sự phải là một gia đình văn hóa, con cháu phương trượng, có vị trí trong xã hội), bồi tế (phó tế) là người kề cận chủ tế, nội táng (hai người) giúp chủ tế vào ra, Đông xướng và Tây xướng một người hô hứng, một người hô bái và một loạt những người phục vụ có thể từ 10 đến 12 người chấp sự làm nhiệm vụ dâng đồ cúng; chuẩn bị người khiêng kiệu, người cầm cờ… tất cả đều luyện tập kỹ lưỡng.

Nghi thức tổ chức gồm trình tự các bước: lễ cáo yết: đây là lễ xin phép thần linh được mở hội, lễ vật ở chùa thường là đồ chay, hương, hoa quả, trà… ở những nơi đình, đền thường là xôi, gà, rượu, từ sau lễ này đèn nhang luôn được thắp sáng trên bàn thờ; lễ tỉnh sinh: là lễ dâng con vật cúng lên thần linh, thường là gà, thủ lợn, tam sinh thường ba con; lễ rước nước: người ta rất coi trọng nguồn nước, nghi thức này thường tiến hành trước ngày hội chính một ngày; lễ mộc dục và lễ gia quan: đây là lễ tắm cho tượng hoặc bài vị, lễ này được tiến hành trang nghiêm và kín đáo, thường là vào thời điểm ban đêm, nếu tiến hành ban ngày phải được che chắn cẩn thận. Người làm lễ mộc dục phải là người có đức độ và thường phải trai giới từ mấy hôm trước, khi làm lễ phải bịt miệng bằng một chiếc khăn đỏ để thần khí không xông tới thần linh. Mộc dục xong tiến hành mặc áo cho tượng. Lễ rước là nghi thức mang tính thiêng liêng thể hiện sự nghênh tiếp thần linh và biểu dương uy vũ của thần. Lễ rước cho thấy sức mạnh của cộng đồng đó là sức mạnh về kinh tế, về tình đoàn kết và của niềm tin đối với thần thánh. Lễ rước còn cho thấy trình độ và năng lực thẩm mỹ của cộng đồng đó là thẩm mỹ trong trang phục, trong cờ đoàn, trong âm thanh, văn nghệ… Lễ rước có ý nghĩa lớn về mặt xã hội – văn hóa – chính trị. Nó được coi là thành tố trung tâm, là linh hồn của lễ hội. Đại tế là nghi thức rất quan trọng trong lễ hội, đoàn tế gồm 17 đến 19 người, những người này phải trai giới trước đó một tuần. Ông chủ tế là người quan trọng nhất mặc áo dài, đội mũ, đi hài. Đại tế nhằm thỉnh mời và đón rước thần linh về dự hội với dân làng đồng thời để dâng lòng tỏ bày biết ơn tới thần linh. Diễn xướng dân gian và tục hèm là nghi thức tế lễ, nghi lễ diễn tả lai lịch và công trạng của thần, thánh với quy mô lớn. Tục hèm là nghi thức nhằm thể hiện một tín ngưỡng hoặc một sự tích gắn với vị thần được thờ. Tục hèm thực chất là một hoạt động thể hiện sự kiêng kỵ của nhân dân địa phương nếu bỏ qua tục này thì sẽ phạm đến sự phồn vinh của làng.

Lễ hội truyền thống của dân tộc với những đặc điểm trên đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân trong tổ chức các nghi lễ và hưởng thụ các hoạt động hội. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các vùng, miền, dân tộc, tri ân công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua sinh hoạt lễ hội, nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, tạo sự chuyển biến nhận thức biết ơn quá khứ, uống nước nhớ nguồn và giáo dục giá trị chân, thiện, mỹ. Văn hóa dân tộc được bảo tồn và hòa vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Lễ hội truyền thống là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp rất độc đáo của nền văn hóa dân tộc, mà trong đó các yếu tố tinh hoa là các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng tiêu biểu và khá bền vững thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc, được bảo tồn, lưu truyền và phát huy cao độ trong đời sống xã hội, trải qua nhiều thời đại lịch sử” (4).

Khái quát lại, lễ hội truyền thống có 5 giá trị cơ bản:

Thứ nhất, lễ hội truyền thống hướng con người tới cội nguồn và truyền thống lịch sử. Con người càng hiện đại thì càng có nhu cầu hướng về cội nguồn. Con người dù ở đâu, thời kỳ nào vẫn luôn phải trả lời câu hỏi: mình đang ở đâu? mình từ đâu tới? khi đến với lễ hội mọi người được trở về quê cũ, thăm lại dấu tích liên quan đến các anh hùng dân tộc, các sự kiện lịch sử, hay những vùng đất văn hóa… qua đó nhận thức được về nguồn cội của mình, tôn kính nguồn cội ấy.

Thứ hai, lễ hội đáp ứng nhu cầu cố kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng. Mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên nền tảng gắn kết nhất định, trong đó có sự gắn kết về nguồn gốc, có sự gắn kết về nhu cầu đồng cảm. Lễ hội nào cũng là thuộc về một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng xã (hội làng), cộng đồng nghề nghiệp (hội nghề), cộng đồng tôn giáo (hội chùa, hội đền, hội nhà thờ), cộng đồng dân tộc (hội đền Hùng) đến cộng đồng nhỏ hẹp hơn, như gia tộc, dòng họ. “Mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên cơ sở của những nền tảng gắn kết, như gắn kết do cùng cư trú trên một lãnh thổ, (cộng cư), gắn kết về sở hữu tài nguyên và lợi ích kinh tế (công hữu), gắn kết bởi số mệnh chịu sự chi phối của một lực lượng siêu nhiên nào đó (cộng mệnh), gắn kết bởi nhu cầu sự đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa (cộng cảm)… Lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng” (5).

Thứ ba, lễ hội thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh khi lễ hội thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo. Đời sống tâm linh đôi khi quan trọng không kém đời sống vật chất và “lễ hội góp phần làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người, đó là cuộc đời thứ hai, đó là trạng thái thăng hoa từ đời sống trần tục, hiện hữu” (6).

Thứ tư, lễ hội thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa. Mọi người được hòa mình vào cuộc vui, cuộc chơi. Trong cuộc sống hối hả, những trò chơi dân gian ít có điều kiện để được tổ chức và nhiều khi chúng ta cũng không lưu tâm đến nó, nhưng tham gia lễ hội, mọi người có dịp thăng hoa những giá trị đời sống nội tâm, có điều kiện hòa nhập vào không khí chung, từ đó tạo nên niềm vui chung của cộng đồng trong một làng quê, hay một vùng nào đó.

Thứ năm, lễ hội là môi trường để trao truyền các giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác. Mỗi nền văn hóa, phong tục tập quán đều bắt nguồn từ những chuẩn mực giá trị được hình thành từ sâu xa trong lịch sử dân tộc. Dù muốn hay không, mỗi thế hệ tiếp nối đều phải đón nhận sự chi phối từ truyền thống lịch sử của dân tộc mình, trong đó có những tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa mang giá trị to lớn. Qua lễ hội, tính giáo dục cộng đồng, tập thể được mọi người đón nhận với thái độ cởi mở và hồ hởi hơn. Điểm quan trọng nhất trong các lễ hội ở chỗ, mỗi cá nhân tham dự một cách tự nguyện đều cảm thấy mình là thành viên không thể tách rời cộng đồng trong lễ hội ấy. Lễ hội chính là sợi dây gắn liền quá khứ với hiện tại, là bảo tàng sống của văn hóa dân tộc, góp phần khơi dậy sức mạnh tiềm tàng vốn có, tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước

_______________

1. Đinh Gia Khánh, Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989.

2. Trần Quốc Vượng, Mùa xuân và lễ hội Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 3-1994.

3. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.

4. Nguyễn Quang Lê, Nhận diện bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.

5, 6. Ngô Đức Thịnh, Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

 

Tác giả: Lê Xuân Hồng

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *