Ca khúc Việt Nam hình thành từ những năm đầu TK XIX, đến nay, kho tàng ca khúc của nước ta đã có hàng vạn tác phẩm, thể hiện sự phong phú, đa dạng về cả nội dung, đề tài đến bút pháp và phong cách âm nhạc. Dựa vào những yếu tố văn hóa trong ca khúc, chúng tôi tạm chia ca khúc Việt Nam thành 3 xu hướng chính: bám sát bản sắc dân tộc, phỏng theo phong cách âm nhạc nước ngoài và kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố nước ngoài.
1. Xu hướng bám sát bản sắc dân tộc
Trong sáng tác âm nhạc, biểu hiện của bản sắc dân tộc chính là âm điệu của những câu hát ru, bài đồng dao, làn điệu dân ca, điệu hò, điệu lý trong lao động, sinh hoạt, giao duyên, đến các lễ nghi, phong tục, hay đặc trưng văn hóa của từng tộc người, từng vùng miền. Những ca khúc sáng tác theo xu hướng bám sát bản sắc dân tộc, thường rất ít hoặc gần như không bị ảnh hưởng bởi phong cách âm nhạc nước ngoài. Chúng thấm đẫm âm điệu, âm hưởng của những làn điệu dân ca, nhạc cổ, hay các yếu tố dân gian, truyền thống của dân tộc. Tác giả của các ca khúc đó thường là lớp nhạc sĩ lớn tuổi, mà dấu ấn về quê hương thôn dã vẫn còn in đậm trong tâm trí họ.
Đối với các sáng tác theo xu hướng bám sát bản sắc dân tộc, xin dẫn ra một vài ví dụ: ca khúc Trên quê hương quan họ (Phó Đức Phương), mang đậm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, phản ánh vẻ đẹp của các cô gái vùng đất quan họ hăng say lao động trên quê hương mình. Ca khúc Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi), mang đậm chất âm nhạc chèo đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện cảnh đồng quê với những người nông dân trong vụ mùa bội thu, hăng hái đi đóng thuế nông nghiệp. Ca khúc Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), viết về vẻ đẹp của những cô gái ở miền quê thuộc tỉnh Bến Tre, mang đậm âm điệu dân ca Nam Bộ. Một số ca khúc khác như: Làng quan họ quê tôi (Nguyễn Trọng Tạo – phỏng thơ Nguyễn Phan Hách), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (Trần Hoàn), Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương), Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý) cũng biểu hiện cho xu hướng bám sát bản sắc dân tộc. Theo tháng năm, những ca khúc đó vẫn làm xốn xang lòng người, nhất là với ai đã từng sống với kỷ niệm về khoảng thời gian gắn bó với miền quê giàu truyền thống văn hóa.
Trong những năm gần đây, xu hướng sáng tác này vẫn đang được tiếp nối bởi nhiều tác phẩm có chất lượng, như: Huế thương, Ca dao em và tôi (An Thuyên); Về quê, Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương); Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo); Đợi (Huy Thục – thơ Vũ Quần Phương); Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang – phỏng thơ Thái Thăng Long)… Không khó để nhận ra, các ca khúc đó đều mang nặng các yếu tố dân gian, dân tộc ở các khía cạnh: tiết tấu, âm điệu, âm hưởng, hay các thủ pháp xây dựng lời ca từ trong dân gian, truyền thống.
2. Xu hướng phỏng theo các phong cách âm nhạc nước ngoài
Đi theo xu hướng này là các tác phẩm được sinh ra dựa trên cơ sở chất liệu từ một sản phẩm hay một dòng sản phẩm đã có trước đó. Vì vậy, dù được biến đổi như thế nào, sản phẩm mới vẫn mang đặc điểm cơ bản của sản phẩm khuôn mẫu. Có thể dễ dàng nhận thấy, một số ca khúc Việt Nam rất ít hoặc gần như không có sự liên đới nào với âm nhạc cổ truyền dân tộc. Nói cách khác, chúng không được xây dựng trên nền tảng tư duy của âm nhạc truyền thống. Ở đây, các tác giả do vô tình hay hữu ý đã để ý tưởng sáng tạo của mình phỏng theo phong cách âm nhạc nước ngoài. Có hai nhóm ảnh hưởng chính từ âm nhạc nước ngoài:
Nhóm phỏng theo phong cách âm nhạc phương Tây
Trước hết, đó là những ca khúc chịu ảnh hưởng của phong cách âm nhạc cổ điển, lãng mạn châu Âu. Đã có một thời gian dài, lối tư duy đó gần như trở thành công thức định hướng cho các hoạt động âm nhạc của nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Ca khúc được định hình dựa trên trục của một điệu thức trưởng hoặc điệu thức thứ nào đó (điệu thức 7 bậc trong âm nhạc cổ điển, lãng mạn châu Âu). Có thể kể đến: Hoài cảm (Cung Tiến) được sáng tác theo cấu trúc 3 đoạn đơn, trên các giọng cùng tên là Đô thứ và Đô trưởng; tác phẩm Tình khúc không tên số 2 (Vũ Thành An), có cấu trúc gần với rondo (một dạng cấu trúc âm nhạc của trường phái cổ điển, lãng mạn), dựa trên giọng Mi thứ hòa thanh… Theo năm tháng, hàng loạt sáng tác mới theo xu hướng này tiếp tục được công chúng chào đón: Nỗi nhớ mùa đông (Phú Quang – phỏng thơ Thảo Phương); Điều giản dị (Phú Quang); Thôi anh hãy về (Nguyễn Ngọc Thiện); Không còn mùa thu, Dòng sông lơ đãng (Việt Anh); Tóc gió thôi bay (Trần Tiến)… Các ca khúc trên có cấu trúc và giọng điệu đặc trưng trong âm nhạc cổ điển, lãng mạn châu Âu, trong khi phần lời ca cũng không chứa đựng hình tượng văn học hay thủ pháp nào trong dân gian, truyền thống của dân tộc.
Không chỉ là ngôn ngữ âm nhạc cổ điển, lãng mạn châu Âu, ca khúc Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều dòng âm nhạc khác như jazz, rock, hip hop, R&B, funky, country… Phần lớn, các thể loại âm nhạc này có nguồn gốc từ châu Mỹ. Một số du nhập vào miền Nam ngay từ những năm giữa TK XIX, tạo cơ sở cho việc hình thành nên các ca khúc như: Tình lính hay Tình yêu thủy thủ của Y Vân, với phong cách âm nhạc Mỹ, trên nền tiết nhịp twist… Sau khi đất nước thống nhất (1975), các dòng nhạc tiếp thu từ Mỹ hoặc từ một số nước Tây Âu được nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật trong Nam đi lưu diễn, rồi tràn ra miền Bắc, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Nhất là, từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các dòng nhạc khác nhau trên thế giới ngày càng có cơ hội du nhập vào thị trường ca nhạc trong nước, nảy sinh các tác phẩm mới với sự phong phú và đa dạng cả về phong cách, tính chất âm nhạc cũng như bút pháp sáng tác. Có thể kể tới ca khúc Hãy đàn lên (Từ Huy), Ngọn lửa trái tim (Nguyễn Ngọc Thiện) được viết theo tinh thần rock, khích lệ lòng hăng say, nhiệt tình của các lứa thanh niên trong phong trào lao động, sản xuất xây dựng đất nước; Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung) là một cảm xúc yêu đời, yêu người, được viết theo phong cách pop – dance; Người yêu nhỏ xinh (Nguyễn Ngọc Thiện) cũng thể hiện cảm xúc yêu đời, yêu người, nhưng lại phù hợp với tiết nhịp twist. Trong những năm gần đây, khi quá trình đất nước hội nhập với thế giới ngày càng rộng mở hơn và mạnh mẽ hơn thì số lượng tác phẩm theo xu hướng này cũng gia tăng.
Nhóm phỏng theo phong cách âm nhạc phương Đông
Nằm trong cùng môi trường địa lý – điều kiện thuận lợi cho việc giao thoa văn hóa giữa các quốc gia láng giềng, âm nhạc Việt Nam từ lâu vốn đã có mối liên hệ gần gũi với âm nhạc Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia phương Đông khác. Vì vậy, ca khúc Việt Nam từng chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của một số quốc gia phương Đông ngay từ những năm 60 của TK XIX, chẳng hạn như ca khúc Xập xám chướng của tác giả Tùng Lâm, đã một thời nổi tiếng trên thị trường âm nhạc miền Nam trước 1975, ảnh hưởng cả phần âm nhạc lẫn ngữ âm trong ca từ của âm nhạc Trung Hoa.
Từ những năm 1990 trở về đây, các phong cách âm nhạc, trong đó có âm nhạc phương Đông (Trung Hoa, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ) theo nhiều nguồn khác nhau du nhập vào nước ta một cách mạnh mẽ, thậm chí có thời gian trở thành trào lưu. Có thể kể tới: Chạy theo cô bé yêu (Lưu Chí Vỹ) gần gũi âm nhạc Thái Lan, Mong người ta luôn tốt (Nhất Trung) tương đồng với nhạc nhẹ Hồng Kông, Tình thôi xót xa (Bảo Chấn) đậm chất âm nhạc Nhật Bản, Em của ngày hôm qua hay Người ấy sẽ về của Sơn Tùng M-TP được cho là phỏng theo một số ca khúc Hàn Quốc…
Trước thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, âm nhạc thế giới đang từng ngày, từng giờ được cập nhật, việc ảnh hưởng về ngôn ngữ âm nhạc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong xu hướng này, hạt nhân ban đầu của sự sáng tạo không nằm trên nền tảng âm nhạc dân tộc. Vì vậy, nếu là người Việt Nam thưởng thức sẽ có cảm giác không gần gũi, gây cảm giác vay mượn, mất đi tính tự nhiên. Nếu sự vay mượn đó lại có liều lượng quá lớn thì sẽ rất dễ rơi vào tình trạng đạo nhạc.
3. Xu hướng kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố nước ngoài
Theo chỉ thị của Đảng, công tác văn hóa, văn nghệ cần “kế thừa có sáng tạo và kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu chọn lọc những thành quả của văn minh loài người” (2). Tác giả Hà Huy Giáp, qua Bài nói chuyện tại hội nghị về tính dân tộc trong âm nhạc cũng cho rằng, văn nghệ sĩ chúng ta cần phải “nắm vững vốn dân tộc, học tập tinh hoa thế giới để xây dựng một nền âm nhạc hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (3). Những chỉ thị của Đảng, hay gợi ý của bài viết trên đã phản ánh xu hướng giao thoa, tiếp biến văn hóa trong sáng tạo âm nhạc của giới âm nhạc nước ta xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển ca khúc Việt Nam.
Trên thực tế, ca khúc sáng tác theo xu hướng kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố nước ngoài đã có từ nhiều năm trước và đã thu được những thành quả đáng ghi nhận. Ca khúc Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận), có nội dung phản ánh tinh thần của ngày hội chiến thắng, phần âm nhạc là sự kết hợp giữa âm điệu bài Inh Lả ơi (dân ca Thái) và điệu Sắp qua cầu (chèo đồng bằng Bắc Bộ), trên nền tiết điệu hành khúc. Ca khúc Bức họa đồng quê (Văn Phụng) thể hiện một bức tranh sắc màu lãng mạn của nông thôn Việt Nam, dựa trên nền nhạc và tiết điệu cha cha cha. Ca khúc Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) lại viết về không khí tưng bừng trong những ngày đầu giành lại độc lập, phần âm nhạc dựa trên điệu thức và các tiết điệu hành khúc hay valse. Sau khi đất nước thống nhất (1975), xu hướng sáng tác kết hợp yếu tố dân tộc với yếu tố nước ngoài vẫn tiếp tục được tiếp nối với nhiều ca khúc như: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh – thơ Hoàng Trung Thông), Hò biển (Nguyễn Cường), Ngọn lửa cao nguyên và Tiếng trống Paranưng (Trần Tiến)…
Những năm gần đây, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, nghệ sĩ ngày càng có thêm không gian sáng tạo. Bên cạnh chủ trương, chính sách về văn hóa văn nghệ của Đảng, sự chuyển biến về kinh tế, xã hội đã tạo ra vô số loại hình sinh hoạt văn hóa mới cho cộng đồng. Cơ hội tiếp xúc, giao thoa với các nền văn hóa khác thông qua con đường du lịch hoặc phương tiện thông tin cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp nhận thêm những yếu tố văn hóa mới. Sân chơi văn hóa nghệ thuật ngày càng trở nên đa dạng. Những sáng tác theo xu hướng này cũng vì vậy mà ngày càng trở nên phong phú, mang theo hơi thở của thời đại mới. Ca khúc Đám cưới chuột của nhóm Gạt tàn đầy lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Việt Nam, nhưng được sáng tác theo phong cách nhạc rock. Ca khúc Chuông gió (Võ Thiện Thanh) mang âm điệu dân ca Tây Nguyên kết hợp tinh thần của nhạc pop – dance. Ca khúc Cướp vợ – tục lệ người Mông (nhóm Ngũ cung) phản ánh tục lệ cưới hỏi của người Mông sinh sống ở miền núi phía Bắc nước ta, dựa trên tinh thần của nhạc rock. Còn ca khúc Trà đá vỉa hè (Đinh Mạnh Ninh) thể hiện nội dung đề tài về văn hóa đường phố Hà Nội, theo phong cách nhạc R&B…
Là một quốc gia đa văn hóa, ca khúc Việt Nam không những tự giao lưu, giao thoa văn hóa, âm nhạc giữa các vùng miền, tộc người trong nước, mà còn giao thoa, tiếp biến văn hóa, âm nhạc với các quốc gia khác trên thế giới. Đó cũng là cơ sở làm cho ca khúc Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, cả về nội dung đề tài, tính chất tác phẩm, cũng như bút pháp sáng tác, đến mức rất khó để phân định về ranh giới giữa các xu hướng sáng tác.
______________
1. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996, tr.870.
2. Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Một số Văn kiện của Đảng về công tác tư tưởng – văn hóa, tập 1 (1930 – 1986), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.302.
3. Nhiều tác giả, Hợp tuyển lý luận phê bình âm nhạc TK XX, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội 2002, tr.455.
Tác giả: Trần Bảo Lân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn