Cách bài trí đồ thờ trong đình, chùa, đền hiện nay

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, chùa, đền… nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó cũng như cách bài trí các đồ thờ như thế nào. Ở mỗi di tích khác nhau sẽ có cách hiểu và bày biện khác nhau. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, đồng thời là nơi hội họp, bàn việc dân. Đình được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với cộng đồng dân cư và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Còn chùa lại là cơ sở hoạt động, truyền bá Phật giáo, nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng, ni, kể cả các tín đồ hay người không theo đạo đều có thể viếng thăm, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo. Nhắc đến đền là người ta liên tưởng đến công trình kiến trúc để thờ cúng một vị thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như những vị thần. Các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn các anh hùng có công với đất nước được dựng theo truyền thuyết dân gian. Bài viết này sẽ là một bước ban đầu sơ bộ tìm hiểu cách bài trí đồ thờ trong các di tích đình, chùa, đền hiện nay.

Ban thờ trong đình làng

Đình làng được coi là có xuất xứ từ yêu cầu công bố chính lệnh của triều đình dưới TK XV, thời kỳ nhà Lê sơ. Lúc này triều đình muốn quản lý nông dân và nông thôn chặt chẽ hơn qua các hoạt động ở đình, có thể coi đình làng như trụ sở của chính quyền. Khi vào với nông thôn để tồn tại nó có thêm chức năng mới là một ngôi nhà công cộng lớn nhất làng. Trong lĩnh vực tâm linh, thường vị thần tối thượng của làng được thờ ở nghè, miếu nên việc thờ thành hoàng làng ở đình chỉ được thực hiện trong một số ngày nhất định. Đình làng có thể thờ một thành hoàng nhưng cũng có thể thờ nhiều vị khác nhau. Trước TK XIX chủ yếu được thờ ở gian giữa trong không gian giới hạn bởi hai cột cái phía trong trở vào, đình làng thường không có tượng. Với ngôi đình có mặt bằng chữ nhất, ban thờ thường được đặt trên gác lửng. Về sau, khi mặt bằng kiến trúc có thêm phần chuôi vồ, ban thờ được hạ xuống thấp hơn và đẩy lùi về phía sau nhưng cũng được đặt trong am gỗ kín. Đến TK XIX, am gỗ ở chuôi vồ dần mất đi.

Việc thờ thành hoàng làng còn lệ thuộc vào sự tích của vị thần. Từ ngoài vào đình làng thường có hồ bán nguyệt, nghi môn, bình phong, tả vu, hữu vu, đại đình… Đối với đình thờ các vị thần trị thủy, bình phong thường đặt phía ngoài nghi môn, sát mép nước. Những trường hợp khác, bình phong thường đặt phía sau nghi môn. Cờ thần phải được bố trí ở sân, trên trục chính của đình để thể hiện vị thần được thờ trong đình là chính nhân quân tử và chỉ được dựng cột cờ khi có treo cờ vào những ngày lễ tiết chính. Đối với nghi môn, độ mở của cửa giữa thường bằng độ mở của gian giữa đình, tương đương với độ rộng của thần đạo. Do kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nên bao giờ cũng phải có xà ngạch hoặc ngưỡng cửa để lúc bước qua thì gạt lại mọi thứ xấu xa của đời thường và giữ tâm trong sạch khi tiếp cận với thần linh. Đồ thờ ở gian giữa nhiều khi là một sập thờ thấp, chủ yếu để đồ tế mặn.

Sau sập thờ là đôi hạc đứng trên rùa. Đình làng yêu cầu là hạc hé miệng ngậm viên ngọc tròn, tượng trưng cho giáo pháp của nhà thánh. Có thể thấy, hạc là loài chim thiêng thay mặt thánh với giọng dịu hào dạy bảo chúng sinh. Hơn nữa hạc trong trường hợp này là biểu tượng của tầng trên, rùa là biểu tượng của tầng dưới. Trong mối quan hệ đối đãi giữa trời và đất, phản ánh ước vọng sinh sôi với thành hoàng làng.

Tiếp sau đôi hạc là ban thờ chính, được chạm trổ nhiều đề tài gắn với ước vọng của người xưa. Ban thờ là biểu tượng của tầng trên, tầng trời nên yêu cầu những đồ thờ đặt lên đó phải tượng trưng cho trời. Hai cây nến ở hai góc ngoài tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng. Bát hương lớn ở chính giữa sát phía ngoài tượng trưng cho tinh tú. Đây là bộ tam sự. Nhiều nơi còn có hai ống hương đặt trên hai bát hương tạo thành bộ ngũ sự. Phía sau bát hương có tam sơn để ba đài, mỗi đài đựng một bát nước trong. Sau tam sơn là đỉnh ba chân với một chân đặt phía trước để tượng trương cho chính nhân quân tử. Tất cả tạo thành bộ thất sự.

Thông thường hương và nến đều phải có khói vì người xưa quan niệm khói bay lên được coi như cỗ xe chở lời cầu nguyện của con người đến với các đấng thiêng liêng. Vì thế, không nên dùng hương, nến điện. Đặc biệt, trong bát hương có một chiếc cột để thắp hương vòng. Với cư dân nông nghiệp thì đường cháy của hương vòng thường trái ngược chiều kim đồng hồ. Tức là theo chiều vận động biểu kiến của mặt trời. Hương vòng có khói để chở lời cầu nguyện lên tầng trên, đồng thời lại tụ sức linh vào đỉnh cột mà truyền sinh khí xuống thế gian. Vì thế, chiếc cột này phải mang màu đỏ – màu của sinh khí. Ở chính giữa cột có gắn với chữ thọ cổ, vì chữ này đạt chuẩn của âm dương đối đãi, đối xứng hoàn toàn qua trục trên một ban thờ.

Đình là không gian của thành hoàng làng, nơi có ngai và bài vị (với những thần thánh được phong tước kể cả nữ vương). Những vị không được phong vương thì thường chỉ được thờ bài vị đặt trong khám. Các bài vị này thường có phần trên hình tròn, phần dưới hình chữ nhật, có đế, tượng trưng cho mang hình nhân dạng. Trong lòng bài vị có khắc danh vị, cả tấn phong (nếu có) của thành hoàng làng. Đi cùng với ngai, bài vị phía trước nhiều khi còn để hòm sắc phong. Phía trái của ngai để hộp mũ, phía phải có một tráp lớn để đai và áo. Ngoài ra, trên ban thờ, nhiều khi người ta còn sắp xếp bên phải để bảng văn, bên trái để độc bình cao khoảng 70 – 80cm. Đối với những vị thần được phong đại vương, nhiều khi còn bố trí lọng vàng ở hai bên ban thờ. Với những vị gắn với võ công, thường có bộ chấp kích dựng thẳng đứng ở hai bên ban thờ, nơi nối giữa cột cái và cột quân. Với mong muốn đề cao thần linh, ở giữa hai cột cái cùng gian, người xưa thường để bộ bát bửu hai bên. Phía ngoài bát bửu là tàn và tán. Để phục vụ cho tế lễ, sát đầu ngoài của hai bộ bát bửu thường có bộ quán tẩy để chủ tế và bồi tế rửa tay trước khi hành lễ.

Trước ban thờ thường có những mảng chạm của người xưa không chỉ để làm đẹp mà còn là ước vọng được đặt ra giữa con người với thần linh như cầu mưa thuận gió hòa, ngũ phúc lâm môn… Sát gian giữa, phía ngoài thường được đặt chiêng (bên tả) và trống (bên hữu), theo nguyên tắc tả chung hữu cổ. Thông thường khi tế, người xưa đã xướng Khởi chinh cổ, nghĩa là phải gõ chiêng trước để như xin mở cửa trời rồi đánh trống sau để mong trời nổi sấm lên, mưa xuống cho mùa màng tươi tốt. Sát tường hậu của hai gian bên thường có ngựa hồng (bên tả) và ngựa bạch (bên hữu), đều đứng theo thế chầu vào. Đây là hai chú ngựa đã được thiêng hóa, mang tư cách cõng bầu trời chuyển động, vì thế yên của chúng phổ biến là hình tượng phượng hoàng. Phượng hoàng có mỏ diều hâu, tóc trĩ, mắt giọt lệ, cổ rắn, vảy cá chép, cánh đại bàng, đuôi công, chân hạc, móng chim ưng với ý nghĩa đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh tượng trưng cho gió, lông tượng trưng cho cây cỏ, đuôi tượng trưng cho tinh tú, chân tượng trưng cho đất. Vì thế, con ngựa với yên phượng hoàng là vật cưỡi của thần linh nên thường ngày khi không có hội, người dân cất đầu và đuôi của chim để mong cho thành hoàng làng không thể phiêu diêu vào không gian khác. Tức là mong cho thần luôn tại vị trong đình để hỗ trợ mọi việc cho cho làng xã.


 Một gian thờ trong chùa Mật Đa – Thanh Hóa. Ảnh tư liệu 

Bài trí nội thất chùa làng

Chùa là công trình kiến trúc có nhiều tượng và hệ thống này ngày càng được phát triển. Theo lịch sử Phật điện, ở mỗi thời kỳ khác nhau có sự thêm thắt và biến đổi của các loại tượng trên ban thờ. Trên cùng là bộ tam thế phật. Tiếp đến hàng thứ hai là bộ di đà tam tôn, gọi là di đà tiếp dẫn để đón những linh hồn có phật quả về tây phương cực lạc. Bên phải là đại thế chí, bên trái là quan thế âm. Đứng hàng thứ ba có dấu vết biểu hiện sự tồn tại của bộ hoa nghiêm tam thánh, với tượng Thích Ca Mâu Ni cầm bông sen giơ lên, bên phải là Phổ Hiền bồ tát ngồi trên voi, bên trái là Văn Thù bồ tát cưỡi sư tử, có những nơi hai vị này ngồi trên đài sen. Hàng thứ tư thời kỳ này chưa xác định cụ thể vị tượng nào, chỉ một số ngôi chùa nằm ở trong vùng gặp nhiều thiên tai, giặc dã làm cho cuộc sống tinh thần, vật chất của cư dân thì người ta thường tạc tượng di lặc để cầu mong sự bình yên. Ở hàng thứ năm có thể có tượng Thích Ca Sơ Sinh. Cho đến TK XIX, xuất hiện thêm các tượng Phạm Thiên, Đế Thích. Ngôi chùa có nhiều tượng cơ bản nhất là chùa Tây Phương, nhưng phải đến thời Nguyễn mới có đầy đủ như ngày nay với các tượng bổ sung như Đức Ông, Thánh Tăng Thập Điện Diêm Vương, Quan Âm Thị Kính, Thổ Địa Giám Trai…

Cách bài trí tượng thường liên quan đến đường đi lễ và ý nghĩa của Phật đạo. Việc lưu chuyển của con người khi vào cửa phật thường đi theo chiều quay của chữ vạn (ngược chiều kim đồng hồ). Phật tử cho rằng, đi thuận chữ vạn sẽ tinh tiến thiện căn, đi ngược chữ vạn sẽ thiêu đốt thiện căn. Vì thế, thường vào lễ phật phải đi từ cửa bên trái của phật điện (tức bên phải kẻ hành hương) để tiếp cận với bàn thờ Đức Ông – một vị trưởng giả đầy lòng từ thiện, thương xót người cô quả, được gọi là Cấp Cô Độc. Ngài đã mua lại vườn của thái tử Kỳ Đà để dâng cho đức Phật trước khi thành chính quả để làm ngôi tịnh xá đầu tiên của nhân loại. Nhờ công đức đó, Phật giao trách nhiệm cho ông được cai quản mọi cảnh chùa, vì vậy, phải trình ngài trước rồi mới xin được vào lễ Phật cùng các bồ tát.

Trước bàn thờ Phật, chúng sinh ngoài việc tụng kinh dưới sự hướng dẫn của các sư trong chùa, họ còn cầu nguyện những vấn đề riêng khác. Nếu trường hợp cha khô, mẹ héo, họ hướng lên hàng thứ hai của phật điện nơi di đà Tam Tôn, với trường hợp muốn tìm về chân tâm bản thể của con người, họ hướng đến hàng thứ ba với Hoa Nghiêm Tam Thánh. Những người gắn với thương mại và nghề sông nước thường quan tâm tới Quan Âm Nam Hải.

Ngoài ra, trong chùa còn nhiều bàn thờ phụ khác của các vị tổ truyền đăng và tổ chùa. Theo nguyên tắc, các tổ truyền đăng thường được đặt ở hai dãy hành lang để đánh dấu những bước phát triển của Phật giáo. Tổ chùa là những người từng trụ trì tại ngôi chùa này, mà tổ thì phải đi theo Phật nên nhà tổ trước đây bao giờ cũng nằm trên trục trung tâm, phía sau phật điện.

Tượng trong chùa không chỉ dừng lại ở không gian tâm linh Phật giáo mà thường được bổ sung phổ biến với cả điện mẫu. Điện mẫu nếu đặt ở tòa nhà hậu thì thường có vị trí ở bên phải của gian thờ tổ. Nhưng với sự phát triển của tín ngưỡng này trong sự ủng hộ của các nhà sư đặc biệt là các sư nữ, cùng với những tín đồ liên quan thì nhiều khi điện mẫu được tách ra thành ngôi đền riêng trong khuôn viên của chùa.

Về đồ thờ trong đền

Đền thờ là nơi thờ các vị thần linh, có hai dạng: anh hùng văn hóa và anh hùng dân tộc. Trong hệ thống này gồm có những thiên thần và nhân thần. Có thể hiểu anh hùng dân tộc là những nhân vật điển hình đại diện cho vinh quang một thời kỳ nhất định của lịch sử, trong công cuộc dựng nước và giữ nước, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Những vị khác có thể là những vị thần linh mang tính chất của anh hùng dân tộc với công trạng thấp hơn những anh hùng dân tộc nêu trên.

Anh hùng văn hóa là những vị thần linh được sinh ra bởi tư duy liên tưởng của cộng đồng cư dân nhất định. Anh hùng văn hóa có khả năng tạo thiên lập địa và chỉ xuất hiện vào thời kỳ nguyên thủy như các vị: Mẫu Khởi Nguyên (Âu Cơ), Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương… Anh hùng văn hóa tồn tại cùng lịch sử, được người đời tôn sùng bởi có nhiều công trạng như giúp vua đánh giặc, chống lũ lụt, dạy nhân dân cày cấy và nhiều nghề trong cuộc sống… Các ngài nhiều khi cũng được nhân dân xây dựng dưới hình thức một gia đình thần thánh (như Tản Viên, Mỵ Nương) hoặc mang tư cách của cặp uyên ương khởi nguyên (như ông Đùng, bà Đoàng).

Ở rất nhiều ngôi đền chỉ thờ một vị thần chủ. Cách bài trí bàn thờ của đền gần giống của đình. Chính tâm gần sát tường hậu là nơi của vị thần chủ. Hai bên thần chủ có thị giả. Trường hợp thần điện có nhiều vị thần chủ thì phân định vị thần chủ số 1 được ngồi chính giữa, vị thần chủ thứ 2 được ngồi bên phải, vị thứ 3 bên trái và cứ tuần tự theo số chẵn lẻ 4, 5, 6, 7 như vậy mà đặt trên bàn thờ. Người xưa còn quan tâm đến vai trò của người cha, người mẹ chính thức hoặc hư cấu của vị thần, thường làm 2 bàn thờ riêng ở 2 gian kế bên của hậu cung. Thánh phụ bên trái, thánh mẫu bên phải. Bao giờ phía sau bàn thờ cũng có đường thông thủy để tránh cho tượng áp sát vào hậu tường hậu.

Có nhiều nơi, người dân chỉ thờ một bà chúa riêng, gắn với cộng đồng mình, như bà Liễu Hạnh, bà chúa rừng Roi… thì vị thần thủ điện ngồi ở hàng thứ 2, với vị trí chính tâm của thần điện, có thị giả là cô và cậu hậu cần. Thông thường ở hai bên, người ta cũng đặt bàn thờ của thánh phụ và thánh mẫu của bà chủ điện. Chúng ta cũng thấy người xưa đưa tượng các bà chúa liên quan vào thờ ở 2 bên hậu cung. Hậu cung luôn được đóng kín, chỉ có cửa thờ ở gian giữa trổ thủng để các ngài nhìn thấy chúng sinh bên ngoài. Tiếp sau gần sát với hậu cung là một bàn thờ khác thuộc một không gian ít linh thiêng hơn. Thông thường trên cùng đặt tượng Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Cùng trên một bàn thờ Ngọc hoàng nhưng cấp thấp hơn là nơi ngự của ngũ vị tôn ông (năm vị quan lớn).

Nhìn chung, đền có bàn thờ thần linh khác với chùa, vì đức Phật đề cao sự bình đẳng với tinh thần ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật chưa thành, nên hệ thống tượng được đặt chung trên một bàn thờ. Các cấp bậc chỉ liên quan đến chức năng chứ không liên quan đến địa vị cao thấp. Còn đối với điện mẫu và các thần linh khác thì sự phân chia địa vị rõ ràng nên bàn thờ của các vị trên trục chính thường không cùng khối, có cao thấp khác biệt. Trên đây là những nghiên cứu bước đầu tìm hiểu cách bài trí ban thờ của đình, đền, chùa. Từ đó con người tìm đến chốn linh thiêng với sự hiểu biết rõ ràng hơn, việc tôn thờ cúng bái đúng đắn hơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : PHẠM THỊ KIỀU OANH

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *