Cái đẹp trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa mới ở việt nam

Tư tưởng mỹ học nói chung, tư tưởng về cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng của K.Marx, F.Engels đã giải quyết thực sự khoa học vấn đề nguồn gốc, đặc trưng, bản chất của cái đẹp. Cái đẹp, không phải là sản phẩm thuần túy chủ quan, ý niệm, hay một hiện tượng vốn có của tự nhiên, mà là một hiện tượng xã hội. Cái đẹp nảy sinh trong quá trình lao động của con người, có mục đích, mang tính phổ biến gắn với sản xuất vật chất nhưng không bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất trực tiếp.


Trong nguyên lý duy vật về lịch sử, K.Marx, F.Engels đã viết: “Vấn đề sống còn của sự phát triển xã hội là phải luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ quan hệ xã hội” (1). Quá trình cách mạng hóa phải giải phóng sức lao động, tạo điều kiện để con người có hứng thú lao động. Lao động phát triển lực lượng sản xuất sẽ tạo hiệu ứng làm giảm nhẹ lao động chân tay, tăng cường kỹ năng lao động, trí thức hóa hoạt động lao động.

Muốn phát triển xã hội phải luôn quan tâm đến tính năng động của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất là nội dung của một phương thức sản xuất. Muốn phát triển phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tăng trưởng lực lượng sản xuất, cách mạng liên tục lực lượng sản xuất. Đồng thời, cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất là hình thức, cơ cấu bên trong của một lực lượng sản xuất, tạo nên diện mạo của phương thức sản xuất. Do đó, muốn phát triển phương thức sản xuất, theo K.Marx, không được cách mạng quan hệ sản xuất trước một bước, cải tạo hình thức trước khi nội dung yêu cầu một hình thức thích hợp. Nếu quan hệ sản xuất đi trước một bước, đi quá xa so với lực lượng sản xuất thì phương thức sản xuất xã hội thiếu động lực phát triển. Vì vậy, nếu hạ tầng cơ sở không vững chắc thì thượng tầng kiến trúc của xã hội cũng trở nên lung lay, lỏng lẻo. Cái đẹp với tư cách là những nhân tố quan trọng của thượng tầng kiến trúc sẽ bị chia cắt, thiếu cơ sở phát triển.

Trong các nguyên lý về xây dựng chủ nghĩa xã hội, K.Marx, F.Engels đã đề ra 10 biện pháp xây dựng xã hội sau xã hội tư bản trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, khi thực hiện những biện pháp này phải chú ý “trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”. Và những biện pháp này chỉ phổ biến “đối với những nước tiên tiến nhất” (2). Khi vận dụng những nguyên lý này trước thời kỳ đổi mới, chúng ta đã không chú ý thích đáng đến những chỉ dẫn đặc biệt quan trọng đó, các giải pháp thực tế đưa ra còn thiếu sức sống trong một cơ chế quan liêu, bao cấp đã làm suy giảm các năng lực lao động tiềm tàng trong xã hội. Do đó, cản trở việc xuất hiện những cái đẹp mới.

Trong thực tiễn xây dựng quan hệ thẩm mỹ từ những năm 1954 đến trước năm 1986, chúng ta chịu sức ép sai lệch của nhiều quan niệm mỹ học nhân danh chủ nghĩa Marx, chống lại mỹ học phong kiến, mỹ học tư sản. Suốt một thời kỳ dài, các tác phẩm của giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản, thậm chí cả những tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán, nhiều tác phẩm mỹ học có giá trị của nhân loại đã không được tái bản, nhân danh quan điểm giai cấp đoạn tuyệt với cái đẹp truyền thống. Cũng trong thời gian ấy, một số tác phẩm tô hồng cuộc sống, lam lũ hóa cuộc sống, lao động cực nhọc hóa cuộc sống đã được một số nhà lý luận tôn vinh là cái đẹp của chủ nghĩa xã hội. Nếu cuốn phim, tác phẩm nào thiếu nội dung lao động tập thể, thiếu hình ảnh người công nhân cầm búa, người nông dân cầm cày đều không được đánh giá tốt về mặt thẩm mỹ.

Trong những năm 60 – 70 của TK XX, nhiều quan niệm cực đoan về cái đẹp đã xuất hiện trong lý luận mỹ học ở nước ta. Có ý kiến khẳng định, phạm trù anh hùng là phạm trù trung tâm của mỹ học. Chúng ta cũng tổ chức những cuộc hội thảo lớn về cái bi để thẩm định sự chiến đấu, lao động của nhân dân ta trong những năm đó. Có quan điểm cho rằng, trong xã hội chủ nghĩa, cuộc đấu tranh giai cấp đối kháng căn bản đã được giải quyết, các giai cấp bóc lột đã bị tiêu diệt, do đó cái đẹp được tự do phát triển mà không có lực lượng nào có thể làm thất bại. Chủ nghĩa xã hội đã giải phóng cái đẹp, khiến cái đẹp trở thành phổ biến khắp mọi nơi từ gia đình, nhà trường đến công xưởng, đồng ruộng. Xã hội ta chỉ còn cái đẹp, do đó, chỉ có nghệ thuật phản ánh cái đẹp tồn tại, còn bi kịch sẽ không tồn tại trong đời sống xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã không quan tâm đến hàng triệu con người đang phải chống lại những hung thần của TK XX. Chúng ta cũng ít quan tâm đến những cái xấu xa còn tồn tại khắp nơi, hàng ngày chống lại cái đẹp trong xã hội.

Trước tình hình thực tiễn, trong các quan niệm lý luận mỹ học như vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã kịp thời chấn chỉnh, tìm nguyên nhân của những sa sút về sản xuất, lệch lạc về tư tưởng, lý luận. Đại hội đã nhận định, có những sự rối loạn trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của xã hội lúc đó, do một số nguyên nhân. Trước hết, chính là tư tưởng chỉ đạo, chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết, chủ yếu trong các chủ trương về cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, cơ chế quản lý. Chưa nắm vững, vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất. Cuối cùng là việc buông lỏng chuyên chính vô sản trong đấu tranh tư tưởng, văn hóa, trong việc chống lại những âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược, tổ chức thực hiện” (3).

Cái đẹp mang nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc trong thời kỳ 1954 – 1986 đã tạo dựng được rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp từ gia đình, thôn xóm, phường xã, thành phố và mọi quan hệ xã hội. Lý tưởng thẩm mỹ của Đảng đã đi vào lối sống của xã hội, tạo nên những nhân cách phát triển toàn diện trong một hoàn cảnh quốc tế có sự đối đầu quyết liệt giữa hai phe trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nguyên lý tập trung bao cấp đã sản sinh ra nhiều cái đẹp, nhưng cùng với nó cũng xuất hiện nhiều cái xấu. Vì thế, Đảng ta đã đề xuất việc xây dựng những cái đẹp mới mang nội dung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là mục tiêu tổng quát hình thành cái đẹp trong thực tiễn, trong mỹ học ở thời kỳ đổi mới hiện nay.

Sau năm 1986, cội nguồn của cái đẹp mới xuất hiện cùng với việc đổi mới các quan hệ lao động. Cùng với khoán 10, khoán 100, hình thành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cội nguồn của cái đẹp ở nước ta không chỉ là lao động tập thể như trước mà cái đẹp đã ra đời từ các quan hệ lao động giữa cá nhân và tập thể. Từ mối quan hệ các cá nhân vừa lao động cho mình, cho xã hội, cái đẹp có cội nguồn khác hẳn trước đó.

Trong thời kỳ đổi mới, cái đẹp gắn bó chặt chẽ với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nền văn hóa tiếp thu các giá trị của nền văn hóa trong cách mạng dân tộc dân chủ và chủ nghĩa xã hội trước đó. Cái đẹp của nền văn hóa này là sự kết tinh của cái đẹp truyền thống trong giai đoạn hiện đại. Đó là cái đẹp phản ánh cuộc sống, đấu tranh, hội nhập của nhân dân trước sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ của thế giới, cái đẹp hiện đại nhưng không xa rời bản sắc dân tộc.

Nhân dân ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển cơ chế thị trường, đưa cái đẹp của đất nước lên một tầm cao mới. Việc xây dựng những cái đẹp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể tách khỏi trình độ phát triển của lao động. Lao động cho mình, cho cộng đồng, lao động vì sự phát triển đất nước, tham gia vào quá trình lao động của nhân loại sẽ làm nảy sinh những sắc thái mới của cái đẹp.

Nhận thức, cái đẹp có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm con người, đến các giá trị cơ bản của đời sống xã hội, văn kiện Đại hội Đảng luôn đặc biệt chú ý xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp, lối sống lành mạnh, thực hiện công bằng xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 và nhiều văn kiện Đại hội Đảng sau năm 2000 đều chú ý xây dựng con người Việt Nam có sự giác ngộ chính trị đúng đắn, có đạo đức cao đẹp, có mỹ cảm phong phú và có tài năng xuất sắc. Đó chính là cái đẹp đặc trưng của nhân cách mới.

Hiện nay, Đảng ta đang quan tâm đến việc xây dựng lối sống đẹp, bởi lối sống vừa là bản chất của một phương thức sản xuất, vừa thể hiện những nhân cách đặc trưng cho phương thức sản xuất ấy. Lối sống chính là những hoạt động sống thực sự có tính người, của những cá nhân, thành viên tích cực của xã hội, lối sống gắn bó chặt chẽ với phương thức sản xuất. Lối sống đẹp là lối sống chống lại lối sống thực dụng, thể hiện lý tưởng nhân đạo rộng lớn. Đó là lý tưởng không chỉ của truyền thống văn hóa Việt Nam mà còn là lý tưởng nhân đạo của cả nhân loại. Đó là lối sống luôn mơ ước về chế độ xã hội tốt đẹp mà mọi giá trị dân chủ, bình đẳng, tự do được tôn trọng.

Mỗi dân tộc xây dựng cuộc sống mới đều phải gắn liền với những quy luật của cái đẹp do chính dân tộc đó tạo dựng nên từ lao động sáng tạo, để đo sự phát triển của mình. Nhân dân Việt Nam xây dựng lối sống đẹp từ truyền thống ngàn năm. Lối sống đẹp mà Đảng ta, nhân dân ta hướng đến xây dựng, biểu hiện tập trung ở các giá trị của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lối sống phát triển cao độ những giá trị bền vững, tinh hoa văn hóa mà cha ông ta đã truyền từ đời này sang đời khác như: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lập, tự cường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đầu óc thực tế, đức tính cần cù, giản dị.

Trong quan niệm của chúng ta, cái đẹp luôn gắn liền với cái thiện. Cái thiện chính là cơ sở của cái đẹp. Xây dựng lối sống đẹp theo chuẩn mực của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là lối sống dựa trên cơ sở đạo đức trong sáng. Quá trình xây dựng lối sống từ nền văn hóa dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa đến nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc đến nay là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các giá trị đạo đức được nâng lên một tầm cao mới. Tuy vậy, qua những cuộc cải tạo xã hội, sự vận động của cơ chế thị trường vừa qua cũng phá hỏng nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp làm cơ sở cho lối sống đẹp.

Để có một lối sống đẹp, cần thiết phải có một chiến lược giáo dục lại các quan hệ, chuẩn mực, giá trị đạo đức mới. Lối sống đẹp theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải có nội dung nhân đạo cao cả. Các quan hệ đồng chí, anh em, sự hợp tác, tình yêu thương là cơ sở cái đẹp trong lối sống của chúng ta hiện nay. Lối sống đẹp theo định hướng xã hội chủ nghĩa có nội dung cơ bản là chủ nghĩa yêu nước quốc tế, khắc phục tính hạn hẹp dân tộc, mở rộng tình đoàn kết con người.

Lối sống đẹp trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay gắn bó chặt chẽ với tinh thần dân chủ. Không có tinh thần dân chủ, mọi hoạt động quản lý kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đều thiếu động lực, sức sống. Tinh thần dân chủ tạo điều kiện để nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường. Tinh thần dân chủ huy động nhiều người tham gia tích cực thực hiện lý tưởng chống áp bức bóc lột. Dân chủ theo hiến pháp, pháp luật chính là sự thống nhất giữa cái đẹp và cái đúng trong lối sống.

Lối sống đẹp phải là lối sống theo khoa học, có sự phát triển về mặt dân trí, thống nhất giữa cái đúng, cái tốt với cái đẹp là một bước phát triển mới của cái đẹp trong xã hội ta. Cái đẹp thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ nhân dân phát triển. Cái đẹp làm rạng rỡ nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc. Cái đẹp đang đi vào cuộc sống mới của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cái đẹp đang trải nghiệm trên thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để đồng hành với quá trình cách mạng của nhân dân ta trong xây dựng văn hóa, phát triển con người.

Cái đẹp của nghệ thuật được đặc trưng bởi sự thống nhất giữa tư tưởng cao, quy mô thẩm mỹ theo kiểu Shakespeare, nội dung phải thực sự là đại diện của giai cấp và những khuynh hướng nhất định của thời đại mình. Nếu sáng tác theo ý chủ quan một cách xấu xa nhỏ nhen thì sẽ trở thành nghệ thuật suy đồi. Vận dụng những tư tưởng đó vào xây dựng nền văn nghệ hiện đại, Đảng ta yêu cầu các tác phẩm phải có tính tư tưởng cao, tính nghệ thuật cao. Cả hai đặc trưng nghệ thuật này phải thống nhất. Chỉ có như thế nghệ thuật mới thực hiện được chức năng cao quý của nó.

Xã hội ta hiện nay đang phát triển đa dạng, giao lưu quốc tế rộng rãi. Các làn sóng đầu tư, xuất khẩu, tin học đang xâm nhập sâu vào lĩnh vực cái đẹp, nhất là mỹ cảm của thế hệ trẻ. Trong quá trình giao lưu thẩm mỹ này, cần phải lấy phương châm gắn truyền thống với hiện đại, cá nhân với xã hội, dân tộc với quốc tế theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với mục tiêu khẳng định cái đúng, cái tốt gắn với cái đẹp. Chỉ có gắn cái đúng, cái tốt với cái đẹp thì nền nghệ thuật cụ thể mới thoát khỏi hai khuynh hướng: xét lại và giáo điều.

Cái đẹp trong xã hội ta đã ra đời, phát triển cùng với các quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh giữ nước hàng nghìn năm của nhân dân ta. Cái đẹp ấy đã trải qua nhiều thời đại, được vận động từ thời dựng nước đến nay, song hành cùng với quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Trong thời kỳ hiện đại, cái đẹp đã vận động cùng với nền văn hóa của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội trải qua cơ chế thị trường đang hướng tới một xã hội mới. Sự vận động của cái đẹp thời hiện đại đã trải qua các định chuẩn: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa; nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đến nay là định chuẩn phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

_______________

1, 2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.18.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN THU NGHĨA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *