Cảm thức súy vân

Một trong những nguyên tắc thẩm thấu và chi phối toàn bộ các khâu hình thành nên vở chèo là nguyên tắc tự sự. Ban đầu, nguyên tắc này chưa được nhận thức thấu triệt về vị trí, vai trò, dẫn đến một chặng đường các nhà làm chèo bước những bước chông chênh, chệch bản chất nghệ thuật chèo cổ. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được chỉ ra trên phương diện lý luận, còn từ trang sách lên sàn diễn, phụ thuộc hoàn toàn vào tác giả, đạo diễn, âm nhạc, múa, trang trí, nghệ thuật biểu diễn…, tức phải đi từ quá trình hiểu đến làm để đảm bảo được chất chèo trong mỗi tác phẩm.

Súy Vân là một trong bộ ba vở diễn kinh điển của nghệ thuật chèo gắn liền với lịch sử Nhà hát Chèo Việt Nam. Nếu như Quan Âm Thị Kính mang phong cách tự sự, Lưu Bình Dương Lễ đậm chất trữ tình thì Súy Vân chất chứa đầy tính kịch. Qua thời gian sàng lọc tích cổ, Ban Nghiên cứu chèo đã cải biên Kim Nham thành Súy Vân. Đạo diễn Trần Bảng (1) cùng êkip đã nâng nhân vật Súy Vân từ người đàn bà sai lầm trong tình duyên trở thành hình tượng nghệ thuật đại diện cho số phận phụ nữ của cả một thời đại. Súy Vân từ nữ lệch chuyển sang nữ pha nổi loạn và bùng nổ. Tích Kim Nham được mài giũa trở thành cổ vật Súy Vân đến mức không tì vết.

Năm 1962, Súy Vân được dàn dựng lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam. Nghệ nhân Dịu Hương xuất thân từ diễn viên tuồng, khi bước vào chèo, truyền nghề cho lớp trẻ, bà đã mang những trình thức múa nghiêm ngặt, điêu luyện, nghệ thuật đảo mắt điên loạn để biểu hiện tính chất kịch liệt, dữ dội, đặc biệt trong lớp Súy Vân giả dại.

Tính chất kịch nổi lên rất rõ không chỉ trong lớp Súy Vân giả dại hay riêng nhân vật chính mà trong toàn bộ cấu trúc vở diễn. Xung đột kịch được đẩy từ thấp đến cao, từ sự kiện bên ngoài tác động đến tư tưởng hành động rồi chuyển hóa thành mâu thuẫn sâu sắc, gay gắt trong chính nội tâm nhân vật. Mở đầu câu chuyện, Súy Vân đang buồn bã mong ngóng chồng trở về đặng bù đắp chuỗi ngày mỏi mòn chờ đợi, thì Hỷ đồng báo tin Kim Nham đỗ đầu khoa. Không phải niềm hạnh phúc mà là tiếng sét cắt ngang thân phận cuộc đời Súy Vân. Sự kiện Kim Nham quyết định lấy vợ lẽ, phụ tình người vợ tảo tần đã làm sáng tỏ mối nghi ngờ ở Súy Vân về tình cảm thủy chung như nhất của đấng nho sinh gia trưởng. Súy Vân là một người phụ nữ thông minh. Nàng thấu hiểu được bản chất cay đắng số phận mình, tiếng là vợ cả mà thực chất chẳng khác phận tôi đòi. Sự mạnh mẽ trong tính cách Súy Vân manh nha từ lớp mở màn, khi nàng phân trần với chồng rằng, mình thà chết chứ không chấp nhận cảnh chồng chung vợ chạ. Điều đó đã được khai thác tối đa để khơi sâu tâm lý khủng hoảng, đẩy Súy Vân đến hành động giả dại. Đó là sự xuất hiện thức thời của Trần Phương, là lễ cưới Kim Nham dưới sự mô tả ngây ngô của hề gậy với anh khoèo, là cái miệng khéo đưa đẩy của mụ Quán thuần thục nghề tìm hoa bắt bướm, se dây tơ hồng. Song, đỉnh điểm xung đột không phải khi Súy Vân giả điên mà là khi nhận tin Trần Phương lừa gạt mình. Sự kiện mở nút thoái trào được đánh dấu bởi tình tiết Súy Vân chọn lựa cái chết để giải thoát trong đêm tối. Cái chết của Súy Vân không hẳn mang lại riêng cảm giác xót thương mà còn khiến khán giả cảm thấy nhân vật đã bình an ở một thế giới không còn bi kịch nữa. Nhạc sĩ Hoàng Kiều, trong đoạn kết thúc vở diễn, đã sáng tác bài hát đồng ca mang giai điệu trầm buồn, vỗ về an ủi, khẩn cầu cho linh hồn nhân vật chính siêu thoát, thể hiện nỗi niềm cộng cảm của người đời khi chứng kiến số phận bi kịch của nàng, làm lắng lại, cân bằng, xoa dịu nỗi thương đau ở người xem.

Chỉ nhìn theo chiều dọc, tức trật tự tuyến tính sự kiện tình tiết thì Súy Vân bộc lộ cấu trúc kịch một cách rõ ràng. Tuy không mang cấu trúc mảnh đặc thù của chèo như trong Quan Âm Thị Kính, nhưng Súy Vân vẫn là một vở chèo, thuộc về chèo, đậm chất chèo. Bởi, Súy Vân dù gia giảm tính chất kịch rất cao song vẫn đảm bảo nằm trong hành lang chỉ đạo của nguyên tắc tự sự. Xin dừng lại ở trích đoạn Súy Vân giả dại để sáng tỏ thêm điều này.

Tự sự biểu hiện ngay đầu tiên ở hành động ra trò. Súy Vân tay cầm cành lá từ bên cánh gà ra sân khấu bằng đường xoáy lốc. Lịch sử nghệ thuật chèo chưa có nhân vật nào ra trò như vậy. Có thể tiến thẳng, vuông vắn, quay lưng đi chéo, cúi đầu hay ngửa mặt, bước cao nhẹ nhàng hay nặng nề lê lết… nhưng cách đi của Súy Vân đã phản ánh tính cách nhân vật, báo hiệu hành động nổi loạn có thể xới tung, làm sụp đổ tất cả. Như vậy, ra trò đã mang tính kể, không chỉ giới thiệu đơn thuần mà cung cấp cho khán giả điều đã biết, đã định hình về nhân vật, thậm chí cả số phận nhân vật: nhân vật là ai, hạng người nào, đặc điểm bản chất ra sao… Và phần tiếp sau của đoạn diễn (kể cả vở diễn) thực chất chỉ là minh họa, trình bày cụ thể lời giới thiệu khái quát ở khâu ra trò.

Tính tự sự trong nghệ thuật chèo dễ nhận ra ở yếu tố giao lưu với khán giả. Giao lưu thông tin tới người xem, diễn viên đang sắm vai nhân vật một cách tỉnh táo. Người diễn không hoàn toàn hóa thân thành nhân vật mà luôn ý thức kéo khán giả đến gần câu chuyện để bày tỏ cảm xúc cùng với mình. Khi Súy Vân đang điên loạn bất chợt dừng lại quay xuống phía khán giả hỏi: “chị em ơi, tôi than thân tôi vài câu nhé!”- tiếng đế: “than làm sao?”- thì giữa người diễn với người xem đã đồng điệu với nhau khi cảm nhận về nhân vật. Đặc điểm này chỉ nghệ thuật chèo mới có.

Không dừng lại ở bề nổi, nghệ thuật giao lưu trong chèo vô cùng tinh tế. Thi thoảng giao lưu mới biểu hiện ra lời đáp – hỏi của khán giả với diễn viên, phần nhiều là ẩn sau ngữ khí đài từ và động tác diễn xuất. Chỉ cần nghệ sĩ tiết chế mức độ to nhỏ, nhanh chậm của lời thoại hay ánh mắt liếc xuống phía người xem đã truyền đi nội dung ý nghĩa ngoài lời: Súy Vân đang giả điên để thoát khỏi cuộc đời tù túng tìm đến hạnh phúc yêu đương tự do, chứ nàng không hề điên thực.

Xét ở các thành phần khác như múa, trang trí, âm nhạc, tính tự sự cũng nổi bật như một đặc thù. Đoạn Súy Vân giả dại, kịch bản chỉ vài trang giấy nhưng khi diễn xuất, thời gian kéo dài tới 20 phút. Bởi múa được sử dụng rất nhiều, hàng loạt động tác minh họa, miêu tả cuộc sống lao động của Súy Vân từ rắc dâu chăn tằm, gặt lúa đến se tơ may áo… được nâng lên mức nghệ thuật, bởi nét hoa tay uốn lượn bay bướm. Bên cạnh đó, đan cài thêm các động tác biểu hiện: vò lá, vò tà áo, hất tóc, quật cành lá, động tác xoay người, bắt cào cào… tất cả đều góp phần biểu hiện nội dung tâm trạng Súy Vân. Âm nhạc sử dụng những làn điệu nguyên sơ của chèo như điệu Quá giang, Con gà rừng, Hát xuôi hát ngược… Họa sĩ Nguyễn Đình Hàm để cho Súy Vân khoác tà áo trắng, nhằm tôn vinh tâm hồn trong trắng thẳng ngay. Trang trí ước lệ với mức độ rất cao. Chiếc phông in hình mạng nhện, trên vương mắc con chuồn chuồn cùng với múa hát dưới ánh đèn sân khấu mờ tối, đã góp phần làm sáng tỏ nội dung kịch bản, tô đậm số phận bế tắc, không lối thoát của nhân vật.

Trong lớp Súy Vân giả dại, xung đột kịch chuyển sang xung đột nội tâm nhân vật. Quá khứ với hiện tại, mơ ước tương lai với thực tế phũ phàng, định kiến xã hội với khát vọng hạnh phúc, yếu đuối và mạnh mẽ, hiền lành và dữ dội, cam chịu và nổi loạn… tạo thành những cặp tương phản mâu thuẫn, buộc nhân vật phải hành động để thoát khỏi sự tra tấn giằng xé nội tâm. Song, vì đảm bảo sự chi phối của nguyên tắc tự sự nên Súy Vân đã thu nhận tính kịch trong mục đích nghệ thuật mà không hề lo ngại biến chất thành kịch. Thời điểm dàn dựng Súy Vân lần đầu, Trần Bảng đã chọn phong cách biểu diễn của nghệ nhân Dịu Hương, theo ông, bà có khả năng truyền tải đầy đặn hai mặt tưởng chừng như đối lập mà thống nhất trong con người Súy Vân, đó là tính cách mãnh liệt và thiên tính nữ đằm thắm. Bên cạnh tính chất lệch vẫn giữ nét chín, và vì chín nên tất yếu dẫn tới lệch, tạo nên một vai đào pha tiêu biểu.

Dưới sự dìu dắt của nghệ nhân Dịu Hương, đạo diễn Trần Bảng chỉnh trang diễn xuất, nghệ sĩ Diễm Lộc đã thể hiện một Súy Vân cá tính và trí tuệ. Súy Vân Diễm Lộc rất thông minh, mạnh mẽ với ánh mắt đảo điên liến thoắng, vừa căm hận, vừa tỉnh táo. Một Súy Vân có khả năng suy nghĩ, đánh giá và trần tình sự việc. Một Súy Vân nhận thức rõ bản chất bị chồng phụ tình, tự mình tìm cách thoát thân. Tuy không mạnh về múa nhưng đài từ, giọng hát của Diễm Lộc gần với giọng thật mang đến cảm nhận chân thực, sâu sắc nơi người xem. Nhà hát Chèo Việt Nam còn lưu giữ bức ảnh chụp từ năm 1962, Diễm Lộc giang hai tay, cầm hành trang, nón, đứng thẳng, hơi ngả mình về phía sau, nét mặt khổ đau tới mức tê dại… Đây mới là cao trào đớn đau tuyệt vọng khi biết bị Trần Phương lừa gạt, Súy Vân thấy mình chẳng còn gì?! Đã hết lòng với chồng, quyết dứt bỏ chồng rồi lại bị phụ bạc, phơi bày khát vọng hạnh phúc bình dị đến mãnh liệt nhưng cuối cùng phải liên tiếp gánh chịu thất bại. Súy Vân không thể đứng thẳng vì đã làm cái việc tày đình, dám giả điên bỏ chồng đi theo người khác. Ngả mình về phía sau là tư thế kẻ thua cuộc trên hành trình chiến đấu giành giật hạnh phúc chân chính. Nhưng Súy Vân không cúi đầu ngã gục, mà thẳng người, từ từ đi xuống sông kết thúc cuộc đời. Nghĩa là cho đến phút cuối sự sống, Súy Vân vẫn cương quyết khẳng định khát vọng yêu đương trong sáng đẹp đẽ của mình.

Nếu như Súy Vân Diễm Lộc có chiều sâu trí tuệ thì Súy Vân Thúy Ngần tràn đầy chất trữ tình. Nét tính cách đằm thắm của phụ nữ Á Đông tròn trịa đẫy đà trong từng đường nét múa. Thúy Ngần rất mạnh về múa. Xem Thúy Ngần diễn nhận ra Súy Vân không chỉ đáng thương mà còn đáng yêu, vì bên cạnh tính cách dữ dội là bản tính khéo léo dịu dàng. Sau này, nghệ sĩ Kim Liên đã cân bằng được hai tính chất mãnh liệt và trữ tình của Diễm Lộc và Thúy Ngần, tạo dựng được dấu ấn riêng, được đánh giá là người xứng đáng kế tiếp những Súy Vân thế hệ tiền nhân.

Gần đây, năm 2016, Súy Vân được đạo diễn Nguyễn Thị Bích Ngoan phục dựng lại dựa trên sự chỉ đạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn, trên nền tảng vững chắc tay nghề của anh chị em trong êkip và toàn thể nghệ sĩ diễn viên. Các nghệ sĩ đầy tiềm năng của Nhà hát Chèo Việt Nam lần lượt tiếp nhận vai: mụ Kim, mụ Quán, Kim Nham, Trần Phương, hề gậy, khoèo, phù thủy, tiến hành luyện tập ròng rã mấy tháng trời. Vai Súy Vân giao cho nghệ sĩ trẻ Trần Thị Hiền. Tuy là một diễn viên trẻ, nhưng với khả năng diễn xuất, múa, hát tốt, Trần Hiền đã gieo niềm tin, hy vọng về sự nối tiếp của thế hệ sau trong việc gánh vác tránh nhiệm lưu truyền những vai mẫu truyền thống.

Như vậy, giữ chèo không phải dập khuôn theo thày. Diễn Súy Vân không có nghĩa phải giống bất kỳ nghệ sĩ nào trước đó, chỉ cần nắm vững tính cách nhân vật, trên cơ sở kỹ thuật múa hát biểu diễn, diễn viên có quyền sáng tạo. Những sắc thái biểu cảm khác nhau của Diễm Lộc, Thúy Ngần, Kim Liên khi nhập vai Súy Vân luôn mang tới cho người xem cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen nhưng vẫn lạ mới là bài toán thách thức đối với nghệ thuật, với tài năng, với công khổ luyện và ý chí dấn thân của các nghệ sĩ…

____________

1. Công trình Nghệ thuật đạo diễn chèo xứng đáng là một công trình để đời trong lĩnh vực nghiên cứu của GS,NSND Trần Bảng. Thành quả này có được nhờ vào khả năng vừa làm vừa nghĩ, vừa sáng tạo thực tế, vừa dựa vào đó mà rút ra lý luận. Ông hiểu mình để tự mình chứ không phải ai khác chỉ ra sai lầm của bản thân khi viết, dàn dựng những vở kịch, chèo. Đó như tiếng nói thể hiện bản lĩnh, nghị lực nghề nghiệp bậc thày của lớp cha anh đi trước. Thế hệ nghệ sĩ ngày nay may mắn vì có nền tảng vững vàng, nhưng bài học làm – nghĩ, nghĩ – làm chẳng khác gì mạch máu trong sinh thể, mức độ nông sâu rộng hẹp của nó phản ánh lòng yêu nghề và hơn tất cả, nhìn vào sẽ thấy được nội tại vận động sáng tạo nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NINH THANH HÀ

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *