Trải qua 5 kỳ tổ chức, kể từ dấu ấn Festival du lịch Hà Nội năm 1999 đến Festival du lịch quốc tế Thăng Long Hà Nội 2010, có thể thấy mô típ chung của nó là một sự kiện lớn bao gồm nhiều sự kiện lớn nhỏ khác nhau được xây dựng trên một nền tảng chung. Cấu trúc của Festival du lịch Hà Nội bao gồm các thành tố: hội chợ, triển lãm du lịch, hội thảo giao lưu hợp tác quốc tế, lễ hội đường phố, ẩm thực, thao diễn làng nghề, biểu diễn văn hóa nghệ thuật…
Cấu trúc của festival du lịch Hà Nội bao gồm 2 phần chính là nghi lễ và hội. Trong đó, phần nghi lễ được thực hiện ở lễ khai mạc, bế mạc của sự kiện. Còn phần hội được kết cấu từ các thành tố văn hóa:
Triển lãm gian hàng du lịch trong nước và quốc tế
Ngay từ lần đầu tổ chức năm 1999, Festival du lịch Hà Nội đã xuất hiện hội chợ, triển lãm, tuy nhiên quy mô chỉ gói gọn trong phạm vi 100 gian hàng của các công ty du lịch, vận chuyển, lữ hành, khách sạn và các làng nghề, giới thiệu tiềm năng du lịch Hà Nội và một số tỉnh thành.
Đến Festival du lịch Hà Nội năm 2001, quy mô hội chợ triển lãm được nâng lên với trên 150 gian hàng trong nước và quốc tế được tổ chức dọc đường Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn hàng trong và ngoài nước đến tham dự. Hoạt động hội chợ, triển lãm tiếp tục được tổ chức tại Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2003, 2005. Nếu như năm 2003, hội chợ triển lãm thu hút trên 200 gian hàng, thì đến năm 2005 quy mô đã tăng lên 300 gian hàng, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn Hà Nội, 25 thành phố, tổ chức và doanh nghiệp quốc tế, 33 Sở quản lý nhà nước về du lịch, 60 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn các địa phương, 24 nghệ nhân các làng nghề. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế đến từ Trung Quốc, Argentina, Đan Mạch, Pháp và một số quan chức nằm trong mạng lưới các thành phố châu Á TK XXI (ANMC 21), các quan chức trong Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA), những nghệ sĩ từ nhiều nước đến biểu diễn…
Nội dung triển lãm các sản phẩm du lịch xoay quanh các điểm, vùng, trung tâm du lịch đặc trưng, độc đáo, những dự án phát triển du lịch, làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ…
Năm 2010, mở đầu cho chuỗi sự kiện chính thức diễn ra trong 10 ngày Đại lễ, chào mừng 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Festival du lịch quốc tế Thăng Long Hà Nội đã quy tụ trên 319 gian hàng trong nước và quốc tế tham gia hội chợ, triển lãm. Gần 40 tổ chức du lịch quốc tế đến với Hà Nội, trong đó có Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), các cơ quan du lịch cấp quốc gia như Nhật Bản, Myanmar, Campuchia, Thailand, Cuba, Lào, một số đại sứ quán như Bangladesh, Brazil, Algeria, Srilanka, Ai Cập, các tỉnh, thành phố một số quốc gia Tokyo, Kuala lumpur, Bang kok, Quảng Tây, cùng khoảng 20 doanh nghiệp, hãng hàng không quốc tế tề tựu tại Hà Nội trong 4 ngày diễn ra Festival. Trong nước có nhiều gian hàng đại diện các Sở VHTTDL, Hiệp hội du lịch các tỉnh thành, đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch có uy tín lớn tại Hà Nội đăng ký tham dự…
Hội thảo giao lưu hợp tác quốc tế
Ngay từ Festival du lịch Hà Nội năm 1999, Sở Du lịch đã quan tâm tổ chức hội thảo, tìm hướng phát triển cho ngành du lịch thủ đô. Riêng Festival du lịch năm 2005 đã diễn ra 5 cuộc hội thảo quốc tế về các cơ hội, giải pháp hợp tác và phối hợp phát triển du lịch giữa Hà Nội và những đối tác đến từ Tây Ban Nha, Thái Lan, Trung Quốc, Argentina… Năm 2010, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế tại hội trường Nhà hát Thiên đường Bảo Sơn với chủ đề Phát huy giá trị các di sản văn hóa và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu, nhiều học giả, chuyên gia đầu ngành về du lịch với 16 tham luận. Nhiều tham luận có giá trị được nêu ra, đặc biệt là các tham luận trình bày của ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA), đại diện Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL Hà Nội và một số hãng lữ hành trong nước và quốc tế đã nêu bật các giá trị văn hóa, lịch sử của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm khai thác phát triển du lịch Hà Nội nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung một cách bền vững.
Hội chợ ẩm thực, làng nghề, trò chơi dân gian
Năm 2001, hội chợ ẩm thực được tổ chức ở khuôn viên khách sạn Sofitel và vườn hoa Diên Hồng dưới dạng chợ quê với những đồ uống, món ăn đặc sản Hà Nội: bánh cuốn Thanh Trì, cốm Vòng, chả cá, bánh tôm… đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Năm 2003, Liên hoan nghệ thuật ẩm thực Việt Nam và Hà Nội quy tụ trên 40 gian hàng diễn ra dưới hình thức phiên chợ quê tại vườn hoa Diên Hồng kết nối với khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội đã tái hiện lại những hình ảnh đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ như cổng chợ, đu tiên, chum nước, lều tranh, hàng cắt tóc, quán chè xanh, thuốc lào, cô hàng xén, ông lão nặn tò he,… Xen kẽ với khu chợ quê còn có các trò chơi dân gian như đu tiên, thi thổi cơm, biểu diễn nghệ thuật.
Mến khách. Ảnh Trường Giang
Năm 2005, Liên hoan ẩm thực với chủ đề Hương sắc Việt Nam được tổ chức tại công viên Bách Thảo với quy mô trên 100 gian hàng được chia thành khu ẩm thực truyền thống, hiện đại, ẩm thực phố cổ Hà Nội,… với các món ăn đặc sắc của Hà Nội, Việt Nam, châu Á, châu Âu. Để tăng thêm sự hấp dẫn, ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi nấu ăn dành cho các đầu bếp và nghệ nhân nhằm tạo cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm trong không gian văn hóa ẩm thực hà thành.
Festival du lịch năm 2010 là một trong những sự kiện lớn nhất Năm du lịch quốc gia tại Hà Nội với nhiều hoạt động giới thiệu du lịch, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống, trưng bày và trình diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian.
Trình diễn văn hóa Việt Nam và giao lưu quốc tế
Xuyên suốt các kỳ Festival du lịch ở Hà Nội, trình diễn văn hóa vùng miền và các nước tham dự luôn là điểm nhấn được du khách quan tâm, đặc biệt là khách quốc tế. Trình diễn văn hóa và giao lưu quốc tế được đặc biệt chú ý ngay từ Festival du lịch lần đầu tiên năm 1999 và tiếp tục ở Festival du lịch Hà Nội 2001. Trong các ngày diễn ra Festival du lịch, tại nhiều điểm sân khấu ngoài trời, lịch biểu diễn nghệ thuật diễn ra liên tục với sự tham gia của các liền anh, liền chị làng quan họ Bắc Ninh, những cô gái Mường đến từ Hòa Bình, đoàn diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, đội múa xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)… với các tiết mục đá bóng, đấu kiếm trên cà kheo, múa rối nước, thi bơi chải. Tiêu điểm của Festival là lễ rước Vinh quy bái tổ, phản ánh đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt và nhắc nhớ đến lịch sử 1000 năm Thăng Long Hà Nội.
Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2003 khai mạc với hoạt cảnh Vua Lê trả gươm báu cho rùa thần, lễ hội tịch điền với màn múa Ngày mùa quê hương được đánh giá là một trong những chương trình đặc sắc của Festival. Ngay từ ngày 15-11-2003, trên 4 điểm sân khấu mở quanh hồ Hoàn Kiếm, các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Hà Nội, đoàn quan họ Bắc Ninh, Nhà hát Múa rối Trung ương cùng những câu lạc bộ ca trù của nghệ sĩ Bạch Vân, Thái Hà trình diễn các loại hình di sản văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, Festival còn quy tụ sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ trẻ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên hoan xiếc Việt Nam…
Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2005 tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật, ngoài các chương trình truyền thống đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, ban tổ chức đưa thêm một số điểm mới như đờn ca tài tử Nam Bộ, quan họ Bắc Ninh biểu diễn trên thuyền tại hồ Hoàn Kiếm, hồ Bách Thảo, chương trình nghệ thuật của đoàn ca múa nhạc Thăng Long, điện ảnh trên xe chiếu phim kiểu Hà Nội xưa tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… Đặc biệt là màn biểu diễn nghệ thuật trồng hoa, cây cảnh trên mặt hồ, cạnh vườn hoa Lý Thái Tổ của các nghệ sĩ Pháp đã gây được ấn tượng đối với du khách. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với thành phố Toulouse (Pháp) tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật tại khu phố cổ Hà Nội. Từ ban công những ngôi nhà cổ trên các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Lãn Ông, Chả Cá, Hàng Buồm, rạp hát Chuông Vàng các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam trình diễn hòa nhạc truyền thống vào các buổi tối.
Năm 2010, chương trình nghệ thuật được bố trí ở tất cả các điểm sân khấu phụ trong Thiên đường Bảo Sơn với nhiều tiết mục được biểu diễn như nhảy sạp, múa xòe Thái, cồng chiêng Hòa Bình, Mường, Tây Nguyên, trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật cổ truyền… Tại sân khấu đình làng mỗi ngày diễn 4 suất múa hát hầu đồng, chèo tàu, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ… Thủy đình trình diễn rối nước. Sân khấu khu ẩm thực trình diễn nhạc cụ, dân ca ba miền như ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca bài chòi, hát trống quân, múa Chăm… Sân khấu khu phố cổ diễn ca trù, ả đào, ngâm thơ cổ, bình thơ, thư pháp… Tại sân khấu Nhà hát Cung Đình, liên tục có các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, Trung Quốc, Lào…
Như vậy, xuyên suốt Festival du lịch là các phần trình diễn đan xen của các nghệ sĩ trong và ngoài nước giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống và nét đẹp văn hóa bản địa đến du khách. Những chương trình nghệ thuật này là điểm nhấn quan trọng tạo sức hấp dẫn cho toàn bộ Festival và là một trong những nhân tố lôi cuốn và giữ chân du khách đến với Hà Nội.
Lễ hội đường phố
Manh nha hình thành từ Festival du lịch Hà Nội 2001, lễ hội đường phố diễn ra chủ yếu là các lễ rước truyền thống, làng nghề, tổ nghề… Nhưng đến Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2003, lễ hội đường phố được tổ chức trên quy mô lớn diễn ra trên các tuyến phố chính xung quanh hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên và nhiều tổ chức quần chúng. Mở đầu là đoàn rước Bánh chưng, bánh giày, tượng trưng cho trời và đất gồm 100 người trong trang phục cổ truyền cùng các chú Tễu. Theo sau là các đoàn biểu diễn nghệ thuật múa trên cà kheo, diễn tả các cảnh lao động, vui chơi truyền thống của văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chương trình xiếc, đoàn hình tượng nhân vật, đoàn múa hát… Ngoài ra, còn có đám cưới cổ người Việt, thời trang người Hà Nội thanh lịch, trang phục dân tộc các nước. Các đoàn diễu hành được tổ chức hoành tráng, công phu, đẹp mắt tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cùng không khí hào hứng, lôi cuốn người xem.
Năm 2005, lễ hội bắt đầu diễu hành từ phố Hàng Buồm đi ra Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng về đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bao gồm các tiết mục: rối lùn do tốp nghệ sĩ múa rối biểu diễn, múa cà kheo do đội cà kheo Nghĩa Hưng (Nam Định), biểu diễn đám cưới cổ, múa lục triệt hoa mã đăng, trình diễn các tiết mục xiếc đặc sắc Việt Nam, đồng diễn múa,…
Năm 2010 tiếp tục diễn ra lễ hội đường phố với các màn trình diễn đi cà kheo, xiếc, ảo thuật, các vũ điệu sôi động của những vũ công… luôn làm nóng không khí các ngày diễn ra Festival du lịch.
Trình diễn văn hóa Hà Nội, tour khám phá du lịch
Với mục tiêu quảng bá hình ảnh văn hóa Thăng Long, Hà Nội, ban tổ chức Festival luôn dành không gian để giới thiệu vẻ đẹp của mảnh đất, con người Tràng An, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị di sản văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến. Khu vực phố cổ, không gian xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Thiên Đường Bảo Sơn luôn trở thành tâm điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa như trình diễn nghệ thuật thư pháp Hán Nôm, đàm đạo văn hóa trà, bình thơ, đánh cờ, trưng bày tranh Hàng Trống, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật về Thăng Long Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, biểu diễn ca trù, ả đào, hát xẩm, ngâm thơ…
Song song với các hoạt động tái hiện lại đời sống sinh hoạt, văn hóa của người Hà Nội giai đoạn cận đại và nay, thì ban tổ chức còn xây dựng các tour khám phá điểm đến dành cho đại biểu và du khách như tour thăm các điểm di tích Hà Nội: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc, phố cổ Hà Nội, Thăng Long tứ trấn…; tour thăm quan một số làng nghề truyền thống: lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh…; tour du lịch sinh thái, võ thuật, bảo tàng, làng văn hóa…; tour du lịch khám phá hành trình kinh đô Việt cổ…
Chương trình biểu diễn nghệ thuật khai mạc và bế mạc Festival
Trên thực tế, đánh giá thành công hay thất bại của một kỳ Festival du lịch lại phụ thuộc rất nhiều vào quy mô tổ chức, chất lượng, sự sáng tạo, thông điệp của chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và việc ứng dụng công nghệ vào sân khấu, kỹ xảo âm thanh, ánh sáng, laze, nhạc nước, pháo hoa và công nghệ 3D mapping… cùng kỹ năng tổ chức sự kiện.
Điểm nhấn của Festival du lịch Hà Nội 2003 là đêm nghệ thuật khai mạc tối ngày 15-11-2003 với màn hoạt cảnh Trả gươm diễn ra trên mặt hồ Hoàn Kiếm diễn tả lại cảnh vua Lê trao trả gươm báu cho rùa thần và dự lễ Tịch điền trong màn múa Ngày mùa quê hương. Sự tái hiện tích này nhằm giới thiệu truyền thống, lịch sử của đất nước, dân tộc, đồng thời tôn vinh văn hóa Hà Nội, khẳng định tiềm năng du lịch của thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngay sau màn hoạt cảnh trả gươm là các lễ rước mang đậm nét văn hóa truyền thống như rước bánh chưng, bánh dày, đi cà kheo… Bế mạc Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2003 là chương trình nghệ thuật diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Thông thường lễ bế mạc sẽ được tổ chức gọn nhẹ hơn, chủ yếu là tổng kết công tác tổ chức, ghi nhận và trao kỷ niệm chương cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp và một chương trình nghệ thuật đặc sắc kéo dài khoảng 40 phút khép lại Festival du lịch.
Festival du lịch quốc tế Hà Nội 2005 với chủ đề Nhịp cầu hữu nghị, đã được trình diễn dưới dạng nghệ thuật sân khấu hóa theo từng phần kết nối xuyên suốt với nhau. Mở đầu đêm khai mạc là màn múa Hà Nội rực rỡ muôn hoa của 40 thiếu nữ cầm hoa sen, hoa đào cùng 20 cô gái trang phục áo dài trở thành cụm tròn ở trung tâm, quy tụ những cánh hoa quanh mình trong đoạn múa duyên dáng mềm mại… Đêm khai mạc gồm 3 phần chính: phần I của chương trình có tên Hà Nội ngàn năm văn hiến với nhiều tiết mục như múa đài sen trong tiếng chuông ngân, tiết mục Hương Sen và hồn thơ tiến sĩ…; phần II mang tên Hà Nội miền đất yên bình với các tiết mục múa Hồ Gươm làn nước xanh yên bình, Làng nghề sức sống cộng đồng đã mang đến nhiều sắc thái tuy mới nhưng vẫn giữ âm hưởng dân gian; phần III với tên gọi Hà Nội tụ hội bốn phương, tình người nồng thắm với các tiết mục Hà Nội nơi hội tụ bốn phương, Hà Nội khúc hoan ca đất Việt… Màn múa kết thúc festival với không khí nhộn nhịp của thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước đang mở rộng đón bạn bè đến với Việt Nam.
Festival du lịch quốc tế Thăng Long, Hà Nội 2010 là một trong những sự kiện lớn nhất Năm du lịch quốc gia, nằm trong 10 ngày Đại lễ nên chương trình khai mạc được đầu tư lớn về quy mô và chất lượng nghệ thuật. Thông điệp của chương trình khai mạc là Bắc nhịp cầu văn hóa du lịch vì hòa bình và phát triển. Mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội .
Mở đầu đêm khai mạc là bản hùng ca hoành tráng về sự tích Đức Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về đất rồng bay, được tái hiện sinh động qua màn trình diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội. Tiếp theo là dàn múa với 200 cánh sen lớn đón chào du khách. Màn trình diễn âm thanh đồng vọng giới thiệu về một loại ngôn ngữ giao lưu đầu tiên của loài người là tiếng sáo do các nghệ sĩ đại diện cho các nước bạn cùng thổi sáo với nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn. Màn biểu diễn nói về hoa sen, đàn bầu, sáo trúc và những thanh âm của các di sản âm nhạc dân tộc được bạn bè quốc tế công nhận như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hay màn hòa tấu trống đồng ngân vang trên sân khấu. Màn biểu diễn võ sáo để lại ấn tượng về một loại võ cổ truyền dân tộc gắn với cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. Dưới mặt hồ diễn ra các loại hình du lịch sông nước phục vụ khách du lịch như hò sông Hương, hò Đồng Tháp, thi thổi cơm trên thuyền thúng… Một trong những màn biểu diễn gây ấn tượng là ca khúc Hello Việt Nam của 3 ca sĩ đến từ Philippines. Khép lại chương trình là bài hát We are the world do các nghệ sĩ nổi tiếng trong trang phục hình nộm ngộ nghĩnh, khổng lồ từ sân khấu tràn xuống mặt nước vẫy tay chào du khách, kết hợp với màn nhạc nước đặc sắc và màn bắn pháo hoa ấn tượng tỏa sáng trên bầu trời như lời chào mừng của Hà Nội đối với bạn bè quốc tế đến với Đại lễ 1000 năm Thăng Long và Năm Du lịch quốc gia 2010.
Lễ bế mạc và tiệc chia tay khép lại 4 ngày hoạt động sôi nổi đầy ý nghĩa của lễ hội được tổ chức vào chiều 5-10-2010. Lễ bế mạc diễn ra trong không khí ấm cúng, thân thiện với sự tham gia của tất cả các thành viên ban tổ chức, nhà tài trợ, đại diện khách quốc tế, các đơn vị tham gia. Sau phần cảm ơn và trao kỷ niệm chương ghi nhận công sức đóng góp cho các tổ chức, cá nhân là chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Việt Nam, Toulouse (Pháp) cùng biểu diễn.
Festival du lịch Hà Nội được tổ chức từ năm 1999, trải qua nhiều thay đổi trong cơ cấu tổ chức từ việc hợp nhất ngành du lịch Hà Nội với Hà Tây nên mặc dù đã tạo được tiếng vang nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được một sự kiện mang tầm quốc tế. Festival du lịch Hà Nội đang trên đường tìm cho mình một hướng đi riêng để có thể phát huy tối đa hiệu quả là một sự kiện mũi nhọn quảng bá cho ngành du lịch thủ đô. Với những gì đã đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định trong tương lai Festival du lịch Hà Nội sẽ trở thành một sự kiện thường niên với những cải tiến mới về cách làm, phong phú, đặc sắc hơn về nội dung và mang lại hiệu quả hơn cho ngành du lịch thủ đô.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : NGÔ ÁNH HỒNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn